Quy hoạch đô thị và ba loại hình nghệ thuật công cộng
Những năm 1970, nghệ thuật công cộng Nhật Bản tập trung vào các vấn đề xã hội như khôi phục tính độc đáo của địa phương và sự hồi sinh văn hóa. Trong thập niên ngay sau đó, những năm 1980, nghệ thuật công cộng Nhật Bản đã chuyển sự chú ý của mình sang các vấn đề như số lượng và tính chất biểu hiện của các tác phẩm cũng sự phù hợp văn hóa và thẩm mỹ của các bức tượng về cơ thể con người. Sang những năm 1990, nghệ thuật công cộng Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm sự biến đổi của chính mình. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường điêu khắc, các nghệ sĩ đã phát triển nhiều hình thức mới từ loại hình điêu khắc cơ bản.
Phát triển đô thị nghệ thuật công cộng có liên quan chặt chẽ với đô thị, và phù hợp với những thay đổi trong bối cảnh lịch sử và sáng tạo. Sự thể hiện của tác phẩm không chỉ giới hạn ở chuyên môn lĩnh vực điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt mà còn bao trọn cả không gian triển lãm và các dự án ngoài trời. Loại hình nghệ thuật công cộng cung cấp tác phẩm cho các công trình chức năng đô thị, nghệ thuật hóa các cơ sở công cộng như khu phố, tích hợp các công trình với kiến trúc và không gian đô thị, đem lại sự hài hòa và liên quan của các công trình với môi trường. Nỗ lực này đã khéo léo làm tránh được sự chỉ trích về ô nhiễm điêu khắc. Các tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng được thiết lập để chứa nhiều mối quan hệ, không chỉ với con người mà còn cả mối quan hệ giữa tác phẩm và các giao lộ giao thông, và vượt ra ngoài mối quan hệ giữa thấy và được thấy. Khi chúng ta hiểu các tác phẩm nghệ thuật công cộng như vậy, chúng ta không chỉ cần tự hiểu các tác phẩm mà còn nghĩ về không gian đô thị tổng thể chứa các tác phẩm. Đây là sự khác biệt giữa nghệ thuật công cộng thuộc thể dạng thúc đẩy phát triển đô thị và các tác phẩm điêu khắc trong giai đoạn chỉ để làm đẹp khu phố.
Francois Zabier và Claude Laranou, Thiên thần bê tông than thở, cây xanh, gạch men,
đá cẩm thạch,(đặt trong Công viên Điêu khắc Hakone), 1969.
Nghệ thuật công cộng mang định hướng phát triển đô thị được tiêu biểu hóa bởi các dự án như nghệ thuật công cộng ở Tachikawa và nghệ thuật công cộng Shinjuku i-Land.
Thành phố Tachikawa, nơi các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ đóng quân trước năm 1977, bắt đầu phát triển với quy mô lớn vào năm 1982. Chính quyền thành phố Tachikawa hy vọng sẽ thu hút đầu tư và cư dân bằng cách cung cấp một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật công cộng và mời công khai các nhà hoạch định nghệ thuật trổ hết tài năng để tham dự cuộc tuyển chọn thiết kế tác phẩm phù hợp. Nhà tổ chức đã tích cực nỗ lực hợp tác xuyên quốc gia và xuyên văn hóa trong vòng hai năm, giao tiếp, phối hợp với các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới và tuyển dụng 92 nghệ sĩ thuộc 36 quốc tịch khác nhau, với chi phí 10 triệu USD. 109 công trình đã được đầu tư sáng tác và dự án này đã giành giải thưởng của Viện Quy hoạch đô thị Nhật Bản.
Sự tham gia của thị dân vào nghệ thuật công cộng, như tên gọi của nó, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ thị dân, điển hình là dự án Saitama Shintoshin. Saitama Shintoshin được phát triển cùng với việc di dời các cơ quan chính phủ ở vùng Kanto. Dự án sử dụng các từ khóa như “khai phóng, đường phố” làm khái niệm sáng tạo về quy hoạch tổng thể của nghệ thuật trong môi trường sống. Một loạt các tác phẩm nghệ thuật công cộng được đầu tư sáng tác với mục đích “mở ra cho bộ máy Chính phủ một con đường khai phóng”. 5 nghệ sĩ được lựa chọn thông qua một công khai bảo vệ ý tưởng nghệ thuật của mình trước nhà đầu tư. Họ đều là những nhân vật tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. 10 tác phẩm nghệ thuật được dựng lên rải rác dọc theo đường mòn, với sự tham gia đồng hành của 284 học sinh tiểu học ở 8 khu vực quanh thành phố. Tác phẩm Môi trường sống trên hành tinh bao gồm một cấu trúc khung có hình thù ngộ nghĩnh, bề ngoài dán kín các hình ảnh do các học sinh vẽ. Mỗi em tạo ra một hình ảnh khác nhau, giống như nhiều sinh vật lạ với ngoại hình khác nhau. Vì thế, tác phẩm càng kích thích người xem tìm hiểu những gì bên trong, tạo ra một sự tương tác thú vị. Môi trường sống dưới nước lại được tạo tác theo tranh vẽ của những đứa trẻ lớn lên bên bờ biển. Hình thù những sinh vật dưới nước và cử chỉ bơi lội của chúng được cắt ghép trên những tấm thép không gỉ rồi làm thành hàng rào cho cầu đi bộ qua đường. Bạn có thể thấy những hình ảnh mang biểu cảm khác nhau tùy theo sự thay đổi của ánh sáng chiếu vào, điều này rất thú vị. Tất cả các tác phẩm đều được cân bằng tốt, hài hòa với cảnh quan của khu phố. Người đi bộ trên cầu có thể chạm vào các tác phẩm, cảm nhận thế giới tuyệt vời được thể hiện bằng sự hồn nhiên của trẻ em.
Dự án Saitama Shintoshin khác với nghệ thuật công cộng theo nghĩa thông thường, trẻ em không phải là nghệ sĩ lên ý tưởng sáng tạo nhưng sự tham gia hợp tác của các em với nghệ sĩ là rất quan trọng, không chỉ phá vỡ khoảng cách giữa các nghệ sĩ và công chúng mà còn thực sự phản ánh ý nghĩa của nghệ thuật công cộng: thiết lập một kết nối chặt chẽ giữa nghệ thuật và không gian công cộng với cuộc sống của cư dân.
Trong khi thực hiện các thí nghiệm nghệ thuật trong xã hội, nghệ sĩ phản ánh và giải quyết một số vấn đề xã hội, như thúc đẩy sự hình thành cộng đồng, tái khám phá các nguồn lực khu vực và ủng hộ bảo vệ môi trường tự nhiên.
Do môi trường địa lý, Nhật Bản thường phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng như động đất, sóng thần đột xuất và thường xuyên. Điều này làm cho các nghệ sĩ Nhật Bản thường có một tinh thần nhân văn, các tác phẩm của họ cố gắng làm dịu những tổn thương tâm lý do thiên tai gây ra như một trận động đất lớn, khôi phục sự tự tin và lòng can đảm của mọi người để xây dựng lại và tiếp tục sống sau thảm họa. Năm 1995, dự án nghệ thuật công cộng của nghệ sĩ Tian Fuluzi, Nông trại hạnh phúc với nhiều đơn hàng là một trong số đó. Dự án là một phần của kế hoạch tái thiết sau trận động đất lớn Hanshin tại Kobe. Tian Fuluzi chọn hai mảnh đất trống để xây dựng khu dân cư cho cuộc sống cộng đồng ở vùng nông thôn Nanluwu. Rau được chia và trồng bởi người dân địa phương và được quản lý độc lập. Các nghệ sĩ đã làm việc với họ và ghi lại quá trình. Dự án này không chỉ thể hiện khung cảnh bình dị của các thành phố hiện đại và đơn giản là giới thiệu nông nghiệp và làm vườn vào thành phố, mà còn xây dựng một cầu nối giữa mọi người thông qua công việc hằng ngày và canh tác của cư dân, bổ sung và làm phong phú thêm việc cung cấp thực phẩm của cư dân sau thảm họa. Nó cũng an ủi những chấn thương tâm lý của mọi người sau thảm họa, hình thành một cộng đồng mới và xây dựng niềm tin vào một cuộc sống mới sau thảm họa.
Năm 2001, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật cơ bản để quảng bá văn hóa nghệ thuật Nhật Bản, với mục đích tìm kiếm các chiến lược quảng bá văn hóa và nghệ thuật, kích hoạt các đặc điểm và sức sống địa phương. Sự ủng hộ mạnh mẽ của luật pháp hoàn hảo cho phép các nghệ sĩ có đủ tiền trợ cấp để thực hiện các dự án nghệ thuật khác nhau. Hiện nay, việc sử dụng các nguồn tài nguyên giáo dục đại học và kết quả nghiên cứu trong tương lai để đạt được sự tồn tại và cùng tồn tại với khu vực đã trở thành một mô hình phát triển mới của nghệ thuật công cộng Nhật Bản. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã công bố triển khai một quỹ giới thiệu quy mô lớn như Kế hoạch COE TK XXI và Kế hoạch hỗ trợ giáo dục đại học (GP), thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học cùng xã hội vào các dự án nghệ thuật công cộng. Với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Đại học Nghệ thuật Tokyo đã phát động Dự án nghệ thuật du lịch GTS từ năm 2010 đến 2012, nhằm tăng cường ảnh hưởng thông qua việc tái tạo các tài nguyên văn hóa truyền thống và thu hút những người khác nhau chú ý đến cộng đồng. Giáo viên và sinh viên của Đại học Nghệ thuật Tokyo điều tra văn hóa khu vực và những thay đổi của thời đại thông qua tài liệu và các chuyến thăm, và dựa theo sự khác biệt của tích lũy truyền thống không đồng nhất, họ đã lên kế hoạch cho hai dự án khác nhau: dự án nghệ thuật môi trường và dự án nghệ thuật sông Sumida. Trong số đó, 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng của dự án nghệ thuật môi trường đều xoay quanh quá trình xây dựng tháp phát sóng Tokyo Sky Tree, phối hợp với kế hoạch phục hồi khu vực và biến nghệ thuật đương đại thành nghệ thuật công cộng để phục hồi cộng đồng thông qua sự hợp tác toàn diện với người dân địa phương. Nghệ thuật công cộng của sự hồi sinh cộng đồng đã làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau với cộng đồng địa phương, tận dụng và tích hợp tốt các tài nguyên văn hóa truyền thống vào nghệ thuật đương đại để sử dụng và hội nhập.
Tháng 9 – 2017, Liên hoan Nghệ thuật Bầu trời là sự tích hợp cao giữa nghệ thuật công cộng Nhật Bản đương đại và đời sống xã hội. Các nghệ sĩ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Áo, Anh, Australia và nhiều nước khác sử dụng nhà kính ở địa phương để trồng hoa, trung tâm nhân giống tằm bản địa, công viên và các không gian khác để sáng tạo và trưng bày. Tác phẩm Đôi cánh của đất (Wings of the Earth) là một tác phẩm trong đó có sự đóng góp của học sinh tiểu học, tình nguyện viên và nghệ sĩ địa phương, vẽ những con diều với các đặc điểm và câu chuyện của địa phương, tạo thành một tác phẩm có thể bay trong gió, với hàm ý liên kết giữa bầu trời, trái đất và con người, xa hơn là liên kết giữa mọi người với nhau.
Thay lời kết
Nghệ thuật ngoài trời, nghệ thuật công cộng ở Nhật Bản ngày nay đã thực sự là một phần không thể tách rời của thực thể văn hóa đương đại Nhật Bản nói chung, của từng địa phương nói riêng. Từ việc lấy cớ ô nhiễm môi trường làm cơ hội để triển lãm điêu khắc ngoài trời phát triển, từ làm đẹp khu phố đến việc dùng nghệ thuật để cải tạo, chuyển đổi cộng đồng, nghệ thuật công cộng đã trải qua một quá trình phát triển từ cái đẹp của hình khối đến việc tham gia vào phục hồi các khu vực thiên tai với sự tham gia của thị dân. Việc sử dụng nghệ thuật để thúc đẩy, cải thiện ý nghĩa văn hóa của các vùng và thành phố, nhận thức về sự tham gia của công chúng chắc chắn là một cách hiệu quả để cải thiện và nâng cao ý thức của công chúng về bản sắc và bản chất của nơi này. Ngày nay, mối quan hệ giữa nghệ thuật công cộng và xã hội Nhật Bản ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày của người dân. Đặc biệt là sau trận động đất ngày 11-3-2011, các khái niệm và mô hình xã hội xung quanh mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và nghệ thuật công cộng đã trở thành một chủ đề mới ở Nhật Bản. Các hình thức nghệ thuật đang ngày càng chú ý đến việc thích ứng với sự phát triển của thời đại, tập trung vào sự cùng tồn tại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Các khẩu hiệu như “xây dựng lại cộng đồng” và “các dự án tái tạo khu vực” cũng đã biến nghệ thuật đương đại thành nghệ thuật công cộng và trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội, nó cung cấp cho nghệ sĩ các mô hình nghệ thuật công cộng đa dạng hơn để thảo luận và tham khảo.
_____________
Tài liệu tham khảo:
1. Koga Yayoi, Văn hóa nghệ thuật và xây dựng khu phố – Văn hóa nghệ thuật và kích hoạt khu vực, Nxb Đại học Kyushu, Fukuoka, Nhật Bản, 2011.
2. Yoshita Kaide, Nghệ thuật trên đường, Nxb Tân Phong Xá, Nhật Bản, 2005.
Tác giả: Lê Bá Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng