Ngôi đình của người Việt ở Tây Nam Bộ là nơi gắn với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và những lễ thức đậm tính dân gian, đồng thời là nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đời sống văn hóa, ngôi đình thể hiện khá đậm nét sức sống bền vững, truyền thống lâu đời của người Việt, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
1. Ngôi đình của người Việt
Vào cuối TK XVII đầu TK XVIII, lưu dân người Việt từ miền ngoài vào vùng đất Tây Nam Bộ khai hoang phá rừng làm ruộng. Đối với lưu dân Việt Tây Nam Bộ, điều khủng khiếp với họ ở vùng đất mới không hẳn là rừng thiêng nước độc hay cọp beo thú dữ mà họ còn canh cánh tâm trạng ly hương, sợ đứt đoạn với giềng mối của tổ tiên ông bà để lại. Cho nên họ lập làng ở đâu dựng đình ở đó. Do vậy, làng nào ở Tây Nam Bộ cũng gắng xây dựng ngôi đình để khẳng định chủ quyền của một cộng đồng Việt trên vùng đất mới. Việc lập đình trong cộng đồng dân cư ở Tây Nam Bộ chính là sự liền mạch với truyền thống văn hóa cội nguồn ở quê cha đất tổ, là nhu cầu tâm thức của lưu dân, dù kiếp sống tha phương lưu đày vẫn không quên nòi giống dân tộc Việt.
Đình là biểu tượng của cộng đồng làng xã, là cơ sở tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của con người Việt Nam. Dựng đình đồng thời với quá trình lập làng vừa là nhu cầu tinh thần của người dân, vừa nói lên thành công về mặt văn hóa chính trị xã hội của chế độ phong kiến nước ta.
Ngôi đình, chiếm vị trí trung tâm của làng xã. Đình thường đặt ở địa điểm cao ráo, tiện đường bộ làng ấp lui tới, hoặc nơi gần sông rạch tiện cho ghe thuyền nhiều ngả đậu bến.
Ngôi đình ở Tây Nam Bộ là một quần thể kiến trúc gồm nhiều nhà vuông với đặc điểm nổi bật là có bốn cột cái, gọi là tứ trụ hay tứ tượng, được xây sát liền nhau theo kiểu xếp đọi. Giữa sân đình là tấm bình phong, rồi đến nhà võ ca, võ quy và sau đó là chánh điện, thêm một số công trình phụ bên ngoài. Như vậy, mặt bằng kiến trúc và các đơn nguyên ở ngôi đình Tây Nam Bộ đa dạng. Ở đây có những ngôi nhà có các chức năng đặc biệt mà đình miền Bắc hay miền Trung không có. Nhà võ ca là một trong số đó. Đây được hiểu là nhà ca hát, để hát bội ở đình. Đình Tây Nam Bộ cũng có thay đổi về công năng của từng hạng mục công trình như: không có các ao đình thường thấy ở đình Bắc Bộ. Sân đình có thêm đàn xã tắc (bàn thờ thần Nông), bia ông Hổ, miếu Bạch Hổ, miếu Ngũ Hành Nương Nương, miếu Nhị vị công tử, miếu Sơn quân. Không có 2 dãy hành lang như đình Bắc Bộ mà tập trung công việc vào nhà túc (nơi làm việc, hội họp, chuẩn bị lễ vật cúng tế và nơi ăn uống, tiệc tùng). Nghệ thuật trang trí bên trong các ngôi đình ở Tây Nam Bộ, bên cạnh trang trí rồng phụng, biểu tượng của cung đình, triều chính thì còn có thêm hình ảnh của cuộc sống dân dã như khỉ bắt chim, vịt đùa nước hay hình ảnh của cây trái bốn mùa ở Tây Nam Bộ như xoài, măng cụt, lêkima… Sự hiện diện của các hình ảnh này đã nói lên tính chất rộng mở không rập khuôn theo mô thức tổ chức cũ xưa, không theo những quy định bó buộc của làng xã Bắc Bộ. Đình Tây Nam Bộ phần lớn không thờ tượng, trên các hương án biểu tượng thờ cúng là những chữ Hán. Nghệ thuật thư pháp chữ Hán được trình bày dưới dạng nét kiểu cách triện, chân. Lối viết chân là lối viết đúng theo tự dạng không biến đổi. Lối viết này để viết các câu trong hoành phi và câu đối. Còn lối viết triện là lối viết kiểu cách trang trí thành hình cong, tròn, vuông, chữ nhật, không còn giữ dạng nguyên ngữ. Lối viết này dùng để trang trí mặt trước của các bệ thờ hay bao lam… với ý nghĩa cầu mong ân phúc, trường thọ cho dân làng.
2. Vai trò của ngôi đình trong đời sống
Đình là ngôi nhà lớn, linh thiêng của làng, nên để có ngôi đình xứng đáng với niềm tự hào của dân làng, người dân đã đổ nhiều công sức, tiền của vào xây cất. Do vậy, các ngôi đình thường kiên cố, vững bền, ngoạn mục và uy nghiêm. Có thể nói, đình là một trong những thành tố góp phần làm nên giá trị văn hóa đặc trưng, riêng biệt của cư dân Việt ở Tây Nam Bộ. Ngôi đình Tây Nam Bộ không chỉ có giá trị về vật chất với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc… mà nó còn mang đến những giá trị tinh thần to lớn. Chính giá trị văn hóa này đã chi phối đời sống và làm nên những đặc trưng cơ bản của cộng đồng người dân nơi đây.
Ngôi đình là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân
Đình có vai trò quan trọng đối với người dân, đây là nơi để họ gửi gắm niềm tin về mọi điều trong cuộc sống, nhất là tôn giáo. Đình Tây Nam Bộ thờ thành hoàng bổn cảnh, vị thần được coi là người bảo hộ cho làng và thờ các tiền hiền, hậu hiền, những người có công trong việc tạo lập và phát triển cơ nghiệp của địa phương. Ngoài ra, các thần thánh ở đình rất trần thế, gần gũi với người dân từ thần tài, Ngũ hành nương nương, Cửu thiên huyền nữ, cho đến Quan Công cùng với thành hoàng bổn cảnh. Họ đại diện cho các mặt trong cuộc sống và độ trì cho nhân dân tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa, yên tâm làm ăn sinh sống. Mọi người tới đây, đặt niềm tin, cầu khẩn những điều tốt lành lên những vị thần hữu danh và vô danh cầu mong sự bình yên trong tinh thần.
Ngôi đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Ngôi đình là biểu hiện của sự gắn bó tình cảm, sự cố kết cộng đồng, nơi tập trung mọi sinh hoạt văn hóa trong làng. Ngôi đình là nơi bàn bạc công việc chung của làng và là điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội, hát xướng.
Hàng năm, các lễ hội dân gian cũng được diễn ra trong đình một cách sôi nổi, tiêu biểu là lễ hội Kỳ Yên. Lễ hội Kỳ Yên là lễ hội chung của một làng. Vì vậy, người dân làng dù có đi làm ăn xa xôi cũng trở về họp mặt, hàn huyên thăm hỏi, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Không khí lễ hội diễn ra nhộn nhịp và náo nức với các màn biểu diễn nghệ thuật cổ truyền như diễn xướng dân gian hát bội, hát chầu… Trong các buổi trình diễn văn nghệ toàn thể người dân quần tụ tại đình để cùng nhau múa hát, tiến hành các nghi lễ truyền thống. Ngoài ra, đình còn là nơi họp dân trong làng để bàn những vấn đề liên quan đến tập thể như: tu sửa đình, tổ chức ngày hội, họp bàn những việc tang ma, hiếu hỷ, tổ chức các lớp học tình thương, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất… thể hiện tính cộng đồng sâu sắc.
Ngôi đình là trung tâm lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa
Bản thân ngôi đình đã khoác lên mình giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đặc trưng của cộng đồng Việt Tây Nam Bộ. Từ cổng đình đến kiến trúc chính điện, cùng với cách trang trí và hệ thống tượng thờ, mỗi hiện vật, công trình đều là chỉnh thể mỹ thuật hoàn hảo từ bàn tay điêu luyện, khả năng sáng tạo của các nghệ nhân. Do đó, việc cư dân trong làng bảo vệ ngôi đình cũng chính là cách họ bảo vệ, lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng của dân tộc.
Đình Mỹ Đức, Hà Tiên. Ảnh tư liệu
Về nghệ thuật điêu khắc, thường cầu kỳ và được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hầu như trên các thành phần của kiến trúc đình làng đều được các nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện chạm khắc với nhiều đề tài tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên, đất nước. Phù điêu trang trí thường dùng kỹ thuật chạm nổi và chạm lộng trên những ván gỗ và gắn vào trang trí cho kiến trúc. Trang trí chủ yếu ở các bao lam trước điện thờ, cột đình, hoành phi câu đối, ở khung tam giác giữa cột cái, xà nách và kèo. Bốn cột đình thường được trang trí hình rồng, nên gọi là long trụ. Nhiều nơi, long trụ chạm rời bên ngoài ốp vào, nhưng cũng có nơi được trổ một khối nguyên. Ngoài những cột long trụ, đình Tây Nam Bộ thường có các bao lam trước điện thờ như cửa võng trong đình miền Bắc, được chạm trổ tinh vi, đề tài thường là tứ linh, cá hóa long, rồng, hổ… Chủ đề của điêu khắc đình Tây Nam Bộ thường về linh thú, động vật. Đây là mảng đề tài phong phú, thể hiện sinh động tư duy tín ngưỡng đa nguyên của người Việt Tây Nam Bộ. Các môtip điêu khắc trang trí thuộc chủ đề này bao gồm những loại như linh vật được vũ trụ hóa và động vật là cá hóa rồng, phượng hoàng và mây… nhưng hình tượng rồng vẫn chiếm vị trí trung tâm. Từ bên ngoài cho đến bên trong đình môtip rồng được dùng để trang trí ở nhiều vị trí như trên nóc đình, cột đình, các bao lam… Chủ đề cây cỏ cũng chiếm vị trí đặc biệt trong điêu khắc trang trí đình làng Tây Nam Bộ. Loại cây cỏ được sử dụng nhiều nhất là cây sen, với các bộ phận như: hoa sen, đài sen, thân sen, lá sen. Môtip trang trí tứ quý như tùng, cúc, trúc, mai, hoặc mai, sen, cúc, trúc được du nhập từ văn hóa Trung Hoa gắn với nhân cách cao quý của con người cũng được sử dụng nhiều trong ngôi đình. Như vậy, đình Tây Nam Bộ là nơi hội tụ những môtip trang trí tuyệt hảo, gồm nhiều xu hướng: hiện thực, cách điệu và đồ họa.
Về nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng là chương trình không thể thiếu trong các ngày lễ hội ở Việt Nam. Tùy theo các vùng, địa phương có nhiều màu sắc khác nhau. Chẳng hạn ở các đền thờ miền Bắc có hát chầu văn, các đền thờ thần biển miền Trung có hát bả trạo (hát chèo đò), còn ở miền Nam, lễ hội Kỳ Yên phải có hát bội. Khác biệt cơ bản của diễn xướng dân gian ở Nam Bộ so với Bắc Bộ là hát bội diễn ra ngay trong đình, tại nhà võ ca, còn hát chèo và các làn điệu dân ca Bắc Bộ khác hầu như chỉ diễn ra ở sân đình, cửa đình. Điều này cho thấy không gian đình ở Nam Bộ và Tây Nam Bộ vừa mang tính linh thiêng vừa mang tính trần tục.
Mỗi năm đáo lệ Kỳ Yên, sau lễ hội thì làng tổ chức hát. Hát để cúng thần, nhưng chủ yếu là để giải trí cho dân làng. Trong nghề hát bội có hát chầu và hát cúng. Tính nghệ thuật của hát bội còn được thể hiện ở tuồng tích và bài bản ca. Các kịch bản hát bội được xem là một tác phẩm văn học. Chức năng diễn xướng trong ngày lễ hội, ngoài việc thu hút khách hành hương và giải trí cho người dân địa phương, còn có yếu tố thực hành nghi lễ hát cúng cho thần xem. Chính vì vậy, hát bội ở Tây Nam Bộ là loại hình nghệ thuật gắn bó với sự phát triển của văn hóa dân tộc, văn hóa phương Nam cần được quan tâm bảo tồn như một vốn quý.
Lễ hội và du lịch là mô hình khá phổ biến hiện nay, đem lại hiệu quả văn hóa và kinh tế thiết thực. Ở Tiền Giang, Sở VHTTDL đã đưa đình vào cụm tour du lịch với các di tích văn hóa trong tỉnh như đình Long Hưng (Châu Thành), Đồng Thạnh (Gò Đông Tây), Điều Hòa (TP. Mỹ Tho)… Công ty Du lịch Tiền Giang đã đưa di tích Đình Long Trung (Cai Lậy) vào tour du lịch xanh, văn hóa miệt vườn vùng Cai Lậy – Tiền Giang. Hoặc các công ty du lịch Cần Thơ đã đưa đình Bình Thủy vào các tour du lịch văn hóa của tỉnh nhằm giới thiệu kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vùng văn hóa sông nước Tây Nam Bộ. Mô hình này cần được nhân rộng ở các tỉnh thành khác ở Tây Nam Bộ nhằm phát huy các giá trị của đình và đem lại những lợi nhuận kinh tế đáng kể cho địa phương.
Có thể nói, ngôi đình là nơi giữ truyền thống văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ, thông qua các lễ hội văn hóa, nghệ thuật ca, múa, nhạc, làm sống động quá khứ – hiện tại – tương lai, làm rung động biết bao trái tim và tâm hồn con người Việt Tây Nam Bộ trong cuộc sống.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH NGỌC
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai