NHẬN DIỆN HÁT THỜ TRONG LỄ HỘI LÀNG VIỆT

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Lễ hội cổ, một sinh hoạt văn hóa phong tục của cộng đồng làng xã người Việt với chức năng thực hành nghi lễ và giải trí, xét về cấu trúc là sự kết hợp, đan xen của các thành tố: nghi lễ, nghệ thuật và trò chơi. Các thành tố nghệ thuật được đưa vào trong lễ hội rất phong phú: hát, nhạc, múa, trò diễn… Trong số đó, nhạc và hát là các thành tố có tính phổ biến, tiêu biểu. Lễ hội làng nào cũng có sự hiện diện của âm nhạc và ca hát, bởi sự kiện quan trọng này, muốn nổi đình đám nhất thiết phải có sự tham gia của nhạc và hát. Những nhà tổ chức sự kiện vì vậy nhất thiết phải sử dụng đến các phương tiện và lực lượng biểu diễn, gồm: nhạc cụ (trống, phách, đàn, sáo…), tổ chức hát (phường, họ, ban…). Hát, do đó đã trở thành một hành động hội phổ biến , quan trọng trong lễ hội dân gian.
Quan sát và tham dự các lễ hội làng, người ta có thể được thưởng thức một hoặc nhiều diễn xướng hát. Song không phải diễn xướng hát nào cũng được coi là hát thờ. Hát thờ thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được diễn xướng trong lễ để cúng tế thần linh. Đây là diễn xướng dân gian đặc sắc, xuất hiện từ xa xưa và hiện vẫn đang tồn tại, phát triển trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Hát thờ đã xuất hiện trong lễ hội như thế nào?
Yếu tố cơ bản, quan trọng nhất của hát là lời. Lời nói vốn là một phương tiện giao tiếp phổ biến, quan trọng của con người. Từ xa xưa, “con người tin một cách sâu sắc ở sức mạnh lời nói của mình và lòng tin này có thể được giải thích bằng ích lợi rõ ràng và hoàn toàn thực tại của lời nói có năng lực tổ chức những tương quan xã hội vào những quá trình lao động của con người”(1). Không chỉ đem đến lợi ích cho con người trong đời sống thực tiễn, lời nói trong tâm thức dân gian còn có sức mạnh tác động tới các thế lực thần bí, siêu nhiên. Người ta cho rằng lời nói là tặng vật của thần linh, nhờ nó con người có thể thống trị muôn loài và lắng nghe được lời thần linh dạy bảo. Và bởi vì “trong tâm hồn người nguyên thụy ích lợi và cái đẹp được coi trọng như nhau. Những lời cầu nguyện và lễ nghi vừa có giá trị vật chất, đem lại lợi ích thiết yếu, vừa có giá trị tinh thần, đem lại niềm vui, niềm hy vọng cho con người. Với những giá trị đặc trưng: đẹp và có ích, lời nói và các hình thức diễn xướng của lời nói đã được đưa vào cả trong phần lễ và phần hội vừa thực hiện chức năng nghi lễ vừa thực hiện chức năng sinh hoạt văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.
Trong sinh hoạt nghi lễ, lời nói vừa là yếu tố của nội dung (lời thiêng, lời của thần linh) vừa là phương tiện diễn xướng nghi lễ (lời tế tụng). Cũng như các thành phần nghi lễ khác, hệ thống ngôn từ của lễ hội là do những người tổ chức và tham dự lễ hội chọn lựa, quy định và có tính tương đối ổn định qua các kỳ lễ hội.
Lời nói lễ hội khác biệt gì với lời nói thông thường? Hát thờ khác gì với các diễn xướng hát thông thường khác trong đời sống ?
Một hành động thông thường để trở thành nghi lễ chúng phải đáp ứng được các đặc trưng nghi lễ. Đó phải là “những vật, hoặc những hành động có giá trị tượng trưng cho nhu cầu sống còn, những nguyện ước cháy bỏng. Đó là những vật mà người sống bên này hay người chết bên kia cần đến một lượng sức lao động để chiếm lấy và sau đó đem dâng hiến để đổi lấy cái cần thiết”(2).
Theo Phan Đăng Nhật, lời nói nghi lễ là “để đáp ứng những yêu cầu “đặc biệt” của sự biểu đạt những cảm xúc mạnh mẽ như vui, buồn, giận, ghét, trang nghiêm trong những sinh hoạt đặc biệt”. Đó là “một loại ngôn ngữ đặc biệt khác với ngôn ngữ giao tiếp thông dụng”(3). Sự khác biệt của lời nói lễ hội chính là ở việc chúng đã được biến đổi (hoặc quy ước) để trở thành hệ thống ký hiệu biểu trưng cho sự giao tiếp của con người với cái thiêng và được diễn xướng trong môi trường lễ hội. Tính có ích và tính thẩm mỹ của hoạt động văn hóa nghi lễ đã buộc người sử dụng phải tạo cho lời nói lễ hội những hình thức diễn xướng mới, khác biệt với lời nói thông thường. Những điểm khác biệt đó cũng chính là đặc điểm của lời nói nghi lễ mà một trong những hình thức diễn xướng phổ biến của nó là hát thờ.
Sự khác thường: Là lời nói với thần linh cho nên lời nói nghi lễ được xem là lời thiêng (lời nói hàm chứa sức mạnh, phẩm chất của cái thiêng trong hệ thống ký hiệu (biểu trưng, biểu tượng) bằng ngôn từ và các dấu hiệu hiển thị cái thiêng trong hình thức diễn xướng). Sự khác thường của lời nói nghi lễ thể hiện rõ nhất khi nó đề cập đến những vấn đề, nội dung cấm kỵ, liên quan đến phong tục, tập quán thờ cúng của địa phương (vốn không được phép nói đến trong giao tiếp thông thường). Khi thể hiện các nội dung đặc biệt này, người nói cũng phải lựa chọn các cách thể hiện khác thường. Vì vậy thay bằng nói, người ta dùng đến các hình thức khác để giao tiếp: khấn, ngâm, hát…
Sự nổi trội: Những tác phẩm ngôn từ trong lễ hội vốn dĩ được xem là lễ vật dâng cúng thần linh, thể hiện cho lòng thành kính và thơm thảo của cộng đồng. Cho nên, người ta phải tìm cách để vật dâng cúng này đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, theo tiêu chí: tốt, đẹp, thanh tịnh, phong phú. Lời nói lễ hội cũng cần phải thu hút được sự chú ý của tất cả các thành viên tham dự để đạt được mục tiêu của lễ hội là liên kết cộng đồng. Do vậy những ngôn từ được sử dụng trong lễ hội đều có sự lựa chọn, chau chuốt công phu (hệ thống bài bản đã được soạn thảo và được những người có trách nhiệm lựa chọn sử dụng). Hình thức diễn xướng lời nói lễ hội cũng phải được đầu tư, tập luyện và được cộng đồng chấp thuận.
Sự diễn xướng: Là một hoạt động nghi lễ, lời nói lễ hội chỉ có thể hiện ra bằng diễn xướng và chứa đựng các đặc trưng cơ bản của sự diễn xướng. Đó là sự phô bày, trình diễn năng lực ngôn ngữ và diễn xuất ngôn ngữ của cá nhân hoặc tập thể này (khối người diễn) dưới sự quan sát, đánh giá thẩm định của cá nhân hoặc tập thể khác (khối người xem). Là một hoạt động nghi lễ mang đặc trưng diễn xướng, lời nói nghi lễ có các dấu hiệu của diễn xướng (yếu tố khung cảnh, trang phục, đạo cụ dùng trong diễn xướng); bối cảnh diễn xướng (sự giới hạn của không gian – thời gian lễ hội, sự ổn định về cấu trúc lễ hội như quy trình, lễ thức, các cuộc diễn xướng văn hóa trong đó có diễn xướng ngôn từ thường được lên lịch, dàn dựng và chuẩn bị trước); các công cụ phản ánh lối biểu đạt văn hóa của loại hình diễn xướng (ngoài hệ thống công cụ biểu đạt chủ yếu là ngôn từ còn có các công cụ biểu đạt hỗ trợ: âm nhạc, vũ đạo…). Nghệ thuật diễn xướng cùng các hệ thống công cụ biểu đạt của diễn xướng ngôn từ cũng là những thành tố cơ bản chứa đựng giá trị nội dung tư tưởng của chỉnh thể văn hóa lễ hội mà nó tham gia.
Để tạo nên những đặc điểm khác thường, nổi trội và diễn xướng cho lời nói, thay cho hệ thống ngôn từ và các hình thức giao tiếp thông dụng người ta lựa chọn, đưa vào lễ hội lớp ngôn từ và các hình thức giao tiếp đặc thù: giao tiếp nghi thức, giao tiếp biểu diễn… Trong các hình thức giao tiếp đặc thù này đã xuất hiện các thủ pháp biến đổi âm điệu (trong đó có việc thay đổi nhịp, tiết tấu, cao độ, trường độ – tức là những màu sắc của âm thanh) để tạo ấn tượng cho lời nói.
Tùy theo sự kết hợp và biến đổi của hai yếu tố ngôn ngữ và âm thanh trong hành chức ngôn ngữ, người ta đã tạo cho lời nói lễ hội các hình thức diễn xướng sau:
Lời nói nghi thức: ngôn từ trong lời nói nghi thức vẫn được diễn đạt dưới hình thức nói. Tuy nhiên cách nói không theo các chuẩn hình thái âm thanh thông thường mà đã có sự biến đổi về sắc thái âm điệu, ngữ điệu và giọng điệu. Lời nói nghi thức được diễn xướng trang trọng với một số các âm tiết nhấn mạnh, kéo dài. Trong lễ hội, lời nói nghi thức bao gồm: các lời hô của ông cai, ông lềnh và ban tế, lời đọc chúc văn của chủ tế. Phần lớn các câu nói nghi thức đều sử dụng các từ Hán, Hán Việt do người chấp sự phát ngôn, được toàn thể người tham gia coi đó như là các câu lệnh. Ví dụ các câu lệnh trong lễ dâng hương lễ hội Quyển Sơn:
Tiến đăng vị tiền (rước đèn nến vào trong đình)
Phủ phục (sụp quỳ)
Thượng hương vị tiền (dâng hương lên ban thờ )
Phủ phục, cúc cung bái (quỳ lạy)
Hưng bình thân, phục vị (cho đứng dậy, về vị trí)…
Lời nói diễn xướng: là lời nói đã chứa đựng các yếu tố của nghệ thuật biểu diễn, ngôn từ đã có tính thẩm mỹ, có các yếu tố vần, nhịp, đối ở những mức độ khác nhau. Người diễn xướng đã biết kết hợp lời với các sắc thái âm thanh tạo nên nhạc điệu cho lời nói. Ngoài ra, người nói còn phối hợp sử dụng các động tác cơ thể, sử dụng trang phục, đạo cụ để tăng cường chức năng giao tiếp – thẩm mỹ cho lời. Trong lễ hội, lời nói diễn xướng gồm các bài tụng, khấn do các thày hoặc chủ tế (những người được cho là có khả năng giao tiếp với thần thánh) trình bày. Ở các hình thức diễn xướng này, người nói trình bày bài bản khấn, tụng theo lối kể, các ngôn từ được nói với âm điệu, ngữ điệu đặc trưng. Kèm theo lời khấn là các âm chèn (các tiếng xoa xuýt, ê a, các công thức diễn ngôn), các cử chỉ động tác tạo ấn tượng thần bí cho lời nói. Trong đời sống cá nhân và cộng đồng, hình thức diễn xướng tụng, khấn đã phát triển và phổ biến (các bài khấn nôm nhân các dịp lễ tiết hàng năm). Trong lễ hội chùa Đại Bi – Nam Giang – Nam Định, ngoài các nghi lễ và hoạt động lễ hội thông thường, còn có tục thi thày. Những người dự thi là các thày cúng, thày phù thủy của các làng xã trong vùng. Người đạt giải là người có bài bản và cách khấn tụng hay nhất.
Trong các hình thức diễn xướng nghi lễ của lời nói, phổ biến và được kết tinh cao nhất đặc trưng nghi lễ chính là diễn xướng hát.
Vậy điểm khác biệt giữa hát và nói là gì?
Theo Marcia Herdon, hai đơn vị cơ sở để tạo thành tiếng nói là nốt cơ bản (tần số âm thanh) và âm vị (tiếng) còn được gọi là phần tử cấu thành được tạo ra. Sự đa dạng của các hiện tượng diễn ra bằng lời nằm giữa lời nói và sự hát dựa trên mức độ nhấn mạnh tương đối vào phần tử cấu thành hay nốt cơ bản. Lời nói: nhấn mạnh vào các phần tử cấu thành được tạo ra (âm vị – tiếng). Lời hát: nhấn mạnh vào nốt cơ bản (tần số âm thanh, hình thái âm thanh)(4).
Như vậy sự hát là việc phô diễn không chỉ năng lực ngôn ngữ (tiếng nói) mà còn năng lực thanh nhạc của chủ thể diễn xướng. Đó là năng lực tổ chức âm thanh lời nói theo những hình thái, cấu trúc âm nhạc đặc thù (trong âm nhạc cổ truyền các cấu trúc âm nhạc được gọi là bài, làn, giọng, trổ). Nếu như trong lời nói, người ta khó có thể tách bạch giữa hai thành tố lời và nhạc thì trong sự hát việc này lại có tính khả thi. Người ta có thể giữ lại phần nhạc để thay đổi phần lời hoặc ngược lại giữ nguyên phần lời chỉ biến đổi, sáng tạo thêm phần nhạc. Chỉ khi có sự tồn tại độc lập tương đối của thành tố âm nhạc trong hình thức diễn xướng của lời nói, sự hát mới diễn ra.
Trong các hình thức diễn xướng bằng lời, “dạng thức hát được coi là hàm chứa lượng sức mạnh lớn nhất và chỉ được sử dụng khi cần tới một cấp độ cao về sức mạnh để giữ thăng bằng cho một tình thế nào đó”. Và “trong mọi trường hợp, có thể nói rằng sự hát đã đem lại sự thiêng liêng cho thời gian, không gian và các sinh vật tạo ra một bầu không khí mà trong đó người ta có thể thực hiện các hành động kỳ bí” (5).
Đây chính là lý do để diễn xướng hát thường được đưa vào trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các lễ thức, diễn xướng hát được gọi là dân ca nghi lễ hay hát thờ.
Như vậy, đặc trưng quan trọng của hát thờ (để phân biệt với diễn xướng hát thông thường) là đặc trưng nghi lễ, tính thiêng. Tính thiêng của hát thờ được tạo thành từ quan niệm dân gian coi những câu hát được diễn xướng trong lễ hội là những câu hát, bài hát của thần linh. Tính thiêng của hát thờ được thể hiện cả ở hai phương diện: nội dung và hình thức nghệ thuật. Về nội dung, hát thờ trong lễ hội là những câu hát khấn nguyện, tạ ơn công đức thần linh. Về nghệ thuật, hát thờ trong lễ hội mang đặc điểm của nghi thức tế lễ. Tùy theo vị trí, vai trò của hát thờ trong lễ hội (nằm ở phần lễ hay phần hội) mà tính thiêng đậm, nhạt khác nhau.
Căn cứ vào chức năng thực hành diễn xướng, hát thờ trong lễ hội được chia thành hai nhóm lớn:
Hát thờ trong lễ thức tôn giáo: là hoạt động hát nghi lễ trong các lễ hội tôn giáo như hát chạy đàn (lễ thức Phật giáo), hát chầu văn (lễ thức Đạo giáo), hát then (lễ thức Saman giáo)…
Hát thờ trong lễ thức phong tục: sinh hoạt ca hát dân gian được tổ chức trong các lễ thức tín ngưỡng – phong tục thuộc về đời sống cá nhân hay đời sống cộng đồng, gồm hát lễ: hát trong các sinh hoạt tín ngưỡng phong tục của cộng đồng, còn được gọi là hát thờ thần (hay hát tế thần); hát đám: hát trong các sinh hoạt tín ngưỡng phong tục của cá nhân, gia đình, dòng họ (hát đám cưới, hát đám hiếu, hát mừng thọ…). Diễn xướng hát được xếp vào trong nhóm các nghi thức vòng đời.
Trong một lễ hội dân gian có thể xuất hiện nhiều diễn xướng hát. Song không phải diễn xướng hát nào cũng được gọi là hát lễ, hát thờ. Sẽ chỉ được coi là hát thờ khi diễn xướng hát ấy được tiến hành trong phần lễ, được coi là nghi thức bắt buộc của kịch bản lễ hội nhằm thực hiện chức năng cúng tế thần linh. Còn các sinh hoạt ca hát dân gian khác nếu chỉ diễn xướng trong phần hội, không thực hiện chức năng nghi lễ (hát chèo, hát giao duyên…) thì chỉ là hát hội mà thôi.
Tuy nhiên trong lễ hội dân gian, hát lễ và hát hội vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có nhiều khả năng chuyển hóa sang nhau.
Hát lễ là hoạt động nghi lễ được tiến hành (thường là trong phần lễ) để dâng cúng thần linh. Tuy nhiên sau khi thực hiện chức năng nghi lễ trong phần lễ, hát lễ vẫn có thể được tiếp tục diễn xướng trong phần hội, dưới hình thức mở rộng và kéo dài, thực hiện các chức năng nghệ thuật của hát hội để vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, vui chơi của người dự hội, vừa tôn vinh sức mạnh của thần linh. Hát lễ khi ấy lại là hát hội. Ngược lại, trong quá trình tồn tại và phát triển lễ hội vẫn có thể có một số bài bản của hát hội di chuyển vào trong phần diễn xướng nghi lễ, hát hội lại trở thành hát lễ, hát thờ.
Tùy theo cấu trúc và kịch bản lễ hội của từng địa phương, hát thờ thần được sắp xếp vào một trong các nhóm nghi lễ sau: nhóm nghi lễ tạo bối cảnh (phần hát được diễn xướng trước khi diễn ra lễ tế – hát xoan, hát chèo tàu); nhóm nghi lễ tế thần (phần hát được diễn xướng ngay trong lễ tế – hát ải lao); nhóm nghi lễ tôn vinh (phần hát múa được trình diễn sau lễ tế – hát dô, hát cửa đình, hát rối thờ thánh).
Nằm trong nhóm nghi lễ nào, hát thờ có nhiệm vụ thực hiện chức năng của nhóm nghi lễ đó.
Những nghiên cứu trên đây của chúng tôi dù mới chỉ nêu được một cách sơ lược, khái quát đặc điểm hát thờ trong lễ hội làng Việt song cũng phần nào giúp người nghe, người xem nhận diện được hát thờ trong lễ hội dân gian, phân biệt hát thờ với các hoạt động ca hát thông thường, đặt cơ sở nghiên cứu về sự vận động, di chuyển, xâm nhập của hát thờ sang hát hội và ngược lại. Nhận diện hát thờ trong lễ hội làng Việt, để một bài dân ca nghi lễ như: hát Xoan, hát Dô, hát Dậm,… khi được diễn xướng trong những thời điểm, bối cảnh khác nhau (trong lễ hội, ngoài lễ hội, trong phần lễ, trong phần hội) thì người nghe, người xem sẽ có những cách tiếp nhận và thưởng thức khác nhau. Bởi mỗi tác phẩm văn học dân gian với tư cách là một thực thể văn hóa đã, đang và luôn luôn sống động, lung linh trong đời sống văn hóa của nhân dân.

________________
1. Nhiều tác giả, Sáng tác dân gian Nga, Tư liệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1985.
2. Đặng Văn Lung, Lễ hội và nhân sinh, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2005, tr.968.
3. Phan Đăng Nhật, Từ ngôn ngữ thông thường đến ngôn ngữ thơ ca: lời nói vần, Tạp chí Văn học, số 12-1998.
            4, 5. Nhiều tác giả, Folklore một số thuật ngữ đương đại, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Đoàn Thị Thanh Trầm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *