Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã ninh vân, hoa lư, ninh bình

Xã Ninh Vân huyện Hoa Lư là một xã có giao thông thuận lợi, nằm ngay sát quốc lộ 1A cho nên hoạt động sản xuất, giao thương tạo nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nơi có nguồn nguyên liệu đá rất phong phú vì vậy từ xa xưa đã hình thành nên nghề truyền thống chế tác đá. Xã Ninh Vân có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ như: Đồng Quan, Thôn Thượng, Chấn Lữ, Dưỡng Hạ, Vũ Xá, Xuân Phúc, Thôn Hệ, Xuân Thành, Phú Lăng, Dưỡng Thượng. Hiện nay, đã có 3 làng Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ đã được Nhà nước công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Chúng tôi tập trung khảo sát giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Xuân Vũ. xem là địa điểm tập trung sản xuất và chế tác sản phẩm đá mỹ nghệ.

Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân về cơ bản cũng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, thuận theo quy luật của tự nhiên. Gần sông, biển thì đánh bắt thủy sản, làm muối…, gần núi đá thì chế tác đá, sản xuất các sản phẩm từ đá, và dần dần nó đã trở thành một nghề truyền thống, đem lại cuộc sống yên ấm cho cư dân. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân đã kế thừa được những giá trị tinh hoa do tiền nhân để lại, trên cơ sở đó, các thế hệ nối tiếp đã không ngừng sáng tạo để khẳng định bản sắc của làng nghề truyền thống.

Về lịch sử hình thành nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, hiện chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định chính xác về thời gian xuất hiện của nó, chỉ có truyền thuyết về vị tổ nghề đá ở xã Ninh Vân đã được các cụ cao niên kể lại. Tư liệu trong luận văn: Nghề thủ công truyền thống chạm khắc đá ở xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) từ 1986 đến 2003, của tác giả Phạm Thị Loan cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ TK X đã có kinh đô Hoa Lư được mệnh danh là kinh đô đá với những công trình kiến trúc cùng những sản phẩm bằng đá nổi tiếng, nhiều đồ thờ bằng đá ở động Thiên Tôn hay ở đền Thái Vi (xã Ninh Hải) thờ các vua nhà Trần có những bức y môn, cửa võng rất đẹp được làm bằng đá, chẳng khác gì các bức chạm trên gỗ. Rõ ràng nghề chạm khắc đá ở kinh đô Hoa Lư từ thời Đinh, tiền Lê đã phát triển, Ninh Vân vốn thuộc vùng đất kề cận kinh đô, vì vậy nghề chế tác đá ở Ninh Vân có thể đã có từ khi ấy. Những người thợ chạm khắc đá thời Đinh, tiền Lê dù là người gốc ở Hoa Lư hay từ nơi khác đến thì đều là những người có công lao làm ra những công trình, sản phẩm bằng đá tuyệt tác, lại vừa có công truyền dạy nghề này trong vùng. Căn cứ vào thần tích hiện còn lưu giữ tại đình làng Xuân Phúc và truyền thuyết từ xa xưa kể lại thì nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có từ thời hậu Lê (khoảng TK XVII), ông tổ nghề chạm khắc đá có tên là Hoàng Sùng, người ở làng Nhồi (Thanh Hóa) đã sang đây truyền nghề. Làng Nhồi vốn thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có nghề chạm khắc đá nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn vang khắp cả nước. Nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi được cho là có từ thời nhà Lý” (1). Các nghệ nhân làng Nhồi, từ xưa đến nay, đã tạo ra nhiều loại hình sản phẩm như: đồ thờ cúng, tượng đá, bia đá, các tác phẩm điêu khắc đá ở khu điện miếu Lam Kinh đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ như các tượng rồng, tượng người, tượng thú… những tác phẩm độc đáo này đã góp phần quan trọng hình thành nên dòng chảy và đặc điểm qua mỗi thời kỳ của nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống ở Việt Nam. Trên bình diện văn hóa, nghệ thuật, chạm khắc đá dân gian truyền thống xứ Thanh đem lại sự đa dạng về các nghề thủ công và diện mạo văn hóa dân gian truyền thống trên đất Cửu Chân xưa. Cũng có thể do vị trí địa lý (Ninh Bình giáp Thanh Hóa) và nguồn tài nguyên dồi dào (Hoa Lư là huyện có nhiều núi đá) nên nghề chạm khắc đá từ Thanh Hóa đã lan truyền sang Ninh Vân và đã được người dân tiếp nhận, phát triển. Như vậy, hai nguồn tư liệu được dẫn ra đã minh chứng cho lịch sử nghề đá ở xã Ninh Vân tương đối nhất quán.

Về vị tổ nghề, tương truyền cụ Hoàng Sùng là người rất tài giỏi chế tác đá, cụ đã đến đây sinh sống lập nghiệp và truyền dạy nghề chạm khắc đá cho người dân địa phương. Vì có công lớn như vậy, cụ đã được nhân dân tôn vinh là tổ nghề và được phối thờ cùng các vị thành hoàng làng. Ở làng Hệ, Xuân Vũ cứ đến ngày 15-8 âm lịch, nhân dân lại tổ chức tế khai sơn và giỗ tổ nghề để tưởng nhớ người đã có công dạy dân làng nghề chạm khắc đá, đem lại một cuộc sống ấm no cho cư dân nơi đây.

Nghề chạm khắc đá Ninh Vân từ lâu đã nổi tiếng bởi những sản phẩm độc đáo. Các cụ cao niên cho biết: Xưa kia, những người thợ đá ở Ninh Vân (thôn Hệ, Xuân Phúc, Xuân Thành, Côn Lăng) đã tham gia làm một số công trình nổi tiếng trong nước có giá trị nghệ thuật cao: lăng Bà chúa Liễu ở Phủ Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định), nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), lăng Khải Định (Huế), tượng phật ở chùa Hương Tích (Hà Tây), đền Thái Vi (Hoa Lư, Ninh Bình), những công trình, sản phẩm bằng đá phục vụ đời sống tâm linh tại các di tích lớn như đình, đền, chùa, lăng tẩm, tượng phật, đồ mỹ nghệ… Cũng từ việc tham gia xây dựng các công trình bằng đá mà người thợ đá Ninh Vân đã được nhiều nơi biết đến với tay nghề cao, chế tác đá tinh xảo. Hiện nay, các sản phẩm của làng đá Ninh Vân rất đa dạng, nhiều về số lượng và chủng loại. Những tư liệu cho biết, nhiều công trình bằng đá trên đất nước ta đều có sự tham gia của các hiệp thợ đá Ninh Vân: cụm tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng đài Bác Hồ ở quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh, Nghệ An), tượng Trần Hưng Đạo ở Kinh Môn (Hải Dương), các pho tượng La Hán đặt tại chùa Bái Đính… Người dân Ninh Vân cũng vinh dự khi có những nghệ nhân, những người thợ có tay nghề cao như: Nguyễn Văn Ban, Đỗ Phương, Đỗ Đức, Nguyễn Văn Trân… được tham gia xây dựng lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.


 Nghệ nhân làng đá Ninh Vân tạc những pho tượng để cung tiến vào chùa Bái Đính. Ảnh Hoàng Vân 

Về loại hình sản phẩm của nghề đá ở Ninh Vân, có thể chia ra như sau:

1. Nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất: những chiếc cối đá, xay, con lăn trục lúa… Ngày nay những sản phẩm này không còn phổ biến như trước, do có sự thay đổi về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.

2. Nhóm sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt: đây là những sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng khi được tạo tác trên chất liệu đá, một mặt nó đem lại sự vững chắc và bền bỉ cùng thời gian, mặt khác nó cũng đem lại một vẻ đẹp độc đáo, khó nhầm lẫn so với các sản phẩm làm từ vật liệu khác. Đó là những nhịp lan can trạm trổ hoa lá, xen kẽ ô thủng cùng những viên đá lát vuông vắn đầy nét cổ kính của những cây cầu bắc qua các con sông nhỏ, tạo nên một vẻ đẹp thân thương, gần gũi hơn. Hay như những bộ bàn ghế đá cổ kính được làm bằng đá xanh, đá vàng được những nghệ nhân Ninh Vân tạo tác với đa dạng những mẫu mã, kích cỡ: bàn tròn, bàn ghế thân trúc (bộ bàn ghế được tạo tác với các tay ngang, phần chân kiểu giống như các đốt trúc), bàn ghế thân cây giả cổ (bàn được tạo dáng như một gốc cây cổ thụ, xù xì với nhiều hang hốc, ghế được chế tác như những miếng ván gỗ xẻ ra từ những thân cây, phần chân ghế tựa như các cành cây cong queo nhưng đầy tính mỹ thuật) sản phẩm này chủ yếu dành cho các không gian nhà vườn của những khu biệt thự rộng lớn hay phục vụ thú vui chơi đồ đá của nhiều khách hàng.

Bên cạnh những biển hiệu quảng cáo bằng đèn led thông dụng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, công ty đã chọn đá làm biển quảng cáo, đó là những khối đá lớn được mài nhẵn mặt, trên đó có chạm khắc tên, thông tin về công ty, doanh nghiệp đó với những kiểu dáng và mẫu mã rất độc đáo, bền vững có tuổi thọ lâu dài. Ngày nay, trong quá trình xây dựng các công trình kiến trúc, sản phẩm đá cũng được rất nhiều người ưa chuộng, nó được sử dụng để làm bậc cầu thang, bàn bếp… Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp, công ty chế tác đá ở Ninh Vân đã tập trung sản xuất nhiều sản phẩm đá để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, những khối đá xanh với những vân đá đẹp mắt được xẻ mỏng, mài nhẵn, đánh bóng đã được rất nhiều người lựa chọn và bán rất chạy.

3. Nhóm sản phẩm chạm khắc đá mỹ nghệ: đây cũng là mặt hàng chiếm số lượng lớn tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân. Những bức tranh bằng đá được thể hiện với nhiều đề tài khác nhau: tứ quý, tứ linh, ngũ hạc quần tùng, long vân khánh hội, cảnh làng quê… với đầy đủ kích thước và kiểu dáng (hình vuông, hình chữ nhật, cuốn thư, rẻ quạt, thân cây…). Đề tài tứ quý thường được thể hiện phổ biến ở các công trình kiến trúc, tôn giáo được xây dựng bằng chất liệu gỗ, nhưng với chất liệu bằng đá thể hiện đề tài này thành công cần có sự công phu, sáng tạo của nghệ nhân. Tùng, cúc, trúc, mai được thể hiện trên đá ở Ninh Vân đã thể hiện được đặc điểm của từng loại cây với các biểu tượng: tùng – người quân tử, trúc – sự ngay thẳng, cúc – sự vận hành của thời gian, mai -sự thanh cao, khí tiết, đã được thể hiện với những đường nét uốn lượn mềm mại.

Để có được một sản phẩm đá mỹ nghệ đẹp, được khách hàng ưa thích thì người thợ đá Ninh Vân ngoài tay nghề tài hoa ra thì còn một yếu tố nữa quyết định: đó chính là tâm tư, tình cảm của người thợ gửi gắm vào sản phẩm đó. Chỉ có như thế, sản phẩm mới mang phong cách riêng với vẻ đẹp không dễ gì nhầm lẫn với một địa phương nào khác. Cùng với sản phẩm tranh đá, còn có rất nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ khác được người thợ Ninh Vân chế tác như: đôn đỡ chậu cây cảnh, các con vật trang trí: tỳ hưu, cóc ngậm ngọc, tượng thiếu nữ… để trang trí trong các phòng khách của mỗi gia đình hoặc các công ty, cơ quan.

Nhóm sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh: đây là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng và có doanh thu cao, bán được số lượng nhiều tại các làng nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân. Đầu tiên, phải kể đến đó là sản phẩm lăng mộ đá, tường bao, lư hương phục vụ cho việc thờ cúng. Đây có thể coi là sản phẩm đặc trưng của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân. Sở dĩ, có thể nhận định như vậy, bởi trên thực tế, những sản phẩm này chiếm phần lớn về số lượng được sản xuất tại đây. Những lăng, mộ bằng đá được bày bán hai bên đường từ ngoài vào trong, kèm theo đó là các phiến đá được chế tác làm tường bao cho khu lăng, mộ, bát hương, trụ đá. Về mẫu mã, lăng mộ được làm theo kiểu chung: hai tầng tám mái với bốn góc mái vút cong tựa như tàu đao, ở bốn góc có thể trang trí hình đầu rồng tùy theo giá cả và kích thước của lăng, phần thân lăng được tạo tác 3 cửa gồm một cửa chính và hai cửa ngách ở hai bên, cửa được làm theo kiểu mái vòm, đằng trước thường có hai chiếc cột trụ nhỏ. Ở mặt trước của lăng được chạm khắc hoa văn hình rồng phượng xen kẽ họa tiết lá lật, phía trong của lăng có một khoảng nhỏ đủ để một bát hương và phần bia mộ. Lăng được thiết kế hình chữ nhật để bao trùm phần mộ của người đã khuất. Ngày nay, khi cuộc sống dần được cải thiện, thế hệ đi sau không quên ơn ông bà tổ tiên, những người đã cả đời chịu vất vả, hy sinh để con cháu đời sau được hưởng ấm no, hạnh phúc, cũng là lúc họ thể hiện lòng biết ơn bằng cách xây sửa lại phần mộ cho to đẹp, đàng hoàng hơn. Với mục tiêu đó, nhiều gia đình, dòng họ đã tìm đến lăng, mộ đá của các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân để chọn mua những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của gia đình hay dòng họ. Nếu là mộ ông bà tổ tiên trong gia đình, có thể mua những lăng, mộ có kích thước vừa, nhỏ nhưng đối với phần mộ tổ của các dòng họ lớn, các chi, ngành thì thường là những lăng mộ có kích thước khá lớn kèm theo tường bao xung quanh và đồ thờ tự: bát hương, nhang án, đá lát… Bên cạnh đó, hệ thống đồ thờ đa dạng về số lượng như: lư hương, chân đèn, bát hương, bia đá, tháp đá, khánh đá, cột trụ… được tạo tác mô phỏng theo mẫu mã từ thời xưa để lại, bên cạnh đó có nhiều cách tân để phù hợp với tính năng sử dụng và dấu ấn của thời đại mới. Sản phẩm những đôi rồng chầu với kích thước lớn được đặt tại các ngôi đền, đình làng mang đậm vẻ uy nghi. Những cây hương đá, lư hương, bát hương với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đặt tại các di tích lịch sử được trang trí các đồ án quen thuộc như lưỡng long tranh châu, hoa văn lá lật xen kẽ vân mây. Tượng thờ cũng là loại hình sản phẩm độc đáo của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân với kỹ thuật cao, lột tả được vẻ đẹp chân thật và sinh động của mỗi pho tượng. Đó là những pho tượng La Hán có kích thước tương đương như người thật với mỗi vị một dáng vẻ (tiêu biểu là các pho tượng La Hán ở chùa Bái Đính). Đến Ninh Vân, người ta được tận mắt chứng kiến người thợ tạo tác những pho tượng đá với nhiều kiểu dáng khác nhau: tượng mẫu, tượng hộ pháp với kích thước lớn thường được đặt tại tòa tiền đường của các ngôi chùa… Ngoài ra còn rất nhiều tượng các linh vật như: sư tử, nghê, lân, hạc, ngựa thờ, voi với nhiều kích thước khác nhau.

Nhóm tượng đài: nhiều sản phẩm tượng đài của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân xuất hiện ở nhiều địa danh trên khắp đất nước: cụm đuốc Bác Hồ (Cao Bằng), tượng đài Hoàng Văn Thụ (Lạng Sơn), tượng đài chiến sĩ Trường Sơn, tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh (Nghệ An), tượng đài Trần Hưng Đạo (Hải Dương), tượng đài Nguyễn Đức Cảnh (Hải Phòng), tượng đài thanh niên xung phong (Hà Tĩnh, Quảng Trị), tượng đài mẹ Suốt (Quảng Bình)… Tất cả công trình này được những công ty, doanh nghiệp tại địa phương ở Ninh Vân trực tiếp vận chuyển trang thiết bị, nguyên liệu đến thi công tại công trình. Tượng đài được chế tác theo nhiều kích thước và trọng lượng khác nhau, được làm từ đá xanh, đá cẩm thạch… tùy theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị đặt làm. Hiện tại, nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở Ninh Vân còn kiến thiết nhiều những công trình lớn cho quê hương như: tạo dựng tượng đài Lương Văn Tụy bằng đá xanh trên đỉnh núi Dục Thúy (phường Đông Thành), hay thi công làm các pho tượng La Hán tại chùa Bái Đính (Hoa Lư) và nhiều công trình khác. Sản phẩm của làng nghề chạm khắc đá còn được thể hiện trong các công trình kiến trúc, nhà ở bằng đá của nhân dân địa phương. Ở làng Xuân Vũ và làng Hệ có nhiều gia đình làm nhà bằng đá, hoặc các cấu kiện kiến trúc: cột, xà, quá giang, ngưỡng cửa có hình dáng giống như ngôi nhà gỗ cổ truyền.

Khó có thể kể ra hết các sản phẩm hiện nay của làng đá Ninh Vân, bất cứ sản phẩm nào khách muốn đặt, họ cũng có thể làm được kể cả việc dựng nhà bằng đá hay quần thể nhà vườn… Điều đó chứng tỏ người thợ Ninh Vân ngày càng sáng tạo, học hỏi để đem sản phẩm của mình vươn xa trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Hiện nay, hầu hết người dân ở xã Ninh Vân đều làm nghề chế tác đá, đây là nghề đem lại thu nhập cao và đã được UBND tỉnh quan tâm đến việc xây dựng các cụm công nghiệp. Năm 2006, cụm công nghiệp làng đá chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn I được hình thành với “diện tích là 11ha, đến năm 2008 nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân chính thức đi vào hoạt động” (2). Trong những năm gần đây, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thành lập cụm công nghiệp II với việc mở rộng hơn 12ha, để các doanh nghiệp, các hộ sản xuất lớn tập trung vào cụm công nghiệp để sản xuất. Rõ ràng, việc hình thành các cụm công nghiệp đã có những ảnh hưởng tích cực về nhiều mặt, nó cải thiện về tình trạng ô nhiễm bụi đá, tiếng ồn trong khu dân cư, giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động của các làng trong xã Ninh Vân đến làm việc và lao động từ nhiều nơi khác đến. Trong lịch sử cũng như hiện nay, “nghề đá mỹ nghệ ở Ninh Vân đã phát triển, thu hút và tạo việc làm cho công nhân, giải quyết tốt đời sống kinh tế cho người dân làng nghề, sản phẩm đá của Ninh Vân đã có mặt khắp các vùng miền và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới” (3).

Về quy mô sản xuất, hiện nay tại Ninh Vân bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo quy mô các hộ gia đình, “đã có 70 hộ có quy mô sản xuất là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn” (4). Trong xu thế phát triển mới, ngày càng có nhiều gia đình đã làm thủ tục để thành lập doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn. Mô hình sản xuất này, đã và sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi trong các khâu: sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất, nhập mới các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, trao đổi và buôn bán sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… “Để phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất của các gia đình thợ thủ công, UBND tỉnh và chính quyền địa phương đã chỉ đạo thực hiện dự án quy hoạch đủ diện tích cho 453 cơ sở làm đá, mỗi cơ sở có từ 900 – 1200m2” (5).

Có thể nhận định rằng, sản phẩm của nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân đã có thị trường tiêu thụ khá rộng ở nhiều địa phương trong cả nước và một số nước trên thế giới. Những sản phẩm của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân không chỉ có giá trị vật thể, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần giàu bản sắc, truyền thống của những người dân làm nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở Ninh Vân. Trong tương lai, với truyền thống lâu đời, nghề đá ở Ninh Vân vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển, tạo ra các sản phẩm tiêu biểu, độc đáo phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân, chúng ta cũng có thể nghĩ đến các nghề khác ở Ninh Bình nói riêng và cả nước ta nói chung, nghề thủ công truyền thống ở địa phương sẽ góp phần cho việc thực hiện công nghiệp hóa và phát triển đa ngành nghề ở nông thôn. Nghề thủ công truyền thống ở địa phương sẽ đóng góp tích cực cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta hiện nay.

_______________

1. Phạm Thị Loan, Nghề thủ công truyền thống chạm khắc đá ở xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) từ 1986 – 2003, Luận văn Thạc sĩ, 2004.

 2. Sở Công nghiệp Ninh Bình, Báo cáo thực trạng, phương hướng, mục tiêu và giải pháp về phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Ninh Bình, 2000.

 3. UBND xã Ninh Vân, Báo cáo tình hình nhiệm vụ kinh tế, xã hội, Ninh Bình, 2007.

4. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Ninh Vân, Lịch sử Đảng bộ xã Ninh Vân, Ninh Bình, 1999.

5. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Bình, Dự án bảo tồn mỹ nghệ đá Ninh Vân – chương trình bảo tồn các giá trị văn hóahi vật thể, Ninh Bình, 2002.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : NGÔ THỊ KIM TUYẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *