Nghề gốm sứ Cậy thuộc xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nổi tiếng từ TK XV với nhiều nét đẹp nghệ thuật và giá trị văn hóa, kinh tế. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề gốm sứ Cậy gần đây đã được phục hồi. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nghề gốm sứ Cậy truyền thống, rất cần sự nỗ lực của người dân và cả sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở địa phương.
1. Đôi nét về lịch sử, hiện trạng nghề gốm sứ Cậy
Nghề gốm sứ Cậy cổ truyền thuộc thôn Cậy, xã Long Xuyên, nay là một trong 18 xã, thị trấn của huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Đây là miền đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, giữ vị trí quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của huyện (1). Dưới thời phong kiến, nghề gốm sứ Cậy nằm ở trung tâm buôn bán sầm uất trong vùng. Nghề gốm sứ Cậy gắn với di tích bến đò Cậy, chợ Cậy được hình thành từ lâu đời. Xưa kia, nghề sản xuất gốm sứ Cậy cổ truyền được phân bố rộng thuộc 2 thôn trên tổng số 4 thôn của xã Long Xuyên. Qua điền dã, khảo sát, khai quật nhiều lần của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Hải Dương (thám sát từ năm 1986, khai quật vào các năm 1989, 1990 và 2000), đã xác định thôn Cậy là một trung tâm sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu phát triển rực rỡ vào TK XV-XVI, với quy mô lớn, chất lượng cao, loại hình phong phú, nhiều mặt hàng xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Khu di tích kéo dài khoảng 600m, tầng văn hóa dày từ 1- 4m mở rộng 100m suốt dọc sông Sặt nối liền với di tích gốm làng Ngói. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các lò gốm sứ Cậy ngừng hoạt động. Cuối năm 1957, các lò được khôi phục, thành lập các hợp tác xã thủ công, ký hợp đồng bán sản phẩm, mua nguyên liệu: củi, đất, cao lanh với Công ty mậu dịch quốc doanh. Đầu TK XX còn 72 gia đình mở chung 12 lò bát. Sau 30 năm gián đoạn, nhờ sự giúp đỡ và khuyến khích của Nhà nước, gốm Cậy được phục hồi. Từ năm 1957-1961, đã có 3 lò gốm được xây dựng xong, với 286 hộ góp cổ phần và lao động sản xuất, kinh doanh, dưới sự chỉ đạo và quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Hơn 20 năm hoạt động, nghề gốm sứ Cậy trải qua nhiều khó khăn về hình thức tổ chức, nguyên liệu, nhiên liệu, kỹ thuật, giá cả, đến năm 1983, cơ sở sản xuất tập thể còn 72 lao động, hai lò, do huyện quản lý. Số lao động còn lại, ngoài việc đồng áng, họ tổ chức liên gia hoặc trong từng gia đình sản xuất gốm sứ theo hình thức khác nhau (2).
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, các lò sứ gia đình và lò hợp tác xã đã thành lập. Các lò gốm được mở rộng với việc ứng dụng kỹ thuật nung hiện đại, từ đó, sản phẩm gốm thôn Cậy dần chiếm lĩnh thị trường, khẳng định thương hiệu. Đó cũng là thời kỳ phát triển cực thịnh của nghề gốm sứ Cậy, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường miền Bắc. Sau năm 1995-1996, nghề gốm Cậy dần tàn lụi, chủ yếu còn lại một số hộ sản xuất tư nhân, nhỏ lẻ.
Đến năm 2012, làng Cậy có tất cả 4 cơ sở sản xuất gốm sứ cá thể hộ gia đình, đó là: xưởng gốm gia đình ông Vũ Xuân Năm (66 tuổi), có 6 lao động chính, tần suất đốt lò trung bình là 1,5 – 2 lần/tháng chuyên sản xuất, phục chế gốm sứ cổ mang giá trị thẩm mỹ; xưởng gia đình ông Tô Đức Hồng (54 tuổi), có 15 lao động chính, tần suất đốt lò trung bình là 6 – 7 lần/tháng, chuyên sản xuất ấm, chén từ khâu sản xuất thô, đề can hoa văn, logo đến khâu hoàn thành sản phẩm; xưởng sứ gia đình ông Trần Văn Bính (55 tuổi), có 12 lao động chính, tần suất đốt lò trung bình là 4 lần/tháng, xưởng không sản xuất hàng thô mà nhập ấm, chén về rồi đề can hoa văn, logo theo yêu cầu khách hàng; xưởng sứ gia đình ông Vũ Văn Hưng, 57 tuổi, có 14 lao động chính, tần suất đốt lò trung bình là 6 – 6,5 lần/tháng, chuyên sản xuất bát, đĩa từ khâu sản xuất hàng thô đến đề can hoa văn, logo để hoàn chỉnh sản phẩm.
Qua đó cho thấy: sản xuất gốm sứ ở làng Cậy có quy mô sản xuất nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình; có hai khuynh hướng sản xuất gốm sứ chính là sản xuất mô phỏng mẫu gốm cổ (giả cổ) và sản xuất đồ gia dụng bình dân; mỗi xưởng gốm sứ có khuynh hướng kinh doanh độc lập, mặc dù có ba xưởng sản xuất đồ gia dụng nhưng mỗi xưởng lại chuyên về một mảng nhất định, không có sự cạnh tranh thị trường giữa các xưởng sản xuất (3).
Đến năm 2018, làng Cậy chỉ còn 2 cơ sở sản xuất gốm sứ theo 2 cách thức khác nhau và 1 cơ sở sản xuất các loại gạch gốm xây dựng (4). Xưởng gốm gia đình ông Vũ Xuân Năm (72 tuổi), có 10 lao động chính, tần suất đốt lò bầu trung bình là 1,5 – 2 lần/tháng chuyên sản xuất, phục chế gốm sứ cổ mang giá mỹ thuật cao, tần suất đốt lò ga trung bình 3-4 lần/tháng, chuyên sản xuất hàng thử nghiệm hay hàng gốm sứ công nghiệp, hàng rót đổ khuôn theo các đơn hàng đặt. Xưởng gia công bát sứ gia đình bà Nguyễn Thị Thảnh, 60 tuổi, có 4 lao động chính, tần suất đốt lò ga trung bình là 5 – 6 lần/tháng, chuyên nhập bát, đĩa sứ trắng về in đề can hoa văn, logo và hấp men hoa trên sản phẩm. Xưởng gạch gốm của gia đình anh Vũ Xuân Tuấn, 47 tuổi, có 10 lao động chính, tần suất đốt lò trung bình là 6 – 6,5 lần/tháng, chuyên sản xuất gạch gốm nung, gạch mỹ thuật xây lăng, chùa, tháp… Xưởng gốm sứ của gia đình ông Tô Đức Hồng và ông Trần Văn Bính đã ngừng hoạt động, do gia đình có chuyển hướng sang làm thương mại, kinh doanh mặt hàng sứ công nghiệp.
Như vậy, hiện nay ở làng Cậy chỉ còn duy nhất gia đình ông Vũ Xuân Năm còn bảo lưu và gìn giữ được quy trình làm gốm sứ cổ truyền. Xưởng gốm của ông Năm có quy mô vừa và nhỏ, có khả năng chủ động được toàn bộ công nghệ, làm được sản phẩm gốm sứ hoàn chỉnh từ A đến Z và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, kể cả khách hàng khó tính.
Ông Năm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho lĩnh vực tri thức dân gian nghề truyền thống năm 2015. Từ sau năm 1990, làng nghề gốm Cậy gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng, nhưng hộ gia đình ông Năm vẫn tự vượt lên và phát triển mạnh mẽ, đi lên bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình. Bên cạnh đó, gia đình ông Năm đã dựa vào các hình thức vay vốn, cho thuê đất dài hạn của Nhà nước và chính quyền địa phương để mở rộng, phát triển mô hình sản xuất hộ gia đình về dòng sản phẩm gốm sứ Cậy.
Tại gia đình nghệ nhân Vũ Xuân Năm vẫn còn tồn tại song hành hai phương pháp sản xuất gốm truyền thống và hiện đại. Tùy theo tính chất của sản phẩm cũng như số lượng, yêu cầu theo đơn đặt hàng của khách mà nghệ nhân sẽ quyết định làm theo quy trình truyền thống hay hiện đại. Dù làm theo quy trình nào, gia đình nghệ nhân Năm vẫn tuân thủ các công đoạn làm gốm truyền thống, đó là làm đất, lọc đất, vuốt, chuốt nặn, tạo hình trên bàn xoay, tiện chân, gọt sửa sản phẩm, đắp nổi hoặc vẽ trên sản phẩm thô, sau đó là tráng men và nung gốm. Đó là niềm tự hào của quê hương gốm sứ Cậy, tỉnh Hải Dương.
2. Đặc điểm, quy trình sản xuất gốm sứ Cậy
Đặc điểm, phương pháp sản xuất gốm Cậy cổ truyền tồn tại đến đầu TK XXI gồm nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều có kỹ thuật riêng và nhiều bước nhỏ, đòi hỏi sự khéo léo của nghệ nhân trong việc tạo tác sản phẩm gốm sứ Cậy.
Sản phẩm gốm sứ Cậy sau khi ra lò
Ảnh: Trần Văn Hiếu
Nguyên liệu chính làm xương gốm Cậy là đất sét và cao lanh, được lấy ở vùng Đông Triều – Quảng Ninh. Men gốm truyền thống lấy từ tro trấu hoặc tro củi lọc kỹ hòa với nước và cao lanh khai thác ở Hồ Lao (Đông Triều). Chất liệu dùng để trang trí hoa văn chủ yếu là ô xít cô ban, màu lam nhạt. Ngoài ra còn nhiều chất liệu khác để pha chế các loại màu khác nhau.
Nguyên liệu làm sành sứ là cao lanh, đất sét trắng mua ở Kinh Môn, củi đốt lò mua ở vùng rừng núi, theo đường sông mang về, than mua ở Quảng Ninh, các loại hóa chất làm men mua ở Hà Nội.
Công cụ sản xuất gồm bể lọc đất, bàn xoay tạo hình, lò nung, khuôn mẫu đều do người làng tự làm. Các nghệ nhân làm gốm sứ Cậy luôn luôn cải tiến kỹ thuật, nâng cao và đa dạng hóa sản phẩm. Bàn xoay chuốt gốm sứ Cậy cấu tạo như sau: cái ắc hay rốn bàn xoay còn gọi là cái lú, cái song, chất liệu đều được làm bằng cao lanh, tráng men nên cứng rắn, trơn nhẵn hơn đất nung, chất lượng tốt hơn.
Lò nung thời trung cổ về trước đây hiện nay chưa rõ, thời kỳ cận đại chủ yếu dùng lò món. Gọi là món vì lò món được chia làm 12 món hay 12 phần bằng nhau. Trước đây ít gia đình nào có riêng một lò mà thường là nhiều gia đình dựng chung. Mặt bằng của lò có hình chữ nhật, cửa lò là nơi đốt lửa, cuối lò có hai ống khói. Đáy lò chia làm 12 ô bằng nhau có tên gọi riêng cho từng ô. Xung quanh và nóc lò xây bằng gạch. Thông thường mỗi gia đình xếp sản phẩm của mình vào một món. Mỗi món dựng thành từng hộp, hộp có 7 tầng tương đương với 7 bao nung, mỗi hộp xếp được 6-8 chồng bát. Bao nung làm bằng bã của đất bát nhào với gạch, sỏi vụn đập nhỏ đóng thành 3 loại gạch lớn, có độ dày bằng nhau (6cm). Lò xây bằng gạch, giữa có 10 cột nống để các bao nung dựa vào cho vững chắc. Bên cạnh cột nống có 10 lỗ tra củi. Lò có chiều cao khoảng 6m rộng 3m. Nhiên liệu đốt lò bằng củi gỗ, thường dùng gỗ keo, gỗ tạp trong rừng vì giá thành hợp lý và cho chất lượng lửa tốt. Nhưng tốt nhất là củi của gỗ lát, đượm lửa, nhiệt cao và không hao nhiên liệu.
Hầu hết các sản phẩm được tạo dáng trên bàn xoay rồi trang trí hoa văn, tráng men và nung. Một nhóm sản phẩm được khắc vạch hoa văn khi tạo dáng trên bàn xoay, nhóm khác tạo dáng bằng phương pháp tạo hoa văn bằng khuôn, kết hợp nặn, chuốt. Quy trình vuốt nặn tay và tạo hình sẽ quyết định 70% chất lượng của mỗi sản phẩm. Đó là quy trình sản xuất gốm sứ Cậy theo phương pháp truyền thống. Nếu sản xuất theo phương pháp hiện đại, người thợ cần tạo ra 1 cái khuôn trước (đổ khuôn theo hình mẫu sản phẩm), sau đó từ mỗi cái khuôn sẽ đổ hồ đất sét vào để tạo ra từng sản phẩm giống nhau. Tuổi thọ của mỗi khuôn gốm phụ thuộc vào số lượng sản phẩm làm ra, cũng như tần suất thực hiện đúc sản phẩm gốm. Trung bình, mỗi khuôn gốm tạo được từ 50 đến 100 sản phẩm cùng loại thì đem bỏ, người thợ sẽ đúc khuôn mới.
Chuẩn bị nguyên liệu: đất thỏ trắng, đất dùng phơi khô, đập nhỏ, giần lấy bột tơ, bỏ tạp chất. Đất dùng đã lọc với đất sét tại địa phương cũng được giần lọc như trên mỗi thứ một nửa hòa lẫn vào nhau với nước cho đủ độ dẻo, ủ vài 3 ngày rồi đưa lên bàn xoay tạo dáng. Chuốt bát đĩa trên bàn xoay cũng tương tự như chuốt nồi, tuy không có khuôn nhưng phải có cữ bằng sọ dừa để tạo dáng phía ngoài hoặc phía trong của vật chuốt. Khi vật chuốt có hình thù đã định được lấy ra khỏi bàn xoay, đặt từng hàng vào giá gỗ, đưa lên bàn phơi trong cái lán, nếu trời nắng có thể đem ra sân phơi cho khô, xương gốm khô lại đưa vào bàn xoay tráng một lớp áo mỏng bằng đất sét trắng khai thác ở Hồ Lao (Đông Triều) rồi tráng men cho đều, gọt chân đường vật và tạo đường ve trong lòng bát đĩa để chống dính rồi xếp lại thành từng chồng, chuẩn bị vào lò.
Quy trình làm men hoa lam truyền thống: men hoa lam là màu đặc trưng trong số 6 màu men truyền thống của gốm sứ Cậy. Quy trình làm men lam cầu kỳ và có bí truyền nghề nghiệp riêng. Về cơ bản, làm men hoa lam cần có vôi, tro nếp và trấu. Trải qua quá trình pha chế nguyên liệu (1 vôi và 10 trấu), ngâm ủ sau 30 ngày cho ngấu rồi mang ra hòa với đất sét cao lanh đã lọc kỹ, tạo thành một thứ nước hồ lỏng sánh, có màu hồng nhạt. Men này được dùng để vẽ, tạo hình, cũng như để tráng thành phẩm gốm sau khi hoàn thiện, trước khi cho vào lò nung. Men hoa lam tạo nên nét đặc sắc riêng cho sản phẩm gốm sứ Cậy, mà hiện nay làng Cậy của Hải Dương vẫn duy trì được cách làm men truyền thống này.
Quy trình vẽ, tạo hình trên gốm: là sự thăng hoa về nghệ thuật của người làm nghề gốm sứ Cậy. Nó không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế về đường nét, mà còn là sự hòa quyện của bố cục, nội dung và ý nghĩa của hình họa. Có hai cách có thể tạo hình trên gốm sứ Cậy, một là vẽ bằng bút lông trên gốm. Các đường nét được tạo ra theo hình ảnh vẽ trước bằng bút chì, sau đó là tô đậm bằng bút lông và mực. Sự hòa quyện của men tro trấu, đất sét cao lanh và nước đã được ngâm ủ kỹ, đánh tan, tạo ra thứ mực sánh, mịn, có màu hồng nhạt khi vẽ, nhưng sau khi nung thì chuyển màu men xanh lam, bóng. Cách thứ hai là đắp nổi, tạo hình thù đậm nét trên sản phẩm gốm thô, đòi hỏi người nghệ nhân có trình độ khéo léo và điêu luyện. Không chỉ vậy, trên mỗi sản phẩm gốm sứ Cậy, người nghệ sĩ còn khéo thả hồn vào những đường nét nổi lên như chính mong ước và con người của họ, vừa bay bổng, vừa có hồn và rất ấn tượng sau khi sản phẩm nung ra lò. Đó có thể là hình chim công, phượng, cũng có thể là hoa, lá, cảnh vật hoặc cũng có khi là sự cách điệu của cô gái ôm vịt, cậu bé ôm gà… Những chủ đề rất quen thuộc và gần gũi với người dân thôn quê yêu lao động, yêu cuộc sống.
Nung gốm: khi xếp các sản phẩm gốm thô vào trong bao nung, người ta sẽ phân các loại sản phẩm tương tự nhau sao cho tận dụng tối đa không gian của mỗi bao mà vẫn bảo đảm kỹ thuật. Xếp lò xong lấp kín các cửa, kể cả lỗ tra củi ở nóc, chỉ để lại cửa chính để đốt lửa nung. Sau một ngày, một đêm, toàn bộ bao nung đỏ hồng nhưng chưa đều ở từng món. Tạm thời đóng cửa lò, mở các lỗ ở nóc lò, dùng móc sắt móc cái bát đối chứng ở tại các hộp nung để kiểm tra độ chín của từng món. Nếu món nào còn non phải tiếp củi trực tiếp từ nóc xuống, rồi nung tiếp cho đến khi các món chín đều. Chờ lò nguội, rỡ các món từ trên xuống dưới. Sản phẩm phụ là các bao nung, tức ba loại gạch cỡ lớn, có màu xám nhạt, trên mặt và thành còn lộ ra những viên sỏi nhỏ, dân gian quen gọi là gạch Cậy.
Như vậy, quy trình sản xuất gốm sứ Cậy trải qua nhiều đoạn tinh xảo. Mỗi đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, đầu óc nhanh nhạy của người làm nghề. Những nghệ nhân giỏi không chỉ biết chọn nguyên liệu tốt mà quá trình vuốt, chuốt, nặn và tạo hình trên bàn xoay là cả một công trình nghệ thuật đã được tạo tác và học hỏi, phát huy từ đôi bàn tay khéo léo của mình. Bên cạnh đó là bí quyết làm men lam truyền thống cùng với sự tỉ mỉ, khéo léo vẽ hình trên gốm, hay đắp nổi trang trí trên sản phẩm. Sự công phu của nghệ thuật làm gốm sứ Cậy còn thể hiện ở sự nhạy bén và kinh nghiệm canh lửa khi nung gốm. Theo nghệ nhân lâu năm trong nghề, khâu nung gốm sẽ quyết định 80% sự thành bại của sản phẩm gốm. Khi sản phẩm vào lò thì nhiệt lửa sẽ quyết định chất lượng của sản phẩm đẹp hay xấu. Do vậy, người biết canh lửa cũng chính là nghệ nhân giỏi.
Trước đây, nghề gốm sứ Cậy hoạt động và phát triển mạnh nhờ sự chuyên môn hóa sâu sắc trong từng công đoạn sản xuất gốm. Cụ thể như, trong tổ làm nghề gốm sẽ chia ra nhóm thợ làm đất, nhóm làm men, nhóm vuốt trên bàn xoay, nhóm nung gốm. nhóm đi chợ bán thành phẩm. Người nào việc nấy, mỗi nhóm cử ra người giỏi nhất để đứng đầu, vì thế quy trình sản xuất gần như khép kín trong tổ nghề. Nhờ quá trình chuyên môn hóa cao của thời kỳ lao động tập thể những năm 80 của TK XX, thị trường mở rộng nên nghề gốm sứ Cậy phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu.
3. Các vấn đề đặt ra và phương hướng bảo tồn, phát huy
Hiện nay, vấn đề khôi phục và phát triển nghề gốm sứ Cậy truyền thống thực sự rất khó khăn. Ông Phạm Minh Đức – trưởng thôn Cậy cho biết: “khó khăn lớn nhất hiện nay là do tác động của cơ chế thị trường. Sản phẩm gốm sứ công nghiệp tràn lan khiến cho gốm sứ truyền thống làm ra bị cạnh tranh khốc liệt. Bởi sản phẩm gốm sứ được làm thủ công nên chi phí cao, giá thành không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các gia đình còn làm nghề cũng chỉ bám trụ theo 1, 2 sản phẩm chuyên sâu, là thế mạnh của họ. Hoặc có gia đình đi theo hướng sản xuất, phục hồi gốm sứ cổ, làm giả cổ các sản phẩm đã có trong lịch sử, hoặc những sản phẩm mới theo đơn đặt hàng. Còn một bộ phận khác làm gia công sản phẩm gia dụng như chén, xuyến, bát… Có 3 hộ gia đình gần đây đã tạm đóng cửa hoặc sản xuất cầm cự vì không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến thua lỗ, thất bại trong sản xuất kinh doanh gốm sứ, đó là gia đình ông Bính Kiệm, ông Hồng Huệ, ông Hưng Thảnh. Làng Cậy hiện nay chỉ còn duy nhất 1 hộ gia đình nghệ nhân Vũ Xuân Năm vẫn tiếp tục duy trì và phát triển nghề làm gốm sứ truyền thống” (5). Như vậy, thực tế nghề gốm sứ Cậy đang bị mai một và thất truyền. Nhiều hộ gia đình, nhiều nghệ nhân cao tuổi trong làng đã bỏ hẳn nghề dù có nhiều tiếc nuối. Nghề gốm sứ Cậy đã và đang trải qua sự gián đoạn lịch sử, hụt hẫng trong sự truyền nghề giữa các thế hệ. Đồng thời, do cơ chế thị trường, sản phẩm gốm sứ truyền thống đang bị canh tranh gay gắt từ những sản phẩm gốm sứ hiện đại khác. Các hộ sản xuất, nghệ nhân gặp rất nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất, khó tìm được đầu ra bền vững trên thị trường trong và ngoài nước.
Một khó khăn không nhỏ là sự mâu thuẫn nhen nhóm trong mỗi người làm nghề cũng như hộ sản xuất nghề gốm sứ Cậy giữa việc giữ gìn bản sắc dân tộc với phát triển bền vững nghề truyền thống trong thời đại kinh tế thị trường. Mâu thuẫn đó thể hiện thứ nhất ở sự phát triển quy mô lớn của một doanh nghiệp tư nhân, với những sản phẩm sản xuất hàng loạt, hiện đại, nhưng lại khó thể hiện được bản sắc truyền thống cũng như cái hồn mỹ thuật của người nghệ nhân. Thứ hai là sản phẩm phụ thuộc vào đơn hàng (thị trường đầu ra), mà người sản xuất (nghệ nhân, doanh nghiệp) không thể quyết định được số phận của từng sản phẩm. Thứ ba, nếu giữ gìn bản sắc nghề truyền thống thì chỉ phát triển được ở quy mô vừa và nhỏ, như hộ sản xuất gia đình, khi đó sản phẩm bị cạnh tranh, vốn nhỏ, thị trường bấp bênh. Giải quyết được những mâu thuẫn nêu trên cũng là để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống trong xã hội hiện đại. Do đó, cần những định hướng kịp thời của các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, cũng như sự chung tay của cộng đồng, quyết tâm bảo vệ di sản của cha ông.
Một khó khăn khác nữa mà làng nghề gốm sứ Cậy gặp phải là sự thiếu kết nối giữa hoạt động trải nghiệm của bảo tàng với các nghệ nhân ở làng nghề, bởi chức năng nghiệp vụ của mỗi đơn vị là khác nhau. Hơn nữa, nghệ nhân là người gắn bó cuộc đời và nghề nghiệp với làng xã, họ yêu nghề và mong muốn phát triển nghề trên chính mảnh đất của làng họ. Vì vậy, việc phối hợp giữa một đơn vị nhà nước với các nghệ nhân ở làng nghề cũng cần cơ chế cởi mở, rõ ràng và chuyên nghiệp hơn. Giải quyết được khó khăn trên sẽ làm gia tăng hoạt động thu hút du khách đến tham quan làng nghề, đặc biệt là các em học sinh đến học trải nghiệm làm gốm.
Căn cứ trên một số vấn đề thực tiễn đặt ra, để bảo tồn và phát huy nghề gốm sứ Cậy, tỉnh Hải Dương chúng tôi đưa ra một số kiến nghị, giải pháp như sau:
Các cơ quan ban ngành, chính quyền từ trung ương đến địa phương cần có hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp đồng bộ, có chiến lược cụ thể để giải quyết các mâu thuẫn nhằm phát triển nghề gốm sứ Cậy, tỉnh Hải Dương. Đó là giải quyết mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bản sắc dân tộc với phát triển bền vững làng nghề truyền thống trong thời đại kinh tế thị trường.
Phát huy vai trò tổ chức, phối hợp của các tổ chức phi quan phương, nâng cao vị trí của Hội liên hiệp các làng nghề Việt Nam ở cấp địa phương.
Thành lập các nhóm, Hội tự nguyện giúp đỡ nhau cùng sản xuất, kinh doanh. Cần có sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong cộng đồng, cùng chia sẻ lợi ích và kinh nghiệm làm nghề.
Tổ chức truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ trong mỗi gia đình theo phương thức cha truyền, con nối. Hoặc nghệ nhân giỏi có thể mở lớp truyền dạy nghề ngay tại xưởng sản xuất và trong gia đình mình. Những bài học thực tế, sống động, trực quan tại xưởng làm gốm, sẽ giúp các em, các cháu trong làng, xã thêm hiểu và yêu quý nghề truyền thống của cha ông.
Chính quyền và cộng đồng địa phương cần có kế hoạch liên kết với Phòng Giáo dục, Phòng Văn hóa, Bảo tàng tỉnh, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hoạt động trải nghiệm của học sinh trên địa bàn các huyện ở tỉnh Hải Dương về thực hành làm nghề gốm cổ truyền.
Tóm lại, nghề gốm sứ Cậy là một di sản quý báu, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm. Đến nay, chỉ còn một số ít hộ trong làng Cậy còn theo đuổi, bám trụ với nghề truyền thống này. Để bảo tồn và phát huy làng nghề gốm sứ Cậy, rất cần sự nỗ lực của người dân và cả sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết các khó khăn, mâu thuẫn nội tại của làng nghề. Ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân làng Cậy, đặc biệt những người trẻ tuổi về giá trị đặc trưng của nghề gốm Cậy, còn phải làm cho người làm nghề – những chủ thể thực hành di sản, luôn giữ được ngọn lửa đam mê, từ đó họ sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc bảo vệ và phát huy vốn di sản của cha ông.
___________
1. Đảng bộ huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Long Xuyên, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Long Xuyên (1930-2017), Nxb Hồng Đức, 2018, tr.7.
2. Tăng Bá Hoành, Nghề cổ truyền, Sở Văn hóa Thông tin Hải Hưng, 1984, tập 1, tr.52, 53.
3. Vũ Tú Quyên, Theo tài liệu báo cáo khoa học, đề tài cấp viện, thuộc Chương trình Sưu tầm Văn hóa phi vật thể, 2012, tr.21, 22.
4, 5. Nguyễn Thị Hạnh, Tài liệu tác giả đi điền dã, phỏng vấn tháng 6, 7-2018.
Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%