Nghệ sĩ Đào Tố Loan: Hết mình cho một thế hệ Opera tài năng


Sau thành công mới nhất ở cuộc thi online Âm nhạc quốc tế MAP – IMC được tổ chức ở Los Angeles – Mỹ, Đào Tố Loan lại miệt mài trở về với công việc giảng dạy cho lớp học sinh đang theo học cô tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Cô bày tỏ sự trân trọng của mình trong từng phút giây được sống với âm nhạc và cảm thấy hạnh phúc với điều đó nên luôn nỗ lực làm việc hết mình.

 

Tràn đầy nhiệt huyết khi thể hiện các ca khúc cách mạng

Lời đầu tiên xin được chúc mừng chị về giải Ba cuộc thi Âm nhạc quốc tế được tổ chức tại Mỹ vừa qua. Chị có thể chia sẻ một chút về giải thưởng này được không? 

Đây là giải thưởng mà bản thân Loan cảm thấy vừa vinh dự, vừa tự hào và có một chút bất ngờ khi đón nhận. 

Trước hết, đây là cuộc thi quy tụ đông đảo những người yêu nhạc, học nhạc ở khắp nơi trên thế giới tham gia. Ở bảng thi chuyên nghiệp mà Loan đăng ký có các bạn thí sinh rất vượt trội, đến từ những quốc gia có nền đào tạo âm nhạc cổ điển phát triển mạnh mẽ như Đức, Pháp, Nga, Mỹ, Hàn Quốc,… Tiêu chí cho bảng thi này cũng đòi hỏi rất cao, thí sinh lựa chọn các bài dự thi trong thời lượng 25 phút và phải hát đúng ngôn ngữ gốc của tác phẩm mình lựa chọn, không chỉ phô diễn kỹ thuật thanh nhạc mà còn cần thể hiện đúng phong cách tác giả, trường phái, thời kỳ, tính chất của tác phẩm… Hội đồng giám khảo bao gồm các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ, nhà giáo dục âm nhạc nổi tiếng trên thế giới. Các thí sinh phải trải qua 2 vòng thi với 2 hội đồng giám khảo khác nhau nên có thể nói việc đánh giá giải thưởng rất sát sao và khách quan. Thời gian Loan đăng ký tham gia cuộc thi này là khi Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, mình không nhờ được ai đệm đàn, quay video nên phải hát theo beat và tự xử lý các khâu kỹ thuật khác. Khi đạt giải mình mới biết rằng, video mình gửi đi chưa đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật như khung hình, độ phân giải,… nhưng may sao vẫn được chấp nhận.

Đây không phải lần đầu tiên chị được đánh giá cao trong một cuộc thi âm nhạc quốc tế. Hướng đến các cuộc thi như vậy có phải là một mục tiêu trong sự nghiệp của chị hay không?

Đúng là như thế. Đi sâu vào Opera cổ điển phải trau dồi và cọ sát rất nhiều để vừa giữ được phong độ, vừa nâng cấp trình độ. Qua mỗi cuộc thi quốc tế, Loan có cơ hội được học hỏi và tăng thêm kinh nghiệm cho bản thân. Đơn cử như cuộc thi vừa rồi, thí sinh đạt giải Nhất đến từ Đức là một tấm gương mà Loan vô cùng khâm phục. Cô ấy vừa đàn, vừa hát và đều giành vị trí cao nhất ở cả hai bảng thi cho giọng hát và nhạc cụ. Đó là động lực cho Loan phấn đấu nhiều hơn. Ngoài ra, bản thân Loan cũng đã dành rất nhiều công sức, tâm huyết vào niềm đam mê này nên mong muốn mình được công nhận ở thế giới. Đó không chỉ là vinh quang cá nhân mà còn là sự đóng góp của Loan cho sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển Việt Nam.  

Để có được những thành tích quan trọng như vậy trong sự nghiệp thì chắc chắn là cả một sự nỗ lực không ngừng. Chị có thể chia sẻ về hành trình của mình với bộ môn nghệ thuật này được không?

Tố Loan đam mê ca hát từ bé, tuy nhiên gia đình khó khăn và không có truyền thống nghệ thuật nên mình cũng không dám mơ tưởng gì. Sau khi tốt nghiệp, mình đi học trung cấp kế toán, dạy thêm aerobic. Mãi sau này, trong những lần đi chơi cùng vợ chồng chị gái, bạn của anh rể thấy mình có tài năng nên đã định hướng, dẫn dắt mình đến với con đường nghệ thuật. Sau này, người bạn ấy chính là ông xã mình. 

Một trích đoạn trong vở nhạc kịch Lá đỏ

Năm 20 tuổi, Loan vào học Trung cấp thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau đó tiếp tục học lên đến Đại học và Cao học. Chặng đường 10 năm vô cùng gian nan và thử thách, nhưng mình không thấy nản chí vì đang được sống đúng đam mê của bản thân. Có những buổi học hai tiếng đồng hồ mà cô giáo sửa cho mình duy nhất 1 âm Đô, hát mãi không đúng nên bị cô đuổi về, dọc đường đi mình buồn và khóc không ngừng. Mình trăn trở cả một ngày, lao vào tập, 11 giờ đêm vẫn dậy luyện giọng đến 2 giờ sáng nên bị chủ nhà trọ mắng. Ở phòng không có đàn piano nên mình thường đến trường sớm, tranh thủ mượn đàn từ 7:30 đến 8:30 sáng để tập trước giờ vào lớp. Thời sinh viên dù không có nhiều tiền nhưng mình cũng không dám đi hát các thể loại khác vì muốn dành thời gian học tập để tìm bằng được kỹ thuật Opera. Có những giai đoạn mà cả tháng Loan chỉ ăn mỳ tôm cân, nhìn mỳ tôm là sợ.  

Hiện tại, chị cũng đang là một giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. So với việc đứng trên sân khấu thì chị cảm thấy vai trò này như thế nào?

Cả hai vai trò này mình đều dành rất nhiều tâm huyết và muốn nuôi dưỡng song song vì có sự liên quan mật thiết. Mình luôn tâm niệm giảng dạy là nghề thiêng liêng. Mong muốn của mình là giảng dạy bằng hết tâm đức để có thể góp phần đào tạo cho đất nước những thế hệ Opera trẻ, tài năng.

Với tình hình dịch bệnh thì chị duy trì công việc dạy học ra sao? 

Mình vẫn đang dạy online cho học sinh nhưng thú thật là không thích hình thức này lắm. Với các môn học nghệ thuật mang tính đặc thù như thanh nhạc thì việc học online khá là khó khăn, nhất là khi đường truyền internet không ổn định, nhiều khi không nhìn rõ khẩu hình và nghe rõ âm thanh của học sinh. Việc học online cũng mất nhiều thời gian hơn để hướng dẫn chậm, chi tiết cho học sinh hiểu bài. Ngoài ra, có một số trường hợp cần quay lại video gửi cho cô nghe và chỉnh sửa. Mình cũng phải tham khảo một số phương pháp để đạt hiệu quả tối ưu khi giảng dạy theo hình thức này. 

Mỗi giảng viên sẽ có một phương pháp truyền đạt khác nhau, nhất là đối với các bộ môn nghệ thuật mang tính đặc thù như thanh nhạc thì kinh nghiệm của người đi trước là những điều rất quan trọng. Chị đã chia sẻ điều này với học trò của mình như nào? 

Bản thân Loan cũng là người lĩnh hội được rất nhiều từ kinh nghiệm của các thầy cô giáo, nên mình luôn chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho học sinh, có những bài học từ sự thành công, cả những bài học sau những lần vấp ngã. Từ những trải nghiệm thực tế, mình cho rằng việc học là vô cùng quan trọng nên luôn nhắc nhở học trò ngoài việc luyện tập kỹ thuật thanh nhạc thì chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm về kiến thức, lịch sử âm nhạc, ngoại ngữ. Có những câu chuyện của các thầy cô đi trước truyền cảm hứng cho mình, nay mình tiếp tục kể lại với học trò. Như chuyện về giáo sư Michel Ducharme người Canada mà mình có cơ hội được học trong chương trình Master Class, ông là người đã đào tạo ra rất nhiều giọng Soprano nổi tiếng thế giới. Trong chiếc túi của giáo sư luôn có bút chì và các loại màu khác nhau để đánh dấu những chỗ cần thiết trong bản nhạc. Ông nói rằng, chúng ta không nên bỏ qua thói quen học như một đứa trẻ. Đó là bí quyết giúp cho danh hiệu giáo sư của ông trở nên vững vàng hơn và được mọi người công nhận. 

Chị có định hướng cho học trò của mình theo đuổi nghệ thuật Opera và thử thách ở những sân khấu quốc tế?

Mỗi học sinh lại có một tố chất khác nhau nên mình không ép buộc mà phải lựa theo để dạy. Hiện giờ, mình mới thấy có 1 bạn phù hợp và đam mê với thể loại Opera này nên mình có định hướng cho em đi học thêm ngoại ngữ và tích cực bồi dưỡng để tương lai em có thể thử sức ở các cuộc thi quốc tế. 

Chị suy nghĩ thế nào về tiềm năng và cơ hội cho opera Việt?

Việt Nam mình thực sự có quá nhiều tài năng. Có những giáo sư nước ngoài sang Việt Nam đã nhìn nhận được nhiều giọng cực đẹp và cực hiếm. Nhưng để tìm ra người vững tâm theo đuổi và đi đến tận cùng đam mê thì không có mấy. Chúng ta vẫn cần một chặng đường dài để tìm kiếm và khám phá cơ hội. 

Bên cạnh những điều còn thiếu thì không thể phủ nhận công sức lao động của những thế hệ trước và thế hệ hiện tại. So với thời xưa thì đời sống của Opera hiện nay cũng có những tín hiệu đáng mừng hơn, nhiều công chúng trẻ quan tâm và biết thưởng thức. Nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, nỗ lực trong nghề như một số anh, chị, bạn bè đồng nghiệp của mình: Hương Diệp, Khánh Ngọc, Quang Thái, Hà Phạm Thăng Long…

Một giờ lên lớp với học sinh chuyên ngành Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Để có thể phát triển nghệ thuật Opera Việt Nam, việc nâng cao chất lượng đào tạo là điều vô cùng quan trọng. Các em học sinh cần có sân khấu để tập luyện, cần được trau dồi thêm về kiến thức âm nhạc, kỹ năng biểu diễn và ngoại ngữ. Theo mình biết thì hiện nay mới chỉ có Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là có nội dung dạy phát âm tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh cho học sinh thanh nhạc, cần phải đầu tư cho giáo dục một cách nghiêm túc hơn nữa. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc chị luôn tràn đầy năng lượng để cống hiến hết mình cho đam mê, vun đắp thêm nhiều thế hệ học sinh tài năng.

MỘC AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *