1. Vai trò của các nhà sáng tác đối với văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn học nghệ thuật
Đảng và Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay luôn khẳng định vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà. Chính vì vậy, Nhà nước đã chi từ nguồn ngân sách hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn học nghệ thuật, hỗ trợ các văn nghệ sĩ, hội viên các hội văn học nghệ thuật sáng tác và phổ biến tác phẩm.
Từ năm 1979 đến nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 6 nhà sáng tác công lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu) thuộc sự quản lý của Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật – Bộ VHTTDL. Các nhà sáng tác được lựa chọn xây dựng ở những nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, giao thông thuận tiện và phân bố đồng đều ở 3 khu vực Bắc – Trung – Nam nên khá phù hợp để các văn nghệ sĩ đến sáng tác.
Mỗi năm, các cơ quan này mở hàng chục trại sáng tác, thu hút hàng trăm hội viên hội văn học nghệ thuật trung ương và địa phương tham gia; cho ra đời hàng nghìn tác phẩm thuộc nhiều chuyên ngành văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian,…
Trước kia, các văn nghệ sĩ tham gia trại sáng tác luôn cảm thấy tự hào và may mắn bởi chỉ số ít trong giới và thường là những người giỏi nghề mới được chọn. Tại đây, họ sẽ được chi trả toàn bộ kinh phí ăn uống, lưu trú, sử dụng tài liệu, phương tiện đi lại, cung cấp những điều kiện vật chất tốt nhất lúc bấy giờ cho việc nghiên cứu, sáng tác. Bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ còn được gặp gỡ bạn, thày, đồng nghiệp để cập nhật thông tin về tình hình sáng tác, học hỏi về kiến thức, kỹ năng, phương pháp sáng tác mới và đặc biệt là được truyền lửa lòng yêu nghề, đam mê sáng tạo. Bởi vậy, chất lượng các tác phẩm thường được nâng cao hơn đáng kể so với trước khi họ tham gia trại sáng tác. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đã ra đời từ những trại sáng tác ấy, để lại dấu ấn đậm nét trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Sau này, nhờ mức sống cao hơn nên các văn nghệ sĩ có điều kiện lao động tốt hơn: nhiều người có thể tự mua sắm được phương tiện sáng tác, lo bữa ăn, chốn nghỉ. Việc tiếp cận với thông tin và tri thức trở nên dễ dàng hơn và họ có thể thông qua nhiều kênh khác nhau để tiếp cận nguồn kiến thức với thế giới bên ngoài. Các văn nghệ sĩ có cơ hội đi thực tế, gặp gỡ trao đổi với nhau thường xuyên hơn. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động sáng tác, các văn nghệ sĩ có thể tìm kiếm và huy động từ các nguồn khác như tài trợ của doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, từ mua bán tác phẩm…
Mặc dù bối cảnh kinh tế xã hội đã có sự thay đổi, nhưng các nhà sáng tác hiện nay vẫn rất cần được đầu tư phát triển để trở thành ngôi nhà chung, quy tụ các văn nghệ sĩ đến học tập, nghiên cứu và sáng tác. Hiện nay, đây là những cơ sở chính đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các văn nghệ sĩ đến làm việc, thông qua cơ chế hỗ trợ sáng tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng 5 năm (2010 – 2014), các nhà sáng tác đã hỗ trợ cho 312 trại sáng tác, thu hút 4.909 tác giả tham gia, với tổng số 69.552 ngày tác giả dự trại (trung bình 14,17 ngày/1 lượt tác giả), số tác phẩm được sáng tác hơn 17.600 tác phẩm. Không ít tác phẩm được ra đời từ đây đã đạt được các giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi, liên hoan, hội diễn; một số tác phẩm đã được các doanh nghiệp, cơ quan và công chúng tiếp nhận, ứng dụng vào đời sống thực tiễn.
Tại 2 cuộc hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật tổ chức năm 2017, tuyệt đại đa số các tác giả tham luận và văn nghệ sĩ tham dự hội thảo đều khẳng định vai trò không thể thiếu của các nhà sáng tác trong việc hỗ trợ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn học nghệ thuật.Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức hỗ trợ các hoạt động sáng tác hiện nay, các nhà sáng tác bộc lộ không ít hạn chế.
2. Hạn chế của mô hình hoạt động nhà sáng tác hiện nay
Hạn chế về cơ sở vật chất, con người và công tác tổ chức trại sáng tác
Theo Hữu Việt, có 4 nguyên nhân khiến cho các trại sáng tác hoạt động không hiệu quả và thiếu sự lôi cuốn đối với các văn nghệ sĩ. Đó là: cơ sở vật chất của nơi lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu sáng tác; thời gian tổ chức chưa phù hợp; khâu tổ chức và nội dung hoạt động của trại sáng tác còn bất cập; khâu đầu vào (chọn người đi dự trại) và khâu đầu ra (nghiệm thu, đánh giá sản phẩm sau khi kết thúc trại) không đáp ứng được yêu cầu (1).
Bổ sung vào các nguyên nhân trên, Đỗ Xuân Thu đưa ra 3 nguyên nhân khác dẫn đến sự hạn chế trong hoạt động tổ chức trại sáng tác ở các nhà sáng tác, đó là; thiếu tính kết nối, giao lưu; thiếu tính khoa học; thiếu tính ứng dụng (2)…
Bên cạnh những bất cập về tổ chức trại sáng tác, các nhà sáng tác còn bộc lộ sự hạn chế trong huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật. Qua nghiên cứu hiện trạng sử dụng tài chính ở các nhà sáng tác 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy ngoài nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước, các nhà sáng tác hầu như không có nguồn nào khác hỗ trợ văn nghệ sĩ đến nghiên cứu, học tập và sáng tác. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho việc đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng cơ sở hạ tầng, duy trì sự vận hành trang thiết bị của đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Hạn chế về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật
Theo Hillman Chartrand và McCaughey, hoạt động đầu tư hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của các nước Xô viết, Cuba và Trung Quốc trước đây theo kiểu mô hình kế hoạch hóa tập trung (5). Ở mô hình này, mọi hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật sử dụng hoàn toàn ngân sách bao cấp của nhà nước và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố chính trị (5).
Ở Việt Nam hiện nay, cơ chế, chính sách hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật không hoàn toàn giống mô hình trên bởi ngoài ngân sách nhà nước, còn có các nguồn lực hỗ trợ khác. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật. Theo một số nhà nghiên cứu, chính sách hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật mà Nhà nước đang thực hiện hiện nay chưa đúng hướng và chưa thực sự hiệu quả. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu các sáng tạo đỉnh cao (5).
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngân sách dành riêng cho các hội viên còn làm nảy sinh vấn đề bất bình đẳng giữa các văn nghệ sĩ. Những trại sáng tác tổ chức bằng tiền ngân sách dường như là một đặc quyền mà Nhà nước dành cho hội viên của các hội văn học nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ tự do không tham gia vào mô hình trại sáng tác sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng (6). Việc phân phối nguồn tài trợ từ ngân sách, nếu vẫn thực hiện thông qua các hội đoàn như hiện nay thì sẽ là tiếp tục một bất công lớn đối với những văn nghệ sĩ ở ngoài các hội (7).
Trong khi có rất nhiều phương thức để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các văn nghệ sĩ sáng tạo thì sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Nhà nước lại chủ yếu qua hai kênh chính là các trại sáng tác và đặt hàng trực tiếp. Tổ chức trại sáng tác của các hội văn học nghệ thuật địa phương trong hơn 3 thập kỷ qua mang nặng tính dàn trải, phong trào nên thiếu sức hút; các trại trở thành nơi nghỉ dưỡng của văn nghệ sĩ và phục vụ các hoạt động mang tính quần chúng nên khó tạo ra các tác phẩm đỉnh cao (8).
Việc phân bố kinh phí hỗ trợ sáng tác thời gian qua mới tập trung vào bề rộng mà chưa chú ý đến chiều sâu cũng là một hạn chế được nhiều văn nghệ sĩ, nhà quản lý chỉ ra. Nhà nước hiện nay chưa xây dựng được những quỹ đầu tư sáng tác do các hội chuyên ngành nghệ thuật quản lý để hỗ trợ tác giả bằng việc trao các giải thưởng, trong đó có chính sách ưu tiên vùng miền, giúp đỡ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số. Cơ chế phân bổ ngân sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật thực hiện theo phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm văn học nghệ thuật dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình sản phẩm và nhiệm vụ phục vụ còn chưa hoàn thiện nên chưa tạo hiệu quả…
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật và hoạt động của các nhà sáng tác
Khắc phục hạn chế trong tổ chức trại sáng tác: Cần có tiêu chuẩn rõ ràng và đúng hướng để chọn lựa đúng tác giả được hỗ trợ sáng tác; quản lý thời gian tham gia trại sáng tác phù hợp; xây dựng môi trường học tập; thúc đẩy quan hệ tương tác giữa chủ thể sáng tạo với môi trường xung quanh; cung cấp các dịch vụ tiện ích, nâng cao khả năng ứng dụng các sản phẩm; kiểm soát quy trình hỗ trợ, cam kết giữa các bên gồm nhà đầu tư, tài trợ và tác giả; xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động đầu tư, hỗ trợ sáng tác; đảm bảo thực hiện quyền tác giả và quyền bảo hộ tiêu dùng, phổ biến tác phẩm; vấn đề bảo tồn và phát huy di sản; khả năng huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính; sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả xã hội mà các tác phẩm văn học nghệ thuật đem lại.
Đầu tư hỗ trợ theo chiều sâu để có tác phẩm chất lượng: Chính phủ, Bộ chủ quản cần chuyển từ cơ chế tài trợ sang hỗ trợ sáng tác, trong đó tập trung đầu tư, hỗ trợ chiều sâu nhằm khuyến khích phát triển các tác phẩm, công trình có chất lượng cao. Thực hiện cơ chế đấu thầu kịch bản, đạo diễn, ý tưởng sáng tạo, ý tưởng thể hiện… Phía cơ quan cấp kinh phí hỗ trợ tập trung đầu tư cho tác giả có đề cương, dự án sáng tác mang tính khả thi và việc đầu tư phải được cam kết dưới hình thức hợp đồng, không thực hiện đúng sẽ bị thu hồi kinh phí. Cần xác định mở trại sáng tác là một hình thức đầu tư đối với văn nghệ sĩ. Vì vậy để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và giám sát đầu tư, hỗ trợ, các đơn vị tổ chức với các tác giả, cần xây dựng mối quan hệ theo hợp đồng kinh tế giữa các bên.
Thành lập quỹ đầu tư sáng tác: Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xây dựng quỹ đầu tư sáng tác theo chuyên ngành nghệ thuật để hỗ trợ các tác giả bằng việc trao giải thưởng; thực hiện cơ chế ưu tiên vùng miền, giúp đỡ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn lập quỹ tài trợ cho văn hóa nghệ thuật như mô hình quỹ cuảnhiều nước trên thế giới…
Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật: chuyển đổi, giao dự toán ngân sách như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm văn học, nghệ thuật dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình sản phẩm và nhiệm vụ phục vụ.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc huy động xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong ngoài nước: Cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các nhà sáng tác để nâng cao năng lực huy động nguồn lực xã hội hóa. Thực hiện các hoạt động liên doanh liên kết nhằm đầu tư, phát triển các nhà sáng tác đáp ứng yêu cầu trở thành cơ sở nghiên cứu, học tập về văn hóa nghệ thuật; sáng tạo và hợp tác phát triển văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy vốn di sản văn học nghệ thuật; gắn kết với đời sống văn hóa nghệ thuật ở cộng đồng, địa phương… Việc hỗ trợ sáng tác lĩnh vực văn học nghệ thuật rất đa dạng thông qua các hình thức huy động từ nhiều nguồn như: sự bảo hộ của nhà nước, sự hỗ trợ của nhà nước qua động viên thuế; vận dụng linh hoạt qua các hình thức như vốn đối ứng, các tài trợ hậu dự án; cổ phần hóa các tổ chức văn hóa nghệ thuật; tài trợ, hỗ trợ của doanh nghiệp; hỗ trợ, đóng góp từ thiện từ các cá nhân; các quỹ chuyên biệt; các sáng kiến, chiến dịch, dự án, chương trình… Mô hình Trại sáng tác điêu khắc và Lưu trú nghệ sĩ là các ví dụ.
Áp dụng mức ưu đãi về thuế: Chính phủ cần áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế, phí có liên quan đối với các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật nói chung, các nhà sáng tác nói riêng. Đổi mới cơ chế tính giá đặt hàng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ… theo hướng có lợi cho sự thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật.
Bên cạnh các giải pháp trên đây, Nhà nước cần tiến hành những giải pháp có tính lâu dài như hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; quy định kinh doanh mua bán tác phẩm văn học nghệ thuật theo cơ chế thị trường, từng bước hình thành thị trường tác phẩm nghệ thuật, đáp ứng được yêu cầu phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nhà nước cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho các không gian sáng tạo nghệ thuật, trong đó có các nhà sáng tác, để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có môi trường làm việc thuận lợi. Mặc dù rất nhiều mô hình hỗ trợ hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật đã và đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng, các nhà sáng tác ở Việt Nam vẫn có một vị trí và vai trò quan trọng, bởi nó phù hợp với thể chế chính trị, truyền thống văn hóa, bối cảnh thị trường và nhu cầu của các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Để mô hình nhà sáng tác hoạt động hiệu quả, phù hợp với xu hướng quốc tế, nhà nước cần giảm dần vai trò hỗ trợ trực tiếp trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật và tăng cường vai trò của các tổ chức trung gian (các Hội đồng tư vấn). Điều này giúp đảm bảo tính dân chủ trong lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật và xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển văn học nghệ thuật tốt hơn; gia tăng sự tham gia của các tầng lớp xã hội vào quá trình sáng tạo và hưởng thụ văn học nghệ thuật.
Việc thực hiện đổi mới hoạt động của các nhà sáng tác văn học nghệ thuật cần được tiến hành song song với nhiệm vụ đổi mới cơ chế hoạt động của các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, cũng như điều chỉnh cơ chế hỗ trợ các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật của Nhà nước hiện nay một cách phù hợp. Việc phân định rõ vai trò của Nhà nước, Quỹ và các tổ chức, đơn vị hoạt động văn học nghệ thuật trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật là hết sức cần thiết.
Nhà nước cần thành lập và thúc đẩy vai trò của các tổ chức trung gian (như Hội đồng tư vấn nghệ thuật) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực văn học nghệ thuật; đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn học nghệ thuật một cách đồng bộ, trong đó, nhà sáng tác văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng thực hiện hoạt động đào tạo, hỗ trợ sáng tác, lưu giữ, phổ biến và ứng dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật; xây dựng nhà sáng tác thực sự trở thành điểm đến học tập, sáng tác và hợp tác phát triển văn học nghệ thuật.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây, các nhà sáng tác văn học nghệ thuật sẽ thực hiện tốt chức năng tổ chức hỗ trợ các hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ, khuyến khích các tài năng, hình thành cơ chế thuận lợi để cho ra đời các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật; đưa những tác phẩm văn học nghệ thuật từ các trại sáng tác vào quá trình tiêu dùng của đời sống xã hội, từ đó đem lại hiệu quả về kinh tế xã hội.
_____________
1. Hữu Việt, Trại sáng tác có cần nữa hay không?, Báo Nhân dân, 23-01-2015.
2. Đỗ Xuân Thu, Cần đổi mới nhà sáng tác, vanhocnghethuatphutho.org.vn ngày 23-12-2014.
3. Charttrand, H & Claire, M, The arm’s length principle and the arts: an international perspective – past, present and future, trong Who’s, to pay for the arts? The international search for models of arts support, ACA Books, New York, 1989.
4. Jennifer Craik, ReVisioning Arts and Cultural Policy: Current Impasses and Future Directions, The Australian National University Press, 2007.
5. Đông Nghi, Kết quả từ đổi mới trong tổ chức trại sáng tác văn học, Báo Bình Thuận,21-10-2015.
6. Bích Hồng, Lưu trú nghệ sĩ – mô hình thay trại sáng tác, soi.today ngày 20-8-2014.
7. Lại Nguyên Ân, Tái cơ cấu thiết chế văn nghệ: nhiệm vụ bất khả thi, tại Hội thảo Tiếp cận khoa học-thực tiễn đối với Cương lĩnh của Đảng về phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam do Đại học KHXHNV, ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 25-2-2014.
8. Ngô Phương Thảo, Nâng cao hiệu quả hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật, Báo Nhân dân cuối tuần, 23-1-2015.
Tác giả: Nguyễn Kiều Duyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn