1. Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ là hoạt động văn hóa khá phổ biến nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng làng xã ở nhiều làng quê. Chơi bài chòi là hô, hát, kết hợp với thẻ bài có ghi tên các con bài và thường được tổ chức tại sân đình hoặc trên bãi đất trống vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là một kiểu đánh bài ngồi trên chòi mà đánh. Nhưng hay ở chỗ không chỉ dừng lại ở một trò chơi bài bằng thẻ tre trong một không gian mở mà gắn liền với nghệ thuật diễn xướng dân gian, với các nghệ nhân chính trong vai trò anh Hiệu, chị Hiệu – những người quản trò dẫn dắt cuộc chơi.
Về hình thức, bài chòi có hai hình thức: “chơi bài chòi” chơi bài bằng cách dùng thẻ, người tham gia trò chơi sử dụng các thẻ bài để được nhận thưởng, thường là để nhận vận may đầu năm; “trình diễn bài chòi” là cách biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian thông qua trò chơi. Có nghĩa là trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức.
Về mục đích trò chơi, bài chòi có nhiều mục đích như tham gia hội hè sau một năm lao động vất vả, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, là dịp bà con gặp gỡ, giao lưu và thăm hỏi nhau…
Về thành phần tham gia, trong cuộc chơi, mọi người đều bình đẳng tuyệt đối như nhau, không phân biệt giàu – nghèo, trên – dưới, ai cũng có thể tham gia.
Về tính khu biệt đặc trưng giữa các vùng, theo chiều dài lịch sử dựng nước của cha ông ta, bài chòi hình thành và phát triển dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận. Ngoài các điểm giống nhau cơ bản thì mỗi địa phương lại mang những nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống từng địa phương. Chẳng hạn như cách trang trí chòi, không gian trình diễn, thời gian tổ chức, cách hô, cách chơi, cách tới…
2. So sánh một số bình diện giữa nghệ thuật bài chòi với một vài loại hình âm nhạc cổ truyền Việt Nam
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch vào những năm 30 của TK XX. Đây là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, màu sắc, hội họa và văn học.
So sánh về bình diện phạm vi không gian văn hóa
Không gian văn hóa chứa hoạt động loại hình diễn xướng nghệ thuật bài chòi có phạm vi hoạt động khá lớn. Bài chòi có mặt trong 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không bao gồm các tỉnh Tây Nguyên). Nếu tính theo thứ tự từ Bắc xuống Nam thì phạm vi không gian văn hóa này là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Ở đây có điểm tương đồng về phạm vi mang tính diện rộng của không gian văn hóa giữa bài chòi và một số loại hình khác như hát bả trạo tại Trung Bộ; hoặc chèo, ca trù, xẩm, hát trống quân, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đờn ca tài tử và cải lương của Nam Bộ.
Trong khi đó, phạm vi không gian văn hóa của dân ca quan họ được UNESCO công nhận chỉ gồm có 49 làng thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (và một số nơi của Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nội ngày nay). Hoặc dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh chỉ có phạm vi hoạt động ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hoặc ca Huế của cố đô Huế, hoặc thậm chí có loại hình chỉ hoạt động chính trong một bình diện rất hẹp như hát đúm thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
So sánh về bình diện lịch sử hình thành và quá trình phát triển
Điểm tương đồng giữa bài chòi và một số loại hình khác như hát bả trạo tại Trung Bộ và đờn ca tài tử, cải lương của Nam Bộ là về thời gian hình thành. Cùng với bước chân mở cõi của tổ tiên, các loại hình nghệ thuật dân gian này xuất hiện cách đây khoảng 300-400 năm. Có nghĩa là bài chòi xuất hiện muộn hơn một số loại hình âm nhạc cổ truyền khác như: chèo, ca trù, xẩm, hát trống quân của Bắc Bộ.
Về quá trình phát triển, theo các nhà nghiên cứu, từ một trò chơi dân gian dùng làn điệu dân ca để hô những con bài trong ván bài tìm sự may mắn cho đầu năm mà nghệ thuật sân khấu hát bài chòi hay ca kịch bài chòi ra đời. Từ chỗ chỉ là nơi vui chơi và từ việc hô tên các con bài theo từng ván ù để giải trí trong các dịp lễ hội đầu xuân mà qua năm tháng, với sự sáng tạo của các nghệ nhân, trò chơi bài chòi dần phát triển thành một thể loại dân ca độc lập có thể diễn xướng ở mọi nơi, mọi lúc. Trò chơi ban đầu chỉ có một nghệ nhân và từ một nghệ nhân ban đầu là “anh Hiệu” phải tự đóng đủ mọi vai đến một sân khấu ca kịch bài chòi có nhiều nghệ nhân đóng đủ mọi vai. Đầu tiên, các nghệ nhân phải ngồi trên chiếc chiếu cói trải dưới đất còn người nghe đứng xung quanh. Dần dần được cải tiến, các nghệ nhân ngồi trên một giàn gỗ dựng cao. Đây là quá trình biến đổi của bài chòi từ đất lên giàn, từ vài chiếc chòi tranh đóng tạm bợ trên một khoảng đất trống đến việc hình thành một sân khấu hẳn hoi như sân khấu tuồng truyền thống.
So sánh về bình diện đặc điểm
Đặc điểm về thời gian diễn ra hoạt động: nghệ thuật bài chòi thường tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Đó là thời gian dựng nêu, tức từ 30 tháng Chạp đến mồng 7 Tết. Đôi khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng Giêng âm lịch, tức là từ Tết Nguyên đán đến Tết Thượng nguyên. Khác với hát trống quân ở Bắc Bộ thường được tổ chức vào tuần trăng tháng Bảy, Tháng Tám âm lịch, hay được tổ chức hát thi vào những ngày hội, ngày mùa. Vào mùa lúa chín, những người thợ gặt được thuê từ nơi khác đến nên trong các thôn làng thường tổ chức hát với trai hoặc gái trong làng hoặc giữa họ với nhau vào buổi tối, lúc nghỉ việc.
Đặc điểm về không gian diễn ra hoạt động: không gian bài chòi thường tổ chức ở các thôn làng. Thậm chí, một thôn nhiều khi có từ hai đến ba điểm chơi, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay ở nơi họp chợ. Có nghĩa là không gian diễn xướng của bài chòi tương đối rộng. Nếu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh của miền Trung có thể hát ở bất cứ nơi đâu, hát chầu thường chỉ hát ở lễ hội đình làng… Bài chòi thì tương tự như cách lựa chọn chốn đông người qua lại làm không gian của hát xẩm hay hát quan họ, hát trống quân cũng có không gian mở thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng, giữa một bên là nam và một bên là nữ.
Đặc điểm về thể loại, nhạc cụ: Bài bản và làn điệu của ca kịch bài chòi gồm các điệu tổng hợp từ miền Trung như điệu hát ru, điệu lý thương nhau, lý tang tình, khoan hỡi hò khoan (Quảng Nam-Đà Nẵng), nói lía, chèo thuyền (Quảng Trị), hò mái nhì (Thừa Thiên). Lời hát là những bài thơ bốn chữ theo điệu vè và nhiều nhất là thơ lục bát. Trong bài chòi, không có nét nhạc cố định mà tùy theo thanh giọng của câu thơ. Có ba điệu chính là xuân nữ, nam xuân (hay cổ bản, gần hơi bắc của nhạc tài tử) và xàng xê (gần với hơi nhạc, hơi hạ trong nhạc tài tử).
Số lượng vừa phải về làn điệu của bài chòi gần giống với hát xẩm và hát dúm. Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào. Ngoài ra, xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ khác như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo… hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc, sa mạc. Các làn điệu dân ca khác khi dùng trong hát xẩm đã được “xẩm hóa” theo phong cách đặc trưng của xẩm. Trên thực tế, cách gọi tên các loại xẩm không phải theo làn điệu mà theo một số tiêu thức khác. Còn làn điệu của hát đúm cũng có số lượng vừa phải: trống quân, cò lả, quan họ, sa mạc, lý giao duyên.
Như vậy, bài chòi không phong phú về điệu như một số loại hình khác. Chẳng hạn như: hát ví Nghệ Tĩnh có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo…
Điệu trong bài chòi không phong phú bằng tuồng. Điệu hát quan trọng nhất trong hát bội là “nói lối”, tức là nói một lúc rồi hát, thường để mở đầu cho các khúc hát khác. “Nói lối” có hai giọng chính là “Xuân” và “Ai”. “Xuân” là giọng hát vui tươi, còn “Ai” là bi thương, ảo não. Nói lối giọng Ai còn được gọi là “lối rịn”. Ngoài ra còn có những “lối hằng”, “lối hường”, “lối giậm”. Hát thì có những điệu “Nam”, “Khách”, “thán”, “oán”, và “ngâm”.
Mặt khác, bài bản của bài chòi mang sắc thái bình dân khác hẳn với hệ thống bài bản phong phú bác học của ca Huế gồm khoảng 60 tác phẩm. Thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam. Hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi tắn, trang trọng. Điệu Nam là những bài âm điệu buồn, nỉ non, ai oán. Bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, trải qua quá trình phát triển lâu dài đã trở thành nhạc cổ điển hoàn chỉnh, mang nhiều yếu tố “chuyên nghiệp” bác học về cấu trúc, ca từ và phong cách biểu diễn.
Về tiết tấu, bài chòi chỉ có nhịp đôi đều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp, nhưng cũng có thể biến tấu.
Về nhạc cụ, bài chòi không phong phú về nhạc cụ như một số loại hình khác. Phụ họa lúc đầu chỉ có đờn nhị và sanh sứa (là hai mảnh tre chuốt nhọn hai đầu cầm trong một tay, âm thanh chạm vào nhau nghe như tiếng ve kêu). Về sau, bài chòi bổ sung thêm đờn nguyệt, ống sáo và sinh tiền. Dàn nhạc hát bội gồm trống, đồng la, kèn, đờn cò, đàn tranh, sáo… Hoặc dàn nhạc trong ca Huế với bộ ngũ tuyệt tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam, xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế, sanh loan, sanh tiền. Hoặc đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt). Sau này, có cách tân thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm.
Tính đơn giản của bộ nhạc cụ bài chòi giống với thể loại hát xẩm. Hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh tiền. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Hát xẩm cũng có thể dùng đàn gáo. Đây là loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáo và thanh la cũng có thể hiện diện trong hát xẩm.
Bài chòi không phong phú về thể loại như một số loại hình khác. Chẳng hạn như: quan họ có thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam.. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm.
Về ngôn ngữ ca ngâm, tuy hô bài chòi rất cần tính quản trò, tính hoạt náo nhưng chỉ là nói hay hát với chất giọng to khác với ngôn ngữ của hát tuồng. Ca từ của bài chòi chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu.
Bài chòi gần giống hát đúm ở đặc điểm ca từ hay ngôn ngữ ca ngâm, không phát triển về giai điệu, mà phát triển về lời ca. Vì bài chòi mang tính ứng khẩu, ứng biến linh hoạt theo tình huống trò chơi. Hát đúm cũng vậy, chỉ với ba cao độ Rề, Sol, Lá nhưng những người hát đúm đã sáng tác ra hàng nghìn lời ca phản ánh đời sống của người dân vùng ven biển để ứng đối với nhau.
Đặc điểm về trang phục: vì bài chòi là một trò chơi gần gũi với nhân dân nên trang phục của bài chòi khá đơn giản, không mang tính cách điệu cao. Người Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Ở điểm này, bài chòi gần giống với đờn ca tài tử. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục…
Đặc điểm về động tác: động tác của bài chòi không mang tính biểu trưng, cách điệu hay cường điệu hóa như tuồng, chèo. Chỉ có trên sân khấu thì ca kịch bài chòi mới áp dụng các điệu múa sắc bùa, lục cúng, bát đạo.
Đặc điểm về cách thức hoạt động và biểu diễn: để bắt đầu cuộc chơi, một hồi ba tiếng trống vang lên, dàn nhạc tiếp theo phụ họa báo hiệu cuộc chơi bắt đầu. Vào cuộc chơi, các chòi chia thành hai hàng đối nhau, còn ở một đầu và giữa hai hàng chòi là chòi hiệu. Những người tham gia ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân lên ngồi trong chòi của mình. Ban Hiệu (hô bài) ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵn trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: “Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền”. Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Trống lệnh đã cho phép, Hiệu cúi đầu: “Dạ!” và xốc ống bài bằng cách hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu với tay rút ra một con bài. Khi chuẩn bị xướng tên con bài lên, mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay Hiệu. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, kết hợp với tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi háo hức của mọi người, anh Hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Có nghĩa là tên bài không được đọc theo cách thường mà bằng hai câu thơ lục bát. Sau khi anh Hiệu hò hay hát bằng thơ các câu thai và thường thì đàn phách phải hòa theo rất rộn rã. Câu hô hay hát “thai” là những câu mà anh hiệu dùng để xướng tên con bài, có thể đó là những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè trong kho tàng dân gian. Anh Hiệu hô sao cho tên con bài và chữ sáu hay chữ tám của câu ca đó phải ăn vần. Ví dụ như tên con bài là Ngũ Trượt thì: Trời mưa làm ướt sân đình/ Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây/ Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!
Đặc điểm về lối diễn xuất: lối diễn xuất của tuồng, chèo, cải lương thường được khuếch đại, biểu trưng hơn sự thật ngoài đời. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng tính cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác. Nhất nhất đều phân thành từng bộ riêng, không thể diễn bộ “Trung” cho vai “hèn” hay “nịnh”. Thậm chí, lên ngựa xuống ngựa còn phân biệt bộ của tướng trung khác bộ của nịnh thần. Mọi động tác đã thành thông lệ hay ước lệ. Thời đó, kỹ thuật âm thanh và ánh sáng chưa đáp ứng được cho trình diễn. Ví dụ hình ảnh diễn xuất chưa thể kéo lại gần, không thể “trung cảnh”, “cận cảnh”, làm tăng cường độ các động tác giúp khán giả xem được toàn cảnh, dù ngồi xa hay gần chiếu diễn. Lối múa, đi và đứng có những động tác cách điệu. Rất khác, vì để khán giả dễ cảm nhận, cài chòi rất chân thật, rộn ràng, gần gũi với đời sống của người dân lao động.
Đặc điểm về hình thức diễn xướng: bài chòi có hình thức diễn xướng hát lẻ giống như hát đúm, hát xẩm, ca trù. Chẳng hạn như hát đúm thường có hai hình thức diễn xướng, hát lẻ và hát hàng. Hát lẻ chỉ do một giới (nam hoặc nữ) hát đối, mỗi nhóm hát thường có vài ba người; diễn ra mọi lúc, mọi nơi, hát khi đi trên đường, ở nơi lao động lúc giải lao hay vừa làm vừa hát, thậm chí ngay ở sân đình, sân chùa, những ngày hội… Hát hàng thường chỉ diễn ra ở lễ hội đình, chùa, do hai giới nam và nữ tham gia; nữ giới thường là người làng, xã ngồi một bên hàng ghế, phía đối diện là hàng ghế dành cho nam giới. Trước khi hát thì có giao kèo, bên thua cuộc mất một vật gì đó, có thể là cái áo, cái nón, cái ô… cho bên thắng. Khi hát có nhạc bát âm. Các chàng trai, cô gái mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Hai bên đối đáp, bên nào không đối đáp được là thua.
Về tính phổ biến và tính quen thuộc: giống như các loại hình khác được mọi người Việt biết đến, bài chòi cũng mang tính phổ biến và tính quen thuộc. Dĩ nhiên, đặc điểm này sẽ ở mức độ thấp hơn.
Mặt khác, bài chòi mang tính địa phương vùng miền. Giống như dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh chỉ quen thuộc đối với người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong hàng trăm năm qua, người dân Trung Bộ đều yêu thích tham gia vui chơi, cũng như quen thuộc cách biểu diễn và thể thức chơi bài chòi.
Về bố trí nơi diễn: nghệ thuật bài chòi, hát xẩm, ca trù có nơi diễn thường đơn giản. Đặc biệt là bài chòi có sự cải tiến nơi diễn cả dưới đất lẫn sân khấu trên cao nên đã tạo nên tính đa dạng, thích nghi để hướng đến nhiều tầng lớp có thể thưởng thức. Đầu tiên, các nghệ nhân phải ngồi trên chiếc chiếu cói trải dưới đất còn người nghe đứng xung quanh. Dần dần về sau, các nghệ nhân ngồi trên một những chiếc chòi gỗ dựng cao, trên thường lợp lá tranh đóng tạm bợ trên một khoảng đất trống. Để chơi bài chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 cái chòi hình chữ V, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành riêng cho những người có vai trò quan trọng. Sau này, nơi diễn của bài chòi đã lên sân khấu hoành tráng như sân khấu truyền thống.
Về công cụ: khác với các loại hình sân khấu khác, trước mỗi chòi, bài chòi thường có treo mõ, một chiếc mành trúc và một đôi câu đối. Ở vị trí phía trước sân hay khoảng trống của rạp hay chòi, chỗ Hiệu đứng hô bài luôn luôn có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đặt cao quá tầm mắt. Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được. Bộ thẻ bài gồm 27 cặp. Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu… vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau. Bộ bài gồm 3 pho. Pho văn gồm ông Ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối. Pho vạn gồm bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều. Pho sách có ông Tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dây, cửu điều. Mỗi pho có 10 lá. Vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.
Về khán giả: thông thường nghệ thuật khác thường hạn chế phần khán giả vì ai mua vé mới được vào xem. Nhưng đối với bài chòi thì lượng khán giả có tính mở hơn. Hát chòi thường được tổ chức thành một lễ hội. Càng có nhiều người tham gia, càng đông càng tốt. Muốn đánh bài chòi thì người chơi phải báo cho ban tổ chức biết để sắp xếp. Người đến xem không cần xin phép, cứ chen vào đứng dọc, ngang khắp chòi, càng đông, càng làm cho cuộc chơi thêm phần sôi động, hào hứng. Ở những nơi tổ chức đánh bài chòi lúc nào cũng có tiếng kèn, trống, âm thanh rộn rã.
Về thời gian cuộc chơi: nghệ thuật khác thường đóng khuôn phần thời lượng cho kịch bản của vở diễn, thì cuộc chơi bài chòi lại lệ thuộc vào sự tùy thích của khán giả. Nó có thể kéo dài từ sáng đến tận khuya, đến giờ ăn cũng chỉ nghỉ một lát rồi lại chơi tiếp.
Về tính độc đáo: trong khi bản thân các loại hình khác đều có nguồn gốc chính từ nghệ thuật âm nhạc, thì bài chòi vốn chỉ là trò vui chơi của quần chúng theo từng ván bài đánh ù để giải trí trong các dịp lễ hội đầu xuân. Tính độc đáo thể hiện ở chỗ xuất phát từ việc hô tên các con bài theo từng ván ù mà trở thành một nghệ thuật âm nhạc và một thể loại dân ca độc lập có thể diễn xướng ở mọi nơi, mọi lúc. Có thể nói, hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần mà hơn thế đây còn là một sân khấu trình diễn của các làn điệu dân ca đặc trưng của vùng Trung, Nam Bộ. Một điểm độc đáo khác của ca kịch bài chòi là một diễn viên có thể thủ một lúc nhiều vai, cùng với vài nhạc cụ thô sơ phụ họa mà đủ sức lôi cuốn khán thính giả thích thú theo dõi trong một thời lượng kéo dài.
Tính tự sự: bên ngoài hình thức thì bài chòi mang tính hoạt náo nhưng bên trong nó lại luôn mang tính cách tự sự, trữ tình, biểu cảm da diết. Về điểm này thì bài chòi giống với rất nhiều thể loại khác. Chẳng hạn như: hát dặm giàu tính tự sự, trữ tình, kể lể khuyên răn, phân trần bày giải, có khi là dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả dặm trữ tình giao duyên. Còn tính biểu cảm của hát ví tùy vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
Tính phong phú, đa dạng của nội dung ý nghĩa đề tài: bài chòi là một trò chơi dân gian giải trí, văn chương bình dân nhưng đậm chất thơ, mang nhiều giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt là nội dung của những câu thai đậm tính hài hước. Người dân có hàng trăm cách để cười bằng ngôn ngữ bình dân. Từ việc cười cợt các tệ nạn xã hội, đến những nụ cười hồn nhiên trong quan hệ nam nữ, phê phán những thói hư tật xấu, nói chuyện thời tiết mùa màng, chuyện chính sự… Bài chòi còn cả gan “sờ tận gáy” các quan phụ mẫu thời xưa. Nghĩa là nó không tha bất kỳ việc gì trên đời này. Thậm chí tự giễu cợt mình cũng được mang vào lời hô của bài chòi. Nội dung của các lời hát đều mang ý nghĩa giáo dục, ca ngợi quê hương, đất nước, tình phụ tử, tình phu thê… đề cao phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong khi đó, tại các sân hò (hò khoan, hò giã gạo, hò kéo vải…) chỉ thấy một kiểu thức huê tình, phong tình mà thôi.
Tính tác động: bài chòi là loại hình văn hóa dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ đầy tính ngẫu hứng. Nó đã từng có thời gian rất dài được đại bộ phận khán thính giả chấp nhận, dung nạp. Bài chòi đã có những tác động khá mạnh mẽ đến sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người bình dân vùng nông thôn trước khi bị cải lương, kịch nghệ, ca nhạc, phim ảnh tấn công.
Tính địa phương vùng miền: cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền khác, bài chòi luôn mang đậm đặc trưng và dấu ấn địa phương vùng miền. Ví dụ như ca Huế đặc biệt tinh tế mang đậm sắc thái địa phương, phát sinh từ tiếng nói, giọng nói của người Huế nên gần gũi với hò Huế, lý Huế… là chiếc cầu nối giữa nhạc cung đình và âm nhạc dân gian.
3. Một số giải pháp bảo tồn và quảng bá du lịch từ nghệ thuật bài chòi
Một số giải pháp bảo tồn
Bài chòi cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng trải qua những biến cố, thăng trầm. Từ nửa cuối TK XX – đầu TK XXI, do nhịp sống hối hả, sôi động với nhiều phương tiện hiện đại, thanh niên xa rời văn hóa dân gian truyền thống. Tất cả đã dần trở nên “lỗi nhịp” và thật sự khó hòa vào nhịp sống sôi động của thanh niên trong thời hiện đại. Dù chúng ta cố gắng hết mức nhưng người hâm mộ nghệ thuật cổ truyền càng ngày càng ít.
Mặt khác, bài chòi được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền khẩu. Tuy nhiên, cũng chính phương thức này đã làm cho bài chòi lưu truyền trong dân gian bị biến đổi và mai một nhiều. Nhiều bài của bài chòi cổ đã mất hẳn. Vì vậy cần phải tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc bảo tồn. Các sở văn hóa theo đó có các sản phẩm cụ thể. Các tỉnh miền Trung cần thành lập một đội bao gồm vài cá nhân xuất sắc để chuyên biểu diễn. Việc này cần tổ chức chặt chẽ và có kinh phí hoạt động, có mức lương hằng tháng ổn định. Ngoài lương cơ bản, khuyến khích thêm cơ chế phát huy sáng tạo, cho phép cơ chế tự hoạt động sáng tạo thêm để tăng thêm nguồn thu, tự thu tự chi để nâng cao đời sống nghệ nhân.
Song song đó là việc tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó là việc tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Một số giải pháp tạo hình ảnh quảng bá du lịch
Các Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh miền Trung thành lập và quản lý tốt một đội gồm vài nghệ nhân chuyên biểu diễn hằng tuần, hằng tháng tùy theo điều kiện của từng nơi.
Cần chọn địa điểm phù hợp để tạo không gian bài chòi. Để tiết kiệm và tránh lãng phí, các chòi biểu diễn cần được thiết kế ở một nơi ổn định cho lịch biểu hằng tuần nên vừa là nơi hội tụ, tham quan, giải trí, tạo sự huyên náo đường phố để thu hút khách du lịch.
Các Sở VHTTDL, Sở Du lịch cần có sự kết nối chặt chẽ với các công ty lữ hành và phòng kinh doanh của cả các khách sạn, các cơ sở lưu trú bằng cách đưa chương trình tham quan của du khách. Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, tổ chức các cuộc thi thuyết minh hay về chủ đề bài chòi. Ngoài ra, biên soạn và xuất bản sổ tay thuyết minh du lịch bỏ túi ngắn gọn. Tổ chức tuyên truyền quảng bá hình ảnh về nghệ thuật bài chòi dọc theo một số tuyến phố du lịch và tại các khách sạn lớn.
Tài liệu tham khảo
1. Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dsvh.gov.vn.
2. Đón bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, thoibaotaichinhvietnam.vn.
3. vi.wikipedia.org.
4. Nghệ thuật bài chòi đón bằng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, baoquocte.vn.
5. Nghệ thuật bài chòi, baoanhdatmui.vn.
6. Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam, quehuongonline.vn.
7. Đặc sắc nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, vovworld.vn.
Tác giả: Mai Thị Kiều Phượng – Trần Phú Mỹ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?