Nghịch lý tự do cá nhân trong lòng thiết chế chuyên chế

Bài viết không tìm hiểu điểm vênh giữa sự ra đời của tự do cá nhân trong lòng thiết chế chuyên chế mà trọng tâm tìm kiếm mắt xích kết nối nghịch lý này. Mắt xích chính là nét độc đáo, cũng là điểm chưa rõ để hiểu và trả lời cho nghịch lý tại sao tự do cá nhân vốn không thể xuất hiện, phát triển trong lòng chế độ chuyên chế lại có thể xuất hiện cùng với tiến trình kiện toàn đại thiết chế chuyên chế ở Việt Nam thời nhà Nguyễn. Nói cách khác, tại sao cỗ máy đại thiết chế chuyên chế nhà Nguyễn đã vô tình để sổng chuồng hay hữu ý thả rông cho một trường hợp độc nhất vô nhị này. Lôgic nội tại của sự xuất hiện tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ là gì và đặc biệt lý giải cơ chế cho phép sự tồn tại song song của hai định hướng trái chiều này qua một trường hợp đặc biệt như vậy.


1. Kiến tạo sự độc đáo

Kiến tạo của sự độc đáo chính là sự hình thành song song hai định hướng trái chiều: tự do cá nhân và đại thiết chế chuyên chế nhà Nguyễn.

Đại thiết chế chuyên chế nhà Nguyễn

Một trong những đặc điểm hàng đầu của thiết chế chuyên chế Đông Á, đúng cả ở Trung Hoa và nhà Nguyễn Việt Nam là tiêu diệt hiệu quả bất cứ định hướng tự do cá nhân nào. Bởi tự do cá nhân sẽ là mầm họa làm tan dã đế chế. Nghịch lý và sự độc đáo ở chỗ cùng với tiến trình kiện toàn đại thiết chế chuyên chế nhà Nguyễn, nó lại dung dưỡng cho một định hướng tự do cá nhân đặc sắc mang tên Nguyễn Công Trứ.

Đặc điểm hàng đầu của thiết chế chuyên chế thời Nguyễn là: lần đầu tiên ở Việt Nam đến nhà Nguyễn, hình thành dạng thức đế chế khu vực, cương vực lãnh thổ mở rộng, lớn nhất trong lịch sử, nhiều chư hầu chầu về, quy phục nhà Nguyễn, những điển phạm phản ánh sắc màu của đại thiết chế chuyên chế từng bước kiện toàn… Đặc biệt, nhà Nguyễn tự hào: chuẩn mực văn minh khu vực với Trung Hoa là trung tâm được chuyển về nhà Nguyễn, bởi Trung Hoa đã bị ngoại tộc xâm lăng, mất đi tính chính danh chủ thể của thiên triều. Về lý thuyết, tất cả những điều này không tạo điều kiện xuất hiện bất kỳ định hướng tự do cá nhân nào có thể đi ra ngoài khuôn phép, từ đó nảy mầm những khuynh hướng ảnh hưởng đến sự tồn vong của đế chế.

Thật trớ trêu, thực tiễn lại cung cấp một đáp án khác với lý thuyết, chính trong đỉnh cao kiện toàn đại đế chế, tự do cá nhân độc đáo, chưa có tiền lệ lại xuất hiện tung tẩy, bỡn cợt, ngất ngưởng, ngông cuồng trong trạng thái thiết chế chuyên chế đạt đến đỉnh cao.

Tự do cá nhân

Ngược lại, tự do cá nhân chưa khi nào nảy mầm trên nền tảng của thiết chế chuyên chế, bởi lẽ, thiết chế chuyên chế là cỗ máy phạt bỏ mọi mầm mống của tự do cá nhân. Cấu trúc của thiết chế chuyên chế, có đặc điểm nổi bật: trung tâm quyền lực, là trung tâm chân lý. Tự do cá nhân theo nghĩa hiện đại nhất là sản phẩm của thiết chế dân chủ, tự do của phương Tây. Điểm mốc đánh dấu cho sự ra đời, phát triển của nó là cùng với cuộc đại cách mạng Pháp, lật đổ sự thống trị của giáo hội, tôn giáo. Kiến tạo thiết chế dân chủ, tự do dựa trên nền tảng của lý tính. Xét từ tiêu chí này, nhà Nguyễn và thiết chế chuyên chế đối lập hoàn toàn với thiết chế dân chủ, tự do phương Tây. Đây là thiết chế chuyên chế, tức phi dân chủ, không kiến tạo sinh quyển cho tự do, thậm chí ngược lại, không dựa trên nền tảng lý tính, lý trí mà dựa trên nền tảng của thần quyền. Sự ra đời tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ trên nền tảng như vậy xét về logic là nghịch lý nhưng chính vì nghịch lý nên nó trở thành hiện tượng độc đáo.

2. Độc đáo tự do cá nhân của Nguyễn Công Trứ trên nền đại thiết chế chuyên chế

Nếu như những ghi chép trong Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện… phản ánh cái nhìn của sử quan quốc sử quán, nhìn từ trên xuống thì những sáng tác của ông, giỏi về thơ, lại rất sở trường về thơ quốc âm sẽ cho cái nhìn chuẩn xác nhất của Nguyễn Công Trứ về những tín điều văn hóa, tín điều thiêng liêng mà đỉnh cao đế chế đã kiến tạo như những chuẩn mực trong đời sống. Nếu như những tín điều văn hóa, chính trị này là chuẩn tắc, thiêng liêng đối với những người khác, thì ngược lại, với Nguyễn Công Trứ, dường như được nhìn với con mắt giễu cợt, giải thiêng, bỡn cợt… Cội nguồn của việc làm này, thực chất là đưa tự do cá nhân, tôn những yếu tố người dần thâm nhập vào thay thế cho những tín điều, thiết chế này.

Trước hết, có lẽ Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên giải thiêng chính loại hình thiêng liêng, cao quý nhất trong thời đại chuyên chế, là niềm tự hào nhất của tất cả các anh tài: giải thiêng chính văn học. Cái được gọi là vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao (mọi thứ đều là hạ phẩm, chỉ có đọc sách là cao quý) trở thành thứ đặt ở đít con bò:

Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn

Lợm mùi giáng tước với thăng quan

Điền viên dạo chiếc xe bò cái

Sẵn tấm mo bưng miệng thế gian (1)

Nguyên có bài thơ gắn với việc Nguyễn Công Trứ được Tự Đức cho về trí sĩ, ngồi trên một chiếc xe bò cái, có một chiếc mo cau treo ở ngay đít con bò cái với bài thơ trên.

Loại hình văn hóa thiêng liêng được tôn thờ, thờ phụng, được đánh giá là tiêu chí của văn nhân, tồn tại mấy nghìn năm ở Trung Hoa, hàng nghìn năm ở Việt Nam đến Nguyễn Công Trứ đã bị đảo lộn từ trên bàn thờ xuống đít con bò cái. Phong cách,  đặc sắc và độc đáo, Nguyễn Công Trứ cứ từng bước hình thành theo cách riêng, nghịch dị, không giống ai như vậy.

Đối tượng tiếp theo đưa vào tầm ngắm hạ bệ của Nguyễn Công Trứ là các vị thần, lần này là long thần và thần châu chấu. Vốn ngự trị như những tín điều bất khả tục, như chính Nguyễn Công Trứ định nghĩa về thần: “Sạch không trần lụy ấy là thần tiên” (Thích chí ngao du) (2) có quyền năng đặc biệt, là đối tượng của chiêm bái, bất khả xâm phạm. Nhưng Nguyễn Công Trứ đã đánh, đã bỡn các vị thần quyền năng. Đương nhiên, trong lòng của thiết chế chuyên chế tồn tại dựa trên thần quyền, các tín điều tôn giáo. Đặc biệt, một từ giàu liên tưởng, ý nghĩa tượng trưng như từ long thì Nguyễn Công Trứ phải tìm những cái cớ để đánh, bỡn các thần. Ở trường hợp long thần, sở dĩ ông dám đánh bởi ông viện dẫn lý do say. Say rồi thì ai còn chấp nữa. Chính tiêu đề bài viết Nguyễn Công Trứ đã rào đón, tìm sự che chắn, chiếu ô bảo vệ cho mình:

Hôm qua thường tới, tới chơi đây,

Đánh vật long thần mấy cẳng tay.

Khi tỉnh thời nào ai có dám,

Say!

(Say rượu đánh long thần) (3)

Để rào đón kỹ càng hơn, kết bài ông tiếp tục buông một từ “Say!” để tiếp tục che chắn cho hành động phạm thượng đó của mình.

Với thần là nữ giới thì ông không mượn rượu để đánh mà ông mượn ông Khổng, mượn Nho để trách, tuy có thiêng liêng nhưng cũng chỉ là phận gái:

Mụ thần như rứa, rứa thì thôi,

Chút nữa làm ông thịch cái rồi.

Dẫu có thiêng liêng đành phận gái,

Lẽ nào châu chấu đá ông voi.

(Trách thần châu chấu) (4)

Không chỉ trêu ghẹo nữ thần châu chấu, mượn rượu say đánh long thần, Nguyễn Công Trứ còn giễu, giải thiêng ngay những ông quan đạo mạo, nhân vật trung tâm, nút thắt của thiết chế chuyên chế, hay nói chính xác hơn, phải chăng ông giễu và giải thiêng chính mình:

Lênh đênh một chiếc thuyền nan,

Một cô thiếu nữ một quan đại thần.

Ban ngày quan lớn như thần,

Ban đêm quan lớn tần mần như ma.

Ban ngày quan lớn như cha,

Ban đêm quan lớn rầy rà như con.

(Vô đề) (5)

Việc giải thiêng, có tác dụng bổ sung thêm khía cạnh khuất lấp nhưng lại rất con người của ông quan. Ông quan trong con mắt của Nguyễn Công Trứ sinh động và giàu xúc cảm, nhiều chiều cạnh hơn. Ông quan kiểu này gần với chân dung của Nguyễn Công Trứ hơn. Chắc hẳn mọi người đều biết bài thơ Tuổi già cưới hầu nổi tiếng của ông khi ông đã 73 tuổi (6):

Tân nhân dục vấn lang niên kỷ

Ngũ thập niên tiền nhị thập tam (7)

Trước hết, chơi không được quan niệm là thiêng liêng, quan trọng mà thuộc về phạm trù tục và phụ. Nhưng với Nguyễn Công Trứ, chơi là thứ trung tâm, quan trọng, thiêng liêng trong đời sống. Dày đặc trong sáng tác chữ Hán, chữ Nôm, đặc biệt trong hát nói, từ chơi và nội dung chơi xuất hiện dày đặc, lặp lại nhiều lần, như nội dung lớn, trung tâm trong trước tác của Nguyễn Công Trứ:

Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy

Nếu không chơi thiệt ấy ai bù

Nghề chơi cũng lắm công phu

(Chơi xuân kẻo hết xuân đi) (8)

Tiếng cười có sức mạnh xô đổ mọi thứ, vừa có chức năng giải thiêng, vừa trở thành trung tâm trong đời sống tự do, nơi mà yếu tố cá nhân được thể hiện rõ nét nhất:

Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc

Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười

(Hành tàng) (9)

Nét đặc sắc tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ thể hiện ở chỗ, bằng những cách thức khác nhau, ông dám công phá vào một số tín điều thiêng liêng gắn với thiết chế chuyên chế, như: các thần, quan lớn, giải thiên ông quan, giải thiên danh lợi. Nó thể hiện cách nhìn khác, ngược dòng so với chính thống, cũng có nghĩa ông tự do trong nhìn nhận, đánh giá, thậm chí tự do trong công phá những tín điều thiêng liêng. Ông còn tự do trong cả suy nghĩ, tự do trong việc đưa những yếu tố ngoài lề, cái tục như: chơi, cười… trở thành những yếu tố trung tâm trong đời sống. Chính việc giải thiêng tín điều thiêng liêng, giễu cợt, bỡn cợt chúng, tôn những yếu tố tục là nét đặc sắc cá nhân Nguyễn Công Trứ. Phải là một cái đầu có tư duy tự do, suy nghĩ tự do, tinh nghịch và nghệ thuật rào đón ma quái, Nguyễn Công Trứ mới bạo phổi giải thiêng, bỡn cợt như vậy.

Cái áo của những thể loại truyền thống đã chật, không còn thích hợp cho một tư duy tự do, tinh nghịch, giàu cảm xúc, sắc thái, đa tình chịu chơi như Nguyễn Công Trứ. Hát nói như một phương tiện, đồng thời như một cái ô che chắn cho Nguyễn Công Trứ. Nói cách khác, trong hát nói mang tinh thần của Nguyễn Công Trứ và đặc sắc tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ thể hiện trong hát nói. Đặc biệt, trong thời đại đại thiết chế chuyên chế nhà Nguyễn, không chỉ xuất hiện tự do cá nhân kiểu Nguyễn Công Trứ, còn xuất hiện cả thể loại mà hồn cốt thấm đẫm tinh thần tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ.

Dù có là người sáng tạo ra hát nói hay đưa hát nói đến đỉnh cao, ở một ý nghĩa, hát nói thuộc về Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Công Trứ thuộc về hát nói. Nói cách khác, qua những bài hát nói của ông, cả về nội dung, cấu trúc thể loại, là một khía cạnh khẳng định sự tự do cá nhân độc đáo của Nguyễn Công Trứ trong lòng của đại thiết chế chuyên chế.

Ứng xử của Nguyễn Công Trứ với nhà Nguyễn

Trong Trương Lưu hầu phú, viết về sự thay hình đổi dạng, hoán cốt đoạt thai của đại đế sư Trương Lương ở trong và ngoài triều, Nguyễn Hữu Chỉnh đã có sự quan sát tinh tế, đúng với nhiều trường hợp, trong đó đúng cả với Nguyễn Công Trứ:

Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu

Vào lăng miếu lại đại thần thể dạng

Ở phần trên, khảo sát sáng tác của Nguyễn Công Trứ, tinh thần của một danh sĩ phong lưu buộc lộ hết sức rõ ràng. Trong phần này, chúng ta sẽ cùng Nguyễn Công Trứ theo chân ông khi vào lăng miếu, thể dạng đại thần của ông thể hiện như thế nào. Thật khó cho chúng ta khi mà chỉ căn cứ vào ghi chép trong chính sử nhà Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều sử toát yếu, Đại Nam chính biên liệt truyên, Đại Nam nhất thống c… bởi nó phản ánh một chiều ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng là phản ánh một cách nhìn chính thức của triều đình về Nguyễn Công Trứ. Vì thế, nó không phản ánh cái Nguyễn Công Trứ nghĩ mà phản ánh cái nhìn của triều đình Nguyễn về Nguyễn Công Trứ. Nhưng may mắn thay, phần văn thơ của ông đã cho phép hình dung thực sự về cái nhìn, cách nghĩ của Nguyễn Công Trứ. Ngược lại, vào lăng miếu lại thể hiện một Nguyễn Công Trứ diễn nhiều hơn, tức tính chất phong lưu nhường chỗ cho tính chất đại thần. Nhưng điểm thú vị chính là ở đó, phải chăng chính cách nhìn này của nhà Nguyễn đã giúp Nguyễn Công Trứ có điều kiện thể hiện tự do cá nhân ở bên ngoài lăng miếu và sự thể hiện tự do cá nhân này tới ngưỡng tức nằm trong ngưỡng mà đế chế cho phép.

Đọc cả Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều sử toát yếu, Đại Nam chính biên liệt truyên, Đại Nam nhất thống chí… cũng bởi đặc thù chỉ ghi chép những chỉ dụ của vua và những việc Nguyễn Công Trứ tấu trình nhưng ít nhiều cho phép chúng ta hình dung về con người Nguyễn Công Trứ ở trong lăng miếu. Đương nhiên ông quan ở lăng miếu này và ông quan ngoài lăng miếu hoàn toàn khác biệt, hai nửa của ông quan Nguyễn Công Trứ trùng với bài thơ mà chính ông đã viết, hay nó ảnh xạ hai hình ảnh Nguyễn Công Trứ ở trong và ngoài lăng miếu:

Lênh đênh một chiếc thuyền nan

Một cô thiếu nữ một quan đại thần

Ban ngày quan lớn như thần

Ban đêm quan lớn tần mần như ma

Ban ngày quan lớn như cha

Ban đêm quan lớn rầy rà như con

(Vô đề) (10)

Có lẽ “ban ngày quan lớn như thần” và “ban ngày quan lớn như cha” đúng với hình ảnh Nguyễn Công Trứ trong lăng miếu. Còn “ban đêm quan lớn tần mần như ma” và “ban quan đêm quan lớn rầy rà như con” đúng với Nguyễn Công Trứ ở giang hồ.

Tinh thần chung qua hai bộ sử lớn này là hình ảnh ông quan xông xáo, cần mẫn, có biệt tài khai khẩn đất hoang và có khả năng quy tụ những lưu dân thất nghiệp ở nhiều nơi, đồng thời đặc biệt giỏi trong dẹp loạn, dẹp thổ phỉ, cướp biển. Đặc biệt, hình ảnh Nguyễn Công Trứ ngoan hơn rất nhiều khi bẩm báo với vua, nhận rượu vua ban, nhận mệnh lệnh vua.

Tóm lại, khó có thể tìm kiếm sắc thái đặc sắc tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ khi ông ở trong lăng miếu. Nên có thể hiểu, không có tự do cá nhân ở trong lăng miếu, cũng có nghĩa không có danh sĩ phong lưu khi đối mặt với hoàng đế. Tự do cá nhân và danh sĩ phong lưu được điều kiện hóa, ý thức hóa rõ nét ở bên ngoài lăng miếu. Vì vậy, cần hiểu đặc sắc tự do cá nhân của Nguyễn Công Trứ dừng trước cổng đền.

Mắt xích độc đáo: trung điểm kết nối tự do cá nhân và đại thiết chế chuyên chế

Có lẽ đến đây, sự việc đã sáng rõ hơn rất nhiều, lôgic của sự nghịch lý cơ bản đã được làm sáng tỏ. Cần khẳng định rằng, Nguyễn Công Trứ đã sáng tạo ra tự do cá nhân trong tiến trình kiện toàn đại thiết chế chuyên chế. Đặc sắc tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ được thể hiện ở việc giải thiêng những tín điều thiêng liêng, đưa vào đó những yếu tố ngoài lề, không chính thức, biến nó trở thành những thành tố quan trọng của đời sống tự do cá nhân. Đặc sắc tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ còn gắn với sáng tạo, đưa thể loại hát nói, thể loại tự do nhất trong các thể loại trước đó lên đỉnh cao. Nhưng tất cả điều này được diễn ra bên ngoài lăng miếu, bên ngoài triều đình, không có sự hiện diện của hoàng đế quyền uy.

Nguyễn Công Trứ có đánh long thần, trách nghẹo nữ thần châu chấu, giải thiêng văn học, đề thơ trên mo cau đặt ở đít con bò cái… nhưng trong trước tác, Nguyễn Công Trứ không trưng hoàng đế là đối tượng trực tiếp của sự giải thiêng, bỡn cợt. Có lẽ, nó là chìa khóa cho sự ngất ngưởng, tung tẩy, bỡn cợt… của Nguyễn Công Trứ tha hồ hoàng hành, là cơ sở cho tự do cá nhân Nguyễn Công Trứ được hiện thực hóa. Tóm lại, Nguyễn Công Trứ không bỡn, giễu, giải thiêng… trực tiếp hoàng đế, tức ông không đối đầu trực tiếp và không công phá vào điểm tối linh của thiết chế chuyên chế nên có lẽ đó là lý do quan trọng nhất tạo điều kiện cho tự do cá nhân của Nguyễn Công Trứ phát triển trong lòng chế độ chuyên chế.

Mặt khác, trong cách nhìn của nhà Nguyễn, Nguyễn Công Trứ là văn quan nhưng thực thi công việc của võ tướng một cách xuất sắc, ông không chỉ dẹp loạn, dẹp thổ phỉ, còn là thủ lĩnh của cuộc khai hoang, mở rộng lãnh thổ, tạo công ăn việc làm cho những lưu dân… Tóm lại, khía cạnh tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ một mặt không đụng đến nhân vật tối linh nhất, quyền uy lớn nhất là hoàng đế và những đối tượng ông giải thiêng, giễu cợt cũng chưa đủ sức tàn phá, làm sụp đổ đế chế. Ngược lại, công lao của ông lại giúp đế chế ổn định, mở rộng đế chế, cùng với việc lập làng, lập ấp, bảo vệ trị an, sự vững mạnh của đế chế.

Kết lại, tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ có một số đặc điểm đặc sắc. Thứ nhất, tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ là trường hợp cá biệt, không phải là hiện tượng phổ quát. Bởi thời Nguyễn chưa xuất hiện những điều kiện thiết yếu cho sự xuất hiện phổ quát của tự do cá nhân. Có được tự do cá nhân như ở Nguyễn Công Trứ là sự nỗ lực, sự tích hợp trí tuệ sinh tồn của cá nhân, của cả lịch sử loại hình trong thích ứng, cân bằng và tìm đường hướng sinh tồn, phát triển cá nhân của giới sĩ tinh hoa. Tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ là tự do cá nhân dừng bước ở trước lăng miếu, tức dừng lại trước ngưỡng cửa của triều đình. Tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ được điều kiện hóa cực kỳ có ý thức, tức trong phạm vi của sự bỡn cợt, giễu, giải thiêng, tuyệt đối loại trừ nhân cách hoàng đế. Cuối cùng, tự do cá nhân ở Nguyễn Công Trứ là sự nỗ lực, phát triển tuyệt đỉnh của trí tuệ sinh tồn Nguyễn Công Trứ, là kết tinh của sự tiến hóa trí tuệ của giới sĩ tinh hoa (11).

______________

1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10. Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2008, tr.90, 111, 61, 62, 81, 159, 104, 113, 81.

6. Năm 73 tuổi, Nguyễn Công Trứ cưới hầu gái. Tương truyền đêm tân hôn, gái trẻ hỏi giai già, năm nay anh bao nhiêu tuổi, Nguyễn Công Trứ trả lời: “Ngũ thập niên tiền nhị tập tam” (năm mươi năm trước anh hai mươi ba tuổi).

11. Bài viết là sản phẩm đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội: Truyền thống tìm kiếm tự do của kẻ sĩ tinh hoa trong lịch sử văn học viết Việt Nam (giai đoạn X-XIX), mã số QG.15.55, do TS Trịnh Văn Định, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội chủ trì.

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : TRỊNH VĂN ĐỊNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *