Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) từ lâu đã được thừa nhận là một nhà nho, nhà văn học, một cây đại thụ phủ bóng cả TK XVI. Nhưng, quan trọng hơn, ông đóng vai trò cầu nối của hai thế kỷ, kết thúc một thời đại này và mở sang một thời đại khác. Nguyễn Bỉnh Khiêm, xét về mặt loại hình nhân cách hoặc mẫu người văn hóa, là một nhà nho quân tử hay con người quân tử, như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông. Nhưng khác Nguyễn Trãi ở chỗ Ức Trai sống vào giai đoạn Nho giáo chưa trở thành quốc giáo, chưa lên ngôi chính thống, độc tôn. Và khác Lê Thánh Tông ở chỗ Nho giáo thời Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy vẫn là chính thống, vẫn là độc tôn, nhưng đang suy vi vì chiến tranh, đất nước bị chia cắt, nhân dân cực khổ và nổi loạn. Nhà nho quân tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì thế, có những nét mới, đặt ra những vấn đề mới.
1. Vấn đề chọn chủ
Với một nhà nho quân tử, vấn đề cốt yếu, mang tính lý tưởng vẫn là trung thành với nhà vua chính thống (trung thần bất sự nhị quân). Nhưng ở thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, các khái niệm vua và nước đã bắt đầu không còn trùng khít nữa, quyền lợi của vua mâu thuẫn với quyền lợi của dân, nên việc trung thành với một ông vua ngu tối (hôn quân) sẽ trở thành ngu trung. Đây cũng chính là lý do “danh chính ngôn thuận” cho các cuộc nổi dậy với tiêu ngữ: Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn/ Mục Dã, Minh Điền hữu Vũ, Thang. Từ đấy, vấn đề chọn chủ được đặt ra. Sự lựa chọn này trở thành một vấn đề trí thức bắt đầu từ Nguyễn Bỉnh Khiêm với Lê – Mạc, và sẽ kéo dài với bao người khác trước sự phân tranh Trịnh – Nguyễn, Tây Sơn – Nguyễn Ánh… Đúng sai là một chuyện, nhưng chuyện khác là ứng xử này của Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau đã trở thành một trong những khuôn mẫu cho nhiều thế hệ nhà nho, trí thức…
Việc Nguyễn Bỉnh Khiêm ra ứng thí dưới triều (ngụy) Mạc, rồi làm quan to, rồi tòng chinh theo vua Mạc đánh dẹp “loạn quân”, trong đó có cả những người thuộc dòng giống chính thống nhà Lê, đã gây nhiều băn khoăn, thắc mắc ở những đầu óc phò chính thống thâm căn cố đế. Ấy thế mà ông làm tất cả những điều ấy dường như không hề có một mặc cảm nào. Rồi khi về ẩn ở quán Trung Tân hay am Bạch Vân, ông lại cho một trong những học trò yêu nhất của mình là Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hóa giúp nhà Lê để đối nghịch với nhà Mạc. Đến khi tập đoàn Lê thắng thế, xảy ra tranh giành nội bộ giữa con cháu Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng vấn kế an thân, thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại mách nước: Hoành sơn nhất đái/ Vạn đại dung thân…
Thái độ “bất nhất” này của Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay còn khiến giới học giả nhiều suy đoán, lý giải. Hẳn để đề cao ông, nên có ý kiến cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng một lúc “cố vấn” cho cả ba tập đoàn Mạc, Trịnh, Nguyễn như vậy là để cho chúng sớm tiêu diệt lẫn nhau nhằm giảm bớt xương máu nhân dân. Lại có ý kiến khác là ông thấy chúng đánh nhau mãi mà bất phân thắng bại nên tìm kế “dãn cách” chúng, dụ mỗi tập đoàn ra ở một góc “sân chơi” cho chúng đỡ “chành chọe”. Âu cũng là một phương sách nữa để tiết kiệm xương máu nhân dân. Ý kiến thứ ba cho cả hai “sáng kiến” trên đều là võ đoán, hoặc suy diễn. Thực ra, hành động ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là thái độ mặc cho sự vật trôi chảy theo lẽ biến dịch tự nhiên. Và đằng sau lẽ biến dịch ấy là “chủ nghĩa Mắckênô”, là thái độ vô trách nhiệm về chính trị, làm cho tình thế đất nước vốn đã đen tối càng thêm tối đen (1).
Thái độ chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn là liên quan đến thứ dịch lý đã làm ông nổi tiếng là Trạng Trình. Cái danh xưng này người đời phong cho ông là muốn nói rằng ông, về lý học, chẳng kém mấy ông thày Tàu là Trình Hạo, Trình Di, những ông tổ Tống Nho. Một thứ Tân – Khổng giáo biết nạp vào mình rất nhiều ý tứ của Chu dịch, thuyết âm dương ngũ hành, tư tưởng Lão Trang, Phật giáo để xây dựng cho kỳ được một thế giới quan hoàn chỉnh. Các yếu tố nói trên, một khi đã đi vào Nho giáo và trở thành một yếu tố của hệ thống ấy, thì chúng không hẳn còn là chúng nữa, mà đã bị hệ thống Nho giáo bẻ queo đi rất nhiều. Nói vậy, để khẳng định rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sau gì vẫn là một nhà nho, vẫn thuộc loại hình nhà nho quân tử. Dịch lý của ông vẫn chỉ là dịch lý Tống Nho, sự đi ở ẩn của ông vẫn là lẽ xuất xử thường hằng của nhà nho, chứ không phải của một đạo sĩ hoặc một đạo gia. Tuy vậy, việc hiểu thấu dịch lý cũng làm cho cụ Trạng có những ứng xử lệch chuẩn so với Nho giáo chính thống. Điều này làm cho ông dường như đứng ngoài và đứng trên những tập đoàn quyền lực và những biến động thời cuộc. Có người xuất phát từ các dữ kiện thời cuộc hiện nay mà cho rằng cái thế đi giữa các mâu thuẫn này của Trạng Trình mới đúng là cái thế đi của người Việt Nam, mới đúng là cách ứng xử khôn ngoan của người Việt? (2). Các nhận định phi lịch sử và ít nhiều hiện đại hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm trên đều lấy cái chuẩn ra làm tiền đề phán đoán, nên nó chỉ mới đụng đến bề mặt của đối tượng. Muốn đánh giá đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm phải xét ở chỗ lệch chuẩn thì mới có cơ đi vào cấu trúc bề sâu hiện tượng. Mà chỗ lệch chuẩn quan trọng nhất, ngoài ứng xử chọn chủ, thì với Trạng Trình, không-chọn-chủ cũng là một cách chọn chủ. Hình thức không-chọn-chủ phổ biến hơn cả với các trí thức Nho giáo là lui về ở ẩn.
2. Vấn đề chọn ẩn
Thực ra, quy ẩn chưa hẳn đã là một lệch chuẩn, bởi đó là một ứng xử bình thường của một nhà nho. Gặp thời thịnh, vua sáng thì ra làm quan để hành đạo, tức truyền bá lý tưởng Nho giáo. Phải thời loạn, vua tối thì lui về làm bạn với thiên nhiên để di dưỡng tinh thần chờ cơ hội xuất chính. Bởi vậy, ẩn với nhà nho chẳng qua chỉ là một tình thế “cực chẳng đã” tự nguyện. Nên, xét cho cùng, hành và tàng chỉ là một thế ứng xử trong hai hoàn cảnh khác nhau. Vì thế, sự lệch chuẩn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ đơn thuần ở hành động quy ẩn, mà chính ở chỗ ẩn như thế nào. Và để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ nên lấy chữ nhàn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ra xét. Bởi, nhàn dật trong sự đối lập với công danh sẽ hiện rõ một cách sống, và quan trọng hơn, một quan niệm sống.
Thơ nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thú thơ dại cũ hãy còn đeo/ Nẻo được nhàn thì kẻo có nghèo; Lẻ tẻ bên giang bảy tám nhà/ Thú nhàn mừng thấy bạn ngâm nga) và Nguyễn Trãi (Gia tài ấy xem nhàn hạ/ Đạo đức này khá chính chuyên; Nhiều của ấy chẳng qua chữ nghĩa/ Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay) thoạt xem thì có rất nhiều chỗ giống nhau. Cũng là ca ngợi chữ nhàn, cũng là triết lý chữ nhàn, nhưng nhàn Nguyễn Trãi là nhàn bắt buộc, buộc phải nhàn. Vốn gắn với nhà Lê bằng cả xương máu cuộc đời mình, vốn coi nhà Lê là một với lý tưởng cuộc đời mình, nay vì gian thần lộng hành mà phải về Côn Sơn ở ẩn, nên tư thế Nguyễn Trãi là “triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải”, nên tâm thế của Nguyễn Trãi là thân nhàn (Củi hái mấy, dầu trúc bó/ Cầm đưa gió, mặc thông đàn/ Ngày xem hoa rụng chẳng cài cửa/ Đêm rước chim về mưa lạc ngàn) mà trí chẳng nhàn (Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông hoặc Chữ học ngày xưa quên hết dạng/ Chẳng quên có một chữ cương thường)… Trong khi đó, nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nguyện. Ông thức nhận và tự lựa chọn (Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao). Bởi vậy, nhàn với ông là một thú vui (Đêm đợi trăng cài bóng trúc/ Ngày chờ gió thổi tin hoa). Thiên nhiên không còn tồn tại như một niềm an ủi, một sự giải tỏa nữa, mà đã trở thành bầu bạn. Ông nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải sống với thiên nhiên như Nguyễn Trãi nữa, mà sống trong thiên nhiên, như một bộ phận của thiên nhiên. Để làm rõ điều này, chúng ta có thể xem cùng dùng một từ ao mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “cấp” cho nó những nghĩa khác nhau như thế nào. Với: Rau trong nội, cá trong ao hoặc Ao quan thả gửi hai bè muống, ao ở Nguyễn Trãi mang ý nghĩa sản xuất, nghĩa là Ức Trai vẫn còn rất nặng lòng với việc đời. Còn ao với Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ đơn thuần là nơi tắm mát: Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Như vậy, chữ nhàn của nhà nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bắt đầu chuyển dịch về phía tư tưởng Lão Trang.
Đó là triết lý tự tại:
An quán ngày nhàn, rồi mọi việc
Dầu ta tự tại, mặc dầu ta
Sống tự tại đã là sống đời sống của một cá nhân, sống với tư cách cá nhân. Nghĩa là con người không phải sống vì phận vị, tự đơn giản hóa mình thành con người chức năng, mà là sống có lạc thú cá nhân để trở thành một “con người cá nhân có lạc thú”, theo cách gọi của Trần Đình Hượu. Mà trước hết là thú nhàn. Nhưng con người tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là con người cá nhân cô độc của Lão Trang. Ẩn sĩ kiểu Lão Trang lấy dưỡng sinh làm mục đích sống hàng đầu, biết tự mình đầy đủ (tri túc) với mình, bởi họ quan niệm mỗi người đều là một cá nhân, một mẫu, một tiểu vũ trụ tồn tại hữu hạn. Con người tự tại không quay lưng lại với xã hội và con người, bởi nó vẫn sống trong xã hội, sống trong sự giao tiếp thường ngày với con người. Nó chỉ lánh xa cái phần danh lợi của xã hội và con người mà thôi. Bởi thế nó phải sống tĩnh, tránh xung đột với ngoại cảnh. Tự tại là một trạng thái tĩnh. Điều này thật khác với tự do, một trạng thái động. Tự do vừa có được sự tự tại bên trong vừa không ngại va chạm với những quan hệ phức tạp bên ngoài. Tự do là một cấp độ cao hơn tự tại. Chỉ con người cá nhân toàn vẹn mới đạt đến tự do. Đến nay có hai loại người đạt đến tự do: ẩn sĩ Lão Trang (chân nhân) và con người cá nhân hiện đại. Nhưng tự do của ẩn sĩ là thứ tự do ở ngoài hoặc trên xã hội, còn tự do của con người cá nhân là tự do trong xã hội. Chân nhân là tự do khỏi, còn cá nhân là tự do để. Và từ khỏi đến để là cả một thiên lý. Nguyễn Bỉnh Khiêm là con người tự tại, nghĩa là ông phần nào đã thoát khỏi đời sống cộng sinh của con người chức năng. Ông vẫn là một con người quân tử nhưng đã có sự lệch chuẩn. Nhưng độ lệch của ông chưa đủ lớn để khiến ông bước sang một mẫu người văn hóa khác: con người tài tử, như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát…
3. Từ lệch chuẩn đến một chuẩn khác
Như vậy, xét về mặt tư tưởng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, bằng sự lệch chuẩn của mình, đã mở đầu cho cả một loạt những chuẩn khác. Tức sự lệch với chuẩn cũ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thành một chuẩn mới cho nhiều thế hệ trí thức nho sĩ các thời đại sau. Trước hết, có lẽ, nên tìm hiểu những lý do đã đưa đến sự lệch chuẩn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một là, xã hội thời Nguyễn Bỉnh Khiêm sống thì Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập nên nhà Mạc. Một số cựu thần nhà Lê chạy về quê hương Thanh Hóa lập chiến khu kháng chiến chống Mạc. Chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến này đã làm Nho giáo suy yếu, phần nào mất đi hình ảnh độc tôn, tạo điều kiện cho các tư tưởng khác như Đạo giáo, Phật giáo, văn hóa dân gian hồi sinh. Điều này không thể không ảnh hưởng đến các quan niệm Nho giáo của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai là, tuy tiếp thu dịch lý, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không để lại một tác phẩm nào về dịch lý học, cả lược thuật học thuyết lẫn chú giải học thuyết, nên hậu thế không biết ông tiếp thu dịch lý sâu đến đâu, có kiến giải gì riêng, độc đáo không. Ngược lại, ông rất nổi tiếng là một nhà lý học, nhà triết học chỉ qua rất nhiều những câu “sấm Trạng Trình” trong đó hẳn không ít là những sáng tác dân gian “hậu Trạng Trình” và những bài thơ triết lý một cách rất phổ thông. Tuy vậy, việc tiếp thu lý học cũng làm Nguyễn Bỉnh Khiêm dễ đến với tư tưởng Lão Trang. Và, sự tiếp thu tư tưởng Lão Trang đã làm nhạt chất Nho giáo trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng chưa đủ liều lượng đẩy ông sang mẫu hình nhà nho tài tử như các nho sĩ cuối TK XVIII đầu XIX.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, thì thấy cơ chế tiếp thu lấy, bỏ, thêm, bớt không có hệ thống, mang tính thực dụng đã khiến cho các nhà nho Việt Nam, kể cả các nhà nho tài tử, bỏ phần triết học chỉ lấy phần đạo lý, nên không thể trở thành các nhà đạo học, các nhà triết học Lão giáo. Triết học Lão Trang ở Việt Nam, vì thế, chỉ trở thành một triết lý hành lạc, một triết lý nhân sinh mang tính biện hộ của con người tài tử. Hai đặc điểm trên, từ khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống, một mặt đã thúc đẩy sự phát triển của thơ ca, kể cả thơ ca triết lý, mà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trường hợp tiêu biểu, mặt khác lại kìm hãm sự phát triển của triết học, cả dòng triết học tư biện lẫn dòng triết học khảo chứng, tạo một khập khiễng trong văn hóa Việt Nam (3).
_______________
1. Huỳnh Lứa, Góp một ý kiến nhỏ về vị trí của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử trong Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr.68 – 74.
2. Xem thêm: Trần Ngọc Vương, Nguyễn Bỉnh Khiêm – hư và thực trong Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr.427 – 434.
3. Bài viết được sự tài trợ của Quỹ Khoa học Công nghệ Quốc gia Nafosted.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015
Tác giả : ĐỖ LAI THÚY
Wiki :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%E1%BB%89nh_Khi%C3%AAm
https://www.wikiwand.com/vi/Nguy%E1%BB%85n_B%E1%BB%89nh_Khi%C3%AAm
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ