Nghĩ về mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam hiện nay


     ​​​​​​​Nghề thủ công truyền thống Việt Nam, với 11 nhóm nghề chính, trong đó có nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ, tạo nên hàng nghìn làng nghề phân bố suốt chiều dài đất nước, đã và đang là một bộ phận quan trọng của kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam được chế tác bằng đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ và óc sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân không chỉ phục vụ cho hoạt động sống, gìn giữ và trao truyền những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật dân gian cùng kinh nghiệm sản xuất của cộng đồng làm nghề, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới.

 

     Trong bối cảnh hiện nay, với kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ đồng mỗi năm, nhóm các làng nghề thủ công mỹ nghệ còn đang đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và công cuộc xóa đói giảm nghèo ở làng quê Việt Nam. Với vai trò này, các làng nghề thủ công mỹ nghệ đang nỗ lực tìm hướng phát triển ở thị trường trong và ngoài nước, trong đó, mẫu mã sản phẩm đang là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu.

     1. Sự đổi mới – tín hiệu đáng mừng

     Được biết đến như nhóm hàng rất thức thời với thị hiếu của thị trường, không chỉ đáp ứng công năng sử dụng thực tiễn mà còn mang tính chất trang trí thẩm mỹ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện rất được các làng nghề quan tâm, chú trọng về hình thức bên ngoài: chau chuốt, bóng bẩy, nhiều màu sắc… So với các nhóm làng nghề khác, người thợ chế tác đồ thủ công mỹ nghệ dường như khá tự do, thoải mái trong việc sáng tạo các sản phẩm để thích ứng với thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, với mẫu mã hết sức phong phú, đa dạng. Trước nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ mới của khách hàng, sự thâm nhập, lấn lướt của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc nước ngoài, mẫu mã sản phẩm ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay (kiểu dáng, đề tài trang trí, chất liệu tạo tác) đã được đánh giá là phong phú, đa dạng hơn so với các giai đoạn trước đây.

     Về hình thức, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác trước khá nhiều do thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng, nhất là khách du lịch, có sự thay đổi, ưa chuộng các kiểu dáng độc đáo, mới lạ. Ví dụ như chiếc bát, xưa nhất nhất là bát tròn, thì nay được biến tấu ra bát hình ô van, bát cách điệu ở miệng hay một lỗ thủng ở đáy… Hay như ở sản phẩm tượng thờ, xưa phải tuân thủ quy tắc chuẩn mực về kích thước, chẳng hạn, chiều cao tượng phải bằng thất diện, nhưng nay có thể chế tác linh hoạt, hài hòa, phù hợp và gần gũi với con người thời nay… Nguyên nhân của những sự thay đổi này là bởi vì hầu hết các làng nghề đều đã ý thức được rằng, trong bối cảnh xã hội hiện nay, mẫu mã sản phẩm là do thị trường và khách hàng quyết định. Thay vì chế tác sản phẩm theo những phom, mẫu truyền thống đã được định hình từ các thế hệ trước (và đôi khi trở thành lối mòn) thì nay người thợ có thể chủ động tìm hiểu, tham khảo kiểu dáng sản phẩm qua mạng, hay hiện tượng khách hàng trực tiếp mang catalogue yêu cầu thực hiện theo mẫu là khá phổ biến ở các làng nghề. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) thường xuyên chế tác sản phẩm theo mẫu đặt độc quyền của các công ty, siêu thị Uma, Lotte, Hapro…; các làng nghề sơn mài mỹ nghệ như Bối Khê, Hạ Thái (Hà Nội), Cát Đằng (Nam Định)… cũng thực hiện các đơn hàng do khách hàng cung cấp kiểu dáng, mẫu mã; các sản phẩm của làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La (Thừa Thiên Huế) hiện chủ yếu đều thực hiện theo mẫu mã đặt hàng của thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

     Kiểu dáng, đề tài trang trí và chất liệu chế tác trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng có sự đổi mới đáng kể, theo đó, những môtip trang trí phong cảnh, nhân vật, hình khối đều mang hơi hướng con người đương đại. Chẳng hạn, các đề tài quen thuộc gắn với nông thôn, các tích truyện cổ, tứ linh, tứ quý giờ được biến hóa nhiều cho sinh động, khi mộc mạc, chất phác, trầm lắng, khi lại cầu kỳ, tươi vui… Nhìn chung, đề tài trang trí trên các sản phẩm hiện nay có xu hướng đơn giản về đường nét, trang nhã về màu sắc. Có một điểm rất mới ở nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ: chất liệu tạo tác cũng có thể trở thành yếu tố góp phần thể hiện đề tài trang trí và mẫu mã sản phẩm, chẳng hạn, ở các làng nghề sơn mài mỹ nghệ, đề tài hoa văn đôi khi được thể hiện, định dạng bởi chính chất liệu khảm và nhựa sơn; hay việc sử dụng gốm sứ, tre nứa, nhựa… (thay vì gỗ) để làm cốt sản phẩm sơn mài cũng cho phép nghệ nhân biến hóa linh hoạt hơn khi tạo mẫu.

     2. Khó khăn, hạn chế

     Chúng ta vẫn tự hào về truyền thống lâu đời của các làng nghề, ngành nghề với nhiều thế hệ nghệ nhân có tay nghề cao, cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Song, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sức ép cạnh tranh từ các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, đặc biệt là các nước láng giềng Đông Nam Á, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ngày càng gặp khó khăn ở cả thị trường trong và ngoài nước. Rõ ràng, yếu tố độc đáo và truyền thống trong thiết kế mẫu mã các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam là chưa đủ để có một sức sống bền lâu trên thị trường. Thực tế trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công truyền thống nói chung, mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng ngày càng trở nên khó tính. Theo các chuyên gia, nếu như trước đây giá thành và chất lượng là những yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm trên thương trường, thì nay mẫu mã đang ngày càng chiếm ưu thế trong việc quyết định đầu ra sản phẩm với các tiêu chí: phong phú, đa dạng, hợp thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là thiết kế mang tính bền vững – có tính ứng dụng và thân thiện với môi trường.

     Mặc dù các làng nghề đã bước đầu tỏ ra khá năng động trước nhu cầu của thị trường trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, tuy nhiên về cơ bản, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện vẫn được chế tác theo mẫu mã đã có từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước, hoặc bắt chước, sao chép mẫu của nước ngoài. Thực trạng này dẫn đến hiện tượng khách hàng có thể bắt gặp vô số sản phẩm giống nhau tại nhiều làng nghề khác nhau, thậm chí ở các vùng, miền khác nhau. Nhìn chung, sự cải tiến trong sản phẩm được đánh giá là còn khá mờ nhạt, chủ yếu mang lại sự khác biệt về chất liệu, kết cấu chứ chưa tập trung được vào mẫu mã với các tiêu chí có sức hấp dẫn với khách hàng như độc, lạ, hữu dụng. Rốt cuộc, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện còn nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh yếu. Như vậy, vào thời điểm này, mẫu mã sản phẩm vẫn là căn bệnh trầm kha, chưa tìm được phương thức khắc phục hữu hiệu. Trong đó, một số nguyên nhân của thực trạng về mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được nhìn nhận và chỉ ra, là: các làng nghề chủ yếu vẫn duy trì lối sản xuất truyền thống theo quy mô nhỏ lẻ với nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ và kiến thức về thị trường. Bên cạnh đó, lối tư duy truyền thống đã được định hình trong nhiều thế hệ thợ nghề: làm theo thói quen, quá đề cao và lệ thuộc vào những khuôn mẫu truyền thống, coi trọng phô diễn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm theo kiểu “ăn chắc mặc bền” dẫn đến việc làng nghề ít quan tâm về mẫu mã sản phẩm. Do vậy, các làng nghề không đủ điều kiện để đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm một cách dài hơi và chuyên nghiệp; sự phối hợp giữa làng nghề, nghệ nhân và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có liên quan hay năng lực trong việc thiết kễ mẫu mã sản phẩm hiện còn rất lỏng lẻo, do vậy, quá trình cải tiến diễn ra chậm chạp, thụ động theo kiểu mạnh ai nấy làm ở các làng nghề cũng được coi là một trở lực lớn trong hành trình cải tiến và nâng cao chất lượng mẫu mã cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện nay.

     3. Một vài đề xuất về hướng đi cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ

     Tăng cường mối liên hệ giữa làng nghề – nghệ nhân với các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học có năng lực trong việc thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm được xem là hướng đi quan trọng hàng đầu giúp cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ có thể cải thiện được những khó khăn, bất cập đang gặp phải.

     Một trong những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến và phát triển mẫu mã sản phẩm. Nhu cầu đó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các làng nghề, nghệ nhân với đội ngũ chuyên gia, họa sĩ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trong các trường mỹ thuật. Theo đó, những tư vấn cụ thể sẽ giúp cho các làng nghề có thể tìm tòi và phát triển những mẫu mã mới phù hợp với đặc tính truyền thống vốn có của làng nghề song vẫn đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, thị trường. Công tác nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ, mẫu mã cho các làng nghề cần phải được tiến hành theo lộ trình với kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, cải tiến hình thức, mẫu mã, đa dạng hóa chủng loại và nâng cao chất lượng sản phẩm là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực từ phía làng nghề và đội ngũ nghệ nhân, thợ nghề. Theo đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

     Về phía Nhà nước: xây dựng kế hoạch và triển khai điều tra nghiên cứu tâm lý, thị hiếu tiêu dùng của thị trường; có kế hoạch mời các nhà thiết kế, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia tư vấn, qua đó xây dựng định hướng thiết kế cho nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ, thiết kế thử nghiệm một vài mẫu mã để thăm dò thị trường trước khi ứng dụng sản xuất rộng rãi ở làng nghề; tổ chức định kỳ các cuộc thi thiết kế mẫu mã mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ song song với việc khuyến khích tìm kiếm, phục chế các mẫu mã truyền thống đã hoặc đang có nguy cơ thất truyền; xây dựng chương trình cải tiến, phát triển mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ để đưa vào giảng dạy tại các trường mỹ thuật, mỹ nghệ theo mô hình kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn thông qua việc liên kết với các cơ sở sản xuất ở làng nghề, đồng thời cần khuyến khích việc sáng tạo và ứng dụng các mẫu mã thiết kế từ môi trường này vào các làng nghề; thành lập trung tâm nghiên cứu, phát triển mẫu mã, quy tụ đội ngũ chuyên gia giỏi, họa sĩ tài năng nhằm hỗ trợ cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ trong việc tạo ra những sản phẩm có thiết kế mẫu mã, kiểu dáng đẹp, phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện đại song vẫn mang tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam; ứng dụng và phổ biến các phần mềm tin học chuyên dụng trong quá trình thiết kế, cần đặc biệt lưu tâm ứng dụng những công nghệ hiện đại trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp mới.

     Về phía làng nghề: thông qua vai trò của phòng công thương ở các địa phương, cần chủ động nắm bắt thị hiếu khách hàng qua các kênh thông tin trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt quan tâm tiếp cận, ứng dụng thành tựu của công nghệ hiện đại trong việc tìm hiểu thị trường; tiếp tục sử dụng, khai thác các mẫu hoa văn truyền thống trong sáng tạo mẫu mới như một lợi thế để cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp – đặc biệt là các mặt hàng nhập ngoại.

     Sau cùng, việc tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi về chủ đề thiết kế mẫu mã cho sản phẩm thủ công truyền thống với sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và ban ngành liên quan như Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các trường đào tạo về mỹ thuật ứng dụng, mỹ nghệ, và nghệ nhân các làng nghề cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong hành trình đi tìm và cải tiến mẫu mã cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam hiện nay.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *