Nhân tố chính trị – tinh thần của cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự



         Trong lịch sử, cùng với việc quan tâm đến đảm bảo vật chất cho thắng lợi trong chiến tranh, các tướng lĩnh, nhà lý luận quân sự ở những thời đại khác nhau đều rất chú trọng đến phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần của người lính, coi đó là phương tiện mạnh mẽ để nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, vai trò của con người vẫn là sức mạnh chủ yếu, nhân tố quyết định. Chính con người, với trang bị, vũ khí thích hợp, phát huy được động lực chính trị – tinh thần, sẽ giành được thắng lợi, và ngược lại. Đối với quân đội, nhân tố tinh thần chính là sự tổng hợp những giá trị, sức mạnh của nhận thức, tình cảm, ý chí của người quân nhân cách mạng. Nó được thể hiện tập trung rõ nét trong cuộc sống, trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quân đội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhân tố chính trị – tinh thần là biểu hiện tập trung, cơ bản, sâu sắc nhất của nhân tố tinh thần, là sự định hướng về chính trị mang tính quyết định đối với người quân nhân trong giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự, trong từng điều kiện lịch sử cụ thể.

          Xét về cấu trúc, nhân tố chính trị – tinh thần bao gồm hai lớp. Lớp trên là ý thức chính trị tinh thần – một hệ thống các quan điểm, tư tưởng chính trị của con người giữ vai trò chủ đạo. Đối với quân đội ta, lớp này được xác định là hệ thống các quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được cụ thể hóa trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định, định hướng về mặt chính trị đối với nhân tố tinh thần của bộ đội. Lớp dưới của nhân tố chính trị tinh thần gồm hệ thống các cảm xúc, tình cảm, tri thức kinh nghiệm … của con người, thể hiện tâm lý chính trị của họ. Tuy không giữ vai trò quyết định đối với nhân tố chính trị tinh thần nói riêng và nhân tố tinh thần nói chung, song tâm lý chính trị có vai trò quan trọng. Về thực chất, tâm lý chính trị là cơ sở tâm lý để con người tiếp nhận, chuyển hóa hệ tư tưởng chính trị thành tình cảm, ý chí trong hành động của họ. Mặt khác, trong những điều kiện nhất định, nhất là trong chiến tranh, yếu tố tâm lý chính trị nhiều khi giữ vai trò đặc biệt đối với tinh thần của người lính. Đây là yếu tố cần chú ý đúng mức để khai thác có hiệu quả trong phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần của đội ngũ sĩ quan. Như vậy, cần thấy rằng nhân tố chính trị – tinh thần không hoàn toàn trùng lặp với nhân tố tinh thần. Chúng ta xem nhân tố chính trị như là một bộ phận chủ yếu của nhân tố tinh thần. Còn nhân tố chính trị – tinh thần không đơn thuần được hiểu như là bộ phận để tạo nên nhân tố tinh thần. Cần hiểu nó chủ yếu ở vai trò định hướng về chính trị, mang tính quyết định đối với nhân tố tinh thần nói chung, các nhân tố bộ phận của nhân tố tinh thần nói riêng. Nếu xem nhân tố tinh thần là nhân tố bên trong điều khiển thái độ và hành động của con người, thì nhân tố chính trị – tinh thần định hướng về mặt chính trị của thái độ và hành vi đó.

         Trong giai đoạn hiện nay, nhân tố chính trị – tinh thần có vai quan trọng đối với xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nó định hướng chính trị, tư tưởng, thống nhất ý chí và hành động của quân nhân, đảm bảo cho quân đội gắn bó mật thiết với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, tổ quốc và nhân dân. Nó hình thành nên ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho quân đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nhân tố chính trị tinh thần còn là cơ sở cho xây dựng các mặt khác nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, đảm bảo cho mỗi quân nhân vững vàng, nhạy bén trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận hiện nay.

         Cán bộ kỹ thuật quân sự bao gồm những người trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng, nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự ở các đơn vị, cơ sở sản xuất quốc phòng, học viện, nhà trường, cơ quan tham mưu chiến lược, cơ quan nghiên cứu, thiết kế,… trong biên chế của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận thức của đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự về nhân tố chính trị tinh thần thể hiện ở trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng về bảo vệ tổ quốc, về nhiệm vụ quân đội; ở truyền thống quân đội và truyền thống của ngành; ở thái độ, trách nhiệm của họ trước nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc. Cùng với việc nắm vững trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật quân sự, thì hiểu biết về vị trí, vai trò của nhân tố chính trị tinh thần sẽ góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ này. Thực tiễn lịch sử ngành kỹ thuật quân sự đã khẳng định, nâng cao trình độ vũ khí, trang bị kỹ thuật, thì điều quan trọng là phải biết tổ chức, động viên, phát huy phẩm chất tinh thần, trí tuệ của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Ở chiến lược đường không của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, hệ thống phòng không hiện đại nhất với 19 máy bay gây nhiễu trên mỗi chiếc B52 đã thất bại trước những quả đạn SAM2 được sử dụng bằng tư duy sáng tạo và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân đội Việt Nam.

         Trong giai đoạn hiện nay, để đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ “ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân,…” (1), thì việc phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần cho đội ngũ này cần thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau:

         Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và người chỉ huy trong phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần. Trong đó, cần chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Thường xuyên nắm chắc việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên kết hợp với xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bên cạnh đó, phải tập trung xây dựng hệ thống cán bộ chỉ huy mạnh có tính đảng cao, xây dựng và phát huy vai trò sức mạnh của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân, đặc biệt chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn thanh niên vững mạnh về mọi mặt.

         Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục học tập lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cần thực hiện đa dạng, phong phú các hình thức, phương pháp, tuỳ theo điều kiện, tình hình, con người cụ thể mà tiến hành cho phù hợp. Cần tổ chức có chất lượng và hiệu quả các buổi học tập về chính trị theo chương trình, quy định của tổng cục chính trị đối với đối tượng sĩ quan. Cơ quan chính trị của từng cơ quan, đơn vị kỹ thuật cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ chức chỉ huy để lồng ghép các hình thức giáo dục chính trị. Đặc biệt, cần phát huy tốt việc tự học tập, rèn luyện, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, coi đây là hình thức chủ yếu để làm biến đổi về chất nhận thức chính trị của đội ngũ này. Đội ngũ này phải chủ động xây dựng kế hoạch tự giáo dục, rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ của mình. Kế hoạch đó phải được thiết kế có tính khả thi, bám sát với yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị, tránh chung chung, hình thức. Nội dung và kế hoạch tự học tập, rèn luyện phải được phê chuẩn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp trên, định kỳ và đột xuất.

         Ba là, tiếp tục đổi mới và tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, quân đội nhằm phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự. Các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự là một bộ phận quan trọng trong chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là động lực chính trị – tinh thần và động lực vật chất to lớn trong việc phát huy tính tích cực, tự giác, động viên đội ngũ này hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực cho việc phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần. Vì vậy, một trong những biện pháp cần thực hiện quyết liệt là phải giáo dục, quán triệt sâu rộng, đầy đủ các chế độ, chính sách của đảng, Nhà nước đã ban hành đối với sĩ quan nói chung, cán bộ khoa học kỹ thuật nói riêng để mỗi người hiểu và xác định tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, cần phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chính sách. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục hiện tượng tuỳ tiện hoặc tiêu cực trong khi thực hiện chính sách đãi ngộ làm ảnh hưởng không tốt đến việc phát huy vai trò nhân tố chính trị tinh thần. Chăm lo chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội bằng cách bố trí chỗ ở, công ăn việc làm theo khả năng của từng đơn vị để mỗi người cũng như cả đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự luôn an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

         Phát huy vai trò nhân tố chính trị – tinh thần là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, để họ phát huy mọi tiềm năng sáng tạo, nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí kỹ thuật quân sự, hiện đại hóa quân đội, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phải xác định vấn đề này là việc làm thường xuyên, liên tục và cần nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị.

            _______________

         1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.235.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : TRẦN VĂN RIỄN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *