Thiết kế đồ họa (TKĐH), một loại hình của thiết kế mỹ thuật (hay mỹ thuật công nghiệp), mới chỉ thực thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây. Xuất hiện và phổ cập bởi khả năng đa bản của công nghệ ấn loát, ngày nay, TKĐH không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực này bởi sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại với hàng loạt thể loại mới như đồ họa web, đồ họa động với phim quảng cáo truyền hình, thiết kế truyền hình, thiết kế game, hoạt hình… Cụm từ TKĐH ngày nay đã được phổ cập với tên gọi là thiết kế giao tiếp thị giác. Do đặc tính truyền thông mà TKĐH ngày càng có vai trò và sức ảnh hưởng lớn đến nhiều phương diện của đời sống xã hội.
1. Nghệ thuật TKĐH Việt Nam hiện nay
Ở thời điểm hiện tại, trong xu hướng hội nhập kinh tế, văn hóa mạnh mẽ, nghệ thuật TKĐH Việt Nam còn non trẻ, phát triển tự phát, thiếu sự tiếp nối với nền tảng truyền thống, bởi hệ thống lý luận phần lớn được du nhập từ phương Tây. Do vậy, tuy đã có những bước tiến rất đáng kể, song vẫn còn nhiều sản phẩm TKĐH thể hiện sự cóp nhặt, sao chép, sự pha tạp về phong cách, sự thiếu hiểu biết, xa rời văn hóa và ngôn ngữ thẩm mỹ dân tộc. Tính dân tộc thể hiện qua nhiều sản phẩm thiết kế gần như bị lãng quên. Thay thế vào đó là tính thương mại. Không ít trường hợp xuất phát từ động cơ lợi nhuận, nhà thiết kế được đặt hàng, yêu cầu thực hiện nhái na ná những kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm của nước ngoài, hàng hiệu, dễ gây ngộ nhận cho những người sính hàng ngoại (1). Với kiểu sao chép này, sớm hay muộn, cơ sở sản xuất sẽ bị cảnh báo về luật bản quyền; về phía nhà thiết kế cũng sẽ mất dần nguồn cảm hứng sáng tạo. Thiệt thòi hơn là những thương hiệu mạnh của Việt Nam khó có cơ hội phát triển tạo dấu ấn và chinh phục được người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Không những vậy, nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam đã được khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế, hoặc các lôgô biểu trưng rất cần đặc tính dân tộc lại do những nhà thiết kế nước ngoài thể hiện. Chẳng hạn như biểu trưng TP Hà Nội do một họa sĩ thiết kế người Pháp (gốc Việt) thực hiện, biểu trưng thương hiệu rượu Việt của Hapro do họa sĩ thiết kế người Đan Mạch thể hiện, biểu trưng hãng hàng không Việt Nam Airline do nhà thiết kế người Nhật thể hiện…
Làm thế nào để mẫu TKĐH của chúng ta có được mặt bằng chung so với các nước, những thương hiệu mạnh của Việt Nam có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay; TKĐH hiện đại Việt Nam có cần thiết quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc hay không…, đó là những vấn đề không chỉ của riêng đối với các nhà thiết kế của Việt Nam. Để có những định hướng cơ bản, chúng ta cần tìm hiểu một số hạn chế cũng như thuận lợi trong phát triển TKĐH Việt Nam hiện tại.
Hạn chế về điều kiện và nhận thức xã hội
Thiết kế nói chung, TKĐH nói riêng là một công việc tương đối phức tạp. Để tạo được một sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nhà nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau. Không chỉ có vậy, để biến ý tưởng thành thực tế còn phải trải qua nhiều thử nghiệm để tìm được kết quả tối ưu. Đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam, để bỏ ra một khoản kinh phí như vậy là rất khó khăn, chỉ trừ một số ít doanh nghiệp lớn.
Đội ngũ quản lý cấp cao của các doanh nghiệp còn chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của thiết kế, chưa đủ am hiểu để xét duyệt các mẫu thiết kế, chưa xây dựng được các nghiên cứu thị trường đủ độ tin cậy làm cơ sở cho việc lượng giá mẫu thiết kế… và đặc biệt chưa thấy được tầm quan trọng của các chuyên gia thiết kế (2).
Trong nền kinh tế thị trường, đối với đa số doanh nghiệp thì nhu cầu, thị hiếu của khách hàng là cao nhất với phương châm “bán những cái mà khách hàng đang cần chứ không phải bán những cái mình có”. Trong khi đó, mặt bằng trình độ nhận thức về thẩm mỹ của người dân về thiết kế, TKĐH còn thấp, chưa đồng đều, dẫn đến sự phân hóa trong chính đội ngũ những nhà thiết kế. Nếu mỗi nhà thiết kế không nhận thức được vai trò định hướng thẩm mỹ của mình, không đủ kiến thức, tư chất nghề nghiệp mà chạy theo thị trường, theo lợi ích kinh tế trước mắt, sẽ dẫn đến những thiết kế sao chép lộn xộn, tùy hứng, tự phát.
Xét ở khía cạnh vĩ mô, TKĐH ngày nay không đơn thuần là khâu làm đẹp, thay đổi giá trị sản phẩm, mà còn là giải pháp cho các vấn đề văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống (3). Vì thế, nhiều quốc gia đã có chính sách phát triển ngành thiết kế, trong khi ở Việt Nam, lĩnh vực này chưa được đánh giá đúng mức do chưa nhận thức đủ và đúng những lợi ích mà đặc tính truyền thông rộng rãi của TKĐH có thể đem lại.
Hạn chế về nguyên nhân lịch sử
Lấy mốc là cuộc triển lãm thế giới đầu tiên tại London năm 1851 thì lịch sử thiết kế thế giới đã có hơn 150 năm hình thành và phát triển. Thiết kế đã trở thành một nghề nghiệp có vị trí quan trọng trong xã hội, nhà thiết kế được trả lương cao và được xã hội tôn trọng. Để có được vị trí như ngày hôm nay, nền thiết kế thế giới cũng đã trải qua biết bao thăng trầm với những đổi thay sâu sắc về chính trị xã hội. Rất nhiều xu hướng thiết kế ra đời và suy tàn để rồi lại bước lên những nấc thang mới hiện đại hơn, phù hợp hơn. Họ đã có những thời gian đủ để kiểm nghiệm phát triển những sản phẩm, những phương pháp tốt nhất và đã đào thải những gì không phù hợp, không tiến bộ. Với họ, thiết kế và công nghiệp là một khối thống nhất khăng khít (4).
Còn tại Việt Nam, những áp phích cổ động, tài liệu tuyên truyền phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương là những manh nha đầu tiên cho TKĐH Việt Nam dù hình thức thể hiện vẫn là của đồ họa mỹ thuật (5). Lấy mốc là năm 1949, khi Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ra đời và đào tạo những khóa đầu tiên làm lực lượng nòng cốt cho nền design Việt Nam nói chung, TKĐH nói riêng thì với nền công nghiệp còn quá non trẻ, chúng ta không thể có những thiết kế thực sự có tính thương mại. Năm 1986, TKĐH mới bắt đầu có những thay đổi căn bản, những hình thức quảng cáo hàng hóa, bao bì, biển bảng, hội chợ triển lãm, thương mại mới xuất hiện. Sự thành công đáng kể của các tác giả TKĐH gắn liền với sự phát triển của công nghệ mới, khởi đầu từ những năm 90 TK XX và phải sang TK XXI mới có những chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, TKĐH chưa thể gọi là phát triển so với khu vực và trên thế giới bởi chưa có một tổ chức, hiệp hội của lĩnh vực này, chưa có một cuốn sách thường niên nào cho thấy hoạt động và sự phát triển cũng như rất hiếm các nhà thiết kế mà tên tuổi của họ gắn với một thể loại của TKĐH (6).
Ở khía cạnh đào tạo, TKĐH ra đời trong hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn, chưa có tiền đề đi trước, ngắt nhịp với đồ họa mỹ thuật truyền thống. Những sách báo tài liệu nền tảng lý thuyết cơ bản về ngành nghề vô cùng khan hiếm, hầu hết do các nước bạn hỗ trợ cung cấp (chủ yếu của các nước phương Tây như Đức, Nga, Mỹ… ), hoặc do một số nhà nghiên cứu, nhà giáo tâm huyết thu thập và tổng hợp biên soạn lại từ nhiều thứ tiếng khác nhau để giảng dạy. Bởi vậy, rất nhiều khái niệm, lý thuyết về ngành thiết kế mỹ thuật ứng dụng nói chung, TKĐH nói riêng tại Việt Nam từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa được thống nhất, chưa được tổng hợp và cập nhật. Trong khi các nhà TKĐH trẻ vẫn còn đang lúng túng, dò dẫm trong xác định phương hướng thì khoa học kỹ thuật công nghệ trên thế giới phát triển nhanh chóng, vượt bậc. Cùng với sức mạnh của xu thế toàn cầu hóa, lĩnh vực TKĐH ngày càng được mở rộng. Những nền tảng lý thuyết cũ chưa được thấm nhuần, cái mới đã ồ ạt đến tạo áp lực lớn cho các nhà thiết kế trẻ, dẫn đến những bất cập không tránh khỏi.
Thuận lợi trong giai đoạn hiện tại
Đời sống con người hiện đại gắn liền với nhu cầu về cái đẹp, tất cả mọi người dân, không phụ thuộc vào trình độ văn hóa đều mong muốn được sử dụng những sản phẩm mới, đẹp, lạ mắt, hợp thời, được sống trong môi trường tiện nghi hơn. Từ mong muốn cơ bản này đã nảy sinh vô số những đòi hỏi đối với nhà thiết kế.
Xét ở yếu tố cạnh tranh, người ta không còn lo mặc cái gì mà lo mặc như thế nào, thời đại mới, mặt hàng nào cũng có không ít nhà sản xuất khác nhau (cạnh tranh giữa các nhà sản xuất), sản xuất công nghiệp với năng suất cao và không ngừng cải tiến phương pháp, lao động dẫn đến tạo ra nhiều sản phẩm trong một thời gian ngắn (cạnh tranh về tốc độ sản xuất), nhiều mặt hàng sản xuất được đưa ra thị trường (cạnh tranh về giá cả)… Để giải quyết nhiệm vụ về thị trường tiêu thụ (bán được sản phẩm tới người tiêu dùng) cần nhiều giải pháp thị trường khác nhau mà TKĐH, đặc biệt là đồ họa quảng cáo, là một yếu tố then chốt. Người tiêu dùng trẻ bây giờ không còn tư tưởng ăn chắc mặc bền như thế hệ trước mà sẵn sàng trả giá cao cho một sản phẩm mà họ ưa thích. Đây chính là động lực cho các nhà sản xuất chú tâm đầu tư vào hình thức sản phẩm, đồng thời cũng là cơ sở để phát triển đội ngũ những nhà thiết kế mới phù hợp với yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Các sản phẩm được thiết kế đẹp, hấp dẫn, hiệu quả xuất hiện nhiều trên thị trường, trên cơ sở đó người tiêu dùng sẽ có điều kiện so sánh và đối chứng giữa những thiết kế tốt và xấu, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trong giới thiết kế và những người sở hữu các sản phẩm thiết kế đó (7).
Lợi thế của người đi sau cũng là một điểm thuận lợi cho TKĐH Việt Nam bởi chúng ta có thể rút gọn được tiến trình phát triển và bắt kịp ngay với những trào lưu thiết kế mới trên thế giới. Trong thời điểm hiện nay, khi tiếp cận với công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến, thì việc xử lý thông tin để đạt được hiệu quả tối ưu cho công việc là vấn đề hết sức quan trọng.
Về sức mạnh nội tại, Việt Nam có một nền mỹ thuật truyền thống lâu đời, trải qua lịch sử hàng ngàn năm nên đã tích lũy được những giá trị to lớn về nghệ thuật và tinh thần của người Việt.
2. Định hướng phát triển nghệ thuật TKĐH Việt Nam hiện nay
Văn hóa mỹ thuật truyền thống Việt – cơ sở định hướng phong cách TKĐH Việt Nam hiện đại
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Có thể chúng ta có những giai đoạn sống chỉ nghĩ đến hôm nay hay ngày mai ăn gì, mặc gì, ở đâu, nhưng không thể cứ như thế mãi, chúng ta còn cần nghĩ đến chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta đã làm gì, đang làm gì và sẽ đi về đâu nữa…”(8). Đó là vấn đề mà TKĐH cần lưu tâm trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Bởi vậy, chúng ta cần có những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, mỹ thuật truyền thống Việt Nam làm cơ sở nền tảng để định hướng phong cách TKĐH hiện đại. Điều đó không đồng nghĩa với việc quay trở lại quá khứ, mà nghiên cứu truyền thống để nhằm có được phương thức truyền tải những yếu tố tinh hoa trong bản sắc văn hóa Việt, kết hợp với ngôn ngữ thiết kế, công nghệ, kỹ thuật, chất liệu hiện đại, từ đó tạo ra cấu trúc mở trong tư duy sáng tác, tiếp nhận những cái mới, cái hiện đại trong tiến trình hội nhập nhưng vẫn giàu bản sắc truyền thống của người Việt.
Thực tế cho thấy, một số nền thiết kế ở các nước phương Đông triển khai theo hướng này và đã rất thành công. Trung Quốc ra đời khá muộn so với phương Tây dù có một nền văn hóa nghệ thuật lâu đời và phát triển rực rỡ. Năm 1979, Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, chào đón những ý tưởng mới và các công nghệ mới nhất trong nghệ thuật và thiết kế. Song song với việc đó, Trung Quốc tập trung tăng năng lượng sáng tạo với một ý thức mạnh mẽ của dân tộc (thậm chí là với tư tưởng bài ngoại) (9). Những năm gần đây, xuất hiện hàng loạt bài viết và công trình nghiên cứu của họ liên quan đến vấn đề giữ gìn bản sắc trong TKĐH hiện đại… Bởi vậy, sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiều yếu tố của nghệ thuật truyền thống trong các TKĐH hiện đại Trung Quốc với một sự nhuần nhuyễn cả về nội dung lẫn hình thức. Điển hình cho sự áp dụng thành công yếu tố văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào thiết kế đồ họa hiện đại là lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè tại Bắc Kinh – 2008.
Nhật Bản cũng có nền TKĐH tạo dấu ấn đặc sắc và riêng biệt bởi vận dụng và khai thác triệt để thế mạnh của nghệ thuật truyền thống trong lịch sử ngành thiết kế cùng với sự thành công của các sản phẩm thiết kế ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới. Ngay từ những năm 50 TK XX, người Nhật đã phát hiện ra rằng việc đầu tư vào TKĐH đã hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản lên rất nhiều và để có được thương hiệu mang tính quốc gia, nhất thiết phải có được bản sắc riêng, tính độc đáo trong các sản phẩm thiết kế. TKĐH hiện đại Nhật Bản từ nửa cuối TK XX cho đến nay cho thấy nét bản sắc riêng biệt không pha trộn với bất kỳ một nền đồ họa nào trên thế giới. Họ sử dụng nền tảng cơ bản của lý thuyết hội họa phương Tây, thể hiện sự mới mẻ, năng động của một đất nước hiện đại với khoa học kỹ thuật phát triển, song lại trên nền tảng khai thác triệt để văn hóa nghệ thuật truyền thống (10). Bất kể những gì từ ngành nghề thủ công, các chất liệu, hình tượng trong nghệ thuật truyền thống, những loại hình nghệ thuật mang phong cách đặc sắc, tiêu biểu đặc sắc nhất (hoạt hình Manga)…, người Nhật đều tận dụng khai thác triệt để vào TKĐH hiện đại.
Khai thác sức mạnh truyền thông của ngôn ngữ đồ họa để tạo nên một môi trường văn hóa
Trong quan điểm mới về TKĐH hiện nay, các nhà thiết kế đóng một vai trò quan trọng như những tác nhân mới của sự thay đổi thế giới bằng cách sử dụng sáng tạo và tư duy thiết kế trong thể hiện khả năng của họ đối với nhận thức xã hội. Sali Sasaki, nhà nghiên cứu văn hóa và thiết kế Nhật Bản, đã nhận định: “TKĐH ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa, cấu trúc xã hội, nền kinh tế, phát triển văn hóa và môi trường. Nó chạm vào nhiều cá nhân trong xã hội trên cơ sở tiếp xúc hàng ngày trong môi trường xã hội và trên mọi phương tiện truyền thông hiện đại”(11). Trong những năm gần đây, TKĐH đã trở thành một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển văn hóa và bền vững trên thế giới. Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil là những ví dụ thành công của những nơi mà thiết kế được cho là một phương pháp hiệu quả và công cụ để cải thiện văn hóa xã hội, khẳng định tầm quan trọng và ảnh hưởng của thiết kế đồ họa đến văn hóa xã hội.
Bởi vậy, việc vận dụng khai thác sức mạnh truyền thông của ngôn ngữ đồ họa nhằm tạo nên một môi trường văn hóa là một việc làm cần thiết nhằm tạo ra những tác động mang tính giáo dục tích cực tới nhận thức về văn hóa dân tộc và thẩm mỹ dân tộc trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Mặc dù được xem như là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là những tác động mang tính văn hóa sinh ra từ việc trình bày thông điệp của TKĐH, song điều đáng chú ý là những giá trị văn hóa mà quảng cáo đã tạo ra thông qua sản phẩm nó trình bày, lại phụ thuộc vào văn hóa của xã hội đã tạo ra thiết kế đó. Như vậy, TKĐH không chỉ có những tác động làm ảnh hưởng đến văn hóa mà còn chịu ảnh hưởng (bị chi phối và giới hạn) từ chính nền văn hóa đã sáng tạo ra nó (12). Cho nên, để vai trò truyền thông của TKĐH Việt Nam có được hiệu quả giáo dục về văn hóa dân tộc, thẩm mỹ dân tộc, rất cần những chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Thúc đẩy lĩnh vực thiết kế, TKĐH sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững trong giai đoạn hiện tại.
Một góc nhìn khác, trên phương diện định hướng sáng tác, việc tạo dựng một phong cách thiết kế hiện đại mang nét văn hóa bản địa là giải pháp tạo ra sự khác biệt, là cách thức hóa giải áp lực sinh sau đẻ muộn, rút ngắn khoảng cách của sự lạc hậu và trình độ thiết kế với các nền đồ họa trên thế giới.
3. Kết luận
Trên tất cả những mặt thuận lợi, khó khăn và những vấn đề đã nêu trên, chúng ta cần nhận thức rằng để nền TKĐH Việt Nam phát triển và có một vị trí nhất định trong làng Design thế giới không phải là việc ngày một ngày hai mà là cả một quá trình.
Trước hết về mặt xã hội, cần tích cực phổ biến, nâng cao tuyên truyền xã hội, tiếp cận bằng nhiều kênh (hội chợ, triển lãm hàng hóa, triển lãm sản phẩm thiết kế…) nhằm mục tiêu kích thích các doanh nghiệp quan tâm và hiểu rõ giá trị của thiết kế với sản phẩm của họ, lợi ích kinh tế mà họ sẽ thu lại khi đầu tư vào thiết kế.
Thành lập tổ chức, hiệp hội các nhà TKĐH; tổ chức các hội nghị chuyên đề, những sân chơi cho các nhà thiết kế có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực cá nhân, tìm ra những hướng đi mới, thống nhất mục tiêu và định hướng lớn cho nền TKĐH hiện đại, tránh phát triển rời rạc, tản mạn.
Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà thiết kế với các nghệ nhân làng nghề, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, nghiên cứu thị trường… để sản phẩm thiết kế ra đời có chất lượng tối ưu nhất, đối với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất.
Chú trọng việc tạo bản sắc của TKĐH Việt Nam dựa trên các thế mạnh về nghệ thuật trang trí truyền thống. Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật truyền thống nhằm rút ra được những tinh hoa của ngôn ngữ thẩm mỹ dân tộc, kết hợp với cập nhật, nắm bắt những xu hướng thiết kế, khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới, từ đó dung hòa, xây dựng và phát triển nền TKĐH Việt Nam hiện đại.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế thị trường với nhu cầu thiết kế các sản phẩm, mẫu mã mới cũng phát triển chóng mặt đòi hỏi một đội ngũ lớn các nhà thiết kế có trình độ chuyên môn cao. Bởi vậy, cần có sự tập trung , đầu tư thích đáng cho đào tạo các nhà thiết kế tương lai một cách toàn diện, đặc biệt là khả năng cọ sát với công việc thực tế, thực nghiệm ngay trong quá trình học.
Trên hết, vai trò quyết định cho một nền nghệ thuật TKĐH Việt Nam phát triển phụ thuộc phần lớn vào các nhà thiết kế trước khi có những sự hỗ trợ từ nhiều phía. Ngoài kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, lòng nhiệt huyết, sự am hiểu về văn hóa, nắm bắt các nhu cầu, đặc điểm, thị hiếu của khách hàng, của doanh nghiệp…, chính bản thân những nhà thiết kế mới là người tạo ra xu hướng chứ không phải thị hiếu quần chúng.
_______________
1, 2. Cao Sơn, Đồ họa quảng cáo và mối tương quan với văn hóa, daibieunhandan.vn ngày 13-4-2012.
3, 7. Kim Anh, Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam: Bao giờ có vị trí xứng đáng?, mag.ashui.com ngày 11-2-2012.
4, 10. Lê Huy Văn – Trần Văn Bình, Lịch sử design, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2003, tr.14, 35.
5. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Giáo trình đồ họa, Hà Nội, 1991, tr.55.
6. Viện Mỹ thuật, Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam xb, 2008.
8. Phan Cẩm Thượng, Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2011, tr.67-69.
9, 11. Phạm Xuân Nam, Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa, một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.36, 42.
12. Jorge Frascara, Amrik Kalsi, Peter Kneebone, Thiết kế đồ họa cho phát triển, UNESCO, Paris 1987, tr.98-102.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Nguyễn Hồng Ngọc
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày