Gia đình và văn hóa gia đình, dù
trong bối cảnh nào, luôn là những vấn
đề quan thiết đối với toàn nhân loại, đã,
đang và sẽ thu hút được sự quan tâm
của toàn xã hội. Trong bối cảnh mới
hiện nay, vị thế của gia đình và hệ giá
trị văn hóa gia đình đang trong tình
trạng kế thừa, chuyển đổi theo hướng
thích ứng, nâng cao, mở rộng và bổ
sung một cách phong phú, đa dạng. Do
đó, một cách khái quát, chúng tôi thử
nghĩ thêm về cấu trúc giá trị văn hóa
gia đình như một hệ thống mở, qua đó
gợi một số vấn đề có thể giúp ích cho
việc xây dựng gia đình và hệ giá trị văn
hóa gia đình trong bối cảnh mới.
1. Về tính văn hóa của gia đình
Lâu nay, ở nước ta cũng như trên phạm vi toàn nhân loại, vấn đề gia đình cũng như hệ giá trị văn hóa gia đình đã được chú ý tìm hiểu như một đối tượng của đa khoa học và liên khoa học nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy và đổi mới. Chẳng hạn, từ bình diện chung, gia đình được coi như một thiết chế tự nhiên của cấu trúc xã hội trong mối tương quan với làng xã, vùng miền, quốc gia. Ở khía cạnh khác, gia đình được chú trọng như một đơn vị kinh tế cơ bản, hay một thực thể văn hóa… Những cách tiếp cận và đánh giá ấy đều có một xuất phát điểm chung là đi tìm diện mạo và vị thế của gia đình trong xã hội thông qua những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội… vốn có của nó.
Như thế, có thể khẳng định, dù ở bối cảnh nào, gia đình bao giờ cũng là một thiết chế xã hội với biểu trưng cơ bản là tính văn hóa của nó. Không có văn hóa, thì gia đình không thể mang tính chất một thiết chế trong cấu trúc xã hội, và khi đó, con người sinh học lấn át con người văn hóa. Vì thế, đi tìm hệ giá trị văn hóa gia đình, rốt cuộc, cũng là để khẳng định diện mạo các thành viên của nó – con người văn hóa.
Ngay từ mô hình sơ khai nhất, gia đình đã là một thực thể văn hóa bao hàm những mối liên hệ giữa các yếu tố: sinh học và văn hóa, cá nhân và tập thể, tự nhiên và xã hội… Gia đình vừa phản ánh xã hội bên ngoài, vừa tác động trở lại xã hội, tạo nên mối quan hệ văn hóa giữa tiểu xã hội (gia đình) với trung xã hội (gia tộc, dòng họ, cộng đồng) và đại xã hội (toàn bộ xã hội). Đồng thời, trong văn hóa gia đình có văn hóa cá nhân với những giá trị không kém phần phong phú. Và tổng thể, chuỗi liên kết văn hóa cá nhân – gia đình (gia tộc, dòng họ) – làng xã, vùng miền – quốc gia thể hiện mối quan hệ vừa tương tác chặt chẽ, vừa độc lập tương đối…
Tình yêu dã quỳ – Ảnh: Hà Hữu Nết
Từ góc độ giá trị học, có thể coi văn hóa gia đình là toàn bộ những giá trị, sản phẩm, kết quả mà gia đình sáng tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử của nó. Nói cách khác, văn hóa gia đình là tập hợp giá trị của những biểu thị văn hóa gắn liền với quan hệ, đời sống và sự phát triển của mọi hình thái gia đình trong lịch sử. Vì lẽ đó, trong nhận diện văn hóa gia đình, rất cần chú ý tới một nội dung hết sức quan trọng là nhận diện giá trị của những biểu thị văn hóa liên quan tới gia đình trên các bình diện: lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt vật chất, đời sống sinh hoạt tinh thần, hệ thống ứng xử trong và ngoài gia đình, những đặc trưng của mô hình gia đình trong từng giai đoạn phát triển… Sự tổng hợp về chất của những biểu thị văn hóa ấy tạo nên hệ giá trị và diện mạo văn hóa gia đình trong đời sống xã hội.
Cho đến nay, đã có không ít cách nhìn, cách định nghĩa về gia đình cũng như hệ giá trị văn hóa của gia đình. Trong số đó, chúng tôi cơ bản tán đồng cách xác định hệ giá trị văn hóa gia đình của nhà nghiên cứu Huyền Giang, khi tác giả cho rằng: hệ giá trị văn hóa gia đình “là những giá trị gắn với các quan hệ bên trong gia đình (cấu trúc). Và đi đôi với những giá trị đó là những giá trị gắn liền với các quan hệ giữa gia đình và các thành viên của nó với xã hội (chức năng)… Cả hai loại giá trị đó hợp thành hệ giá trị của văn hóa gia đình” (1). Rõ ràng, nhìn nhận một cách khái quát nhất và từ lát cắt sơ giản nhất, có thể thấy ngay hai lĩnh vực lớn cấu thành hệ giá trị văn hóa gia đình gồm các thang giá trị bên trong gia đình và các thang giá trị bên ngoài gia đình và mối quan hệ của, và giữa, hai loại thang giá trị đó. Tất nhiên, đó phải là kết hợp trong ngoài một cách biện chứng, nhuần nhuyễn, hiệu quả… phù hợp với cấu trúc và chức năng của gia đình trong những điều kiện và bối cảnh khác nhau.
Tuy nhiên, việc phân loại giá trị văn hóa gia đình không hẳn rành mạch như thế, nghĩa là không thể hoàn toàn có giá trị gắn với quan hệ trong gia đình là giá trị cấu trúc và giá trị giữa gia đình và bên ngoài là phi cấu trúc, là giá trị chức năng. Thực tiễn cho thấy, diện mạo gia đình linh hoạt và phức tạp hơn nhiều. Về đại thể, hệ giá trị văn hóa gia đình thường được nhìn nhận từ hai tiểu hệ chính: những giá trị của mối quan hệ bên trong gia đình và những giá trị của mối quan hệ bên ngoài gia đình. Tất nhiên, mỗi loại bao hàm những quan hệ đa dạng, phức tạp và giữa hai loại còn có những quan hệ khác không kém phần phong phú trong mối liên kết qua lại với nhau.
2. Giá trị văn hóa trong gia đình
Đây là một tiểu hệ thống của hệ thống giá trị văn hóa, bao gồm một số khía cạnh.
Giá trị văn hóa qua mô hình, kiểu loại gia đình là một loại giá trị cần chú ý. Xưa, nay trong xã hội đã hình thành và chuyển đổi nhiều mô hình, kiểu loại gia đình khác nhau trong hệ thống cấu trúc gia đình: gia đình phụ quyền, gia đình mẫu quyền, gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng, gia đình khuyết thiếu… và không ít kiểu loại gia đình khác nữa. Mỗi mô hình, kiểu loại gia đình lại tương ứng và phù hợp với cách thức và tính chất hôn nhân, cơ cấu thế hệ sống chung trong một mái nhà, vai trò quyết định hay không của người chủ gia đình… ở những vùng miền khác nhau, trong những giai đoạn phát triển xã hội khác nhau. Xin đơn cử về hôn nhân, một trong những nghi lễ quan trọng của vòng đời con người, cũng là một trong những giá trị quan trọng của gia đình và xã hội. Trước kia, ở người Việt, trong các đại gia đình, các gia đình mở rộng phụ quyền gia trưởng, quyết định hôn nhân cho con cái là của cha mẹ theo tính chất sắp đặt. Nhiều trường hợp hôn nhân được hai gia đình sắp đặt từ rất sớm, ngay khi con cái họ còn ở tuổi nhi đồng, thậm chí cả ngay khi chúng chưa cất tiếng khóc chào đời. Thực tế cho thấy ngoài số ít những trường hợp thông đồng bén giọt, thì phần lớn những trường hợp hôn nhân theo kiểu hứa hẹn, gả bán như vậy đã dẫn đến bi kịch. Còn trong gia đình phụ quyền dân chủ và gia đình hạt nhân bình đẳng, câu chuyện hôn nhân phần lớn được biểu hiện dưới sắc thái hôn nhân tự nguyện. Con cái tự do tìm bạn đời dưới sự hướng dẫn, định hướng của cha mẹ. Về hình thức, cơ bản là như vậy. Song, cũng không tránh khỏi những trường hợp cha mẹ, thậm chí cả họ hàng, phải can thiệp vào quyết định hôn nhân của đôi trẻ vì một số lý do tế nhị và bất khả kháng. Như vậy, dù là gia đình gia trưởng hay gia đình dân chủ, vấn đề hôn nhân thực chất chỉ phụ thuộc rất ít vào con cái, còn phần lớn bị chi phối bởi sự áp đặt, điều chỉnh, định hướng, quyết định của cha mẹ và rộng hơn là gia tộc. Hình thức hôn nhân hiện đại, tự nguyện có vẻ mở, song sự tự nguyện ấy không tránh khỏi bị chi phối bởi tâm lý xã hội vùng miền, nếp nhà, truyền thống gia đình, điều kiện sinh hoạt gia đình… với tất cả những gì đa dạng, phức tạp của nó.
Giá trị văn hóa giữa các thế hệ chung sống trong gia đình ngày càng trở thành yếu tố quan trọng. Trong thực tiễn xã hội xuất hiện nhiều kiểu loại gia đình, mà đến nay vẫn chưa có định danh chính xác. Chí ít, ta bắt gặp hai kiểu loại: gia đình hạt nhân (gồm bố mẹ và con cái chưa cưới vợ, cưới chồng); gia đình mở rộng gồm ba, bốn, có khi nhiều hơn, thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Còn trong từng kiểu loại ấy, lại có những mẫu hình khác: gia đình hạt nhân một thế hệ (vợ chồng chưa có con hoặc không có con), gia đình hạt nhân khuyết thiếu (chỉ bố hoặc mẹ và con…), gia đình mở rộng 3- 4 thế hệ… Tóm lại, về kết cấu gia đình theo quan hệ sống chung, có thể đưa ra khá nhiều mô hình khác nhau với độ đậm nhạt không giống nhau. Mỗi mô hình lại có một mạng quan hệ các thành viên khác nhau về số lượng các mối quan hệ, đồng thời cũng không đồng nhất về chất lượng các quan hệ ứng xử. Đó là những dị biệt. Nhưng, cái tương đồng cơ bản có thể đề cập đến như một giá trị chung của gia đình chính là tính cộng đồng và tinh thần cộng cảm trên cơ sở huyết thống. Dù là gia đình gia trưởng hay gia đình dân chủ, gia đình đầy đủ hay gia đình khuyết thiếu, gia đình hạt nhân hay gia đình mở rộng…, thì sợi chỉ xuyên suốt vẫn là quan hệ thân thích, ruột thịt, một nhà. Và mặc dù, tư tưởng phong kiến thông qua những lời giáo huấn của ông cha từ xưa vẫn còn đọng lại ít nhiều, chẳng hạn tệ trọng nam, khinh nữ; sự độc đoán, quyền uy trong quyết định những việc quan trọng… thì cũng không phải vì thế mà quan hệ giữa các thành viên gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực, tính cộng đồng, cộng cảm bị phá vỡ. Những lúc đó, nếp nhà (gia phong, gia giáo, gia lễ…) chính là yếu tố góp phần điều chỉnh mối quan hệ ứng xử trên dưới, tôn ti, bình đẳng… giữa các thế hệ cũng như giữa các thành viên, để đảm bảo được giá trị cộng đồng, cộng cảm trong gia đình. Giá trị này vừa có ý nghĩa cấu trúc khi nghiêng về góc độ kiểu cách sống chung, vừa có ý nghĩa chức năng khi đi vào vai trò của các thành viên với tập thể gia đình.
Giá trị văn hóa qua chức năng tái sản sinh con người luôn luôn là một yêu tố quan trọng. Vấn đề này thể hiện vai trò không chỉ trong phát triển gia đình mà còn trong phát triển xã hội ở ý nghĩa vật chất và tinh thần gắn quyện. Tỷ lệ sinh sản, dân số tăng hay giảm, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, quá trình xã hội hóa trẻ em… phụ thuộc không nhỏ vào gia đình, giáo dục gia đình và văn hóa gia đình. Bởi lẽ, xét đến cùng, gia đình có một số chức năng cơ bản sau: sinh đẻ duy trì nòi giống; giáo dục con cái (xã hội hóa trẻ em), làm kinh tế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vật chất, tinh thần và tâm linh trong gia đình… Những chức năng ấy hòa quyện nhuần nhuyễn với nhau trong một hệ thống, biểu hiện và chi phối hoạt động của gia đình theo những mức độ và chuẩn mực vừa có tính đồng nhất, vừa có tính khác biệt trong những bối cảnh và giai đoạn khác nhau
3. Giá trị văn hóa bên ngoài gia đình
Đây thực ra là quan hệ giữa gia đình với các nhóm xã hội và toàn bộ xã hội.
Về mặt cấu trúc, gia đình là một bộ phận của hệ thống thiết chế xã hội liên kết chặt chẽ với nhau: cá nhân – gia đình – dòng họ – làng xã – vùng miền – đất nước. Vì thế, sự phát triển hay không của gia đình, sự lên ngôi của giá trị hay phản giá trị, chuẩn mực hoặc lệch chuẩn… sẽ tác động tốt hay xấu tới cả hệ thống, nghĩa là, gia đình không chỉ gánh nhiệm vụ giữ gìn sự tồn tại của chính nó mà còn có vai trò tạo tác xã hội, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Và như thường nói, gia đình chính là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, và trẻ em nhờ quá trình xã hội hóa trong gia đình mà dần trở thành một công dân của xã hội.
Về mặt chức năng, gia đình, văn hóa gia đình có vai trò quan trọng trong tác động, thúc đẩy và ổn định sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Kinh tế gia đình, kinh tế hộ gia đình là một bộ phận có vai trò không nhỏ trong phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, giáo dục gia đình, cũng như giáo dục nhà trường, thực chất là bộ phận hợp thành của giáo dục xã hội, giáo dục toàn dân. Gia đình là một môi trường văn hóa lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hóa lớn, nhỏ (truyền thống gia đình, dòng họ, văn hóa làng xã, vùng miền, đất nước…) từ thế hệ này sang thế hệ khác, của nhiều nhóm xã hội, nhiều cá nhân. Gia đình là một môi trường hẹp, nhưng mang tính xã hội sâu sắc nhất trong việc chăm sóc trẻ em, phụ nữ, người bệnh, người già…. Và gia đình no ấm, diện mạo văn hóa gia đình tốt đẹp chính là sự thể hiện một cách triệt để nhất mục tiêu của xã hội trong việc xây dựng một đời sống ấm no, hạnh phúc về vật chất, tinh thần, tâm linh của toàn dân… Vì thế, gia đình có chức năng là hạt nhân cơ bản của xã hội, và văn hóa gia đình thực sự là một bộ phận cốt lõi của văn hóa xã hội với một hệ thống giá trị hết sức đa dạng và phức tạp.
4. Tiểu kết
Như vậy, một cách sơ quát, chúng ta có thể nhận diện hệ thống giá trị văn hóa gia đình qua các thành tố cấu thành nó trên các phương diện cấu trúc và chức năng, bao gồm: các giá trị văn hóa bên trong gia đình, các giá trị văn hóa bên ngoài gia đình, và các mối quan hệ cũng như vai trò của nó đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Như bất cứ sự vật, hiện tượng, thiết chế xã hội nào, gia đình và văn hóa gia đình cũng có những chuyển đổi, biến động cho phù hợp với điều kiện và bối cảnh xã hội. Từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại, từ mô hình gia đình mở rộng sang gia đình hạt nhân, từ mô hình gia đình gia trưởng sang gia đình dân chủ… là cả một quá trình biến đổi chất sâu sắc không chỉ về mặt cấu trúc gia đình mà còn về những chuẩn giá trị văn hóa gia đình theo hướng tiến bộ và văn minh. Theo đó, hệ giá trị văn hóa gia đình cũng chuyển đổi với những cấu trúc và vấn đề khác trước. Quan niệm về thờ cúng tổ tiên, tỷ lệ sinh đẻ duy trì nòi giống, quan hệ hôn nhân, quyền quyết định những việc hệ trọng, thái độ ứng xử giữa các thế hệ, vai trò từng thành viên trong hoạt động kinh tế gia đình, sự quan tâm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần, tâm linh, chuẩn mực giáo dục gia đình… đều được sàng lọc bởi thực tiễn và tái cấu trúc cho phù hợp với thực tiễn xã hội. Có những định chuẩn gia đình xưa giờ mất đi hoặc phai nhòa. Có những định chuẩn gia đình mới hình thành để định hướng hoạt động trong bối cảnh mới. Có những định chuẩn gia đình được bổ sung, nâng cao cho phù hợp với xu thế tiến bộ, văn minh… trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa gia đình cũng là một vấn đề không nhất thành bất biến. Hệ thống giá trị quan trọng này có những hằng số (giá trị cộng đồng huyết thống, vấn đề hôn nhân và tái sản sinh nòi giống, vấn đề xã hội hóa trẻ em thông qua giáo dục gia đình, vấn đề gia đình góp phần đảm bảo sự ổn định xã hội, vấn đề trân trọng những giá trị tâm linh trong và ngoài gia đình…) và những biến số (sự biến động mạnh của mô hình gia đình, tỷ lệ sinh sản, sự nhạt dần của quyền uy gia trưởng, sự gia tăng của những ứng xử bình đẳng…). Nói như vậy, chỉ là cách tạm phân chia cho rạch ròi, còn trong thực tiễn hằng ngày, những gì gọi là hằng số của văn hóa gia đình cũng đang trong quá trình chuyển đổi, thích ứng rộng rãi. Có những giá trị khó biến đổi. Có những giá trị biến đổi chậm. Có những giá trị biến đổi nhanh hơn. Và cũng có những giá trị bị phủ quyết bởi thực tiễn. Những biến động chóng mặt và khó lường của sự tồn tại, vận động và phát triển gia đình trong bối cảnh mới, với không ít sự kiện, hiện tượng về những vấn đề bên trong và bên ngoài gia đình, đã minh chứng khá rõ nét nhận định này.
Dù thế, gia đình, dù ở đâu, lúc nào, cũng vẫn là một thiết chế xã hội vững chắc và văn hóa gia đình mãi mãi bao hàm hệ giá trị trường tồn của nó. Đây chắc chắn là những vấn đề còn thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà khoa học, mà còn của bất cứ ai đang góp nhặt, thể hiện, sáng tạo những giá trị văn hóa gia đình để xây dựng hành trang cho việc xây dựng mô hình và hệ chuẩn giá trị văn hóa gia đình trong bối cảnh mới.
______________
1. Huyền Giang, Về khái niệm văn hóa gia đình trong Văn hóa gia đình và sự phát triển xã hội, Nxb Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2002, tr.29, 30.
Tác giả: Ngọc Lưu Ly
Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%