Nhạc kịch Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam


Mặc cho đại dịch COVID-19 đang hoành hành
khắp nơi trên toàn cầu, mặc cho các nhà hát nổi
tiếng trên thế giới như: Teatro alla Scala (Ý), Royal
Opera House (Anh), nhà hát The Bolshoi (Nga) hay
nhà hát Paris Opera hầu như trống vắng, tại Nhà hát
Lớn Hà Nội, 4 đêm diễn (từ ngày 21 đến ngày
24-11-2020) vở Nhạc kịch Những người khốn khổ của
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vẫn đông kín
khán giả. Chỉ điều đó thôi cũng đã đủ để thấy sức
sống mãnh liệt của nhạc kịch kinh điển Việt Nam nói
chung và Những người khốn khổ nói riêng.

Những người khốn khổ phiên bản VNOB: Quen mà lạ!

Phiên bản Những người khốn khổ (Những người khốn khổ) của VNOB mang trong mình nhiều sức trẻ và sự đột phá, khiến khán giả vừa thấy quen, vừa thấy lạ. Êkip sản xuất trẻ, gồm những nghệ sĩ đã và đang học tập, hoạt động nghệ thuật tại nước ngoài như: nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, đạo diễn trẻ Triều Dương (từ Anh về), biên đạo múa Linh An (chuyên ngành vũ đạo Broadway tại Mỹ) hay trợ lý đạo diễn Lê Diệu My (đang học chuyên ngành đạo diễn sân khấu tại Mỹ)… NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, tổng đạo diễn – chỉ đạo nghệ thuật vở nhạc kịch, lý giải việc chị lựa chọn người đồng hành với mình bắt đầu từ niềm tin, trực giác mạnh mẽ, cùng kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. “Triều Dương là lựa chọn thích hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Tôi rất thích sự khai thác trẻ của bạn ấy. Còn biên đạo múa Linh An giống như điểm rơi thú vị khi cần thêm điều gì đó”. Nhưng bên cạnh cái lạ của dàn êkip trẻ là sự quen thuộc của những cái đầu có sỏi trong ngành nghệ thuật hàn lâm như: NSƯT Trần Ly Ly, NSƯT Vành Khuyên (vai quý bà Thernadier) hay nghệ sĩ Opera có chất giọng nam trung (Baritone) đầy kinh nghiệm Huy Đức…

Một điểm đặc biệt khác của Những người khốn khổ là sự quy tụ dàn diễn viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Chúng tôi đã tuyển chọn diễn viên ở trong phạm vi của mình. Bởi với nguồn tài chính hiện có, VNOB khó có thể mời những cộng tác viên đắt giá. Tuy nhiên, chúng tôi có tương đối nhân lực đủ để thực hiện tác phẩm ở một tầm nhất định. Khi mình lựa chọn tác phẩm thì mình đã phải cân đối xem nhà mình có những gì. Điều quan trọng với một người chỉ đạo nghệ thuật là biết liệu cơm gắp mắm”. Nhưng quan điểm liệu cơm gắp mắm của NSƯT Trần Ly Ly, Tổng đạo diễn – Giám đốc VNOB, thực tế lại thu được thành công lớn hơn mong đợi, được thể hiện ở những vai diễn rất thành công của Những người khốn khổ. Trong suốt vở nhạc kịch kéo dài 2 tiếng, diễn viên vừa hát, vừa đau đớn, ngạc nhiên, hối lỗi, được xoa dịu và bao dung. Giọng hát của họ vang ngân mà không có dấu hiệu quá sức, cho thấy thực lực được rèn luyện. Điểm đặc biệt của 4 đêm diễn là chạy song song 2 êkip diễn viên. Nếu như giọng Jean Valjean (Thế Tùng Lâm) rền ấm, thì giọng Thanh Bình sâu lắng, từng trải. Nếu Javert của Nguyễn Huy Đức khai thác đến sự tột cùng của nhân vật thì Phan Văn Đức lại thể hiện một nhân vật rất đời, vừa muốn bung ra, vừa muốn níu giữ. Với vai diễn Cosette, nếu như Ngọc Linh thể hiện một giọng hát trong veo như chim sơn ca, thì Trúc Anh lại có nét gì đó già dặn hơn trong cách thể hiện. Chia sẻ về vai Jean Valjean, nghệ sĩ Thế Tùng Lâm cho biết: “Khó khăn lớn nhất là khoảng cách tuổi tác giữa mình và nguyên mẫu. Mình thấy nhân vật này với mình cũng có nhiều nét tương đồng. Đây là một người rất cao thượng, sẵn sàng nhận phần thiệt về mình vì lợi ích của người khác. Nhân vật của mình là 1 người trên 50 tuổi, rất trải đời và nhiều kinh nghiệm, mình lại còn khá trẻ nên đã phải đọc tác phẩm kỹ, tìm hiểu bối cảnh TK XIX và nhiều yếu tố khác để hóa thân vào nhân vật”.

Vở nhạc kịch Những người khốn khổ. Ảnh: Tuấn Minh

Điểm lạ nữa không thể không nhắc đến là khả năng “3 trong 1” vừa được phát hiện trong mỗi diễn viên của Những người khốn khổ. Đó chính là việc các diễn viên – ca sĩ Opera – vừa hát, vừa múa và vừa diễn xuất. Đây là điểm rất mới đối với các ca sĩ Việt Nam – nhất là Opera – khi mà từ trước đến nay, họ chỉ quen đứng hát. Tất nhiên, để thành công được không hề dễ dàng. Đạo diễn Triều Dương cho biết: “Điều khó nhất khi thực hiện vở nhạc kịch Những người khốn khổ ở Việt Nam là kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy, trình diễn trên sân khấu. Các nghệ sĩ Việt Nam hát Opera rất tốt, nhưng họ không được học về kỹ năng trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, toàn bộ êkip diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã rất nỗ lực để khắc phục điểm yếu này, nhằm mang đến cho khán giả một sản phẩm nghệ thuật có chất lượng”.

Giấc mơ thành hiện thực

Đối với nhiều khán giả, vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã khiến họ được đắm mình trong một giấc mơ, mà giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Ở Nhà hát Lớn Hà Nội, họ được sống, được hồi hộp, được lo lắng và lịm đi trong tình yêu, sự bao dung. Trái tim nhiều khán giả thổn thức khi nhân vật Fantine hát I dreamed a dream (Tôi từng ấp ủ một giấc mơ). Giọng ca của Nguyễn Thu Quỳnh hay Bùi Trang tràn qua hố nhạc, nơi âm thanh của dàn nhạc cứ vang lên quá đỗi dày dặn. Giọng ca đó cũng bay lên tràn ngập không gian sân khấu đột nhiên rất sâu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Còn khán giả, họ thấy một giấc mơ ấp ủ sao mà ngọt ngào đến thế, và cũng mong manh với cô gái nghèo đến vậy.

Không chỉ về giọng hát hay diễn xuất, sân khấu và thiết kế ánh sáng cũng biến giấc mơ ở nhà hát quốc tế tại Việt Nam thành sự thật. Với không gian sân khấu sâu thẳm như một hộp đen bí mật, từng bậc thang đều tối giản, cộng với ánh sáng được tính tỉ mỉ cho từng vị trí, mỗi khi nhân vật xuất hiện, họ đều tốt hơn, đẹp lên nhờ viền ánh sáng. Làm sao có thể mô tả được một Jean Valjean – thị trưởng – người tù bị truy đuổi tốt hơn những viền ánh sáng chỉ chiếu bừng một phần khuôn mặt ông. Sự uể oải và trụy lạc nơi nhà chứa được tả bằng những vệt đèn đỏ u tối chiếu xoáy thẳng từ trên đầu xuống thân hình những cô gái làng chơi. Dàn cảnh cũng đem lại những hiệu ứng hình ảnh đẹp lạ cho vở diễn. Trong cảnh Fantine bị xua đuổi, toàn bộ công nhân trong xưởng dồn cô về một phía sân khấu. Bố cục người quá chênh lệch này ngay lập tức tạo cảm giác áp bức. Cùng với tông màu chuyển đổi tinh tế qua trang phục, đạo cụ, những bố cục khác nhau này phần lớn gợi đến sự mẫu mực của tranh cổ điển. Các biểu cảm của cả khuôn mặt lẫn hình thể, cách làm chủ vị trí sân khấu cũng giàu cảm xúc. Điều đó cho thấy từng người hát đã yêu, hiểu và nhập tâm đến mức sống một đời sống của từng nhân vật mà mình thủ vai. Từ diễn viên chính cho đến những người hát bè, những vai phụ cũng đều như run lên trong cảm xúc của những người khốn khổ dám hành động vì giấc mơ hạnh phúc từng ấp ủ.

Cảm nhận về vở diễn, Minh Hằng, một khán giả trẻ, cho biết: “Tôi rất thán phục khi các diễn viên Việt Nam lại thể hiện một cách xuất sắc vở nhạc kịch Những người khốn khổ. Có lúc tôi có cảm giác như mình đang không ở Việt Nam”. Một số khán giả khác chia sẻ cảm nhận của mình: “Cảm ơn những nỗ lực của nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã đem đến cho khán giả thủ đô cơ hội được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hay và ý nghĩa như thế này. Được sống trong bầu không khí, được trực tiếp xem vở nhạc kịch kinh điển này, đối với em như là ước mơ thành hiện thực vậy”.

Giấc mơ thành hiện thực không chỉ với khán giả, mà ngay với cả êkip sáng tạo và sản xuất. Cháy vé 4 đêm nhạc kịch Những người khốn khổ, cháy vé trong xúc động của những người đến xem vở diễn, tiếng vỗ tay khích lệ không ngớt của người xem, giấc mơ chạm vào khán giả mà những người làm nhạc kịch Việt hằng ấp ủ, giờ đã không chỉ là mơ. Những lời gửi gắm của khán giả đến với họ như: “Rất cảm phục sự dũng cảm và chuyên nghiệp của êkip đã dám sản xuất một chương trình rất hay, tham vọng nhưng đầy thách thức như Những người khốn khổ. Vở nhạc kịch đầy cảm xúc đã khiến tôi rất tự hào về tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam” hay “Là khán giả, tôi thực sự ngạc nhiên và bất ngờ và ấn tượng với chất lượng nghệ thuật của nhạc kịch Việt Nam. Vở nhạc kịch này đã khiến khán giả như chúng tôi tin tưởng rằng nhạc kịch Việt Nam sẽ ngày càng tiệm cận với chất lượng quốc tế”… đã khiến trái tim họ như loạn nhịp, với niềm tự hào của một nghệ sĩ Việt Nam khi vươn đến tầm quốc gia và quốc tế.

Nhưng với người “đứng mũi chịu sào” Trần Ly Ly, đây hoàn toàn không phải là giấc mơ. Chị cho rằng, nếu không nhìn thấy thì chị sẽ không bao giờ làm. Sau thành công của Lá đỏ, Người tạc tượng, Những người khốn khổ chính là động lực để VNOB tiếp tục ra mắt những tác phẩm nhạc kịch lớn khác. Sau 4 đêm diễn cháy vé, rất nhiều khán giả vẫn mong mỏi được xem Những người khốn khổ. Chính bởi vậy, ngay đầu năm mới 2021, VNOB tiếp tục quay trở lại sân khấu thủ đô với 4 đêm diễn vào ngày 18, 19, 20, 21 tháng 1. Với sự thành công của Những người khốn khổ trên mảnh đất kinh kỳ, VNOB đang mơ một giấc mơ khác, đó là việc đưa vở nhạc kịch đến với các thành phố khác trên toàn quốc. Hy vọng đại dịch COVID19 sẽ nhanh chóng chấm dứt để người dân trên khắp Việt Nam có cơ hội được đắm mình trong bầu không khí của những tác phẩm nghệ thuật kinh điểm như Những người khốn khổ!.

Tác giả: Nguyễn Tuyết Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *