Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là một nghệ sĩ đa tài, có ý thức từ rất sớm về khả năng và thiên hướng nghề nghiệp của mình. Ngay từ khi còn là học sinh Thành chung ở Hải Phòng, ông đã viết vào nhật ký ngày 2-12-1930: tôi sẽ trở thành một người văn sĩ hay một người viết báo. Không dừng lại ở những trang nhật ký giàu chất suy tưởng và đậm tính văn chương, Nguyễn Huy Tưởng còn thử bút qua nhiều thể loại văn học khác nhau, từ thơ đến văn xuôi (bút ký, tản văn, văn nghị luận đến truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết) rồi kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh. Nhưng chỉ ở lĩnh vực văn xuôi và kịch thì tài năng của ông mới bộc lộ đầy đủ, rõ nét nhất. Cột đồng Mã Viện là một trong những kịch bản độc đáo của ông (1).
Mặc dù sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng chỉ khoảng 20 năm với số lượng tác phẩm không thật đồ sộ, nhưng cả ba tác phẩm kịch đặc sắc của ông đều được xếp vào hàng những sự kiện có ý nghĩa mốc son trong quá trình phát triển của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Việc công diễn Bắc Sơn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào cuối năm 1946, với thành công vang dội trong dư luận đã đi vào lịch sử kịch nói Việt Nam. Đây thực sự là một vở kịch mang tính đột phá của dòng kịch mới, diễn tả hiện thực cách mạng. Những người ở lại được trình diễn một phần vào năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc và công diễn toàn vở tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1957 là sự mở đầu cho việc chuyên nghiệp hóa nền kịch nói Việt Nam. Sau hơn nửa thế kỷ trên trang giấy, Vũ Như Tô, tác phẩm lớn nhất trong văn nghiệp của Nguyễn Huy Tưởng, kịch bản tiêu biểu của kịch trường Việt Nam TK XX hiện ra lộng lẫy dưới ánh đèn kỳ ảo của sân khấu nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội năm 1995, giữa bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập với văn hóa thế giới.
Cột đồng Mã Viện mặc dù không thuộc số các sáng tác tiêu biểu trong sự nghiệp viết kịch của Nguyễn Huy Tưởng, chưa có dịp hiện diện trên sân khấu, đón nhận sự vang hưởng của dư luận, nhưng đây là một kịch bản có số phận khá đặc biệt về nhiều mặt. Tác phẩm này có thời gian thai nghén khá lâu, đeo đuổi tác giả đằng đẵng 5 năm (1940-1945). Nguyễn Huy Tưởng ôm ấp dự định viết kịch bản này từ năm 1940, trước cả tiểu thuyết lịch sử Đêm hội Long Trì và vở kịch có tính chất định mệnh Vũ Như Tô. Trong quãng thời gian đó, Nguyễn Huy Tưởng còn bắt tay viết những tác phẩm mới trong khi vẫn không thôi thao thức, trăn trở, tìm kiếm tư tưởng bao trùm kịch bản Cột đồng Mã Viện. Khởi thủy, kịch bản có tên là Đồng trụ, tác giả đã phác thảo gần xong, sửa đi sửa lại nhưng vẫn thấy chưa ưng ý. Đến khi hình dung được rõ nét hơn ý tưởng trung tâm của kịch bản phải toát lên tinh thần, sức sống của dân tộc, một chủ đề ám ảnh sâu sắc quan niệm nghệ thuật của ông, Nguyễn Huy Tưởng mới thực sự có điều kiện hoàn thiện những phác thảo đã có. Bản thảo mới với nhiều thay đổi quan trọng vì thế mang tên Cột đồng Mã Viện.
Đối chiếu với nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng ngày 6-3-1945, chính ông cũng thành thực bộc lộ: Đã viết xong tập Cột đồng Mã Viện. Văn giản dị, có lẽ tự nhiên. Nhất định là trội hơn hẳn các vở kịch trước. Không gò ép như văn Đồng trụ nữa. Nguyễn Huy Tưởng đã viết đi viết lại không ít lần kịch bản Đồng trụ, nhưng chỉ đến bản thảo Cột đồng Mã Viện, ông mới vừa ý, xem nó trội hơn hẳn những bản thảo viết trước đó. Bản in kịch bản này được Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, thuộc khoa Văn học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tìm thấy trong di cảo do bà Trịnh Thị Uyên- bà quả phụ của nhà văn tin cậy trao cho. Nhờ đó, Tuyển tập kịch Nguyễn Huy Tưởng được ra đời (2). Tuy nhiên, bản thảo đó không còn nguyên vẹn, thiếu đi mấy trang cuối. Bản in hiện nay chỉ khép lại ở lớp IV của hồi thứ III trong khi ở hai hồi kịch I và II, mỗi hồi có tới VI hoặc VII lớp, vì thế khiến cho việc nhận thức, đánh giá về vở kịch không tránh khỏi phiến diện.
Cột đồng Mã Viện là một tài liệu quan trọng, soi sáng thế giới nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng, góp phần vào lịch sử sân khấu kịch nói Việt Nam, minh chứng cho sự nhất quán trong quá trình sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đề tài lịch sử dân tộc. Những sự kiện, nhân vật lịch sử của thời đại đã được ông sáng tạo sinh động qua hàng loạt tác phẩm như: Đêm hội Long Trì, An Tư công chúa, Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện, Bắc Sơn, Những người ở lại, Sống mãi với thủ đô, Lũy hoa, Bốn năm sau… Xuyên suốt chuỗi tác phẩm là cảm hứng về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong những hoàn cảnh khốc liệt. Đây là âm hưởng chủ đạo, bao trùm nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, cho thấy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trước thời thế và xã hội. Mặt khác lại bộc lộ tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, từ việc lựa chọn, xử lý đề tài đến chuyển hóa ý tưởng, dự đồ sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật sinh động, dưới dạng tác phẩm cụ thể.
Vẫn xoay quanh việc tìm tòi, phát hiện chiều sâu của sức sống dân tộc qua trường kỳ lịch sử và khao khát tìm kiếm cách diễn tả truyền cảm bằng hình tượng nghệ thuật, nhưng mỗi sáng tác của ông là một sáng tạo riêng biệt, không lặp lại, mỗi tác phẩm làm sáng tỏ một chiều cạnh mới, một phương diện mới của sức sống ấy. Cột đồng Mã Viện có nội dung ngợi ca tấm gương yêu nước bất khuất, thái độ trước sau như một chống lại sự xâm lược và ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, đồng thời nêu lên cách đánh giá con người không định kiến, cứng nhắc. Trong Cột đồng Mã Viện, nhiều mẫu hình nhân vật ở phía quân xâm lược nhà Hán được khắc họa rất đa dạng. Có kẻ như đại tướng quân thống lĩnh Mã Viện gian hùng, xảo trá đầy mưu thâm, kế hiểm nhưng cũng biết cách thu phục nhân tâm bằng sự mềm mỏng, lịch lãm, biết trọng dụng người tài. Hoặc viên tùy tướng Chu Vũ chỉ là kẻ đầu sai, răm rắp tuân theo lệnh trên. Bên cạnh đó cũng có những người Hán làm ăn lương thiện, tốt bụng mà cả tin như thày thuốc Vương Độ. Những người Giao Chỉ đang sống dưới ách kẻ thống trị cũng hiện lên với nhiều diện mạo và tính chất khác nhau. Nổi bật là hình ảnh thày lang Hùng Chi và người bạn đồng chí hướng Khúc Việt với tính cách khảng khái, dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với kẻ xâm lược ngoại bang dẫu phải tù tội, hy sinh tính mạng. Hai nhân vật này rất gần gũi nhau nhưng lại mang nét tính cách riêng, được Nguyễn Huy Tưởng khắc họa bằng những chi tiết tinh tế. Hùng Chi tỏ ra nhìn thấu dã tâm kẻ xâm lược nên quyết liệt và khăng khăng chống lại đến cùng một cách thẳng thắn, bộc trực và có phần bột phát. Trong khi đó, Khúc Việt cũng có tinh thần yêu nước, sôi sục căm thù quân giặc nhưng bộc lộ một cách điềm tĩnh, thận trọng hơn… Những người dân Giao Chỉ cũng mang những đặc điểm khác nhau, có kẻ chạy theo quyền lợi riêng, ham danh vọng, ganh ghét, đố kỵ nên cam tâm làm tay sai cho giặc, hãm hại người tài trí hơn mình như Cù Viên, hoặc có kẻ bàng quan với thế sự đất nước mà gặm nhấm nỗi đau của riêng mình…
Nghệ thuật biên kịch trong Cột đồng Mã Viện cũng có nhiều điều đáng chú ý. Đây là một tác phẩm kịch bám sát những nguyên tắc mỹ học của kịch cổ điển Pháp TK XVII. Nguyễn Huy Tưởng nắm chắc tinh thần của luật tam duy nhất nên diễn biến của vở kịch đã tập trung cao độ ở một hành động kịch duy nhất, xoay quanh thái độ khác nhau đối với cột đồng trụ mà viên đại tướng xâm lược Mã Viện đã dựng lên ở địa đầu biên giới. Qua thái độ và cách hành xử khác nhau của các nhân vật đối với cột đồng mà phân hóa nhân vật thành những loại người khác nhau, đối lập nhau. Mặt khác, chuyện kịch lại xảy ra từ đầu chí cuối tại một địa điểm duy nhất, nơi địa đầu biên giới, dưới chân cột đồng trụ. Chỉ riêng nguyên tắc thứ ba, đó là chuyện kịch bắt buộc phải diễn tiến trong phạm vi 24 giờ của một ngày, thì ở Cột đồng Mã Viện có phần nới rộng hơn đôi chút. Mở đầu hồi thứ nhất là buổi chiều, sang hồi thứ hai là cảnh ban đêm, nhưng đến đầu hồi thứ ba lại là buổi sáng ngày hôm sau. Đây có thể xem là sự tiếp nhận ảnh hưởng từ cung cách viết kịch phương Tây một cách công phu, nghiêm túc.
Một giá trị đặc sắc trong Cột đồng Mã Viện mà giới nghiên cứu chưa khai thác sâu, đó chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật phản diện rất độc đáo và gây ấn tượng. Nhân vật Mã Viện, kẻ đầu sỏ nham hiểm và tàn bạo, cầm đầu đội quân xâm lược, y là tác giả cột đồng trụ, vì thế cột đồng mang tên y. Cột đồng trụ án ngữ suốt ba hồi kịch, vừa là ngòi nổ tạo ra mâu thuẫn giữa các nhân vật, vừa là tâm điểm thu hút câu chuyện. Nó gắn liền với tên tuổi của Mã Viện, kẻ cho dựng cột đồng và hàng chữ đe dọa ngạo ngược người dân Giao Chỉ. Các nhân vật kịch trong đối thoại thường nhắc đến Mã Viện nhiều lần, nhưng từ đầu đến cuối, không hề thấy mặt mũi Mã Viện hiện ra. Ngay ở đầu vở kịch, bảng kê nhân vật không có tên y nhưng Mã Viện lại là nhân vật quan trọng không thể thiếu trong tấn kịch này. Chính y là hình ảnh đại diện cho phe đối lập với tư tưởng bành trướng phong kiến phương Bắc. Sự tài tình của Nguyễn Huy Tưởng khi xử lý nhân vật phản diện này là ở chỗ để nhân vật vắng mặt nhưng thay thế bằng hình ảnh cột đồng trụ, như hiện thân của Mã Viện. Y vắng mặt nhưng bóng dáng và uy quyền của y vẫn phủ bóng nặng nề lên suốt vở kịch. Chính sự vắng mặt đó mà uy quyền của Mã Viện lại trở nên bí ẩn, khó hiểu, có phần đáng sợ, nguy hiểm hơn…
Để Mã Viện vắng mặt và thay vào đó bằng cột đồng trụ, một vật thể với tư cách như một nhân vật, là một nét độc đáo và sáng tạo trong nghệ thuật biên kịch. Bút pháp này cũng từng xuất hiện ở các nhà viết kịch lớn thế giới, từ Etsyn thời Hy Lạp cổ đại đến Môlie thiên tài hài kịch Pháp TK XVII, nhưng vẫn không thể không ghi nhận sự tìm tòi đầy sáng tạo trong việc chủ động vận dụng vào kịch Việt Nam của Nguyễn Huy Tưởng.
Cột đồng Mã Viện có một vị thế đặc biệt trong các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy Tưởng cũng như trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Đọc lại và nghiềm ngẫm Cột đồng Mã Viện, chúng ta liên tưởng đến bài học cảnh giác đối với những kẻ mang dã tâm thôn tính từng vùng đất, vùng biển, vùng trời của tổ quốc, mới thấy tính dự báo sáng suốt của Nguyễn Huy Tưởng khi khai thác nguồn chất liệu lịch sử để rút ra bài học cho hậu thế… Đây là chức năng dự báo của nghệ thuật nhưng không dễ đạt tới nếu chủ thể nghệ sĩ không có tầm nhìn xa và bản lĩnh cao.
Các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng cũng như của một số nhà văn lớn bao giờ cũng chứa đựng những tầng nghĩa sâu xa, đa chiều vốn bị che khuất mà với thời gian, với sự thay đổi của công chúng mới có cơ hội khám phá ra. Bản thân từng cá nhân qua những chặng đời, mỗi lần trở lại với sáng tác mà mình lưu tâm, cũng sẽ có những cảm nhận mới mà trước đó chưa nắm bắt hết được. Điều này cho thấy, quá trình tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật đồng thời cũng là hoạt động đồng sáng tác giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc. Người đọc có thể bổ sung, tạo nghĩa, làm giàu thêm cho tác phẩm từ tầm nhìn của người tiếp nhận và chân đứng của thời đại.
_______________
1. Được gia đình nhà văn phối hợp cùng câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng ở TP.HCM và Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2012.
2. Nxb Văn học, Hà Nội ấn hành năm 1963.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013
Tác giả : Nguyễn Văn Thành
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ