Tiếp sau thành công của vở Ballet “Hồ Thiên Nga”, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam một lần nữa tiếp tục thành công với vở nhạc kịch (musical) “Những người khốn khổ” qua 10 đêm diễn đầy ắp khán giả tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc là một cuộc thi nghệ thuật biểu diễn thường niên, do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ VHTTDL chủ trì, với sự phối hợp của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Liên hoan được tổ chức nhằm mang đến cơ hội tỏa sáng cho các sản phẩm nghệ thuật tinh hoa trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ biểu diễn thuộc các đơn vị ca, múa, nhạc trong và ngoài công lập được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật, đồng thời tôn vinh các tập thể, cá nhân nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mang đến sự kiện này vở nhạc kịch Những người khốn khổ với mong muốn tạo làn gió mới bằng một tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, nhưng được dàn dựng và sản xuất bởi đội ngũ sáng tạo và nghệ sĩ 100% là người Việt Nam trong Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức. Năm nay, Liên hoan có sự góp mặt của 19 đơn vị nghệ thuật đến từ khắp các tỉnh, thành của Việt Nam và được tổ chức tại thành phố Hải Phòng từ ngày 18 đến 30-11-2021. Tác phẩm dự thi Những người khốn khổ sẽ trình diễn vào tối ngày 20-11-2021 tại Nhà hát Tháng Tám.
Cảnh trong vở “Những người khốn khổ” – Ảnh: Đặng Vũ Trung Kiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cung cấp
Những người khốn khổ của Nhà hát là một sự kết hợp hoàn hảo giữa tinh hoa của văn học thế giới với nghệ thuật âm nhạc, sân khấu và vũ đạo. Dựa theo cốt truyện của tác phẩm văn học cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, phần âm nhạc của Những người khốn khổ được sáng tác riêng cho vở nhạc kịch bởi nhà soạn nhạc Claude-Michel Schönberg. Phần sân khấu được dàn dựng và biên đạo bởi êkíp trẻ nhưng tài năng của Nhà hát.
Với những giọng ca đầy nội lực như: Phan Mạnh Đức (Baritone), Trần Trang, Bùi Trang, Phạm Hương (Soprano), Thanh Bình (Tenor)…, sử dụng kỹ thuật Belcanto đỉnh cao, các ca khúc bất hủ như: I dreamed a dream, One day more, Bring him home, Do you hear the people sing?… đã được các nghệ sĩ của Nhà hát khéo léo kết hợp với phong cách musical đầy sáng tạo. Bên cạnh đó là sự phối hợp rất chuyên nghiệp nhưng đầy ngẫu hứng của dàn nhạc giao hưởng chơi live và các nghệ sĩ múa.
Cảnh trong vở “Những người khốn khổ” – Ảnh: Đặng Vũ Trung Kiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cung cấp
Đi cùng với sự sang trọng của một tác phẩm nghệ thuật kinh điển, vở nhạc kịch còn được làm mới với sự đột phá trong cách thể hiện, với sự kết hợp độc đáo giữa sân khấu tối giản và công nghệ Visual LED vô cùng hiện đại. Những người khốn khổ của Nhà hát hy vọng sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác với nghệ thuật trình diễn nhạc kịch cho Ban giám khảo của Liên hoan, cũng như công chúng thành phố hoa phượng đỏ.
Tham dự Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2021, tập thể Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua dịch bệnh, chuẩn bị kỹ càng mọi công đoạn, từ chuyên môn đến hậu trường, kỹ thuật… với hy vọng Những người khốn khổ sẽ đạt được thành công tốt nhất, làm hài lòng Ban giám khảo Liên hoan cũng như công chúng thành phố Hải Phòng.
LIÊN HƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn