Bảo tàng Hà Nội được thành lập từ năm 1982 nhưng đến 2010 mới chính thức được khánh thành. Đây là nơi có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, quản lý, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, tài liệu, hiện vật về Thăng Long – Hà Nội, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng. Công tác giáo dục, tuyên truyền là một hoạt động quan trọng góp phần nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa, khoa học về Hà Nội cho công chúng trong, ngoài nước khi đến với bảo tàng. Để thực hiện tốt chức năng này, việc đánh giá thực trạng công tác giáo dục của bảo tàng, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục tuyên truyền trong thời kỳ hội nhập là rất cần thiết.
Thực trạng công tác giáo dục tại Bảo tàng Hà Nội
Giáo dục, tuyên truyền là chức năng cơ bản, quan trọng của bảo tàng. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi nguồn nhân lực của bảo tàng, các hoạt động giáo dục, tuyên truyền phục vụ khách tham quan phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức hoạt động.
Nguồn nhân lực tham gia công tác giáo dục tại bảo tàng
Năm 2010, Bảo tàng Hà Nội được khánh thành, là một điểm nhấn chào mừng kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Để góp phần đáp ứng được nhu cầu tham quan của đông đảo công chúng, bảo tàng đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, nguồn nhân lực được đặt lên hàng đầu; cần có đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên chuyên nghiệp. Xuất phát từ thực trạng này, năm 2010, bảo tàng đã tuyển dụng, bố trí, sắp xếp 11 cán bộ làm công tác thuyết minh, trong đó có 9 cán bộ thuyết minh tiếng Việt, 2 cán bộ thuyết minh tiếng Anh.
Cán bộ, nhân viên thuyết minh được tuyển dụng có ngoại hình khá, giọng nói chuẩn tiếng Việt, đặc biệt là có kiến thức, am hiểu về lịch sử văn hóa thủ đô, tốt nghiệp đại học chuyên ngành bảo tàng học, văn hóa du lịch, ngoại ngữ. Năm 2016, bảo tàng tuyển dụng thêm 1 thuyết minh tiếng Trung Quốc. Đội ngũ thuyết minh phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, nội dung các hình thức hoạt động giáo dục, chương trình phát triển công chúng, tổ chức thực hiện, đón tiếp khách tham quan, tiếp nhận, cung cấp thông tin cho công chúng về trưng bày, các hoạt động khác của bảo tàng.
Đội ngũ thuyết minh viên không ngừng được cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm, bảo tàng vẫn tạo điều kiện cho các thuyết minh viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn do ngành du lịch, Bộ VHTTDL tổ chức. Đồng thời, bảo tàng cũng thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ thuyết minh học cao học, nghiên cứu sinh với lĩnh vực phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác giáo dục, truyền thông của bảo tàng.
Các hình thức giáo dục, tuyên truyền
Hướng dẫn tham quan là hình thức giáo dục cơ bản, mang tính truyền thống quan trọng của bảo tàng, nhằm giới thiệu một cách khoa học, logic, toàn diện về nội dung trưng bày của bảo tàng. Tùy từng đối tượng khách tham quan mà có thể chọn các hình thức hướng dẫn phù hợp. Để phục vụ tốt công chúng tham quan, Bảo tàng Hà Nội mở cửa đón tiếp khách tham quan tất cả các ngày trong tuần (trừ ngày thứ 2), bắt đầu từ 8h00 đến 17h00; cán bộ thuyết minh phải hoạt động thường xuyên, có nhiệm vụ trực tại quầy thuyết minh, luôn sẵn sàng với trang phục áo dài truyền thống, dẫn khách tham quan khi được yêu cầu. Mỗi thuyết minh viên tại bảo tàng phải thuyết minh về nội dung trưng bày bằng sự hiểu biết, kiến thức khoa học đã được hội đồng khoa học bảo tàng thẩm định, không học thuộc lòng theo chương trình sẵn có, từ đó tạo nên hình ảnh, thương hiệu riêng của mỗi người. Trong quá trình hướng dẫn tham quan tại bảo tàng, cán bộ thuyết minh có thể vận dụng những phương pháp hướng dẫn khác nhau như tái hiện, kể chuyện, đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở, tạo không khí gần gũi để khách tham quan có thể tham gia, tránh hình thức chuyển tải thông tin một chiều. Tùy vào đối tượng khách tham quan, tâm lý du khách mà thuyết minh viên phải chọn cách phù hợp. Đối với thuyết minh viên tiếng nước ngoài, luôn phải tìm những từ dễ hiểu, thông dụng để diễn giải cho khách tham quan về các từ ngữ chuyên ngành bảo tàng, các hiện vật mang đậm dấu ấn của Việt Nam, tránh cách giải thích cầu kỳ, gây phức tạp cho du khách.
Tuy nhiên, dù đã 7 năm đi vào hoạt động nhưng hiện nay Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa có hệ thống trưng bày thường xuyên, thay vào đó là hệ thống các gian trưng bày chuyên đề của bảo tàng được cập nhật, thay đổi theo các sự kiện trong năm. Chính vì vậy, đối tượng khách tham quan hiện nay của bảo tàng chủ yếu là học sinh tiểu học, trung học, sinh viên trên địa bàn Hà Nội, các tỉnh lân cận với mục đích tìm tòi, học hỏi kiến thức khái quát nhất về lịch sử Thăng Long – Hà Nội thông qua cổ vật, hiện vật tại bảo tàng.
Để quản lý hoạt động đón tiếp khách tham quan, Bảo tàng Hà Nội đã quy định lập phiếu đăng ký, sổ tổng hợp để ghi chép những đoàn khách đăng ký trước khi đến tham quan bảo tàng, giúp nắm bắt được tình hình, đối tượng khách để bố trí cán bộ nhân viên thuyết minh. Sổ tổng hợp ghi chép số lượng khách đến tham quan hàng ngày, tháng, năm, nhờ đó có thể nắm được quy luật, chu trình thời gian khách đến tham quan để bảo tàng chủ động có kế hoạch thay đổi, nâng cấp, sửa chữa hệ thống trưng bày vào các thời điểm thích hợp, không ảnh hưởng đến nhu cầu tham quan của công chúng.
Bên cạnh việc tổ chức hướng dẫn khách tham quan trưng bày, triển lãm tại bảo tàng, phòng trưng bày, tuyên truyền thực hiện thêm các hoạt động giáo dục công chúng, truyền thông nhằm đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuyên truyền, như: phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức sự kiện, hội thảo, xây dựng chương trình giáo dục, các buổi nói chuyện, thuyết trình, tọa đàm, các hoạt động trình diễn phục vụ công chúng.
Ảnh Khang Nhi
Từ tháng 10 – 2015, bảo tàng đã nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền thông tin, truyền thông, nhằm giới thiệu, quảng bá các hoạt bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội tại bảo tàng. Bảo tàng tổ chức, xây dựng, quản lý, bảo vệ, duy trì, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu cho website, các trang mạng xã hội của bảo tàng; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông giới thiệu về bảo tàng, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng thông qua các buổi tọa đàm, các trưng bày chuyên đề, hội thảo chuyên đề.
Năm 2017, bảo tàng đã hoàn thiện được việc thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu để tổ chức xây dựng, phát triển thương hiệu, truyền thông bảo tàng, quản lý hệ thống tuyên truyền trực quan bên ngoài nhà bảo tàng theo các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, thành phố, ngành.
Thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông, bảo tàng sẽ quảng bá được hình ảnh của chính mình để công chúng biết nhiều hơn, huy động được nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa, đầu tư thêm nhiều hoạt động hơn nữa.
Một số hoạt động giáo dục, truyền thông được Bảo tàng Hà Nội tổ chức từ năm 2015 đến tháng 6 – 2017 như: group Đình làng Việt tổ chức chương trình trung thu truyền thống với chủ đề Rước trăng chơi phố, từ ngày 20 đến ngày 26 – 9 – 2015, thu hút hơn 1000 gia đình tham gia; duy trì hoạt động cho website của bảo tàng; phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội lập kế hoạch, chương trình đào tạo các môn xã hội như lịch sử, địa lý, gắn với sự kiện văn hóa, hiện vật bảo tàng; nâng cấp trang điện tử, nghiên cứu thay đổi giao diện, cập nhật nội dung; triển khai thủ tục gia nhập tổ chức Bảo tàng thế giới ICOM; tổ chức sự kiện Tết Việt 2016; phối hợp với các đài truyền hình, sản xuất hơn 10 phóng sự về bảo tàng; tổ chức hoạt động giáo dục nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1 – 6…
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục
Hoàn thiện nội dung trưng bày bảo tàng
Hoạt động giáo dục của bảo tàng phải dựa trên cơ sở hệ thống trưng bày hiện vật của bảo tàng. Hiện nay, Bảo tàng Hà Nội chưa hoàn thiện hệ thống này, ảnh hưởng rất lớn đến sự thu hút công chúng, khách tham quan. Vì vậy, hạn chế này của Bảo tàng Hà Nội cần phải khắc phục ngay. Trưng bày bảo tàng phải đẹp, hiện đại, nội dung phải toát lên được tiêu chí Hà Nội là thủ đô, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa giá trị văn hóa của cả nước. Trải qua 7 năm kể từ khi khánh thành tòa nhà bảo tàng vào năm 2010 đến nay, mặc dù chưa hoàn thiện nội dung quan trọng nhất là phần trưng bày hiện vật, nhưng bảo tàng cũng đã tiếp đón hàng trăm nghìn khách tham quan, xứng đáng với chức năng, nhiệm vụ, vị thế của bảo tàng thủ đô.
Đổi mới hoạt động hướng dẫn tham quan
Trong các hoạt động giáo dục của bảo tàng nói chung, Bảo tàng Hà Nội nói riêng, hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng mang tính truyền thống, hiệu quả. Tuy nhiên, việc giáo dục dưới hình thức những bài thuyết minh được chuẩn bị sẵn của bảo tàng sẽ ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn, không còn hiệu quả như mong muốn. Để công việc này đem lại hiệu quả thực sự, đòi hỏi cán bộ làm công tác hướng dẫn tham quan của Bảo tàng Hà Nội phải tự đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở khuyến khích sự tương tác, đối thoại với công chúng, khách tham quan. Mặt khác, để hội nhập, phát triển, Bảo tàng Hà Nội phải ứng dụng khoa học công nghệ vào thuyết minh, giảm dần công tác tuyên truyền từ phía thuyết minh viên, tăng dần tự tham quan khám phá của công chúng bằng ứng dụng công nghệ vào thuyết minh. Bảo tàng Hà Nội sắp tới nên nghiên cứu xây dựng hồ sơ từng hiện vật một cách khoa học, gắn lý luận với thực tiễn một cách sâu sắc, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để khách tham quan có thể tìm hiểu hiện vật bằng cách tự bấm vào máy nghe mà không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp
Khách tham quan đến với bảo tàng rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng phù hợp cho các đối tượng khách tham quan là cần thiết. Khi xây dựng các chương trình giáo dục, Bảo tàng Hà Nội cần quan tâm trước hết đến đối tượng tuổi trẻ, đặc biệt là học sinh. Bảo tàng cần tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá kiến thức thông qua giáo cụ trực quan. Giáo dục trong bảo tàng phải bổ trợ thêm những kiến thức còn thiếu trong nhà trường. Như vậy, đòi hỏi bảo tàng phải tìm hiểu chương trình học trong nhà trường để xây dựng, đưa ra các chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội cũng cần xây dựng chương trình tham quan dành cho gia đình, có tài liệu giúp bố mẹ hướng dẫn con tham quan, vui chơi trong bảo tàng, xây dựng chương trình giáo dục cho người khiếm thị, khuyết tật…
Đa dạng hóa các hoạt động giáo dục
Bên cạnh các hoạt động giáo dục mang tính truyền thống, Bảo tàng Hà Nội cần nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng như: tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, thuyết trình, nói chuyện liên quan đến các chủ đề trưng bày của bảo tàng; tổ chức các buổi trình diễn văn hóa dân gian hát chèo, ca trù, xẩm, tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống; tổ chức các buổi chiếu phim tư liệu về các đề tài lịch sử, văn hóa, các sự kiện quan trọng của thủ đô… Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng phòng khám phá, bảo tàng ảo nhằm góp phần thỏa mãn sự tò mò, sáng tạo cho khách tham quan cũng là điều cần thiết, phù hợp xu thế phát triển chung.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh bảo tàng
Bảo tàng Hà Nội có thể gửi bài viết hoặc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình của Hà Nội, Trung ương về hoạt động của bảo tàng. Xây dựng mối quan hệ với cơ quan báo chí, truyền thông, kết nối mỗi nhà báo trở thành một người bạn thân thiết của bảo tàng là điều kiện cần thiết để công tác truyền thông của Bảo tàng Hà Nội đạt được hiệu quả.
Thiết kế, in ấn tờ gấp để giới thiệu khái quát nội dung, sơ đồ tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng, cung cấp cho khách tham quan trước khi họ tham quan bảo tàng; đặt tại các khu di tích, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành ở Hà Nội; biên soạn, in ấn, phát hành sách hướng dẫn tham quan dành cho khách tham quan tự do; thiết kế sản phẩm lưu niệm, lấy ý tưởng từ các hiện vật tiêu biểu của bảo tàng kết hợp những giá trị văn hóa, gắn bó với các làng nghề truyền thống của Hà Nội; xuất bản ấn phẩm, sách về sưu tập hiện vật của bảo tàng…
Thông qua website, bảo tàng có thể giới thiệu các bộ sưu tập, trưng bày, triển lãm, hoạt động giáo dục khác. Đây còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý bảo tàng trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thủ đô. Ngoài ra, việc ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của bảo tàng là rất cần thiết. Thông qua các trang mạng xã hội, bảo tàng có thể thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chia sẻ thông tin, giới thiệu về bảo tàng, giữ liên lạc thường xuyên, lắng nghe, tạo mối quan hệ tương tác với công chúng.
Nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng
Nhìn một cách tổng thể trên cơ sở khoa học ở cả hai khía cạnh lý luận, thực tiễn thì công tác giáo dục của bảo tàng suy cho cùng phải thu hút được công chúng, khách tham quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến với bảo tàng. Để thu hút được khách tham quan thì Bảo tàng Hà Nội phải có một thương hiệu đủ sức hấp dẫn, bắt buộc các khâu công tác nghiệp vụ của bảo tàng như: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phải nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bảo tàng phải luôn luôn được đặt ra, phải có chiến lược về đào tạo, có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để thực hiện cho từng năm. Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong, ngoài nước tùy thuộc mục đích của bảo tàng, khả năng, vị trí công việc cụ thể.
Công tác giáo dục tuyên truyền của các bảo tàng nói chung, Bảo tàng Hà Nội nói riêng chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có một hệ thống trưng bày hoàn thiện, đa dạng, hấp dẫn, thể hiện được bẳn sắc độc đáo của riêng mình, có một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có lòng yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết với công việc, đa dạng hóa các hình thức hoạt động. Bảo tàng Hà Nội hiện nay chưa hoàn thiện nội dung trưng bày vừa là điểm hạn chế, nhưng cũng đồng thời là điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công nội dung, ý tưởng trưng bày hiện đại phù hợp giai đoạn hiện nay. Bảo tàng Hà Nội nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, hy vọng trong thời gian tới công tác giáo dục cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác của bảo tàng sẽ thu được kết quả, thành công, hòa chung trên con đường hội nhập, phát triển của thủ đô.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017
Tác giả : PHẠM NGỌC QUYÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai