PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế đã phiêu diêu trên bầu trời cao vời vợi, theo làn gió mà đi vào cõi vĩnh hằng lúc 19h56’ ngày 19-3-2013 (giờ tuất, ngày 8-2 năm Quý Tỵ). Chuyến đi, hành trình cuối cùng thày về miền cực lạc là chuyện thường của thế gian, của nhân sinh thế tục. Theo Phật triết, sự vật có sinh, trụ, dị, diệt; đời người có sinh, lão, bệnh, tử. Sự sống thì hữu hạn, cái chết là vô hạn, sống gửi, thác về (1). Vì mọi sự vật hiện hữu đều sinh ra từ hư không, cái chết là sự khởi đầu, tái sinh cho một sự sống, kiếp đời mới. PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế đã về với tổ tiên, gặp lại cha mẹ, gặp lại GS Trần Quốc Vượng và gặp cả… những đồng nghiệp đã “nhanh chân” đi trước ông về miền đất hứa.
Nguyễn Hải Kế sinh ra và lớn lên trong một gia đình giáo chức ở vùng quê Tân Liên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cha ông là một nhà giáo có tiếng ở vùng Vĩnh Bảo, mẹ ông là một người phụ nữ truyền thống, thông thạo chữ Nho. Có lẽ vì thế, ông được thừa hưởng toàn bộ khí chất minh mẫn của cha mẹ. Học xong phổ thông trung học, từ cậu học sinh, ông trở thành sinh viên K.15 của khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại khoa Sử làm giảng viên, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (năm 1975). Từ năm 1987 đến 1991, ông là nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Từ 1992-1996, ông tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Sau khi về nước, ông tiếp tục công việc của một nhà sử học, nhà giáo vừa nghiên cứu vừa giảng dạy đại học ở Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). Cũng trong những năm cuối của TK XX, PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế đã sát cánh cùng GS Trần Quốc Vượng xây dựng Bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam (nay là Lịch sử Văn hóa Việt Nam và Văn hóa học). Năm 2000, lứa sinh viên đầu tiên (2) của chuyên ngành này đã tốt nghiệp, nhiều thành viên của lớp sau này đã nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Năm 2002, ông nhận học hàm Phó giáo sư. Năm 2004, ông là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV. Sau khi GS Trần Quốc Vượng qua đời (năm 2005), ông không chỉ tiếp nhận chức danh Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Văn hóa Việt Nam, mà còn tiếp nhận cả tư tưởng, trí tuệ, tâm nguyện và cả công sức của người tiền nhiệm. Đây là một trọng trách nặng nề, nhiều thăng trầm nhưng cũng quý báu, thiêng liêng đối với ông.
Đối với công việc, Nguyễn Hải Kế là một con người tận tụy, say mê nghiên cứu khoa học và giảng dạy lịch sử, văn hóa. Những kiến giải về lịch sử, văn hóa thường được ông nhìn nhận thấu đáo, sắc sảo và khác người. Điều đó đã làm nên một Nguyễn Hải Kế dị biệt với những suy nghĩ và tư duy khoa học thông thường. Ông không hay, không thích dùng lý thuyết cao siêu, Tây học để giải thích những hiện tượng lịch sử, văn hóa Việt Nam vốn đa nguyên, đỏng đảnh, nhưng sâu sắc, mà, dùng chính thực tế trải nghiệm của cá nhân ông học, tiếp nhận từ dân gian để lý giải một cách rất đời những vấn đề khoa học đó. Ông thường ví văn hóa Việt Nam giống như “bia hơi” để cho người dân ai uống cũng được, bất kể sang hèn, quyền chức hay thường nhân. Có thể nói, nhãn quan và tư duy khoa học của Nguyễn Hải Kế được hình thành trong một quá trình với những biến đổi sâu sắc trong nhận thức.
Từ một người làm nghiên cứu khoa học lịch sử chính tông, rồi lại được đào tạo chặt chẽ, bài bản, lý tính ở nước ngoài, nên giai đoạn đầu, những công trình nghiên cứu của Nguyễn Hải Kế về làng xã Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung mang nặng tính duy lý, phương Tây. Những con số thống kê trên nền tảng định lượng và nguồn tư liệu gốc đa dạng trong Một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996) ông đã đưa ra những kết luận, kiến giải đúng đắn nhưng thiếu mềm mại, đôi khi nặng nề về con số. Tuy nhiên, từ nền tảng khoa học lịch sử vốn không có chỗ cho tư duy cảm tính, duy tình đó, ông bước sang nghiên cứu văn hóa Việt Nam, một lĩnh vực không chỉ cần sự chính xác, khách quan dựa trên nguồn tư liệu và thống kê định lượng, mà còn luôn cần cả sự linh hoạt, mềm dẻo đôi lúc chấp nhận cả nghịch lý nữa (3). Giai đoạn thứ hai này, Nguyễn Hải Kế đi từ tư duy của khoa học lịch sử thuần túy sang nghiên cứu, lý giải các hiện tượng của văn hóa Việt Nam nói chung và lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng. Đây là giai đoạn ông tiếp nhận tư duy liên ngành, xuyên ngành và có những thay đổi cơ bản trong nhận thức. Đặc biệt là, tri thức, tư duy và phong cách của Trần Quốc Vượng đã ảnh hưởng ít nhiều đến con người ông. Từ những thay đổi cơ bản trong nhận thức đó đã đưa ông đến với giai đoạn thứ ba. Giai đoạn mà về cả trí tuệ cũng như bản lĩnh khoa học, nhân cách của Nguyễn Hải Kế đã đạt đến độ chín chắn, sâu sắc. Tư duy khoa học lịch sử hòa quyện, nhuần nhuyễn với tư duy văn hóa học, điều đó đã cho phép ông không chỉ lý giải những hiện tượng văn hóa, mà còn quay trở lại giải thích những vấn đề của lịch sử Việt Nam. Từ góc nhìn tổng hợp, liên ngành, xuyên ngành đó, những biến cố lịch sử hay hiện tượng của đời sống văn hóa, xã hội theo cách lý giải của ông trở nên hấp dẫn, sống động và linh hoạt hơn. Tư duy đó của ông đã cho thấy, các vấn đề khoa học luôn cần phải được nhìn nhận lại dưới nhiều góc độ, quan điểm và phương pháp khác nhau, thậm chí chấp nhận trái ngược nhau. Cho đến nay, ông đã công bố 98 bài báo khoa học, xuất bản 3 đầu sách, nghiệm thu thành công 3 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Trong công tác giảng dạy, Nguyễn Hải Kế quan niệm: “Với đông đảo những người đầu tư vào việc đi học, đi thi, để chọn ngành chọn nghề, thì nghề làm thày giáo là sự lựa chọn cuối cùng, chứ không phải đầu tiên trong điều tiết của xã hội Việt Nam. Vì thế những ai, từ tuổi thanh xuân bước lên bục giảng cho đến khi được về nghỉ hưu, vẫn thủy chung với nghề dạy học đâu chỉ là an phận. Thủy chung với nghề thật kiên cường, bản lĩnh qua thẩm định tự thân để không chỉ khi thoái, lui mới quay ra làm thày, mà ngay khi tiến hay đạt cũng không bỏ đi, mà vẫn như nhất nghề làm thày, để cùng học và trồng người không mệt mỏi (giáo nhân bất quyện)”. Vì vậy ông trở thành người truyền cảm hứng học tập, nghiên cứu khoa học và cả tình yêu lịch sử dân tộc cho không chỉ cho người trong ngành mà cả ngoài ngành nữa. Những nhận thức mới, kiến giải khoa học xuất hiện trong quá trình nghiên cứu, đều được ông khéo léo đưa vào “bài giảng”, truyền đạt cho các đối tượng khác nhau trong những không gian và hoàn cảnh khác nhau. Từ giảng đường đến quán cóc, bàn rượu hay tại nhà riêng…, học trò, bạn bè đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình đều cảm nhận được tinh thần và cách nói chuyện dung dị, dễ hiểu của ông. Dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của ông, lần lượt các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã và đang hoàn thành công việc học tập của mình. Mặc dù xuất phát từ những nghiên cứu và cá tính khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung là được Nguyễn Hải Kế truyền cảm hứng, tri thức, phương pháp và lòng say mê trong nghiên cứu khoa học. Họ đang tiếp bước người thày của họ, đi tiếp trên con đường đời ngắn ngủi với niềm vui – nỗi buồn, ngọt bùi – cay đắng, đầy nước mắt nhưng đáng để trải qua. Có lẽ đây là thành quả vĩ đại nhất đối với những người làm công tác giáo dục nói chung và giảng dạy ở bậc đại học nói riêng. Bên cạnh việc giảng dạy cho sinh viên ở bậc đại học, ông đã hướng dẫn thành công 8 thạc sĩ và 2 tiến sĩ.
Tính cách, tri thức, trí tuệ con người làm nên, tạo ra bản lĩnh, tư duy và nhân cách khoa học của cá nhân họ. Hay nói cách khác, bản lĩnh khoa học là biểu hiện rõ và sinh động nhất tính cách, tri thức, trí tuệ của con người ấy, của nhà nghiên cứu ấy. Đối với Nguyễn Hải Kế, ông ghét sự giả tạo, xu nịnh, cầu kỳ, lòe loẹt. Ông thích chất thực thà, giản dị của con người, nhất là đối với học trò của ông. Nên học trò thường quý mến, kính trọng ông. Trong mắt họ về cuộc sống đời thường, ông là người nghiện thuốc lá, thích nhâm nhi bia, rượu. Hơn nữa, ông luôn có tấm lòng bao dung, thẳng thắn, không để bụng, sống giản dị và phong cách “nom” rất nông dân, vì thế mà dễ gần. Ông thường dành một tình cảm đặc biệt cho những sinh viên năm thứ nhất (mới nhập trường, đang còn ngơ ngác, bỡ ngỡ) bằng những lời động viên chân thành ở mỗi dịp khai giảng đầu năm học. Nhưng, trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy ông là người nghiêm khắc, đôi lúc hà khắc và rất khó tính. Thái độ của ông rõ ràng giữa công việc và vui chơi, vì thế, học trò lười thường bị mắng, đôi khi còn “suýt” bị ăn cái bạt tai nữa. Đối với các học trò cũ, ông không chỉ là người thày chuyên môn, mà còn là người cha tinh thần, luôn che chở trong lúc gặp khó khăn trong công việc hoặc trắc trở trong cuộc sống hàng ngày. Vượt qua những kiến thức chuyên môn thông thường, ông đã đưa trí tuệ, tri thức và sự từng trải để lý giải những vấn đề sinh hoạt, ứng xử trong quan hệ đời thường.
Trong con mắt dân gian, Nguyễn Hải Kế là người quen thuộc trên truyền hình. Nhưng ông lên sóng không phải để PR bản thân, mà để truyền cảm hứng yêu nước, tinh thần dân tộc thông qua những tri thức sử học (4). Vì phong cách nông dân nên ông gần dân, cùng sống với dân, rồi học từ dân những tri thức đời thường. Vì vậy, ông sẵn sàng bệt đất hút thuốc lào, nhả khói đê mê cùng bát nước trà xanh, tán gẫu với dân. Để rồi, ông cảm nhận được hết cái không khí, nhịp điệu, lối sống của làng xã, họ tộc, gia đình và cả những sinh hoạt thường ngày nơi thôn dã, mộc mạc. Mỗi khi gặp bà con, người ta thường gọi ông một cách rất thân mật: bác Kế.
Với báo chí, Nguyễn Hải Kế có thái độ rất rõ ràng. Ông thường không trả lời hoặc giữ thái độ im lặng, đôi khi thẳng thừng từ chối những câu hỏi mang tính chung chung, vô thưởng vô phạt. Và, khi ông đã trả lời phỏng vấn, thì báo chí không dám đăng vì thưa thày là “phạm quá” hay “thày ơi, khó cho chúng em!”. Nhưng ai nghe cũng thích cái cách trả lời thẳng thắn, bộc trực của ông, đôi lúc đụng chạm đến không chỉ những câu chuyện thời sự của đời sống xã hội, mà còn đến những cá nhân hay những quyết sách có tầm nhìn chiến lược… Đây cũng là thái độ, bản lĩnh và nhân cách của một nhà khoa học, một nhà giáo chân chính, trung thực với bản thân, với học trò, với gia đình và xã hội.
Những dòng viết ngắn ngủi này về PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế, là cảm nhận của cá nhân tác giả, thực chưa đủ, chưa hết, chưa kết thúc về một người thày uyên bác, đáng kính của ngành sử học, văn hóa học Việt Nam trong lúc tâm trạng rối bời, cảm xúc tiếc thương đến hụt hẫng, trống vắng…! Hình ảnh người thày cao, gày, vầng trán rộng, có đôi mắt sáng và dáng người lệch vai đã in đậm trong tâm trí người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là đám học trò chúng tôi nữa. Xin cung kính thắp nén tâm nhang, mong linh hồn thày phiêu diêu tự tại cùng hồn thiêng, sông núi nước Nam!
_______________
1. Theo quan niệm của dân gian Việt Nam (có ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo) thì cuộc sống của con người ở trần gian chỉ là tạm bợ, về với đất, với tiên tổ mới là ngôi nhà cuối cùng, đích thực. Trong những buổi trò chuyện trên lớp cũng như bàn trà, quán bia hay bên khói thuốc… khi nói đến cái chết, thày Kế thường lấy câu nói dân gian ấy làm ví dụ, vừa để ngẫm vừa để an ủi làm vơi đi nỗi đau buồn nhân thế vốn đã trở thành quy luật của cuộc đời.
2. Lớp sinh viên đầu tiên của chuyên ngành Lịch sử Văn hóa Việt Nam này gồm 39 thành viên. Nếu tính theo niên khóa của khoa Sử thì lứa sinh viên này thuộc K.41. Cho đến nay, một số thành viên của lớp vẫn hoạt động chuyên môn được đào tạo. Tuy nhiên, phần lớn họ chuyển sang làm nhiều ngành nghề khác nhau.
3. Cố GS Trần Quốc Vượng cho rằng nghiên cứu văn hóa Việt Nam hay sống trong, sống ở Việt Nam, chúng ta phải biết chấp nhận những nghịch lý (bài giảng Văn hóa Việt Nam cho sinh viên Lịch sử Văn hóa Việt Nam K.41, năm 1999).
4. Lấy ý tưởng từ những dòng viết trên Facebook của nichname Sở Lỗ.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013
Tác giả : Đinh Đức Tiến
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ