Rembrandt (1606 – 1669), danh họa vĩ đại nhất Hà Lan TK XVII với các kiệt tác bất hủ như Bài học giải phẫu của bác sĩ Nicolaes Tulp (1632), Đâm mù mắt Samson (1636), Đội tuần đêm (1642), Sự trở về của đứa con hoang đàng (1669)… Tuy nhiên, ít ai biết đến một Rembrandt với đầy nhiệt huyết, say sưa trong nghiên cứu nghệ thuật đồ họa. Ông đã kế thừa kỹ thuật khắc nóng (etching) của họa sĩ
Đức Daniel Hopfer (1470 – 1536) và để lại cho nhân loại trên 300 tác phẩm tranh khắc kim loại đặc sắc. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả giới thiệu về mảng nhân vật bình dân trong tranh khắc kim loại của Rembrandt qua một số tác phẩm tiêu biểu.
Hà Lan là một đất nước với địa lý thấp nhất trên thế giới so với mực nước biển. Từ TK X, người Hà Lan đã tìm cách đắp đê chống lũ lụt và bồi đất lấn biển, xây dựng nên một nền nông nghiệp số một châu Âu. Người Hà Lan từ lâu nổi tiếng với câu nói: “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”. Tính cách dân tộc Hà Lan rất thân thiện, hiền hòa, khoan dung, ít mâu thuẫn, trầm mặc, mạnh mẽ, độc lập và thực tế. Điều đó thể hiện rõ nét trong tranh của các họa sĩ Hà Lan như Rembrandt, Vermeer, Van Gogh, Mondrian…
Ngoài sự thành công trong hội họa, Rembrandt còn đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật tranh khắc kim loại. Ông miêu tả rất thành công vẻ đẹp bình dị và mộc mạc của từ người ăn xin đến những người nông dân, từ chân dung tự họa đến chân dung cha, mẹ của ông… Ánh sáng baroco cũng là điều dễ nhận biết nhất trong tranh của Rembrandt. Ánh sáng ấy không còn là sự chiếu rọi vào vật chất mà trở thành một tín ngưỡng, một sự linh thiêng dường như tàng ẩn những bí mật của thời đại. Văn hào người Bỉ Emile Verhaeren viết: “Ánh sáng mà Rembrandt muốn là ánh sáng tỏa ra từ những ngọn nến. Đó không phải là ánh sáng tự nhiên bao phủ lên sự vật, khúc xạ lên chúng và làm cho chúng trở nên sống động bởi những nét tương phản. Ngược lại, đó là thứ ánh sáng lý tưởng, ánh sáng của tư tưởng và của trí sáng tạo” (1).
Trước Rembrandt, danh họa người Đức thời kỳ Phục hưng là Albrecht Durer (1471 – 1528) đã thành danh với kỹ thuật khắc nguội (engraving). Tuy nhiên, cách khắc axít (etching) theo kiểu của Rembrandt là một giải pháp thay thế hoàn hảo về kỹ thuật, mở ra cho chính ông và các thế hệ họa sĩ đồ họa sau ông cách làm việc mới, đơn giản, linh hoạt và hiệu quả hơn. Khắc kim loại theo kỹ thuật etching vì thế đã gây hứng thú cho nhiều họa sĩ hội họa. Goya, Picasso, Miro… đều có giai đoạn khắc kim loại trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của họ. Kỹ thuật etching giúp nghệ sĩ có thể dễ dàng và thoải mái phóng bút, đỡ mất thời gian và sức khỏe, cho ra đời những tác phẩm ngẫu hứng, khoáng đạt, xuất thần…
Rembrandt đã đưa cuộc sống bình dân, trong sáng, khỏe khoắn và mạnh mẽ riêng của thời đại ông sống vào tác phẩm một cách đầy hứng khởi. Quy chuẩn khuôn vàng thước ngọc của các nhân vật mang vẻ đẹp lý tưởng, thoát tục trong các giai đoạn từ cổ đại tới Phục hưng như Adam và Eva, Diana, Jupiter, Thánh Phaolô, Chúa Giêsu, Đức mẹ đồng trinh… đều được Rembrandt miêu tả giản dị, gần gũi như các nhân vật thường dân vậy.
Các tác phẩm Người nông dân rách rưới cầm gậy chắp tay sau lưng (1630), Người phụ nữ khỏa thân ngồi trên gò đất (1631), Diana trong phòng tắm (1631), Hai kẻ lang thang (1634), Adam và Eva (1638), Người nông dân đứng dựa vào cây gậy (1639), Cô gái với chiếc giỏ (1642), Gia đình nông dân đi bên đường (1652), series Chân dung tự họa… là những bức khắc kim loại mang đặc trưng phong cách sáng tạo của Rembrandt.
Diana trong phòng tắm diễn tả một phụ nữ khỏa thân trên một nền tối, ánh sáng từ thân thể nhân vật như toát ra từ bóng tối của không gian bức tranh. Sự phân biệt giữa Diana và các chi tiết ở trường hợp này trở nên không cần thiết. Vẻ thống nhất giữa ánh sáng, bóng tối và người mẫu đã cho tác phẩm đạt được một cuộc sống riêng, không có áp lực buộc đối tượng phải hiện hữu theo định kiến, nên nhân vật và không gian, hữu thể và vô thể, đều có thể thống nhất với nhau trong ấn tượng của chuyển động âm sắc. Nữ thần Diana trong thần thoại Hy Lạp đều được tất cả các nghệ sĩ từ thời cổ đại đến hết giai đoạn cận đại miêu tả với vẻ đẹp thanh khiết, hoàn mỹ và lý tưởng. Chỉ duy có Rembrandt đã sáng tạo ra vẻ đẹp mới này của nàng – vẻ đẹp bình dị và gần gũi, tuồng như không có gì cách biệt so với những nữ nông dân Hà Lan của quê hương ông.
Người phụ nữ khỏa thân ngồi trên gò đất khắc một mẫu nữ không xác định, tuy nhiên tác giả phỏng đoán đây chính là Sakia, cô vợ trẻ đẹp của Rembrandt, người mẫu cho hầu hết các nhân vật nữ trong tranh của ông. Tay trái của cô đặt trên bục phủ vải, tay phải chống trên bệ cạnh hông phải của cô, tư thế này tạo sự mềm mại, uyển chuyển, đẫy đà, chuẩn mực thẫm mỹ của phụ nữ Hà Lan TK XVII. Một đôi chỗ nét khắc tỏ ra khá nhỏ, rất nhẹ nhàng và không phô trương, nó như những t’ram li ti nhằm gợi tả những phần da thịt mềm mại của vẻ đẹp phồn thực. Nét đằm thắm, quyến rũ của người phụ nữ khỏa thân được Rembrandt miêu tả xác thực. Thành công ở tác phẩm này khẳng định, ông chính là người đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực sau này. Ngay cả khi vẽ nhân vật nữ khá sồ sề, ông cũng không cố ý làm đẹp họ theo kiểu nịnh mắt, ông mô tả họ như chính dung mạo và phẩm chất của con người bình dân trong họ.
Gia đình nông dân đi bên đường là bức khắc kim loại hấp dẫn người xem, không phải ở đậm nhạt vờn khối của bức tranh mà ở hệ thống nét và mật độ nét dày đặc của tác phẩm. Người đàn ông tay trái chống gậy, tay phải dắt con gái nhỏ, lưng đeo hành lý, dáng đi cắt chéo vào vị trí tỷ lệ vàng trong tranh tạo điểm nhấn cho bố cục. Sau cùng là người phụ nữ hiền dịu, nhẫn nại bước thấp thoáng ở mép trái bức tranh. Vẻ chắc khỏe của người cha, ánh nhìn của cô con gái quay về phía người mẹ cho người xem vững tin vào chuyến đi của họ. Chỉ bằng nét khắc, Rembrandt đã gợi tả đầy đủ đậm nhạt, hình thể và tâm trạng của gia đình người nông dân đó.
Ở tác phẩm Adam và Eva, Rembrandt cũng đưa được tinh thần hồn hậu của những cặp vợ chồng bình dân vào tác phẩm với các nét khắc phóng khoáng, tình cảm ào ạt, tạo hình các nhân vật đẫy đà, thậm chí sồ sề, dân dã.
Cũng đề tài này nhưng trước đó một thế kỷ, Durer đã khắc Adam và Eva với sự nhẹ nhàng, tinh tế, mang vẻ đẹp thần thánh, lý tưởng, chuẩn mực kinh viện. Mọi chi tiết đều được khắc một cách cẩn trọng, từ tốn và chau chuốt, hơi khô khan và đậm chất tôn giáo, khắc khổ. Trong khi đó, Adam và Eva của Rembrandt đã cho người xem cảm nhận vẻ đẹp trần thế của đôi vợ chồng bị chúa trời đuổi khỏi vườn địa đàng. Có lẽ tinh thần tự tôn của dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc với những người nông dân giữ đất, lấn biển đã giúp các họa sĩ Hà Lan, đặc biệt là Rembrandt, thành công trong việc đưa vẻ đẹp thế tục, thô khỏe của họ vào những sáng tác sớm nhất trong lịch sử mỹ thuật thế giới.
Trong các tranh khắc kim loại của Rembrandt, các chi tiết thường nằm êm ru trong mảng, sự vận động trong mảng của Rembrandt tạo ra vẻ bề thế hoành tráng. Nếu nhìn thoáng qua, tranh của Rembrandt có vẻ nặng nề nhưng khi nhìn kỹ, người xem lại thấy ưa vẻ khỏe khoắn, tình cảm trong đó. Rembrandt quan tâm đến toàn cục, làm rõ hệ thống mảng dẫn đến nội dung tình cảm trong tranh của họa sĩ này có sự mạnh mẽ riêng mà vẫn mộc mạc. Mọi chi tiết bên trong tranh của Rembrandt đều toát lên quan niệm, tư tưởng lớn của ông về nghệ thuật và con người. Đôi lúc Rembrandt sử dụng mảng không rạch ròi, ông dùng mảng đậm và nhạt lan tỏa vào nhau tạo sự mềm mại, đặc biệt các mảng đậm đặc được ông cố tình đặt cạnh mảng xốp, tạo sự lan chuyển êm ả chung mà không gây chát chúa.
Ở một số bức còn có độ tương phản sáng tối khá mạnh như Chân dung mẹ của nghệ sĩ với đôi tay đặt trên ngực (1631), Thiếu phụ ngồi trong một ngôi nhà cạnh xâu hành trên tường (1631), Chân dung tự họa với một chiếc mũ và khăn quàng cổ (1633)… Trong đó, độ tương phản sáng tối nằm ở nhịp chính mỗi tác phẩm, còn những vị trí khác vẫn có độ chuyển rất tinh tế. Việc tiết chế giữa những nét khắc dài và ngắn, đan nét ô vuông, quả trám hay nét cong vặn xoắn thể hiện khả năng xử lý nét bút tài tình, của ông.
Chiêm ngưỡng series tranh khắc kim loại của Rembrandt, ta nhận thấy rõ ông có khả năng điều phối đậm nhạt điềm đạm, ổn định trong tình cảm. Do vậy, tác phẩm của ông giản dị, phóng khoáng, ào ạt, đầy cảm xúc. Nét khắc của ông chủ động, hoạt bát, không câu nệ đường hướng cũng như không quá cẩn trọng, tỉ mỉ, đều đặn như đa phần các họa sĩ đồ họa khác..
Cùng với những thành công trong chất liệu sơn dầu, tranh khắc kim loại của Rembrandt đã đưa ông trở thành một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng. Các tác phẩm của ông đã có đóng góp quan trọng vào thời đại hoàng kim của nghệ thuật Hà Lan TK XVII.
Theo nhà sử học nghệ thuật Taco Dibbits, giám tuyển phần hội họa Hà Lan TK XVII của bảo tàng Rijksmuseum Amsterdam trong năm 2002, “sinh thời, Rembrandt từng bị chỉ trích do không tuân thủ những quy tắc hội họa mà người Italia đặt ra. Người ta từng chê bai vì ông đã không tới Irtalia để học về điêu khắc và hội họa cổ điển” (2). Tuy nhiên, với nhiều họa sĩ ngày nay, Rembrandt chính là bậc thày đã đặt nền móng và truyền cảm hứng cho nghệ thuật hiện đại.
_______________
1. Fritz Elchenberg, The Art of the Print, Masterpieces History Techniques, tr.194.
2. E.H.Gombrich, Câu chuyện nghệ thuật, Nxb Văn nghệ TP.HCM, tr.386.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014
Tác giả : Lê Thị Thanh
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày