Nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội nhân văn quân sự trong tình hình mới


Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta, khoa học xã hội nhân văn quân sự (KHXHNVQS) Việt Nam hình thành, phát triển ngày càng vững mạnh, khẳng định vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. KHXHNVQS đã cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đóng góp vào hoạt động lãnh đạo, quản lý các lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội về chính trị; đồng thời góp phần xứng đáng vào sự phát triển của khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Cùng với đó là nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Tất cả đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Nghiên cứu lĩnh vực quân sự, quốc phòng Việt Nam là một trong những vấn đề khoa học lớn, mang tính cơ bản, được triển khai sâu rộng trong suốt chiều dài cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, sau hơn 30 năm đối mới, phát triển đất nước, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN, KHXHNVQS cũng có những bước phát triển vững chắc. Nhiều công trình, đề tài khoa học các cấp đã nghiên cứu trên nhiều bình diện: khoa học lý luận quân sự, KHXHNVQS, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học lịch sử quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự… đã tiếp cận dưới góc độ khoa học xã hội nhân văn trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, xã hội hóa, ứng dụng trong thực tiễn của KHXHNVQS có những bước phát triển mới gắn liền với xu thế chung của khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới như: những vấn đề tư duy quân sự, quốc phòng, đấu tranh quân sự, quốc phòng, cách mạng quân sự hiện đại, hội nhấp quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có những nhận định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về khía cạnh làm rõ góc độ chuyên ngành khoa học của KHXHNVQS. Bên cạnh đó, vẫn còn khá nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh, phương diện cả lý luận, thực tiễn còn trống, chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống, cần tiếp tục được đầu tư nghiên cứu nghiêm túc. Trước yêu cầu khoa học xã hội nhân văn tập trung vào nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước, dự báo xu hướng phát triển, đòi hỏi có sự đúc kết, đổi mới lý luận khoa học xã hội về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Mặt khác, tiếp tục mô tả, phản biện, tranh luận khoa học nhằm làm rõ những vấn đề mới trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển đất nước trong tình hình mới.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Đó là vấn đề mang tính quy luật xuyên suốt. Hơn nữa, đối tượng đe dọa nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam trong lịch sử thường có tiềm lực, sức mạnh quân sự lớn hơn rất nhiều. Chính điều đó đòi hỏi dân tộc ta phải có cách thức nhìn nhận, giải quyết vấn đề về quân sự, quốc phòng rất uyển chuyển, phù hợp với lịch sử đất nước. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã đúc kết, phát triển những kinh nghiệm quân sự, quốc phòng kết tinh trong văn hóa giữ nước Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt, những giá trị đó được phát triển lên đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước XHCN.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng, các hình thái chiến tranh mới đã và đang đặt ra những yêu cầu mới trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với nước ta, vẫn phải sẵn sàng đối phó với những nguy cơ xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trong đó có những nguy cơ trực tiếp liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Do đó, để có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, triệt tiêu các yếu tố bất lợi, nhất là các yếu tố bên trong có thể gây ra đột biến, cần nghiên cứu hệ thống, cơ bản các giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đây là yêu cầu quan trọng để kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp những giá trị truyền thống đặc sắc với nhân tố hiện đại để tiến hành xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Do đó, các giá trị lịch sử, truyền thống của dân tộc trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng cần phải được nghiên cứu toàn diện, có hệ thống, biên soạn, xuất bản, phát hành rộng rãi nhằm tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong giáo dục kiến thức quốc phòng, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc XHCN trong mỗi người dân Việt Nam. Qua đó, quảng bá rộng rãi truyền thống, văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam, cũng như đường lối, quan điểm nhất quán của Đảng ta về quốc phòng, an ninh trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có những công trình nghiên cứu, biên soạn ngang tầm với sự nghiệp giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Do đó, cần tổng kết toàn diện, có hệ thống những giá trị nhân đạo, nhân văn trong lịch sử giữ nước của dân tộc ở phương diện lý luận, thực tiễn quân sự, quốc phòng dưới góc độ KHXHNVQS. Điều đó vừa bảo đảm tính chuyên sâu, hệ thống, toàn diện của việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Đồng thời, khắc phục tình trạng trùng lặp, bỏ sót, manh mún, tự phát, thậm chí mâu thuẫn trong nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức nghiên cứu.

Nghiên cứu cơ bản về KHXHNVQS là một trong những hướng đi quan trọng, nhằm góp phần phát triển toàn diện khoa học xã hội nhân văn của đất nước. Điều đó đòi hỏi phải trên cơ sở trực tiếp phát triển toàn diện có tính hệ thống hóa cách tiếp cận mới về KHXHNVQS. Bởi lẽ, KHXHNVQS Việt Nam là một môn khoa học còn rất trẻ, là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong nền khoa học xã hội của một đất nước mà sự nghiệp dựng nước luôn đi đôi với giữ nước đã trở thành quy luật thép trong sự tồn vong, phát triển của dân tộc. Thực tế cho thấy, tuy các công trình nghiên cứu, biên soạn về lĩnh vực KHXHNVQS trong những năm gần đây ngày càng được quan tâm, song phần lớn công trình mới chỉ đề cập đến khía cạnh khoa học xã hội nhân văn xuất hiện trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc liên quan mật thiết đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, mà ít có công trình đi sâu vào góc độ khoa học xã hội nhân văn của bản thân lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Vì thế, nghiên cứu cơ bản về KHXHNVQS chính là sự bổ khuyết cần thiết cho hiện trạng trên, nhằm góp phần làm cho KHXHNVQS phát triển đúng với vị thế thực chất của nó.

Thứ nhất, nội dung nghiên cứu cần tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất của KHXHNVQS. Đó là những vấn đề lý luận, phương pháp luận về nghệ thuật, giá trị nhân văn, nhân đạo quân sự Việt Nam, nền quốc phòng toàn dân qua các thời đại lịch sử; tổng kết hệ giá trị lịch sử trong xây dựng, củng cố, phát huy giá trị quân sự Việt Nam, xây nền quốc phòng; dự báo những nhân tố tác động, xu hướng phát triển nền quốc phòng, quân sự Việt Nam trước những biến đổi, mau lẹ, khó lường trong tình hình mới để đề xuất cơ sở lý luận về xây dựng nền quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cần hệ thống hóa các phạm trù, khái niệm cơ bản cần thiết cho những người nghiên cứu về lĩnh vực quân sự, quốc phòng như: tư duy quốc phòng, quân sự; hệ quan điểm, tư tưởng quốc phòng, quân sự; nội dung xây dựng nền quốc phòng; nghệ thuật tiến hành chiến tranh giải phóng; chiến tranh giữ nước; hệ giá trị văn hóa giữ nước, văn hóa quân sự…

Để đáp ứng đòi hỏi mới của thực tiễn bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, việc nghiên cứu cơ bản về KHXHNVQS cần mạnh dạn đề cập những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược. Đó là những điểm tựa lý luận quan trọng góp phần phát triển vững chắc KHXHNVQS.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện phương pháp tiếp cận, nghiên cứu thống nhất của KHXHNVQS. Đó là sự tổng hợp về cả nội dung, phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội được đặt trong logic mang tính chỉnh thể, nhất quán. Nghiên cứu cơ bản KHXHNVQS cần gắn chặt với giảng dạy các bộ môn khoa học quân sự nói chung, giảng dạy các bộ môn KHXHNVQS nói riêng. Qua đó, sẽ tạo cơ sở, tiền đề lý luận mang tính nền tảng để tham khảo biên soạn hệ thống giáo trình giảng dạy bộ môn này. Bởi vì, hệ thống giáo trình giảng dạy hiện nay hầu như mới chỉ là sự mô phỏng, hoặc đưa nguyên hệ thống tri thức khoa học xã hội nói chung vào giáo trình, những nét sáng tạo chủ yếu chỉ xuất hiện ở khâu vận dụng thực tiễn quân sự, chưa thể hiện được tính độc lập tương đối giữa các bộ môn KHXHNVQS so với các bộ môn của khoa học xã hội nhân văn nói chung.

Thứ ba, nghiên cứu cơ bản KHXHNVQS phải cung cấp được những luận chứng khoa học cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới đòi hỏi việc hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối quốc phòng, quân sự hiện nay phải dựa trên cơ sở khoa học. Vì vậy, cùng với sự tổng kết thực tiễn, cần có sự phát triển lý luận một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống, chuyên sâu. Chỉ có đứng vững trên nền tảng lý luận cơ bản thì mới có thể đúc rút sâu sắc những hệ giá trị lịch sử, nhằm góp phần làm cho quá trình hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống dân tộc.

Thứ tư, nghiên cứu cơ bản về KHXHNVQS cần gắn với quá trình giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng, quân sự Việt Nam trong nhân dân. Truyền bá kiến thức quốc phòng, quân sự Việt Nam trong nhân dân là một trong những vấn đề lớn, cần thiết, cấp bách. Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản về KHXHNVQS là tiền đề để khoa học hóa quá trình quảng bá toàn diện, mang tính hệ thống về kiến thức quốc phòng, quân sự Việt Nam. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng tuyên truyền, giáo dục quan điểm tư tưởng, đường lối của Đảng về quốc phòng, quân sự. Đồng thời, đó cũng là điểm tựa lý luận để quảng bá giá trị truyền thống dân tộc, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.

Thứ năm, bằng việc dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, việc nghiên cứu cơ bản về KHXHNVQS sẽ góp phần tích cực làm cho cuộc đấu tranh này đạt được kết quả nhờ tầm cao trí tuệ của nó, chứ không chỉ ở phương diện tình cảm, đạo đức, nhất là ở những chuyên luận đấu tranh trực diện.

 

Tác giả: Nguyễn Đình Tương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *