Di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Để nâng cao chất lượng bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng DSVH thế giới thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển DSVH Việt Nam là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần phải có chủ trương, giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành DSVH hiện nay.
Nguồn nhân lực là một nguồn lực của quá trình phát triển, lao động, sáng tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho xã hội, được biểu hiện cụ thể là số lượng, chất lượng nhất định tại một thời điểm nhất định. Theo đó có thể nhận thấy nguồn nhân lực ngành DSVH hiện nay chính là đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đang công tác, học tập và hoạt động ở các tổ chức, các thiết chế, các cơ quan DSVH, đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ và phát huy kho tàng DSVH dân tộc (các bảo tàng, ban, trung tâm quản lý di tích, phòng DSVH và các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực DSVH). Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển DSVH Việt Nam hiện nay thì nguồn nhân lực có vị trí rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay không thành công với sự nghiệp phát triển DSVH. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, mọi việc thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào cán bộ tốt hay xấu…” (1). Vì vậy, cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng. Nó có tính chất quyết định đến thành công và thất bại của mọi công việc.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định: “Phát triển văn hóa, xây dựng con người tức là phải gắn chặt phát triển văn hóa với xây dựng con người” (2). Đó là một phương thức hiệu quả xây dựng con người có chất lượng về “trí, thể, mỹ” thì không thể thiếu được hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải phát huy nhân tố con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Có thể xác định: chất lượng nguồn nhân lực là một sự tổng hợp, kết tinh của nhiều yếu tố và giá trị cùng tham gia tạo nên. Trong đó, ba yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và tâm lực. Ba yếu tố cơ bản đó là phản ánh tình trạng sức khỏe; khả năng lao động của con người; thể hiện năng lực trí tuệ, khả năng nhận thức và tư duy sáng tạo thích ứng với các điều kiện xã hội nói chung và DSVH nói riêng. Chất lượng cán bộ, nhân viên, người lao động càng cao thì năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc càng tốt và ngược lại.
Du khách tham quan đồi A1 – di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ
Ảnh: Thanh Hà
Ở nước ta có DSVH vật thể và phi vật thể rất phong phú và đa dạng, loại hình, quy mô phát triển ngày càng cao, trải khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo thống kê của Bộ VHTTDL, đến tháng 1-2020, ở nước ta có 169 bảo tàng (gồm 126 bảo tàng công lập và 43 bảo tàng ngoài công lập), 122 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 3.498 di tích quốc gia, gần 1 vạn di tích cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt có 8 di tích danh lam thắng cảnh tiêu biểu mang giá trị độc đáo và nổi bật toàn cầu được UNESCO ghi danh vào DSVH và Thiên nhiên thế giới; 8 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO ghi danh vào các khu dự trữ sinh quyển thế giới; 62.581 DSVH phi vật thể, trong đó có 329 di sản đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia và 13 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại và DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cả nước có gần 8.000 lễ hội. Đây là khối tài sản văn hóa vật thể và phi vật vô cùng to lớn của Việt Nam và cả nhân loại, đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành DSVH phải phát triển vững chắc, có đủ và số lượng, đặc biệt có chất lượng cao mới đáp ứng yêu cầu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, và nhân dân giao phó.
Theo số liệu điều tra thống kê tính đến năm 2012, đội ngũ những người làm ngành DSVH gồm công chức, viên chức, người lao động của Cục DSVH, các bảo tàng, khu di tích, ban, trung tâm quản lý di tích trên toàn quốc có trên 7.000 người. Trong đó, nguồn nhân lực ở bảo tàng gồm 3.000 người, về trình độ chuyên môn đại học là 1.631 người (đạt hơn 50%), thạc sĩ là 117 (chiếm 4,5%), tiến sĩ là 33 (chiếm 1,2%) và số người có học hàm phó giáo sư là 6 (chiếm 0,3%). Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của ngành DSVH có trình độ chuyên môn không đồng đều. Nhiều bảo tàng, ban quản lý, trung tâm quản lý di tích trong cả nước tỷ lệ có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là học theo đúng chuyên ngành về DSVH chưa thật cao, nên nguồn nhân lực còn được đào tạo từ các chuyên ngành cận kề hoặc các lĩnh vực hoạt động thực tiễn về bảo tàng, di tích nói chung như khảo cổ, lịch sử, văn học, văn hóa dân gian, ngoại ngữ, mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng, hóa học, dân tộc học, văn hóa học…
Nguồn nhân lực về DSVH nói chung được đào tạo chủ yếu ở các cơ sở đào tạo của trung ương và các trường văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương như: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa TP. HCM, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương… (3) và các cơ sở đào tạo chuyên ngành khoa học thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động của ngành DSVH. Nhìn chung chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản của ngành, góp phần cho ngành DSVH hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo cũng cần phải đổi mới nội dung chương trình cho phù hợp với sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước và trên thế giới. Đặc biệt là ngành DSVH phải có nội dung chương trình đào tạo sát thực tế, cập nhật trình độ chuyên môn của các nước trong khu vực và trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam, tăng cường thực hành, thực tế ở các cơ sở đào tạo, gắn các hoạt động của nhà trường với DSVH. Trong công tác tập huấn, hội thảo, việc mời các chuyên gia trong và ngoài nước bồi dưỡng nâng cao kiến thức hoạt động về DSVH còn chưa được thường xuyên liên tục, nhất là lĩnh vực mới như văn hóa phi vật thể; công tác trùng tu bảo tồn, tôn tạo các DSVH vật thể, hoạt động bảo tàng trong thời kỳ hội nhập và phát triển du lịch hiện nay.
Đứng trước quá trình toàn cầu hóa về văn hóa, kinh tế và tri thức, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt đối với ngành DSVH có tính đặc thù, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển ngành ở nước ta hiện nay, chúng ta cần tiến hành tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực DSVH với những định hướng, chỉ tiêu cụ thể nhằm từng bước hình thành nguồn nhân lực ngành DSVH đáp ứng yêu cầu đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đủ năng lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa ngành DSVH phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, tích cực đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành DSVH tương ứng với các tiêu chuẩn, chức danh quản lý và tiêu chuẩn nghiệp vụ ở trong nước và quốc tế, phù hợp với yêu cầu từng hoạt động chuyên môn của ngành DSVH. Gắn kết chặt chẽ hiệu quả các cơ sở đào tạo theo hướng phát triển, thống nhất, nâng cao, tăng cường nội dung thực hành với phương châm “học đi đôi với hành”, “vừa hồng vừa chuyên”, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở đào tạo.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành DSVH, tuyển chọn và ưu tiên đầu tư cho các cán bộ trẻ, đủ năng lực, giàu tâm huyết với sự nghiệp DSVH đi học tập, nghiên cứu thực tiễn ở nước ngoài để cập nhật chuyên môn và xu hướng phát triển của ngành DSVH thế giới. Tích cực giao lưu hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế về lĩnh vực văn hóa và DSVH trên thế giới nhằm tiếp thu những kinh nghiệm hay, những tinh hoa văn hóa của nhân loại vào Việt Nam.
Thứ tư, đầu tư ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực ngành DSVH, tăng cường kinh phí đào tạo trong nước và nước ngoài, kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở đào tạo, biên soạn giáo trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác đào tạo, nguồn kinh phí cho bồi dưỡng, tập huấn hội thảo, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam cho ngành DSVH.
DSVH Việt Nam bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn tài nguyên vô giá của đất nước và nhân loại. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, DSVH ngày càng được quan tâm, đầu tư bảo vệ và phát huy giá trị. Tuy nhiên, để DSVH Việt Nam phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả cao thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố giữ vai trò quyết định. Do vậy, cần phải có định hướng, chủ trương, giải pháp tốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển DSVH hiện nay, góp phần vào việc bảo tồn phát huy giá trị DSVH Việt Nam phát triển bền vững.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
3. Phạm Đình Phong, Phát triển nguồn nhân lực bảo tàng – thực trạng và một số đề xuất, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (57), 2016, tr.15.
Tác giả: Đào Hải Triều
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%