Nghệ thuật trang trí lồng đèn Hội An – giá trị cần bảo tồn và phát triển


Lồng đèn Hội An (Quảng Nam) là sự kết tinh
trong mối quan hệ giao thương của Việt Nam với
các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, góp
phần tạo nên văn hóa đặc sắc của thương cảng Hội
An từ hơn 400 năm trước. Văn hóa Hội An nói
chung, lồng đèn nói riêng là kết quả của sự giao
thoa giữa các nền văn hóa này, mà giá trị cũng
như hình dáng đặc trưng của nó đã trở nên rất nổi
tiếng, như một món quà mà Hội An tạo ra với mục
đích phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Hội An là mảnh đất có bề dài lịch sử cách mạng và văn hóa, là điểm dừng chân của thuyền buôn trên khắp thế giới, khiến cho mảnh đất này không chỉ là sự giao thương “con đường tơ lụa” trên biển mà còn sớm trở thành nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa đa sắc. Ngày 1-12-1999, Hội An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, trở thành điểm dừng chân của du khách khắp nơi. Từ lâu nay, nhắc đến Hội An là người ta nhớ ngay đến hình ảnh những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, hình dáng, giăng khắp phố phường, đền chùa, bến sông… Đèn lồng mang tính trang trí bình dân và giữ được vẻ đẹp rực rỡ, quyến rũ, không chỉ trở thành biểu tượng độc đáo cho vẻ đẹp phố cổ, mà còn là mặt hàng trang trí, lưu niệm, được nhiều người dân và du khách yêu thích. Từ trước đến nay, chưa có công trình khoa học nghiên cứu về giá trị thẩm mỹ cũng như tinh thần của lồng đèn Hội An.

Lồng đèn Hội An – Ảnh: Vi Trần

Xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu về lịch sử của chiếc lồng đèn, về nghệ thuật trang trí, hoa văn, họa tiết trên chiếc lồng đèn nhằm gìn giữ, phát triển, tôn tạo các giá trị đặc sắc của Hội An, bài viết đưa ra những nhận định, đánh giá về giá trị lịch sử, thẩm mỹ của chiếc lồng đèn, hình ảnh con người Hội An được lột tả qua tài năng, nghệ thuật sáng tạo của họ. Đồng thời, nhận định xu hướng phát triển, quảng bá cũng như những thay đổi cần thiết về giá trị thẩm mỹ thông qua nghệ thuật trang trí phù hợp với thời đại mới, phục vụ yêu cầu phát triển của địa phương.

1. Lịch sử hình thành nghề làm lồng đèn Hội An

Đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối TK XVI, khi những người Trung Hoa đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi. Lồng đèn trở nên tinh xảo dưới bàn tay tài tình, khéo léo, tính cần cù, cẩn thận, tỉ mỉ của các nghệ nhân, người thợ, họ đã thổi hồn vào những chiếc lồng đèn do chính tay mình làm. Họ truyền nhau cách làm lồng đèn và dần dần, đèn lồng trở thành đứa con tinh thần, theo họ trọn đời. Hiện nay, có tới 32 cơ sở làm và bán đèn lồng, đèn lồng Hội An không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Đây là là sản phẩm độc đáo, kết tụ tinh hoa giá trị nghệ thuật sáng tạo thông qua tài hoa của các nghệ nhân, trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Thông qua giá trị sản phẩm lồng đèn có thể quảng bá hình ảnh, con người Hội An đầy sáng tạo.

Khi về đêm, Hội An càng sâu thẳm và say đắm lòng người, lồng đèn giăng khắp các ngã đường, trước sân nhà… nhất là trong những đêm hội lồng đèn, dịp tết cổ truyền và những lễ hội khác trong năm. Theo nhiều tư liệu, người có công đầu tiên trong việc làm sống lại chiếc lồng đèn là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, ông là người đầu tiên phục chế và tạo dáng lại chiếc lồng đèn, đó là chiếc lồng đèn khung tre bọc vải ngày nay. Tài năng của ông đã được người Nhật để ý đến và chính ông là nghệ nhân làm đèn lồng đầu tiên của Hội An được chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức cái đẹp cũng có sự thay đổi và phát triển khác trước; từ hoa văn, màu sắc, ánh sáng, hình tượng trang trí… đòi hỏi sự tinh xảo, ý nghĩa, phù hợp với nhịp sống của thời đại.

2. Nét đặc sắc trong trang trí lồng đèn Hội An

Lồng đèn Hội An có 2 nguyên liệu chính đó là tre và vải: Tre phải già, ít nhất cũng được 5 năm tuổi, dẻo và bền, được phơi khô; Vải phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm có độn dai để khi căn không bị rách. Hệ thống vòng gỗ, chuôi đèn cũng được thiết kế tinh xảo sao cho kết hợp với nan tre có thể gấp lại được.

Các bước tạo ra sản phẩm

Quy trình làm đèn lồng truyền thống được chia làm 2 công đoạn chính: làm khung tre và bọc vải. Tre trước tiên phải được ngâm kỹ 10 ngày bằng nước muối để tránh mối mọt, sau đó phơi khô, được chẻ ra và vót thành từng nan mỏng tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Nan được gắn vào 2 vòng gỗ ở 2 đầu, sau đó kết nối bằng các sợi dây dù, sau cùng người thợ sẽ dùng tay chỉnh sửa để có một khung đèn cân xứng. Vải được bọc đèn thường là vải xoa hoặc vải lụa tơ tằm nhiều màu sắc, có độ dai, để khi căng ra không bị rách. Trước tiên, vải được cắt ra làm nhiều mảnh tùy theo kích thước của đèn, sau đó được bôi keo rồi dán lên khung. Khi căng vải, đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo léo để căng thẳng góc ở những đoạn cong. Dán vải xong, họ sẽ dùng kéo để cắt tỉa, sau đó dùng chuôi gắn vào khung đèn. Chuôi đèn được làm bằng sợi tơ nhân tạo gắn với một viên bi gỗ. Lồng đèn Hội An ngày nay được các nghệ nhân nghiên cứu và sản xuất ra những loại lồng đèn có thể xếp gọn, nhỏ dễ mang đi xa.

Nghệ thuật trang trí lồng đèn

Đây là khâu cuối cùng, quan trọng để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng, các nghệ nhân tự mình bỏ công sức vẽ hình hay trang trí để hoàn thành sản phẩm… Theo nghệ nhân đèn lồng, thời gian từ khi vót nan đến khi dán xong lồng đèn vừa đủ 4 ngày, trong đó tới 3 công vẽ và trang trí. Bằng lao động cần cù và tư duy sáng tạo, nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề luôn trăn trở, tìm cách làm mới và phong phú sản phẩm, vận dụng nguyên liệu mới, thân thiện gần gũi như: cườm, mây, sắt, gỗ, vải hoa, vải bóng nhiều sắc màu, một số loại sợi nhân tạo để đan kết và bọc đèn, đã làm cho đèn lồng phố hội ngày càng đa dạng và bắt mắt hơn. Nhìn chiếc đèn lồng đơn sơ nhưng để làm nên chiếc đèn lồng xinh xắn, hoàn hảo là cả một quá trình đòi hỏi sự tỷ mẩn, từ khâu thiết kế hình dáng đến chọn nguyên liệu, màu sắc, tranh vẽ và cả kỹ thuật lắp ghép. Người thợ làm đèn lồng phải có lòng yêu nghề và sự say mê sáng tạo mới có thể gửi cả tâm tư vào công việc, thổi hồn vào từng sản phẩm, biến mỗi chiếc đèn lồng thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đèn lồng ngày xưa rất đơn giản, chỉ là tre bọc vải với các kiểu dáng trang trí quen thuộc, họa tiết đơn sơ. Ngày nay, bên cạnh những họa tiết truyền thống, nhiều hình vẽ với những họa tiết đa dạng như chim muông, cảnh vật sinh động và có giá trị mỹ thuật cao. Đây là, công việc đòi hỏi tính nghệ thuật cao, do đó hiện nay có rất ít nghệ nhân thật sự tạo nên vẻ đẹp huyền diệu cho chiếc lồng đèn, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức cái đẹp ngày càng đa dạng của khách hàng.

3. Xu hướng nghệ thuật trong trang trí lồng đèn Hội An

Ngày xưa, lồng đèn chỉ dành để treo trong cung điện vua chúa, nhưng ngày nay, đèn lồng Hội An trang trí trên mọi không gian, địa điểm, từ căn nhà cổ đến nhà hiện đại, từ quán ăn dân giã đến nhà hàng sang trọng, hoặc khách sạn hay những nơi tổ chức sự kiện, bất kể đi đến đâu, đèn lồng Hội An cũng mang dáng dấp đặc biệt và thơ mộng đến cho người xem. Đã có hàng nghìn chiếc đèn lồng được mang ra nước ngoài quảng bá, phô diễn sắc màu mỗi năm và nhận được nhiều lời khen từ bạn bè khắp châu lục, để lại ấn tượng sâu sắc và khó phai về một chiếc đèn tuy chẳng cầu kỳ xa hoa nhưng là vẻ đẹp tâm hồn Việt. Đèn lồng Hội An ngày nay không những phô diễn màu sắc, hình dáng, kích cỡ… mà còn biến tấu với những kiểu như thêu ren gắn với biểu tượng, di tích văn hóa, lịch sử ở địa phương và khu vực, thêu chữ thư pháp…

Trong nỗ lực tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng và độc đáo của riêng mình, xuất phát từ ý tưởng và cũng là ước mong của kiến trúc sư Kazimier Kwiatkowski, người đã dành nhiều công sức và tâm huyết trong việc bảo tồn hai di sản thế giới Mỹ Sơn và Hội An, đô thị cổ Hội An đã tổ chức chương trình “đêm rằm phố cổ” lần đầu tiên vào năm 1998 với bối cảnh những năm đầu TK XX. Trong suốt hơn 20 năm qua, cứ vào đêm 14 âm lịch hằng tháng, phố cổ Hội An trở nên huyền ảo bởi những chiếc đèn lồng với không khí phồn hoa xưa của người dân phố Hội. Các hàng quán bán nước uống ven sông, những làn điệu hò khoan, bài chòi hay ngâm thơ, đối đáp làm rộn ràng cả khu vực… đặc biệt là hội thả đèn trên sông Hoài – du khách được tự do thả những chiếc đèn hoa làm bằng giấy xuống mặt nước, biến cả một đoạn sông thành những nét phá lung linh xao động giữa màn đêm.

Phải nhận ra rằng, từ chỗ biết khai thác nét văn hóa riêng, từ lâu đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo đủ sức mê hoặc khách du lịch, trong đó khó có thể phủ nhận vai trò chủ đạo của những chiếc đèn lồng. Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét độc đáo mà còn là mặt hàng lưu niệm hấp dẫn với khách du lịch. Du khách nước ngoài đến với Hội An hầu như ai cũng thích mua vài chiếc đèn lồng mang về làm quà tặng người thân và gia đình. Những chiếc lồng đèn trở nên thân thiết, gắn bó với phố cổ, đến nỗi thật khó tưởng tượng một Hội An sẽ như thế nào nếu thiếu sự duyên dáng sinh động của sản phẩm độc đáo này. Đèn lồng Hội An không chỉ đi vào đời sống của cư dân phố Hội, mà trở thành một đặc sản, động lực kích cầu du lịch, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đèn lồng Hội An ngày nay đa dạng theo dòng chảy của thời gian, cũng như nhu cầu của khách hàng như: đèn lồng phong thủy, đèn lồng trang trí Tết, đèn lồng trang trí trong chùa, đèn lồng in logo, đèn lồng trang trí đám cưới…

4. Kết luận

Nghệ thuật trang trí trên lồng đèn Hội An qua thời gian phản ánh một cách sinh động nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, đời sống tinh thần và các giá trị mỹ thuật thể hiện qua hình tượng, màu sắc, ngôn ngữ mỹ thuật đầy sáng tạo của các nghệ nhân nơi đây. Các giá trị thẩm mỹ của chiếc lồng đèn đã khái quát được đầy đủ đời sồng tinh thần, xu hướng thẩm mỹ của con người có sự thay đổi theo thời gian, mang tính lịch sử. Do đó công tác thu thập, lưu giữ các giá trị văn hóa nói chung, giá trị nghệ thuật của lồng đèn Hội An nói riêng rất cần thiết. Đồng thời qua đó định hướng trong công tác bảo tồn, phát triển, quảng bá, tuyên truyền phục vụ nhu cầu đời sống, phát triển du lịch của địa phương.

Đối với người Hội An, nghề làm lồng đèn không chỉ là thu nhập mà còn là biểu tượng riêng không thể thay thế, là nét văn hóa đẹp của người dân phố cổ, ánh đèn lồng vẫn rực rỡ, huyền ảo mỗi đêm, như thắp lên niềm hy vọng cuộc sống bình an, tốt đẹp của người dân nơi đây nhằm phát huy giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại .

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quốc Hùng, Các loại hình di tích kiến trúc trong khu phố cổ Hội An, Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử chuyên ngành khảo cổ học, 1992.

2. Tạ Thị Hoàng Vân, Sự hình thành đô thị cổ Hội An trong lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

3. Trần Ánh Trường, Những giá trị lịch sử – văn hóa và định hướng bảo tồn di sản kiến trúc nhà gỗ trong Khu phố cổ Hội An, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2002.

4. Dự án Du lịch với việc quản lý disản văn hóa (Chương trình hợp tác nghiên cứu của UNESCO), Hội An, 2000.

5. Trương Hoàng Vĩnh, Một số nghề truyền thống ở Hội An, Đề tài nghiên cứu khoa học, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, 2009.

6. Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, Một số nghề truyền thống ở Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, 2003.

7. Trần Văn An, Những giá trị văn hóa phi vật thể ở Hội An cần bảo tồn và phát huy, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, 1999.

8. Trần Ánh, Bước đầu tìm hiểu đặc trưng văn hóa Hội An, 1999.

9. Nguyễn Trung Hiếu, Đô thị cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới, Nxb Thời đại, 2014.

10. Viện Nghiên cứu Nữ Chiêu Hòa, Kiến trúc phố cổ HộiAn Việt Nam, Trần Thị Quế Hà dịch, Nxb Thế giới, 2006.

Tác giả: Ths Lê Thị Cẩm Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *