Nghệ thuật biểu diễn ca Huế và dân ca Huế (gọi chung là ca Huế) hiện nay đã không còn xa lạ với du khách thập phương khi đặt chân đến vùng đất kinh kỳ. Những năm đầu thập niên 80 TK XX, ca Huế được đưa vào biểu diễn một cách tự phát theo nhu cầu của khách du lịch. Đến nay, ca Huế đã được quản lý và tổ chức biểu diễn bài bản, quy mô và chuyên nghiệp hơn. Muốn giữ gìn và phát triển ca Huế hơn nữa, cần có những giải pháp cụ thể để quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn ca Huế trong phát triển du lịch ở thành phố này.
1. Khái lược về hình thành và phát triển của ca Huế
Ca Huế là loại hình âm nhạc cổ truyền được hình thành và phát triển lâu đời. Tuy nhiên, nguồn gốc và thời điểm ra đời vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Dựa trên những cứ liệu lịch sử, mỗi học giả đều có những nhận định riêng, ý kiến riêng.
Văn Lang trong Ca Huế và ca kịch Huế đã nêu ý kiến về nguồn gốc và thời điểm ra đời của ca Huế: “Nếu xác định rằng, dưới triều Lý, hát tuồng đang trên đường hình thành mà nhạc tuồng là xuất phát từ nhạc cung đình, thì chúng ta có thể nói nhạc cung đình phải hình thành trước đó, ít nhất cũng từ TK X. Do vậy, cho phép chúng tôi được nói, ca nhạc Huế (tức ca nhạc cổ truyền) cũng bắt nguồn từ đấy. Cứ thế, ca nhạc cổ truyền được phát triển qua nhiều triều đại với nhiều thế kỷ, và cuối cùng quy tụ lại trên mảnh đất Thuận Hóa” (1). Để đưa ra những nhận định như vậy, tác giả đã dựa vào sự kiện Nguyễn Hoàng, con trai của Nguyễn Kim xin Chúa Trịnh vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558) và trấn thủ Quảng Nam (năm 1570). Ngoài ra, ông cũng cho rằng, từ TK XVII, họ Nguyễn ở Đàng Trong đã đẩy mạnh công cuộc khai hoang với điều kiện kinh tế ở Thuận Hóa ngày càng được phát triển, đồng thời gặp mảnh đất giàu có về thơ ca đầy chất trữ tình, ca nhạc cổ sau khi quy tụ ở đây càng có điều kiện phát triển phong phú, dần dần được hình thành rõ nét và trở nên hoàn chỉnh. Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thái Văn Kiểm khi bàn về nguồn gốc của ca Huế đã có chung nhận định rằng, các điệu ca Huế được hình thành dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) (2). Lê Văn Hảo trong Huế giữa chúng ta lại cho rằng: “Thời kỳ hình thành và bước đầu phát triển của ca nhạc Huế là vào khoảng từ cuối TK XVII đến cuối TK XVIII. Giữa TK XVIII, ca múa nhạc đã phát triển phong phú tại đô thành Phú Xuân” (3).
Từ năm 1570-1691, thủ phủ của các chúa phải di dời liên tục từ Ái Tử đến Phú Xuân và chiến tranh kéo dài hàng chục năm với chúa Trịnh. Trong bối cảnh như vậy, để hình thành và phát triển một loại hình âm nhạc tao nhã là không thể. Mãi đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) kế vị, là vị chúa mộ đạo, có tài văn chương, ham mê nghệ thuật lại ở ngôi 34 năm nên có đủ thời gian và điều kiện để nuôi dưỡng và phát triển ca Huế. Giả thuyết cho rằng, ca Huế hình thành dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu là có cơ sở. Nghiên cứu về nguồn gốc của ca Huế, có rất nhiều tác giả đưa ra luận giải sự ra đời của loại hình dân ca này, đa số thống nhất ca Huế hình thành vào cuối TK XVII, đầu TK XVIII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).
Xét về hình thức sinh hoạt, ca Huế và ca trù có nhiều điểm tương đồng. Hai loại hình này đều bắt nguồn từ những lối ca vũ trong cung vua chúa thời xưa. Lối hát ả đào có từ đời Lý, thuở ấy những người đi hát gọi là con hát (chữ Hán là xướng nhi hoặc ca nữ). Thể thức, cách thưởng ngoạn ca trù cũng như ca Huế, ca nhi ngồi mà hát, nhạc công đàn. Số khách thưởng ngoạn không nhiều, chỉ một số bạn hữu, tao nhân, trí thức, lại tổ chức hát trong nhà. Do hoàn cảnh lịch sử, muốn chứng tỏ tinh thần độc lập ở một vùng văn hóa khác biệt với chúa Trịnh ở miền Bắc nên ngoài việc đề ra một số chính sách, các chúa Nguyễn hết lòng cổ xúy cho nghệ thuật ca Huế, một thú thưởng ngoạn tao nhã ở chốn kinh kỳ của tầng lớp thống trị. Về sau, ca Huế ngày càng thịnh đạt, lại ảnh hưởng lan ra Bắc, vào Nam.
2. Vai trò của ca Huế trong hoạt động du lịch
Trong các hình thức quảng bá, có lẽ việc sử dụng sản phẩm văn hóa địa phương là phương thức mang lại hiệu quả cao nhất. Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, số khách đến với Huế tăng lên hằng năm, từ 2,4 triệu lượt khách (năm 2012) đã lên đến 4,8 triệu lượt khách (năm 2019). Ngoài ra, từ hoạt động biểu diễn trên sông Hương, nhiều nhóm ca sĩ được mời tham gia tại các lễ hội trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Mỹ… đó cũng là cách để quảng bá hình ảnh Huế đến bạn bè quốc tế.
Ca Huế cần có một cơ chế quản lý riêng để phát huy hiệu quả
Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Có thể nói, ca Huế đã góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Hầu hết các tour du lịch đến Huế đều có chương trình nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch. Chương trình này như một sự mặc định của tất cả đơn vị kinh doanh du lịch khi tổ chức đưa các đoàn khách đến Huế.
Bên cạnh đó, ca Huế góp phần tăng số ngày lưu trú của khách tại Huế. Trước khi ca Huế được đưa vào phục vụ du lịch thì sản phẩm du lịch Huế chủ yếu là tham quan các công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô. Các chương trình này đã được ấn định thời gian cho khách lưu lại ở Huế bình quân khoảng 3 ngày 2 đêm, thì hiện nay số ngày lưu trú tại Huế đã tăng lên bình quân là 4 ngày 3 đêm để khách du lịch có thời gian thưởng thức ca Huế. Việc tăng số ngày lưu trú đồng nghĩa với việc du khách phải sử dụng thêm các dịch vụ khác của ngành Du lịch.
3. Thực trạng công tác quản lý hoạt động biểu diễn ca Huế trong du lịch ở thành phố Huế
Chất lượng đội ngũ diễn viên, nhạc công
Nếu như trước đây, đa số diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn được đào tạo theo hình thức truyền nghề, chưa qua các lớp đào tạo và chưa được thẩm định để cấp giấy phép biểu diễn, thì ở giai đoạn từ năm 1995 đến 2016, hầu hết đã được đào tạo chính quy từ trung cấp đến cao đẳng về chuyên ngành biểu diễn ca Huế và đã được thẩm định bởi Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao).
Đối tượng được cấp giấy phép biểu diễn ca Huế gồm: “NSND, NSƯT, nghệ nhân là các diễn viên, nhạc công ca Huế; giáo viên, giảng viên đang giảng dạy về chuyên ngành Ca Huế, nhạc công truyền thống Huế tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và tại Học viện Âm nhạc Huế (có thời hạn từ hai năm trở lên); diễn viên đạt huy chương vàng, huy chương bạc ca Huế tại các liên hoan, hội diễn khu vực và toàn quốc; người có bằng tốt nghiệp đạt loại khá chuyên ngành nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế, Âm nhạc truyền thống Huế từ trung cấp trở lên; người được Hội đồng thẩm định nghệ thuật của Sở VHTTDL đề nghị cấp phép biểu diễn ca Huế trên sông Hương” (4).
Căn cứ các tiêu chuẩn này, đến năm 2012, Sở Văn hóa và Thể thao đã cấp giấy phép biểu diễn cho hơn 500 diễn viên, nhạc công thuộc đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng chuyên ngành Ca Huế và Ca kịch Huế, giáo viên, giảng viên chuyên ngành Ca Huế, Âm nhạc truyền thống Huế và những người theo hình thức truyền nghề. Tuy vậy, số diễn viên, nhạc công thuộc đối tượng được đào tạo chính quy từ Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Học viện Âm nhạc Huế khá thấp so với đối tượng học theo hình thức truyền nghề. Họ là những người thuộc các thành phần như: con em của các gia đình truyền thống theo nghề, các cán bộ văn phòng, những sinh viên các ngành ra trường chưa có việc làm, thậm chí một số ít là tiểu thương… Đội ngũ này chưa được đào tạo chính quy về chuyên ngành mà chủ yếu là tự học theo hình thức truyền nghề nên trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế.
Tuy vậy, từ năm 2016 đến nay, việc thẩm định cấp phép biểu diễn cho diễn viên, nhạc công đã được bãi bỏ. Đây là một vấn đề đặt ra cho công tác quản lý hoạt động biểu diễn ca Huế trong giai đoạn hiện nay.
Chất lượng biểu diễn ca Huế
Sau một thời gian ổn định, chất lượng biểu diễn của ca Huế trên sông Hương lại được đề cập đến trong nhiều hội nghị cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có hai nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này:
Thứ nhất, sự thay đổi cơ chế và mô hình quản lý. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động tổ chức, biểu diễn đối với ca Huế không được chủ động, thường xuyên như trước đây. Điều đó dẫn đến việc các chương trình biểu diễn không được thực hiện nghiêm túc theo chương trình đã được ban hành. Đơn vị quản lý ngưng việc phát nội dung chương trình đến du khách, nên việc kiểm soát rất khó thực hiện. Chất lượng chương trình vì vậy không được đảm bảo, gây bất bình cho du khách.
Thứ hai, vấn đề an ninh trật tự. Một xuất diễn được tổ chức chu đáo đến mấy, diễn viên chất lượng và chấp hành tốt các quy định đến đâu cũng không thể tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn hảo nếu như không giải quyết triệt để các yếu tố có liên quan trực tiếp như: an ninh trật tự, thuyền trưởng, thuyền viên, người phục vụ trên thuyền…
Công tác phối hợp và vấn đề an ninh trật tự
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây dựng các quy định chuẩn mực về phong cách, tác phong, ứng xử, trang phục cho các lực lượng tham gia vào hoạt động ca Huế, phù hợp với loại hình nghệ thuật và thuần phong mỹ tục Việt Nam…; thẩm định và cấp phép tổ chức biểu diễn cho các đơn vị tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định hiện hành; ban hành quy chế quản lý diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế…
Công an Tỉnh: tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự tại các bến thuyền du lịch phục vụ ca Huế và trên sông Hương; phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành VHTTDL, Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương…
Sở Giao thông Vận tải: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác đăng kiểm thuyền du lịch và tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thuyền du lịch tham gia phục vụ ca Huế trên sông Hương theo quy định hiện hành.
UBND thành phố Huế: Chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, nhằm lập lại trật tự văn minh đô thị tại các bến thuyền du lịch…
Mặc dù đã có những phân công trách nhiệm như trên, nhưng việc triển khai vẫn chưa đồng bộ, tình trạng an ninh trật tự trên bến, trên sông, trên thuyền vẫn còn phức tạp.
Từ khi bãi bỏ quy định thẩm định và cấp thẻ biểu diễn ca Huế đối với diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn phục vụ du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ thẩm định và cấp giấy phép đối với chương trình biểu diễn. Điều này, vô hình trung đã đưa ca Huế – một hoạt động văn hóa đặc thù trở về thời kỳ đầu những năm 1990, tái diễn tình trạng không thống nhất về hình thức tổ chức, nội dung biểu diễn và nhiều vấn đề an ninh trật tự khác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng biểu diễn ca Huế phục vụ du lịch trên địa bàn.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động biểu diễn ca Huế trong du lịch ở thành phố Huế
Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý
Quản lý biểu diễn ca Huế là một hoạt động nhạy cảm, có liên quan đến nhiều ngành, đơn vị, địa phương, khách du lịch và đặc biệt là lợi ích của nhiều thành phần rất phức tạp như chủ thuyền vận tải du lịch, diễn viên, nhạc công…; thiết chế văn hóa, cơ chế và mô hình quản lý hiện nay chưa được hoàn thiện; ca Huế lại là một loại hình nghệ thuật truyền thống có lịch sử phát triển lâu đời trải qua nhiều quá trình lịch sử đòi hỏi phải tìm tòi, nghiên cứu mới nắm bắt được đặc trưng, cơ cấu cũng như các hình thức diễn xướng của nó… Do đó, cán bộ quản lý biểu diễn ca Huế không chỉ đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, tâm huyết, khôn khéo, linh hoạt, năng động trong công tác quản lý mà còn đòi hỏi phải am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý là nhân tố rất quan trọng góp phần vào hiệu quả công tác quản lý.
Từ năm 2005, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) để trực tiếp, quản lý và điều hành các hoạt động biểu diễn ca Huế. Đến năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định giải thể đơn vị này. Công tác quản lý hoạt động biểu diễn ca Huế được Sở Văn hóa và Thể thao trực tiếp quản lý mà cụ thể là phòng Quản lý Văn hóa. Cơ chế này được thực hiện như giai đoạn trước năm 2005. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay nhìn chung chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trong khi đó, ca Huế là một loại hình nghệ thuật đặc thù, hoạt động trong một cơ chế phức tạp nên cần những người am hiểu, có chuyên môn đối với loại hình nghệ thuật này mới có thể mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý. Do đó, cần tăng cường cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đơn vị quản lý để ổn định hoạt động lâu dài và đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao.
Như vậy, để đáp ứng được công tác quản lý đối với biểu diễn ca Huế – một hoạt động vốn nhiều phức tạp cần có sự bổ sung về cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực ca Huế cũng như các chính sách đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý đối với đội ngũ công tác phục vụ hoạt động này.
Cần thiết duy trì và hoàn thiện quy trình thẩm định, cấp giấy phép biểu diễn ca Huế
Ca Huế là một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù nên cần có một cơ chế quản lý riêng để phát huy hiệu quả trong công tác giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Việc duy trì và hoàn thiện quy trình thẩm định, cấp phép biểu diễn ca Huế là một giải pháp cần thiết.
Cần rà soát và xem xét đưa ra những tiêu chí để thẩm định lại đối với các diễn viên, nhạc công đã được cấp giấy phép mà chưa qua đào tạo chính quy về chuyên ngành Ca Huế. Đó là những người tự học theo hình thức truyền nghề. Hội đồng thẩm định cần đưa ra tiêu chí về chấm điểm, có điểm trừ (-) đối với một số lỗi cơ bản như kỹ năng diễn xuất, phong cách biểu diễn, kỹ thuật luyến láy… Thành viên trong Hội đồng thẩm định cần được thay đổi và không công khai lịch tham gia thẩm định để hạn chế việc gửi gắm, thiên vị… Các thành viên của Hội đồng thẩm định chấm điểm độc lập không có sự trao đổi về số điểm. Quy định mức điểm chênh lệch sẽ bị hủy bỏ. Ngoài ra, cần ứng dụng khoa học công nghệ như phần mềm tự động đối với các phần thi bốc thăm, bắt buộc, chỉ định…
Đối tượng được tham gia thẩm định bắt buộc phải học qua một khóa đào tạo ngắn hạn, ít nhất là ba tháng về chuyên ngành Ca Huế và một số chuyên đề liên quan như: kỹ năng biểu diễn, kỹ năng giao tiếp, kiến thức về lịch sử và văn hóa Huế… tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.
Đối với nhiều du khách, đội ngũ diễn viên, nhạc công được xem như đại diện cho “bộ mặt” của văn hóa Huế. Do đó, những người tham gia trong lĩnh vực này cũng cần có sự lựa chọn nhất định. Chính quyền địa phương cần quy định độ tuổi diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn nhằm xây dựng một đội ngũ phù hợp, vừa đảm bảo độ chín chắn về mặt chuyên môn, vừa đảm bảo về mặt hình thức.
Đội ngũ diễn viên, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế được xem như những “sứ giả” của văn hóa Huế, bởi họ là những người trực tiếp mang loại hình nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Huế đến với du khách thập phương. Do đó, việc trang bị kiến thức về lịch sử, thấm nhuần văn hóa Huế cho đội ngũ này là một giải pháp quan trọng và cần thiết. Đây cũng là một yếu tố góp phần vào việc nâng cao ý thức, tự giác trong việc trân trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa Huế.
Đào tạo kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử đối với lực lượng phục vụ thuyền vận tải du lịch
Chính quyền và ngành chức năng của địa phương cũng cần có những kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa đối với đội ngũ này. Công việc đào tạo bồi dưỡng cần được thực hiện định kỳ sáu tháng hoặc hằng năm, có tổ chức sát hạch, đánh giá phân loại và chỉ cấp chứng nhận cho những thuyền trưởng, thuyền viên đủ điều kiện tham gia vào phục vụ du lịch nói chung và biểu diễn ca Huế nói riêng. Làm được điều đó sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ và làm trong sạch môi trường biểu diễn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi đến tham quan du lịch tại thành phố Huế.
Chế độ thù lao đối với diễn viên, nhạc công, thuyền vận tải
Các chính sách về các chế độ thù lao, mức phí vận tải có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng biểu diễn và ý thức chấp hành của diễn viên, nhạc công và các thành phần khác tham gia phục vụ biểu diễn ca Huế. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều văn bản quy định mức thù lao đối với diễn viên, nhạc công. Tuy nhiên, quy định mức thù lao này là quá thấp, không phù hợp. Điều này đã tác động đến ý thức và tinh thần biểu diễn phục vụ của diễn viên, nhạc công. Bên cạnh đó, mức phí áp dụng cho thuyền vận tải phục vụ du lịch vẫn còn thấp và chưa có quy định riêng đối với việc vận tải phục vụ biểu diễn ca Huế.
Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 62/2020/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, mức thù lao diễn viên và thuyền vận tải không được quy định tại Quyết định này mà được thực hiện theo thị trường. Do đó, mức thù lao của diễn viên, nhạc công hiện nay không có sự thống nhất. Chủ thuyền du lịch thì tự ý nâng mức giá không theo một quy định nào hoặc tìm kiếm nguồn thu nhập tăng thêm từ các hoạt động khác. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu ban hành mức thù lao đối với diễn viên, nhạc công và mức phí thuyền vận tải du lịch nói chung và vận tải phục vụ biểu diễn ca Huế nói riêng, phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Đây là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng cò mồi, chèo kéo khách, chở ghép khách quá trọng tải của các thuyền tham gia phục vụ hoạt động biểu diễn ca Huế.
Thành lập đội công tác liên ngành
Dù đã quy định rõ trách nhiệm, nhưng các ngành, đơn vị liên quan không tổ chức kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm nằm trong phạm vi trách nhiệm của mình một cách thường xuyên nên công tác quản lý biểu diễn ca Huế bị rời rạc, không đồng bộ khiến cho những vấn đề bất cập không được giải quyết dứt điểm. Do đó, song song với việc hoàn thiện thiết chế, mô hình quản lý, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần thành lập một đội công tác liên ngành gồm các thành viên thuộc các đơn vị liên quan gồm: Sở VHTTDL, Công an thành phố Huế, cảnh sát giao thông đường thủy, Ban quản lý bến thuyền… Đội công tác liên ngành phải xây dựng quy chế hoạt động có tính ràng buộc về mặt pháp lý, hoạt động thường xuyên và chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm những tồn tại thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho đến khi các hoạt động đi vào ổn định. Chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí đối với đội công tác liên ngành bằng ngân sách của địa phương hoặc bằng nguồn thu từ hoạt động biểu diễn ca Huế.
Có thể nói, biểu diễn ca Huế là một loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất cố đô, mang tính tri âm, tri kỷ có nguồn gốc ra đời từ sự kết hợp giữa cung đình và dân gian để phục vụ cho giới hoàng tộc, cho những tao nhân mặc khách dưới chế độ phong kiến. Dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng ca Huế vẫn tồn tại và phát triển, khẳng định được vị thế của mình cho đến ngày nay. Để biểu diễn ca Huế trở thành một sản phẩm hoàn thiện, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thì địa phương cần xây dựng những giải pháp tối ưu nhằm giữ gìn và phát triển ca Huế trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh đó, cần hạn chế những quan điểm chủ quan mang tính cá nhân, lý thuyết, những lợi ích cục bộ. Đồng thời, cần giải quyết đồng bộ, thường xuyên, triệt để các mối quan hệ về lợi ích của các ngành, đơn vị, cá nhân liên quan.
______________
1. Văn Lang, Ca Huế và ca kịch Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.9-10.
2. Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Bán buồn mua vui, Khánh Quỳnh xuất bản, 1942, tr.5 và Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1960, tr.186-187.
3. Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nxb Thuận Hóa, 1984.
4. Quyết định số 1782/2009/QĐ-uBND Quy định về hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương do uBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành.
Tài liệu tham khảo
1. Nhất Chi Mai, Ca Huế – Hành trình tìm lại tầm cao vốn có, Báo Thừa Thiên Huế, 3-7-2007.
2. Quyết định số62/2020/QĐ-uBND về Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do uBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành.
3. Trọng Bình, “Sân khấu nổi” ca Huế trên sông Hương: Những “điệu hò lạc giọng”, Báo Bảo vệ Pháp luật, 16-11-2007.
NGUYỄN VĂN MÃI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?