Nguồn gốc thờ cúng tổ tiên của người việt


 

Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng xã hội xuất hiện từ xa xưa và tồn tại ở nhiều cộng đồng trên thế giới. Đến nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người, dân tộc. Ở nước ta đã và đang dung dưỡng một đời sống tâm linh dân gian rất đa dạng, nhưng tiêu biểu vẫn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng này trải dài qua các thời kỳ lịch sử, tồn tại ở nhiều cộng đồng, thành phần tộc người và đan xen, thẩm thấu vào hầu hết các tôn giáo hiện có ở Việt Nam.

Chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định rằng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành ở trong nước, hay được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Vấn đề này hiện vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu khoa học khoa học xã hội.

Có người căn cứ vào một số đặc điểm tương đồng về mặt nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt khi so sánh với người Hoa mà khẳng định: “sự thờ cúng tổ tiên ở người Việt về cơ bản bắt nguồn từ sự thờ cúng tổ tiên ở người Hán”. Cùng quan điểm này, Hà Văn Tăng và Trương Thìn viết: “Thờ cúng tổ tiên có thể lúc đầu cử hành trong người Hán, rồi lan sang người Việt. Và đến một thời điểm nào đó thì trở thành phong tục phổ biến của người Việt”(1).

Không đồng tình với quan niệm thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng du nhập từ Trung Quốc, Nguyễn Đăng Duy cho rằng: “Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt đã có cái gốc, cái nền nội sinh chứ không phải do từ Trung Quốc xâm nhập vào như nhiều sách báo từ trước tới nay đã khẳng định”(2). Dù thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng nội sinh hay ngoại nhập, tôi cho rằng, với khoảng một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa, tín ngưỡng của người Hán cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam xưa đã tồn tại những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Trước hết là điều kiện kinh tế xã hội. Ở thời kỳ đầu của xã hội nguyên thủy, nền kinh tế dựa vào săn bắt, hái lượm là chủ yếu nên sự tồn tại của con người lệ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Do đó, con người sùng bái tự nhiên – các nhiên thần. Khi xã hội loài người chuyển từ nền kinh tế săn bắt, hái lượm sang nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi đã đánh dấu bước phát triển mới của nhân loại. Con người không còn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên như trước nữa, đồng thời khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội công xã nguyên thủy. Thời kỳ này, bên cạnh biểu tượng về các thần tự nhiên đã xuất hiện biểu tượng về vật t (tôtem). Tôtem giáo phản ánh niềm tin vào mối quan hệ họ hàng thần bí giữa con người với một loại động, thực vật nào đó. Tuy vậy, lòng tin vào tôtem vẫn chưa đủ điều kiện để hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nếu thiếu chế độ thị tộc phụ quyền, phụ hệ.

Sự ra đời của chế độ thị tộc phụ hệ là kết quả của việc công cụ sản xuất phát triển (theo các nhà khảo cổ học, thì việc sử dụng công cụ đồng rồi sắt đã có tác động mạnh đến sản xuất) kéo theo sự phân công lao động giữa trồng trọt, chăn nuôi và thủ công ngày càng rõ rệt. Bên cạnh đó, nhu cầu bảo vệ và mở rộng lãnh thổ do người đàn ông có sức mạnh cơ bắp hơn nữ giới đảm nhiệm. Từ yêu cầu sản xuất đến nhu cầu lãnh thổ đã nâng địa vị của người đàn ông lên hàng đầu. Cùng với sự biến đổi từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ, trình độ sản xuất của xã hội ngày càng cao, của cải làm ra ngày càng nhiều, đã xuất hiện vấn đề thừa kế tài sản. Quyền thừa kế tài sản theo dòng họ cha đã củng cố vững chắc vị trí của người đàn ông trong xã hội. Bằng uy tín của mình, những người đàn ông đã củng cố và thiêng hóa sự thờ cúng tổ tiên từng manh nha trong thời kỳ thị tộc mẫu quyền. Trong xã hội có giai cấp, vị trí của người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội càng được khẳng định, tạo điều kiện cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phát triển mạnh.

Ngoài ra, đối với trường hợp Việt Nam, nền kinh tế tiểu nông theo kiểu tự cung tự cấp đã tồn tại lâu dài trong xã hội cũng là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Mỗi gia đình là một cơ sở sản xuất độc lập, cũng là nơi tiêu thụ chính sản phẩm do họ làm ra. Vì vậy, tâm thế, tình cảm của người Việt thường hướng vào gia đình nhỏ của mình. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình được chú ý, quan tâm hơn cả.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt được hình thành trực tiếp trên cơ sở phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng này. Khi địa vị, quyền lực của người đàn ông trong gia đình và xã hội vẫn được giữ vững thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn sẽ còn tồn tại trong cộng đồng.

Sau đó là điều kiện tâm lý. Một trong những tiền đề quan trọng dẫn đến sự hình thành tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng là trình độ tư duy, nhận thức của con người. Có thể nói, để tín ngưỡng hình thành, là khi trình độ nhận thức của nhân loại đạt đến mức độ tư duy trừu tượng, khái quát cao.

Những phát hiện của khảo cổ học, dân tộc học cho biết cách đây 4 – 5 vạn năm, người tinh khôn (homosapiens) đã chôn người chết có đồ tùy táng kèm theo. Điều này chứng tỏ homosapiens đã có khả năng tư duy trừu tượng, nhận thức được mối quan hệ của bản thân với thế giới xung quanh, về cái chết và cuộc sống sau khi chết. Ở Việt Nam cũng đã phát hiện ra những ngôi mộ cổ có niên đại hơn 2000 năm với những đồ dùng sinh hoạt, trang sức… chứng tỏ người Việt cổ sớm có ý niệm về một thế giới sau khi chết. Ngày nay, người Việt vẫn chôn theo thi hài người chết những đồ dùng cá nhân như quần áo, gương, lược…, với ý nghĩa, là để cho linh hồn người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Trong quan niệm của người Việt, thế giới sau khi chết mới thực sự là quê hương (sống gửi, thác về). Điều này bộc lộ rất rõ qua ngôn ngữ hàng ngày, người Việt ít khi dùng từ chết mà thay bằng: về quê, về với tổ tiên, quy tiên, về nơi chín suối…

Ngoài yếu tố nhận thức, còn có một số yếu tố tâm lý khác góp phần hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt. Đó là sự lo lắng, sợ hãi, lòng biết ơn, kính trọng… của họ đối với các đối tượng được thờ cúng.

Sợ hãi là yếu tố xúc cảm có tác động mạnh mẽ đến hành vi thờ cúng tổ tiên. Trong chế độ phụ hệ, quyền lực của người đàn ông làm nảy sinh ở người phụ nữ và con cháu của họ sự quy thuận lẫn cảm giác sợ hãi, kể cả khi người đàn ông gia trưởng còn sống và khi họ đã chết. Với niềm tin rằng, nếu không thờ cúng tổ tiên, chẳng những không được phù hộ, che chở mà còn bị trách mắng, quở phạt, khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả và bất hạnh.

Xuất phát từ nỗi lo lắng trước cuộc sống vốn không ít rủi ro, bất hạnh, sa cơ, lỡ vận, bệnh tật hiểm nghèo…, con người có nhu cầu được che chở, giúp đỡ bởi các lực lượng siêu nhiên, trong đó có linh hồn tổ tiên. Người Việt tin rằng, tổ tiên sau khi rời khỏi thế giới hiện hữu sẽ trở thành vị thần che chở, bảo vệ gia đình của họ, giúp con cháu gặp nhiều may mắn và tránh được rủi ro. Do vậy, cần phải thờ phụng tổ tiên một cách cẩn trọng, chu đáo.

Trong tất cả những điều gây nên cảm giác sợ hãi cho con người, có lẽ cái chết luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, đáng sợ nhất nhưng không ai trốn chạy được nó. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với quan niệm chết là về quê, về với tổ tiên, về nơi cực lạc… khiến cho con người chấp nhận cái chết thể xác một cách thanh thản, bình tĩnh, ít lo lắng, sợ hãi hơn.

Dù cho nỗi lo lắng, sự sợ hãi có vai trò quan trọng trong việc hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Việt, nhưng nếu chỉ vì thế mà thờ cúng tổ tiên, thì có lẽ tín ngưỡng này đã không tồn tại lâu bền như vậy. Yếu tố đóng vai trò quyết định đến việc duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là sự tôn kính, lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, là tình yêu thương và lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Cùng với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ngày càng phát triển, được củng cố bền vững do chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi một số tôn giáo, đặc biệt là Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo.

Nho giáo do Khổng Tử (551 – 479 trước CN) sáng lập ra đúng vào giai đoạn nhà Chu ở Trung Quốc đang suy tàn. Khi đó, trật tự xã hội bị đảo lộn, chuẩn mực đạo đức của nhà Chu không còn tác dụng điều chỉnh hành vi của con người. Với mục đích cải thiện đời sống chính trị, xã hội, đạo đức đương thời, nên Khổng Tử rất coi trọng cuộc sống hiện tại của con người mà ít bàn đến các vấn đề thần học. Tuy nhiên, Khổng Tử lại khuyến khích mạnh mẽ sự thờ cúng tổ tiên với ý đồ lập lại gia phong, kỷ cương xã hội. Đối với Khổng giáo, thờ cúng tổ tiên có vai trò quan trọng trong việc thiết lập lại trật tự, đạo đức xã hội.

Khổng Tử và những người kế thừa tư tưởng của ông rất đề cao hiếu đễ và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Theo Khổng Tử, sự sống của mỗi người không phải do tạo hóa sinh ra, càng không phải do bản thân tự tạo mà nhờ có mẹ cha. Sự sống của mỗi người gắn liền với sự sống của cha mẹ, sự sống của cha mẹ gắn liền với sự sống của ông bà và cứ như vậy, thế hệ sau là sự tiếp nối của thế hệ trước. Vì thế, con người biết ơn không chỉ cha mẹ mà phải ơn cả những thế hệ tổ tiên trước đó, có hiếu với cha mẹ thì phải trọn hiếu với tổ tiên. Theo Khổng Tử, bổn phận của con cháu có hiếu với tổ tiên là phải tiếp tục phát triển sự nghiệp của tiền nhân, làm rạng danh gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước. Khổng Tử từng nói: “Vua Võ và em ông có hiếu cao rộng. Hiếu vì tiếp tục chí nguyện của ông cha, noi theo sự nghiệp của ông cha để lại mà mở mang ra”. Sau này, đề cao khía cạnh truyền sinh sự sống, một danh nho thời Tống là Trình Di đã đặt vấn đề sinh con trai nối dõi tông đường cũng là bổn phận của người con có hiếu. Những tư tưởng này có ảnh hưởng rất lớn đến việc thờ cúng tổ tiên của người Việt cho đến ngày nay.

Đạo giáo xuất hiện ở Trung Quốc vào TK II trước CN, dựa trên những tư tưởng của Lão Tử về Đạo. Đạo là nguồn gốc của vạn vật, là quy luật vận động của tự nhiên nhưng lại được ông diễn tả như một thứ huyền bí, một nguyên lý tối cao vô hình. Đây chính là điểm để hệ tư tưởng này giải thích Đạo theo hướng thần học, thành thần, chúa tể ngự trị nhân gian. Ngoài ra, lý tưởng vô vi thoát tục, coi đời là một cõi mộng, xem thường sống chết, xem công danh phú quý là khổ lụy, khuyến khích con người trở về trạng thái tự nhiên chất phác, không tư hữu, không đấu tranh… của Lão Tử đã được Đạo giáo lợi dụng triệt để, khuếch đại, thổi phồng. Trong quá trình lợi dụng tư tưởng của Lão Tử, Đạo giáo đã đưa Lão Tử lên làm giáo chủ của Đạo giáo.

Ngoài tư tưởng của Lão Tử, Đạo giáo còn dựa trên các tín ngưỡng nguyên thủy, truyền thuyết thần tiên và ma thuật. Chúng ta đã biết, vào thời kỳ sơ khai, con người rất sùng bái tự nhiên, nên họ thờ cúng thần chủ của mọi sự vật, hiện tượng từ hòn đá, gốc cây… đến núi, sông, sấm, chớp… Về sau, những vị thần tự nhiên này trở thành tôn thần của Đạo giáo, ví như thần nước là tứ hải long vương, thần đất là thổ địa, thần bếp là táo quân… Trên cơ sở truyền thuyết thần tiên, Đạo giáo còn tạo nên nhiều nhân vật mang dáng dấp của con người, trường sinh bất lão, ở nơi bồng lai tiên cảnh, sống cảnh an nhàn thanh thản, thần thông quảng đại có thể cưỡi mây, đạp gió, thoắt ẩn thoắt hiện và làm được nhiều việc phi thường khác. Quan niệm này đã ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nó thể hiện ở niềm tin rằng, linh hồn tổ tiên tồn tại mãi mãi ở thế giới bên kia, rằng sau khi chết, linh hồn tổ tiên có thêm năng lực phi thường, có thể đi mây về gió, có thể gây tác động tích cực hay tiêu cực đến cuộc sống của con người.

Người Việt cổ cũng luôn mong cầu sự che chở của sức mạnh siêu nhiên, tin vào quỷ thần và ma thuật. Điều này được thể hiện qua những câu chuyện huyền thoại được lưu truyền trong dân gian (như truyền thuyết về Lạc Long Quân có nhiều phép thuật, An Dương Vương được thần Kim Quy giúp xây thành Cổ Loa, Chử Đồng Tử nhờ có phép thuật xây lâu đài trong chớp nhoáng…), qua hệ thống tín ngưỡng đa dạng, phong phú. Niềm tin vào thần tiên, ma quỷ, phép thuật của người Việt là điều kiện hết sức thuận lợi để Đạo giáo xâm nhập và phát triển trong cộng đồng. Thực tế, Đạo giáo đã hòa trộn vào tín ngưỡng dân gian đến mức người ta khó phân biệt đâu là Đạo giáo, đâu là tín ngưỡng bản địa. Vì thế, Đạo giáo in đậm trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ngày nay, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của Đạo giáo tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt trong nghi thức ma chay tang chế, trong việc xây cất, tu bổ mồ mả và tục đốt vàng mã.

Phật giáo do thái tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn sáng lập ra vào khoảng hơn 2500 năm trước. Ngay từ đầu CN, Phật giáo đã theo đường biển mà truyền vào miền Bắc nước ta. Ban đầu, cư dân Việt đã thọ giáo các nhà sư Ấn Độ thuộc phái Tiểu thừa. Về sau, các nhà sư Trung Hoa thuộc phái Đại thừa sang nước ta mà truyền đạo. Đến nay, phái Đại thừa của Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo với 3 tông phái: Mật tông, Thiền tông và Tịnh độ tông. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng đến Việt Nam, dân gian không tách biệt rạch ròi 3 tông phái này, mà hỗn dung chúng với tín ngưỡng bản địa. Do đó, không có tông phái Phật giáo nào ở Việt Nam còn thuần khiết.

Cũng giống với các tín ngưỡng dân gian khác, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc những quan niệm của Phật giáo về tổ tiên. Nói cách khác, Phật giáo cũng ảnh hưởng nhiều đến nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đặc biệt là, các nghi lễ trong tang chế và nghi thức thờ cúng trong dịp tết cổ truyền. Ảnh hưởng của Phật giáo đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn thể hiện trong các bài văn khấn cúng tổ tiên của người Việt. Giáo lý đạo Phật cũng nói nhiều đến tứ ân, yêu cầu phật tử cần phải nhớ và thực hành 4 ân (ơn): ân tam bảo, ân cha mẹ, ân quốc gia xã hội và ân pháp giới chúng sinh.

Có thể thấy, Phật giáo rất coi trọng tình cảm biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, nhất là các đấng sinh thành và khuyến khích con cháu thể hiện tình cảm đó quan việc thờ phụng. Quan niệm này rất phù hợp với đạo đức truyền thống của người Việt, nên Phật giáo nhanh chóng dung hợp được với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và có ảnh hưởng đến tín ngưỡng này ngày một sâu sắc.

Có thể lấy ví dụ nghi lễ trong đám tang của người Việt. Trước giờ phút lâm chung của người thân, phần đông người Việt thường mời sư và các vãi đến tụng kinh, niệm Phật cho người sắp qua đời. Việc này, mang ý nghĩa giúp cho người thân của họ sớm được siêu thoát. Một số nơi (như ở Hà Nội, Bắc Ninh), khi đưa tiễn người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhà sư đi đầu đám tang, tiếp theo là các vãi (gọi là đội cầu vong) cầm cờ phướn Phật, vừa đi vừa đọc kinh. Sau cùng, là linh cữu người chết và thân nhân của họ. Sau 35 ngày hoặc 49 ngày qua đời, vong linh người chết lại được người thân đưa lên chùa quy y và nhờ nhà sư làm lễ cầu siêu. Theo quan niệm của Phật giáo, linh hồn người đã khuất có thể thờ tự ở tư gia hoặc thờ tại chùa hoặc cả hai. Nhờ gần gũi với tam bảo nên hương linh được nghe kinh, biết tu tập, không làm các điều ác… để rồi sớm thức tỉnh, chuyển hóa và sinh vào cảnh giới an lành. Ngày nay, do ảnh hưởng quan niệm trên của Phật giáo mà nhiều gia đình người Việt đưa vong của cha mẹ, ông bà lên nhờ cậy nhà chùa thờ tự (dân gian thường gọi là ăn mày cửa Phật). Ngoài nghi lễ trong thời kỳ tang chế, một số gia đình người Việt còn mời nhà sư về nhà làm lễ trong các dịp giỗ đầu, giỗ hết cho vong hồn người thân đã qua đời vào tết Thượng nguyên.

Lễ Vu Lan là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo, diễn ra vào ngày 15-7 âm lịch, trùng với tết Trung nguyên – cái tết gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đây là ngày lễ báo hiếu cha mẹ, là ngày xá tội vong nhân, cúng tế cô hồn. Trong ngày Vu Lan, người ta dâng các vật phẩm để cúng chư tăng (không phải cúng Phật, chư tăng gồm: thánh tăng, hiền tăng và phàm tăng) với mục đích cầu xin cho linh hồn người chết thoát khỏi địa ngục, siêu thoát, về đến cõi cực lạc.

Hàng năm, người Việt có nhiều dịp thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Ngoài việc thờ cúng vào ngày giỗ, tết theo truyền thống, thì người Việt còn thường xuyên thờ cúng tổ tiên vào ngày rằm, mồng một âm lịch (ngày sóc, vọng) theo truyền thống Phật giáo và nhiều dịp bất thường khác khi cá nhân, gia đình xuất hiện sự kiện mới. Ảnh hưởng của Phật giáo đến thờ cúng tổ tiên trong tất những dịp này được thể hiện trong các bài văn khấn. Mở đầu bài văn khấn, chủ thể tiến hành nghi lễ thờ cúng thường đọc: “Nam mô A di đà phật! Kính lạy tổ tiên…”. Qua đó cho thấy, người Việt quan niệm Phật là đấng cứu độ chúng sinh, cứu độ tổ tiên, hướng đường cho tổ tiên về cõi Tây phương cực lạc. Người Việt niệm Phật A di đà với ý nghĩa cầu mong sự siêu thoát cho tổ tiên và sự độ trì cho con cháu nơi trần thế.

Như vậy, mặc dù chưa xác định được tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất hiện vào thời điểm nào trong lịch sử, nhưng có thể nói rằng, từ xa xưa, xã hội Việt Nam đã chứa đựng những yếu tố thuận lợi, mầm mống cho sự hình thành tín ngưỡng này. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ phát triển, có biểu hiện rõ nét hơn, rồi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt là nhờ sự tiếp biến, tác động bởi một số tôn giáo, trong đó có: Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Những quan niệm từ những tôn giáo này còn tiếp tục bồi đắp, song hành trên diễn trình, đường đi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

_______________

1. Hà Văn Tăng, Trương Thìn, Tín ngưỡng và Mê tín, Nxb Thanh Niên, 1999, tr.150.

2. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội, 1996, tr.181.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Hải Yến

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *