Đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực
là vấn đề đang được quan tâm của du
lịch tỉnh Nghệ An, nhất là trước yêu
cầu phát triển và bối cảnh hội nhập
quốc tế hiện nay. Công tác phát triển
nhân lực của ngành Du lịch Nghệ An
trong những năm qua mặc dù đã đạt
được những kết quả nhất định, nhưng
vẫn còn một số bất cập và hạn chế.
Do đó, đào tạo nguồn nhân lực có
chất lượng đáp ứng yêu cầu phát
triển du lịch đang là bài toán cần có
lời giải đáp của tỉnh Nghệ An.
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về triển khai nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngành Du lịch Nghệ An cũng ban hành Kế hoạch số 166/KH – SDL để thực hiện chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh. Việc đầu tư phát triển du lịch đã được Tỉnh ủy lãnh đạo các địa phương và các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. Du lịch Nghệ An đặt mục tiêu: phát huy tiềm năng, lợi thế để tạo bước phát triển đột phá…; phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của cả nước với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa; có môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GDP của tỉnh từ 9-10% (1).
Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được tỉnh Nghệ An xác định là một trong những yếu tố then chốt, là chìa khóa để mở ra cơ hội bứt phá, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được thể hiện trên nhiều phương diện, bao gồm trình độ văn hóa, trình độ đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng thông tin, sức khỏe… Du lịch là lĩnh vực có tính liên ngành và tính xã hội hóa cao cho nên ngoài trình độ chuyên môn du lịch, người lao động phải được đào tạo các chuyên môn khác như văn hóa, ngoại ngữ, kinh tế, tài chính, địa lý… Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch.
Ngày 19-12-2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 5579/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch. Với sự chung sức và vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý du lịch các cấp, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, những năm qua đội ngũ lao động có bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống trường có đào tạo nghề du lịch phát triển khá nhanh, chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện. Tính đến năm 2019, nhân lực làm việc trong ngành Du lịch ở tỉnh Nghệ An có hơn 15.000 người. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 7 cơ sở đào tạo về du lịch, trong đó có 3 trường đại học (Đại học Vinh, Đại học Công nghiệp Vinh, Đại học công nghệ Vạn Xuân), 3 trường cao đẳng (Cao đẳng nghề Du lịch Thương mại Nghệ An, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, Cao đẳng nghề kinh tế-kỹ thuật số 1), 1 trường trung cấp (Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam) với gần 100 giảng viên tham gia giảng dạy tại các trường. Hằng năm, cung cấp hàng trăm sinh viên cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Theo số liệu của Sở Du lịch Nghệ An, giai đoạn 2013-2018 số lượng lao động cả trực tiếp và gián tiếp trong ngành tăng bình quân 7-8%/năm. Số lao động trẻ được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn (gần 50%). Trong đó, cơ sở lưu trú du lịch chiếm 65%, nhà hàng 30%, còn lại là lữ hành, vận chuyển, các điểm tham quan, cơ sở đào tạo du lịch, đơn vị hành chính sự nghiệp (2). Công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực được tăng cường, trong đó Sở Du lịch tỉnh đã tổ chức tốt các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về marketing du lịch, nghiệp vụ buồng, lễ tân… cho gần 600 cán bộ và công nhân lao động trong ngành; hoàn thiện báo cáo kết quả điều tra nguồn nhân lực du lịch năm 2018. Tổ chức 2 hội thi cấp tỉnh: hội thi nghiệp vụ chế biến món ăn giỏi và hội thi hướng dẫn viên du lịch cấp tỉnh năm 2019 (3). Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, có thể thấy hiện nay số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Nghệ An vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành Du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Việc đào tạo lao động cho ngành Khách sạn, du lịch cũng có nhiều bất cập, không sát với thực tế, kỹ năng hành nghề kém, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được, tỷ lệ được đào tạo chuyên sâu còn thấp. Sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp du lịch thường phải đào tạo lại (kể cả lao động đã có bằng cấp) theo đúng yêu cầu, gây khó khăn về thời gian và kinh phí. Lực lượng lao động trẻ thiếu những yếu tố như: các kỹ năng mềm, sự kiên trì, chịu khó. Thường sau khi được tuyển dụng, thay vì nỗ lực để hoàn thành công việc, họ chỉ chú trọng vào lương bao nhiêu và sẵn sàng “nhảy việc” khi có nơi trả lương cao hơn.
Khó khăn nhất của ngành Du lịch tỉnh Nghệ An hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ, tiêu chuẩn đầu ra của các trường đào tạo đều nằm dưới chuẩn. Nhân lực ngành Du lịch còn thiếu và yếu về nghiệp vụ lẫn kỹ năng, thái độ phục vụ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh du lịch trên địa bàn, nhất là cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-5 sao… Tỉnh Nghệ An hiện có hơn 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề và được cấp thẻ, tuy vậy còn nhiều hướng dẫn viên du lịch chưa đạt chuẩn ngoại ngữ (4).
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo về du lịch chưa đi sâu vào kỹ năng nghiệp vụ, còn nặng về lý thuyết; thời gian thực tập tại các doanh nghiệp du lịch của sinh viên còn ít; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp… Sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân dẫn tới lao động ngành Du lịch đã qua đào tạo không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tính chất mùa vụ trong kinh doanh du lịch, nhất là khu vực ven biển, mùa cao điểm chỉ có 4 tháng/năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ cũng như tính chuyên nghiệp của đội ngũ lao động.
Hiện nay, trước bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng lao động nói chung và lao động trong ngành Du lịch tỉnh Nghệ An nói riêng. Đó là yêu cầu về kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông, khả năng ứng dụng công nghệ vào ngành Du lịch, năng lực tiếp cận và thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ số, về một số xu hướng du lịch mới. Trước những thách thức đặt ra hiện nay khi ngành du lịch cả nước cũng như du lịch tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài giải pháp khắc phục khó khăn, chung tay ngăn chặn dịch bệnh, từng bước tính t n cơ cấu lại thị trường du khách thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch càng được chú trọng để phục hồi và phát triển bền vững du lịch. Trong đó, cần quan tâm thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Festival văn hóa ẩm thực du lịch quốc tế Nghệ An – Ảnh tư liệu: Quỳnh Trang
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của các tổ chức, lực lượng về vị trí, vai trò của du lịch và nguồn nhân lực ngành Du lịch đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận vào cuộc của chính quyền các cấp, ngành Du lịch và sự tham gia của mọi người đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch Nghệ An. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả các cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh. Có chính sách thu hút đầu tư, hợp tác liên kết nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo du lịch đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch chuyên nghiệp và đẳng cấp. Thực hiện đãi ngộ tốt và có cơ chế thu hút hiền tài cho ngành Du lịch. Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp du lịch. Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước gắn với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác đào tạo. Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với người lao động trong ngành, có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong công việc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn. Tăng cường sử dụng thương mại điện tử, đẩy mạnh các loại hình kinh doanh trực tuyến, hình thành và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống nhiều sàn giao dịch du lịch điện tử; khuyến khích khách du lịch sử dụng các dịch vụ trực tuyến du lịch.
Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Cơ sở đào tạo cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mời các chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trong hoặc ngoài tỉnh tham gia giảng dạy nhằm giúp sinh viên bám sát thực tế, hướng tới đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, khuyến khích hình thức đào tạo theo địa chỉ. Gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành cũng như kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng xử lý công việc nhằm đảm bảo nguồn nhân lực vừa chắc chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nghề du lịch, vừa chắc kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong tỉnh theo tiêu chuẩn quốc gia và thông lệ quốc tế; lựa chọn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề du lịch có chất lượng trên cơ sở đào tạo đội ngũ giảng viên, hoàn thiện hệ thống giáo trình đạt chuẩn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ học tập và thực hành nghề. Xây dựng cơ sở đào tạo một cách hệ thống gồm dạy nghề, đào tạo các cấp từ trung cấp đến đại học về du lịch. Thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam. Sở Du lịch cần nghiên cứu, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường chuyên nghiệp trên địa bàn mở thêm mã ngành đào tạo về du lịch (từ trung cấp trở lên), đảm bảo tính chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch. Hoạt động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho lao động đã được tuyển dụng trong các đơn vị sử dụng lao động cần được thực hiện thường xuyên để củng cố và không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, ý thức nghề nghiệp, kỹ năng, tính chuyên nghiệp. Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cán bộ quản lý du lịch, nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, lễ tân khách sạn… Thông qua việc kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế để mở các lớp đào tạo theo hình thức phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo nhân sự phục vụ công tác xúc tiến và tư vấn hỗ trợ khách du lịch. Tổ chức định kỳ ngày hội việc làm du lịch để giúp thị trường nhân sự du lịch phát triển lành mạnh, đúng hướng. Thành lập các diễn đàn dành cho đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để đối thoại và trao đổi các vấn đề về nhân lực du lịch trước yêu cầu thực tế hiện nay.
Đầu tư kinh phí để tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa – du lịch các địa phương trên địa bàn Nghệ An. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh du lịch, nhất là đội ngũ giám đốc các khách sạn nhỏ và vừa; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ và văn hóa giao tiếp ứng xử cho đội ngũ cán bộ và nhân viên trong các cơ sở kinh doanh du lịch, trọng tâm là thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn theo bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch, bộ tiêu chí ứng xử văn minh trong du lịch đã được ban hành. Đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật chế biến món ăn… Đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia và thông lệ quốc tế. Phối hợp tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch cấp tỉnh và tham gia các hội thi cấp quốc gia do Tổng cục Du lịch tổ chức. Có cơ chế bồi dưỡng, đào tạo các nghệ nhân trẻ có tay nghề để bảo tồn, duy trì, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng cho cộng đồng dân cư tại các bản làng, các điểm du lịch.
Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển. Tham khảo học tập kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương trong nước và một số quốc gia trên thế giới, trong đó có kinh nghiệm về xã hội hóa, đào tạo nhân lực ngành Du lịch; cách quản lý, triển khai các chương trình, dự án trong du lịch, cách quản lý chất lượng nhân lực; cách thức đào tạo và tuyển sinh lao động trong ngành Du lịch.
Một trong những vấn đề lớn mà ngành Du lịch Nghệ An đang đối mặt chính là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy, cần có các giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch tỉnh Nghệ An trong những năm tới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, luôn là vấn đề khó nếu thiếu các yếu tố cơ bản, bao gồm hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, nhận thức và sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, vai trò động lực của doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người dân tham gia hoạt động du lịch. Đồng thời, các yếu tố này phải được vận hành và chuyển động một cách hài hòa, xuyên suốt, nhất quán và hiệu quả. Có như vậy, nguồn nhân lực mới bảo đảm cả về lượng và chất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Du lịch Nghệ An trong bối cảnh hiện nay.
________________
1. Tỉnh ủy Nghệ An, Chương trình hành động số 55-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2030, 2018.
2. Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, Báo cáo thực trạng nguồn nhân lực du lịch Nghệ An (tài liệu phục vụ buổi làm việc với các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch ngày 12-10-2018).
3, 4. Sở Du lịch tỉnh NghệAn, Báo cáo tình hình hoạt động du lịch năm 2019 và kế hoạch phát triển du lịch năm 2020.
Tác giả: Hồ Bá Tú
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?