Lâm Đồng là tỉnh nằm ở phía Nam
Tây Nguyên, có 43 dân tộc cùng sinh
sống đan xen. Thực hiện công tác dân
tộc là trách nhiệm của các cấp, các
ngành và cả hệ thống chính trị. Trong
đó, bộ đội địa phương trên địa bàn có
vai trò đặc biệt quan trọng trong đấu
tranh với những âm mưu, thủ đoạn của
các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề
dân tộc để chống phá, gây mất ổn định
chính trị – xã hội trên địa bàn. Vì vậy,
nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho
cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương
trong tham gia thực hiện công tác này
là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và
cấp thiết hiện nay.
Là một tổ chức chính trị – xã hội đặc thù trong hệ thống chính trị trên địa bàn, thực hiện chức năng “đội quân công tác” của quân đội, bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng đã quán triệt và thực hiện khá tốt đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác dân tộc. Từng đơn vị và cá nhân mỗi cán bộ, chiến sĩ đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về công tác dân tộc của Đảng và vai trò, trách nhiệm của bản thân, đơn vị trong tham gia thực hiện công tác này, nhất là trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá sự nghiệp cách mạng đất nước. Cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng đã phân biệt đúng các hoạt động dân tộc thuần tuý, với những thủ đoạn lợi dụng dân tộc để thực hiện mục đích chính trị phản động của các thế lực thù địch. Phân biệt được những hoạt động dân tộc trong khuôn khổ pháp luật Nhà n ước với hoạt động dân tộc trái pháp luật. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tham gia có hiệu quả công tác đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị bộ đội địa phương cũng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; nâng cao dân trí; phòng, chống dịch bệnh; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; giúp đỡ đồng bào phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai…
Các hình thức tham gia công tác dân tộc của cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng khá phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện các phong trào: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”; giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế hộ gia đình, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”… Những hoạt động nêu trên đã góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin cho quần chúng nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở. Đồng thời, giúp quần chúng nhân dân hiểu rõ và nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng cản trở, phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì việc phát huy vai trò của cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương trong tham gia thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong đó, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế đó là chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương về thực hiện công tác này còn chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và sự vận động, biến đổi của tình hình thực tiễn; chư a thư ờng xuyên, thậm chí còn có nhận thức xem nhẹ, hoặc chư a chú trọng đến các nội dung cụ thể. Chính điều này đã dẫn đến còn tình trạng một số cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương nhận thức chư a đầy đủ, thiếu kiến thức cần thiết về công tác dân tộc nên hiệu quả tham gia công tác này chưa cao.
Từ những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương tỉnh Lâm Đồng trong thực hiện công tác dân tộc nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong quá trình tham gia thực hiện. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp là:
Một là, nâng cao năng lực của cấp ủy, người chỉ huy các đơn vị trong tuyên truyền, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện công tác dân tộc
Hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ quân đội trong thực hiện công tác dân tộc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nâng cao năng lực, trách nhiệm của cấp ủy đảng và người chỉ huy đơn vị quân đội là một giải pháp quan trọng. Năng lực, trách nhiệm của cấp ủy đảng và người chỉ huy thể hiện trong việc quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác dân tộc; có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền phù hợp với tình hình thực tế.
Cấp ủy đảng, người chỉ huy các đơn vị cần xác định rõ mục đích, yêu cầu lãnh đạo việc thực hiện quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta cho cán bộ, chiến sĩ. Theo đó, cần khẳng định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo đơn vị; phải thường xuyên quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng trong thực hiện công tác dân tộc. Đồng thời, có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp bảo đảm cho công tác tuyên truyền cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước sự xuyên tạc, phá hoại của kẻ thù.
Hai là, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải có chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về tham gia thực hiện công tác dân tộc
Cấp ủy đảng, người chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải nắm chắc tình hình dân tộc ở địa bàn đóng quân và nhiệm vụ, khả năng thực lực của đơn vị, có nghị quyết lãnh đạo, đề ra kế hoạch chi tiết để tổ chức đơn vị thực hiện tốt việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong tham gia thực hiện công tác dân tộc tại địa bàn. Trong đó, cần thường xuyên bám nắm kế hoạch hướng dẫn về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương để kịp thời đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, tuyên truyền sát đúng. Đồng thời, trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch tuyên truyền, quán triệt phải tăng cường công tác đôn đốc kiểm tra, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong đơn vị, phát hiện giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực hiện để báo cáo hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Ba là, tổ chức bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc
Để tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, từng đơn vị phải có sự lựa chọn, tổ chức bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền, giáo dục những kiến thức về công tác dân tộc đến mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Việc lựa chọn, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền. Cho nên, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác này không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, hiểu biết về quan điểm, chính sách đối với dân tộc của Đảng và Nhà nước, mà còn phải am hiểu rộng sâu các vấn đề xã hội, có năng lực và phương pháp công tác tốt, linh hoạt xử lý các tình huống xảy ra.
Ngoài ra, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước còn cần có các yêu cầu cụ thể như: Có trình độ văn hóa, năng lực công tác và phẩm chất tốt có khả năng giao tiếp, vận động thuyết phục, nhiệt tình, chịu khó tận tâm với công việc, không sợ khó ngại khổ, kiên trì, nhẫn nại, nhanh nhẹn, hoạt bát, có ý chí khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được phân công; có kiến thức tuyên truyền và phong tục, tập quán ở địa phương; là người luôn gương mẫu và tự giác chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị, nhất là kỷ luật quan hệ tiếp xúc với nhân dân, được cán bộ, đảng viên và quân nhân khác tín nhiệm.
Bốn là, sử dụng đa dạng, phong phú hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương về tham gia thực hiện công tác dân tộc
Để thực hiện tốt giải pháp này, cần đưa các nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước vào các chương trình học tập chính trị tại đơn vị hằng năm cho cán bộ, chiến sĩ; gắn liền giữa nhiệm vụ huấn luyện quân sự với giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết lương – giáo, làm rõ sức mạnh to lớn và vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn để mọi cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vô địch, là cội nguồn của mọi thắng lợi. Từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương tự giác nhận thức vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Cần đặc biệt chú trọng sử dụng hình thức tổ chức các hoạt động diễn đàn, mạn đàm, trao đổi với chủ đề xung quanh nhận thức về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu quan điểm về dân tộc và công tác dân tộc trong tư tưởng của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước ta; thi tìm hiểu về truyền thống đấu tranh anh dũng của quân đội trước các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc phá hoại sự nghiệp cách mạng đất nước cũng như những tấm gương tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong công tác vận động, giúp đỡ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, văn hóa; từ đó, khơi dậy lòng tự hào, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương hiểu rõ hơn về ý thức, trách nhiệm cá nhân trong tham gia thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trên cương vị, chức trách nhiệm vụ được giao.
Năm là, kết hợp giữa học tập, tuyên truyền, giáo dục nhận thức về quan điểm, chủ trương, đường lối công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ với việc giữ nghiêm kỷ luật trong quan hệ với nhân dân
Đây là giải pháp quan trọng, bảo đảm tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia thực hiện công tác dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương trên địa bàn hiện nay. Theo đó, cần kết hợp song song giữa tuyên truyền, giáo dục với duy trì nghiêm kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong quan hệ với nhân dân, nhất là quan hệ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ gìn truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân” và hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ”, không ngừng bồi đắp tình cảm yêu mến, trân trọng của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đối với quân đội. Quá trình giáo dục cần sử dụng nhiều kênh thông tin, các phương tiện nghe, nhìn như: báo chí, đài phát thanh, truyền hình, thông qua mạng xã hội, qua sinh hoạt tập trung; phối hợp cùng với các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức đoàn thể, mời các chuyên gia, người giàu kinh nghiệm về công tác dân tộc cùng tham gia tuyên truyền, giáo dục. Có như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương về công tác dân tộc mới thiết thực, đạt hiệu quả.
Tham gia thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn là vinh dự và trách nhiệm vẻ vang của mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương; góp phần thiết thực vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương trong tham gia thực hiện công tác dân tộc, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phải luôn bám sát tình hình thực tiễn để có sự điều chỉnh sự tác động một cách phù hợp. Có như vậy mới mang lại hiệu quả cao trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác dân tộc trong tình hình mới.
____________________
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996.
4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1994.
Tác giả: Đỗ Quang Đạt
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng