Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam hiện đại. Ngoại giao văn hóa là mục tiêu quan trọng trong chiến lược tổng thể về đối ngoại, là sức mạnh mềm để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Nội hàm của ngoại giao văn hóa ngày càng được mở rộng, phong phú.
Ngoại giao văn hóa được hiểu là việc “sử dụng công cụ văn hóa, các giá trị văn hóa, lợi thế về văn hóa để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác; đồng thời sử dụng nội dung ngoại giao, quan hệ ngoại giao để tôn vinh văn hóa dân tộc, giao lưu, trao đổi để các quốc gia dân tộc ngày càng hiểu biết, tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử văn hóa của nhau”.
Ngoại giao văn hóa Việt Nam hướng tới ba mục tiêu lớn, đó là: thúc đẩy sự hiểu biết của thế giới đối với văn hóa Việt Nam; thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, văn minh khác nhau; bồi dưỡng giá trị chung và quan niệm văn hóa chung của nhân loại.
Với phương châm đưa Việt Nam ra thế giới và thế giới đến Việt Nam, việc tổ chức festival ở Việt Nam chính là một hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm thúc đẩy sự quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa thế giới tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, văn hóa của các nước đang phát triển, trong đó có văn hóa Việt Nam, chịu tác động mạnh mẽ của các trào lưu văn hóa trên thế giới, đặc biệt văn hóa của các nước phát triển. Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến trong hội nhập qua việc tổ chức các festival. Festival là một sự kiện văn hóa ngoại nhập. Việc tổ chức festival tại Việt Nam minh chứng cho quá trình hội nhập một cách chủ động của văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới:
Các festival cho thấy bản chất văn hóa của mỗi quốc gia sẽ được bồi đắp không chỉ từ di sản văn hóa dân tộc mà còn từ quá trình giao lưu văn hóa với ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của các sản phẩm trí tuệ nhân loại, đặc biệt từ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tức những sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa. festival mang trong nó các giải pháp công nghệ, kinh tế để trao đổi, tiếp cận với văn hóa thế giới.
Festival góp phần tạo bối cảnh chung cho sự đa dạng văn hóa, đảm bảo cho văn hóa dân tộc được bộc lộ, được lưu truyền; văn hóa dân tộc có cơ hội phát triển đồng đều với văn hóa các dân tộc khác.
Festival cung cấp những phương tiện biểu đạt văn hóa mới mẻ, tạo những cơ hội cho đông đảo người dân tiếp cận đa dạng văn hóa. Qua festival, văn hóa của quốc gia, của mỗi cộng đồng được suy tôn trở thành nguồn bồi đắp vững bền bản sắc văn hóa dân tộc.
Thuộc loại hình lễ hội đương đại gắn liền với bối cảnh đô thị và nền kinh tế thị trường, mang bản chất thế tục, festival phân biệt với các lễ hội truyền thống ra đời trong xã hội nông nghiệp gắn với đời sống tâm linh và các nghi lễ. Tuy nhiên, cả festival và lễ hội truyền thống cùng mang những đặc tính chung của lễ hội: đó là một hiện tượng văn hóa hướng tới cộng đồng. Các sự kiện, các chủ đề diễn ra trong festival luôn mang một diện mạo đặc biệt với những khoảnh khắc thăng hoa, lôi cuốn, sức chuyển tải văn hóa qua festival là rất lớn. Vì vậy, trong chiến lược phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã định hướng các festival mang sứ mệnh quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tổ chức thành công các festival, đưa festival trở thành một sự kiện văn hóa thường nhật.
Tuy nhiên, nếu quan niệm về văn hóa trong hoạt động ngoại giao văn hóa mới coi “văn hóa là một cánh tay nối dài của kinh tế, một loại xúc giác; do văn hóa có tác dụng mà kinh tế và chính trị đều không có, nên những chỗ thông qua kinh tế và chính trị không đạt được thì tất nhiên phải thông qua văn hóa để hoàn thành; điều quan trọng hơn phương thức của văn hóa là phương thức hòa bình, một loại phương thức làm cho người ta trong quá trình vui vẻ trầm lắng lại giành được thành công”(1) thì các festival văn hóa ở nước ta, đặc biệt các festival tại các nước phương Tây, về bản chất là một hoạt động đem lại lợi nhuận, mang tính kinh tế cao. Nguồn lợi kinh tế thu được từ ngành công nghiệp giải trí trong đó có việc tổ chức các festival chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế tại các nước phát triển. Điều này đã khẳng định vị thế của văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại. Ở nước ta, festival là một hoạt động văn hóa mang lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy đôi khi mục tiêu kinh tế được đặt xuống hàng thứ yếu, đặt lên hàng đầu mục tiêu các festival sẽ là nơi văn hóa trong và ngoài nước được quảng bá rộng rãi ra trường quốc tế và tới mọi tầng lớp nhân dân.
Festival là loại hình lễ hội đương đại xuất hiện tại các nước phương Tây. Các festival nổi tiếng thế giới, có truyền thống lâu dài như Avignon của Pháp, Adelaide Fringe của Ôtraylia, Edingburgh của Scốtlen là những mẫu hình cụ thể phát triển các festival ở Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của các festival này là đã khai thác các hiệu quả văn hóa nghệ thuật, thu hút được đông đảo các nghệ sĩ, nhà hoạt động nghệ thuật và quần chúng tham gia. Các sự kiện nghệ thuật được trình diễn trong các festival đạt tới chất lược quốc tế. Đặc biệt các festival này đã duy trì việc tổ chức thường niên, đảm bảo thu chi tài chính từ chính các sự kiện nghệ thuật.
Bên cạnh kinh nghiệm tổ chức festival của các nước phương Tây, kinh nghiệm tổ chức các festival tại các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan cũng là những kinh nghiệm quý báu. Festival đèn lồng (Trung Quốc), đèn hoa sen (Hàn Quốc) đều lấy cảm hứng từ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, hoặc khai thác thế mạnh của sản vật như festival hoa Ratchaphruck (hoa muồng hoàng yến) Chiềng Mai (Thái Lan), festival văn hóa hoa mẫu đơn Lạc Dương (Trung Quốc). Sự thành công của các festival đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa dân tộc, thu hút du khách quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch tại các nước này.
Festival được tổ chức tại nhiều tỉnh thành phố nước ta trong vòng hơn 10 năm qua (không kể festival Huế tổ chức lần thứ nhất năm 1992 do Pháp tài trợ). Các festival văn hóa tổng hợp được tổ chức ở Việt Nam thường khai thác di sản văn hóa dân tộc, phát triển các sản phẩm du lịch, bên cạnh các hoạt động nghệ thuật khác trong tổ chức sự kiện, do vậy có những nét đặc thù riêng so với các festival quốc tế.
Festival Huế là một trong những sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam vừa có quy mô quốc gia vừa mang tính quốc tế với sự hiện diện của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của nhiều nước trên thế giới. Gắn mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, festival Huế đã được tổ chức 2 năm 1 kỳ, lần lượt với các chủ đề khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế, di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế – kinh đổ cổ – trải nghiệm mới đã đem lại cho du khách các khía cạnh văn hóa Huế. Festival Huế năm 2000 được tổ chức trong 12 ngày đêm với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự trong đó có 41.000 lượt khách du lịch với 6.000 lượt khách quốc tế. Festival Huế 2002 diễn ra 12 ngày đêm với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđônêsia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn nghệ thuật trong nước gồm 1.554 nghệ sĩ diễn viên thu hút trên 1.000.000 người tham dự 75.000 lượt khách du lịch trong đó có 18.000 lượt khách quốc tế tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2000. Festival Huế 2004 quy tụ 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Argentina, Úc, Ấn Độ, Đức, Mỹ…, 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1300 diễn viên chuyên nghiệp 2000 diễn viên không chuyên thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Festival Huế 2006 quy tụ 22 đoàn nghệ thuật quốc tế Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Argentina, Inđonesia, Úc thu hút 1,5 triệu lượt khách tham dự… Các festival Huế đã giới thiệu được những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa ẩm thực, ấn tượng mưa Huế, khám phá phá Tam Giang…, tiếp cận một cách có hiệu quả với bạn bè năm châu hình ảnh cố đô Huế – thành phố festival của Việt Nam. Trong năm 2012, festival Huế được tổ chức gắn kết với năm du lịch quốc gia sẽ giới thiệu quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hệ thống các di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, góp phần nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam. Tỉnh Thừa Thiên Huế còn phối hợp với các địa phương khác xây dựng, bổ sung và nâng cao các sản phẩm du lịch như: Một điểm đến 5 di sản thế giới, Huế – với hành trình qua các kinh đô Việt, Huế trên con đường xuyên Á, Đông Dương – 3 cố đô – một điểm đến, Hà Nội – Huế – Sài Gòn- Một điểm đến…
Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cho thấy một khía cạnh thành công khác của festival được tổ chức ở nước ta trong việc đa dạng hóa các loại hình vận động của ngoại giao văn hóa, đa phương hóa các lực lượng tham gia tổ chức festival, qua việc mời gọi thành công các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Với số tiền tài trợ qua các năm tăng dần: năm 2008 là 20 tỷ đồng, năm 2009 khoảng 23 tỷ đồng, năm 2010 lên đến 25 tỷ đồng. Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2010 thu hút khoảng 70.000 lượt người xem (tăng 40% so với năm 2009). Trong những ngày tổ chức từ 22 đến 29-3 Việt Nam Airlines tăng gần 50 chuyến bay/ngày vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách trong dịp này. Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế qua các hoạt động. Thu hút khách bằng nghệ thuật pháo hoa, Đà Nẵng sẽ là cửa ngõ, điểm nhấn văn hóa của miền Trung, Tây Nguyên với các điểm đến phố cổ Hội An, Cố đô Huế…
Các festival chuyên đề như: nghề truyền thống Huế 2011, làng nghề Việt tại Đà Nẵng; biển 2011 Khánh Hòa, tái hiện làng quê vùng biển miền Trung với chợ quê đặc trưng của miền duyên hải Việt Nam; nghề thủ công truyền thống: làm gốm, chằm nón, dệt vải; giới thiệu 3 bộ môn nghệ thuật: nhạc võ Tây Sơn đến từ Bình Định, đoàn ca tài tử miền Nam, các điệu múa Chăm Ninh Thuận và khu ẩm thực với 80 món ngon đặc sắc miền biển Việt Nam; festival phim tài liệu quốc tế với 7 quốc gia châu Âu tham gia; festival mỹ thuật trẻ 2011, hoa Đà Lạt 2010 với những không gian hoa đặc sắc, diều quốc tế (mời khoảng 120 nghệ nhân từ 25 quốc gia và vũng lãnh thổ đến tham dự); festival trà, cà phê… đã thực sự đem lại các sắc thái văn hóa tiêu biểu của các vùng miền trên đất nước ta, cùng những nét văn hóa của các quốc gia khác.
Thành tựu quảng bá văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế của các festival tổ chức thời gian qua được ghi nhận qua mức độ thành công. Một vài festival đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu, thu hút sự quan tâm của du khách, các nhà hoạt động văn hóa trên thế giới. Quảng bá văn hóa đi đôi với phục hưng văn hóa cổ truyền, các festival đã khai thác các giá trị văn hóa, biến di sản văn hóa thành nguồn lực vật chất đem lại lợi nhuận kinh tế qua phát triển du lịch, dịch vụ, nghề thủ công truyền thống…, tạo dựng được hình ảnh tiêu biểu đặc sắc của địa phương và cũng chính là của quốc gia, dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Các festival cũng là nơi các thành tựu văn hóa đương đại được bộc lộ, thể hiện như thời trang, nghệ thuật đương đại, kịch…
Từ góc độ quảng bá văn hóa thế giới, các festival đã góp phần giới thiệu văn hóa nghệ thuật các dân tộc trên thế giới tới đông đảo nhân dân trên các vùng miền. Việc tổ chức các festival đã cho phép tiếp cận các công nghệ tiên tiến, cách thức tổ chức sự kiện văn hóa. Từ đây đã dần hiện hữu ngành công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực giải trí, quản lý, tổ chức sự kiện.
Tuy nhiên bên cạnh thành tựu là những hạn chế: hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa từ các festival đem lại, đã thúc đẩy nhiều địa phương, đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện các festival. Năm 2010 cả nước có khoảng 34 festival và lễ hội đương đại, tuần văn hóa – du lịch, không kể hơn 10 lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, cách mạng có quy mô lớn được tổ chức. Mật độ các festival cùng sự chồng chéo về thời gian đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa các festival, làm phân tán điểm tới của du khách. Bên cạnh đó, sự thiếu bền vững trong duy trì bảo vệ thương hiệu; việc khai thác di sản văn hóa trong các sự kiện festival còn nhiều bất cập; việc phục dựng di sản văn hóa đáp ứng các mục tiêu của festival xuất phát từ lịch sử, kế thừa và phát triển phải được coi là quan điểm mấu chốt trong tổ chức các sự kiện văn hóa tại các festival; việc giới thiệu văn hóa nước ngoài còn rời rạc thiếu tính hệ thống.
Để các festival thực sự là những đại sứ văn hóa, cần hoàn thiện việc tổ chức, cũng như nội dung các sự kiện của festival, phát triển các festival theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả, tạo bước phát triển thật sự về chất lượng trên lĩnh vực quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quảng bá giới thiệu văn hóa thế giới qua các festival tới đông đảo quần chúng. Đây là nhiệm vụ cấp thiết của ngành văn hóa nhằm góp phần thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu mở rộng và đổi mới nền văn hóa nước nhà.
_______________
1. Cương lĩnh giao lưu văn hóa của quốc gia hòa bình, Nhật Bản, 2005.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012
Tác giả : Đỗ Thị Minh Thúy
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%