Nâng cao văn hóa học đường cho sinh viên trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0

1. Văn hóa học đường

Văn hóa học đường (VHHĐ) là thuật ngữ xuất hiện vào đầu những năm 90 TK XIX ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc… sau đó lan ra nhiều nước khác trên thế giới. VHHĐ được các nhà khoa học tiếp cận ở những góc độ khác nhau: “Văn hóa học đường là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành và tích lũy trong lịch sử bao gồm những suy nghĩ, quan niệm thói quen, tập quán, tư tưởng, luật pháp… nhằm thiết lập mối quan hệ giữa thày, trò và các thành viên có liên quan để việc dạy và học đạt kết quả cao” (1).

Ở một khía cạnh khác, VHHĐ được hiểu là: “Văn hóa học đường là toàn bộ yếu tố vật chất (giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, không gian, cảnh quan) đảm bảo tính thẩm mỹ, giáo dục, góp phần tạo nên môi trường và phương tiện giáo dục tốt nhất; nội quy, quy chế của nhà trường phù hợp với chuẩn mực văn hóa chung của xã hội, phù hợp với nội quy, quy định của môi trường học đường, đảm bảo cho các hoạt động trong trường học diễn ra lành mạnh, đạt mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người toàn diện, có đủ đức, trí, mỹ, thể, có tri thức và có hoài bão khát vọng vươn lên” (2). Xét trên nhiều khía cạnh, VHHĐ tương đồng với văn hóa giao tiếp, văn hóa hành vi trong môi trường học đường. VHHĐ là hành vi ứng xử của các chủ thể tham gia hoạt động giáo dục đào tạo trong nhà trường bao gồm: cách ứng xử của thày, cô giáo với học sinh, sinh viên; cách ứng xử của học sinh, sinh viên với thày cô giáo; cách ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên; cách ứng xử giữa các đồng nghiệp, học sinh, sinh viên với nhau.

2. Sự cần thiết nâng cao VHHĐ cho sinh viên trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

VHHĐ có vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện nhân cách của sinh viên, những người đang độ trưởng thành về tâm, sinh lý. Nó tác động vào tâm hồn, tình cảm, tri thức, đạo đức, lối sống… của sinh viên, bồi đắp cho họ những phẩm chất, năng lực mới. Thông qua VHHĐ, sinh viên nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong mối quan hệ với người khác và với chính bản thân để tự giáo dục, điều chỉnh… Ngược lại, với vai trò là chủ thể của VHHĐ, bằng những tác động trực tiếp hay gián tiếp của mình, họ tham gia vào quá trình làm biến đổi chính bản thân để xây dựng môi trường VHHĐ lành mạnh, phong phú.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi sinh viên là phải học tập để nắm lấy tri thức cần thiết, chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học công nghệ, trở thành người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tích cực nghiên cứu, sáng tạo trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc. Cùng với việc phấn đấu học tập, sinh viên cần tích cực rèn luyện nhân cách, thể lực để có thể đáp ứng đầy đủ những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho sinh viên nhiều thời cơ, nhưng đồng thời cũng có những thách thức. Bên cạnh cơ hội tiếp thu những thành tựu tiên tiến nhất của thế giới, tiếp cận nhanh chóng với thông tin, nâng cao tri thức, mở rộng giao lưu… sinh viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ văn hóa phẩm đồi trụy, các xu hướng cực đoan và tệ nạn xã hội…

Trong những năm gần đây, đời sống văn hóa của sinh viên có những biến đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Đại đa số sinh viên vẫn giữ vững và phát huy tốt truyền thống yêu nước, hiếu học, đoàn kết, tin tưởng vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên có những biểu hiện lệch lạc, kém văn hóa, chưa phù hợp với VHHĐ ở bậc đại học. Nhiều trường đại học chưa có hệ thống giá trị VHHĐ làm tiêu chuẩn, thước đo cho sinh viên hướng tới, dẫn đến hiện tượng sinh viên còn có thái độ thiếu lịch sự trong giao tiếp với giảng viên, nhất là đối với giảng viên trẻ. Vì vậy, vấn đề xây dựng VHHĐ cho sinh viên ở bậc đại học phải được coi là nhiệm vụ quan trọng đối với từng nhà trường trong việc rèn luyện nhân cách và giáo dục cho sinh viên trở thành những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp.

3. Giải pháp nâng cao VHHĐ cho sinh viên trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ nhất, xây dựng hệ thống giá trị VHHĐ làm tiêu chuẩn, thước đo cho sinh viên hướng tới

Mỗi cấp học, bậc học cần xây dựng hệ thống các quy tắc, giá trị, chuẩn mực nhất định về văn hóa tùy theo lứa tuổi và trình độ khác nhau để sinh viên hướng tới. Ở bậc đại học, đối tượng của giáo dục văn hóa có trình độ học vấn cao lại càng cần có hệ thống giá trị văn hóa phù hợp. Việc làm này là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, làm cho sinh viên nhận thức được giảng đường, nơi mình học tập trở thành nơi phấn đấu, rèn luyện; nơi phụ huynh luôn yên tâm về một môi trường đào tạo vừa hồng vừa chuyên. Các trường đại học cần xây dựng giải pháp phù hợp, loại bỏ dần những hiện tượng vô văn hóa, xây dựng hệ giá trị riêng làm chuẩn mực, góp phần thúc đẩy sự phát triển cho toàn ngành giáo dục. Mỗi trường đại học cần ban hành quy chế VHHĐ một cách rõ ràng, có tính khả thi cao, đặc biệt có cam kết của các phòng ban, đơn vị trực thuộc, cá nhân… và có kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Để xây dựng được hệ thống những giá trị VHHĐ, mỗi nhà trường đại học cần căn cứ vào nội quy, quy chế của Bộ GD&ĐT ban hành, kết hợp với đặc thù, tình hình thực tế từng ngành học của nhà trường. Khi đã tạo dựng được hệ thống giá trị VHHĐ, các nhà trường cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những gương tốt về văn hóa, đạo đức; phê bình, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tập thể có hành vi sai phạm đối với giá trị văn hóa, văn hóa ứng xử học đường. Việc khen thưởng, kỷ luật phải đảm bảo kịp thời, công khai minh bạch và thường xuyên. Xây dựng những trang thông tin chính thống, cung cấp đầy đủ gương người tốt, việc tốt, định hướng nhận thức cho sinh viên tránh xa biểu hiện của lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và tệ nạn xã hội.

Thứ hai, xây dựng môi trường giáo dục đại học an toàn, thân thiện và hiệu quả

Thực tế cho thấy, môi trường VHHĐ là cái nôi cho sự hình thành, phát triển nhân cách cũng như nếp sống, lối sống của mỗi người. VHHĐ lành mạnh giúp các thành viên trong nhà trường chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và kiến thức, phát triển khả năng hợp tác giữa các thành viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Từ đó, tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hoạt động vì sự phát triển chung của nhà trường.

VHHĐ ở bậc đại học chính là văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của giảng viên và sinh viên. Giảng viên phải là tấm gương tốt cho sinh viên noi theo, phải xây dựng mối quan hệ tốt giữa thày và trò một cách đúng mực, nghiêm túc, thân mật, giản dị và chân thành. Giảng viên phải xác định đúng vai trò, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc dạy chữ và dạy người, có ý thức trau dồi chuyên môn, làm cho sinh viên thấy được cái hay, cái đẹp trong kiến thức được lĩnh hội, truyền cho các em niềm say mê nghề…

Bên cạnh đó, các trường cần gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống, lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động dã ngoại, hoạt động tình nguyện, phong trào mùa hè xanh… qua đó giúp các bạn sinh viên phát triển toàn diện về cả đức và tài.

Thứ ba, phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục VHHĐ ở bậc đại học.

Gia đình là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách của sinh viên. Gia đình cũng là nơi gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Do đó, để nâng cao VHHĐ ở bậc đại học cần sự phối hợp một cách kịp thời, nhuần nhuyễn giữa gia đình và nhà trường trong việc nắm bắt suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, chuyển biến tư tưởng của sinh viên để có biện pháp kịp thời nhằm định hướng lối sống và hành vi ứng xử đúng đắn.

Về mặt xã hội, muốn nâng cao VHHĐ cho sinh viên cần định hướng thị hiếu văn hóa cho họ. Giáo dục văn hóa phải gắn với nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Phải có sự kết hợp giữa nhà trường với các đoàn thể tổ chức xã hội nơi sinh viên sinh sống để thường xuyên kiểm tra nếp sống văn hóa, tăng cường tuần tra, kiểm tra hiện tượng sinh viên đi khuya về muộn, để kịp thời thông báo với nhà trường có biện pháp xử lý. Hạn chế những tụ điểm ăn chơi (nhà hàng, nhà nghỉ, quán karaoke, dịch vụ cầm đồ…) xung quanh địa bàn các trường đại học.

Một môi trường VHHĐ được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sức đề kháng với những mầm bệnh, loại trừ được biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường VHHĐ ngày càng hoàn thiện, trong sáng. 

Việc tiến hành những giải pháp cụ thể mang tính khả thi để tổ chức xây dựng môi trường VHHĐ lành mạnh, phong phú là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học trong thời kỳ mới nhằm góp phần “Thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển biến quan trọng: Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên” (3).

_______________

1. Phạm Ngọc Trung, Văn hóa và phát triển từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2011, tr.51.

2. Trần Thị Tùng Lâm, Hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hiện nay – Qua khảo sát một số trường đào tạo các nghành kỹ thuật, luận án tiến sĩ Chính trị học, Hà Nội, 2017, tr.19.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.123.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Nga

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12- 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *