/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}
1. Điểm tình hình lễ hội 2010
Có thể nói, năm 2010 là năm bùng nổ của lễ hội. Chưa có năm nào mà lễ hội lại được tổ chức mạnh mẽ như vậy. Những địa chỉ như phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), phủ Giầy, đền Trần (Nam Định), đền Hùng, đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh), chùa Bà (Bình Dương), Bà Chúa Xứ (An Giang)… đều nghẹt cứng người và ô tô xe máy. Người ta chen chân nhau, người giẫm lên người, lễ chồng lên lễ, vàng mã cháy đêm cháy ngày và tiền của những người đi lễ thì rải tràn lan khắp nơi.
Năm 2010, hơn 5 vạn du khách về dự đêm hội khai ấn đền Trần Nam Định. Đến nỗi, để hạn chế lượng khách đến dự lễ khai ấn trong cung, ban tổ chức đã bố trí việc phát thẻ đỏ thẻ vàng để lễ rước kiệu và khai ấn được diễn ra trang trọng, tuy nhiên ở bên ngoài thì số lượng người đông không kể xiết. Nghi lễ Khai ấn vào đêm 27 rạng sáng 28-2 đông tới mức đã trở thành nỗi hãi hùng của hàng vạn người khi phải giẫm đạp lên nhau xông vào đền cướp cho được một cái ấn có dấu thánh.
Cũng đầu xuân này, lễ hội tịch điền ở Hà Nam với sự tham dự của Chủ tịch nước đích thân xuống cày ruộng đã là một sự kiện thu hút hàng ngàn người tới dự cùng đông đảo đội ngũ phóng viên báo chí. Rồi hội đền Trần Thương với sự tham gia của Phó chủ tịch nước làm cho buổi lễ nườm nượp khách đến dự…
Một địa chỉ lễ hội nổi lên đầu xuân vừa qua phải kể đến đó là chùa Bái Đính với những kỷ lục được tuyên truyền trong dân gian và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiếu kỳ về công trình Phật giáo được giới thiệu là lớn nhất Việt Nam, nhiều người nườm nượp đổ về chùa Bái Đính. Do công trình còn đang xây dở chịu không nổi sức ép về người và các phương tiện, dịch vụ nên đã tạo ra một quang cảnh người phải chen với người và ô nhiễm của rác rưởi, chất thải ngập ngụa nhiều nơi. Có lẽ chưa bao giờ mà đầu năm mới, mọi ngả đường đều dẫn đến đền, chùa thu hút người đi hội đông như bây giờ… Những ngôi đền, chùa yên tĩnh, thanh tịnh nhất trong những ngày thường, thì những ngày này bỗng trở nên đông đúc, chật chội và lộn xộn hơn cả cuộc sống trần tục.
Một sự kiện mới khác là vào ngày 5-3-2010, tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), diễn ra Lễ cầu quốc thái dân an, một trong những hoạt động của Chương trình Doanh nhân Việt Nam với Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội, 1.000 năm xây dựng và phát triển bền vững. Chương trình đặc biệt để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, với khoảng 3.000 quan khách, chủ yếu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, quan chức các tỉnh, khách tham quan, đặc biệt là có sự góp mặt của 1.000 doanh nhân đến từ 63 tỉnh, thành, tham dự.
Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm 2010 được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia, diễn ra trong 10 ngày, từ 14-4 đến 23-4-2010 (tức ngày 1-3 đến 10-3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, trong đó Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và cúng trời diễn ra vào lúc 7 giờ ngày 10-3 âm lịch tại đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, đã được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Nghi lễ được bắt đầu lúc 8 giờ sáng nay 23-4 tại điện Kính Thiên trên núi Nghĩa Lĩnh.
Bên cạnh phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7 hay chương trình nghệ thuật mang chủ đề kinh đô Văn Lang – Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tỏa sáng với hào khí đất Việt qua những màn biểu diễn sử thi võ thuật dân tộc độc đáo nhằm hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Năm nay, lễ hội Đền Hùng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, trải dài ra các vùng phụ cận của tỉnh Phú Thọ. Trong 10 ngày diễn ra lễ hội, du khách thập phương được tham gia nhiều hoạt động văn hóa như: rước kiệu của các xã vùng ven di tích về đền Hùng, thi gói bánh chưng, bánh dày, bắn pháo hoa tầm cao, triển lãm ảnh tư liệu ngoài trời Các vùng kinh đô Việt Nam, Giỗ tổ Hùng vương xưa và nay, giao lưu dân ca các vùng miền… Bởi vậy, chỉ tính 9 ngày đầu lễ hội, đã có hơn 3 triệu lượt người tham dự. Tất cả các khách sạn, nhà nghỉ và quán ăn gần khu di tích đền Hùng và TP Việt Trì đều kín chỗ, nhiều đoàn khách đã phải liên hệ ở nhờ nhà dân hay phải chấp nhận ở xa khu vực đền Hùng tới 10km để có thể ở lại tham dự ngày quốc giỗ.
Lễ hội Phủ Giầy năm 2010 được tổ chức từ ngày 16 đến 21-4 (tức ngày 3 đến 8-3 âm lịch). Đây là một trong 5 lễ hội lớn nhất của cả nước, được khôi phục lại từ 16 năm nay, tổ chức theo quy mô lớn. Trong 5 ngày diễn ra lễ hội, du khách được tham gia và thưởng thức các hoạt động văn hóa độc đáo, đặc sắc: lễ tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc, thi hát chầu văn, thi hoa trượng hội và các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian khác như thả rồng, múa sư tử, cờ người, múa rối nước, đấu vật… Có đến nửa triệu người đi hội Phủ Giầy. Ngoài ra, các lễ hội khác đều thu hút lượng lớn du khách tham gia như chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) đã đón hàng triệu lượt khách tham dự.
Cũng trong năm 2010 này, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức mang tầm quốc gia với sự quy hội của tất cả các tộc họ trên khắp đảo Lý Sơn và các đảo lân cận. Theo đó lễ hội tiến hành dựng lại toàn bộ không khí vừa trang nghiêm nhưng cũng rất đỗi bi hùng của những người chiến sĩ khi ra trận, đồng thời phối hợp tổ chức hình thức thả thuyền giấy ra biển ngụ ý mãi duy trì việc ra biển như trước. Ngày 28 và 29-4, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã diễn ra lễ khao lề thế lính, một lễ hội hoành tráng mang tầm quốc gia với sự tham gia của đông đảo dân chúng trong khu vực. Ngay từ 4 tháng đầu năm, huyện đảo Lý Sơn đã đón gần 10.000 lượt khách tham quan di tích, du lịch. Lễ hội năm nay cũng được xác định là mở màn cho chương trình festival biển đảo sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012 tại Quảng Nam.
Bên cạnh các lễ hội dân gian thì năm 2009 và 2010 là hai năm diễn ra hàng loạt các lễ hội do trung ương và địa phương tổ chức với quy mô rất hoành tráng, với số người tham gia và chi phí không hề nhỏ. Hoành tráng và nổi bật nhất là sự kiện lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một lễ hội đúng nghĩa là nghìn năm có một như tầm vóc của nó đáng có.
2. Những mặt được và chưa được
Nhìn chung, việc tổ chức lễ hội năm 2010 thực sự rầm rộ và hoành tráng. Một mặt do là năm có nhiều sự kiện lớn, cho nên việc tuyên truyền được chú trọng ngay từ khâu chuẩn bị và ngay trong thời gian lễ hội, việc tổ chức lễ hội ở các địa phương đều được chuẩn bị chu đáo. Mặt khác, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường và công tác quản lý tổ chức được tăng cường bằng các lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động văn hóa, dịch vụ, ngăn chặn kịp thời các tệ nạn nảy sinh trong lễ hội…; tu sửa khu vực trong và ngoài khuôn viên nơi tổ chức lễ hội, di tích để phục vụ nhân dân tham gia trẩy hội, vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch được tăng cường mang lại hiệu quả cao, đáp ứng tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng dân gian, vui chơi giải trí lành mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ta vẫn thấy nhiều vấn đề bất cập còn chưa được giải quyết.
Số lượng lễ hội quá nhiều, lại dồn chủ yếu vào đầu xuân và mở ở khắp nơi nên dẫn đến tình trạng trăm hoa đua nở, lộn xộn, lãng phí.
Tổ chức các lễ hội mục đích nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau hoặc nhằm quảng bá hình ảnh của vùng miền, của đất nước… là việc cần thiết, nhưng vì chúng ta không quản lý tốt việc tổ chức lễ hội dẫn tới tình trạng phát triển tràn lan, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.
Đặc biệt là những lễ hội không phải là lễ hội dân gian do các tỉnh thành tổ chức đã gây tốn kém nhiều đến ngân sách của nhà nước và các địa phương. Dư luận bất bình về việc tổ chức lễ hội tràn lan ở địa phương, chủ yếu để lập kỷ lục, quảng bá thương hiệu, nhiều lễ hội dân gian bị biến dạng. Lễ hội đền Hùng thì làm bánh chưng hỏng, để doanh nghiệp lợi dụng tranh thủ quảng cáo rượu, lễ hội Bà Chúa kho thì khuyến khích mê tín, lễ hội đền Trần thì chen lấn xô đẩy… Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, nhiều nơi cần phải đầu tư,
Việc đốt vàng mã tràn lan ở khắp các lễ hội và các dịp lễ bái đầu năm khác đã khiến dư luận phải lên tiếng.
Đặc biệt là chuyện nhét tiền lẻ khắp nơi trên tay, chân, lưng hay ở bất cứ khe nào xung quanh tượng thần, phật và các vị trí khác là một hiện tượng quá phản cảm diễn ra phổ biến ở các lễ hội năm nay. Ở chùa Hương, tiền thả từ cáp treo ở lưng chừng núi, nhiều người đi lễ cuộn tròn, gấp nhỏ những đồng tiền mệnh giá 200, 500, 1000, 2000 và thậm chí là 5000 đồng, nhét vào mọi khe đá trong hang động…
Chuyện chèo kéo khách, chặt chém khách và những hiện tượng tiêu cực khác vẫn là những vấn đề nhức nhối cho tất cả các lễ hội.
Nguyên nhân của sự bùng nổ lễ hội năm nay có thể giải thích ở một số điểm như sau:
Nhân dịp chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên các địa phương hưởng ứng, tiến hành mở hội với mục đích quy tụ và đóng góp cùng Hà Nội làm cho sự kiện này càng có tầm vóc lớn.
Sự khởi sắc kinh tế đầu năm 2010 sau hai năm ảm đạm của kinh tế thế giới, đặc biệt là khu vực Đông và Đông Nam Á. Một số hoạt động văn hóa còn mang ý nghĩa kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời cũng là những báo hiệu của sự phục hồi kinh tế trong nước và quốc tế.
Một số di tích hoành tráng được xây dựng và mới hoàn thành như chùa Bái Đính, Khu di tích Sóc Sơn và một số di tích của các địa phương khác. Việc khánh thành các di tích này thực sự như một ngày hội lớn đối với nhân dân địa phương và du khách các nơi.
Có sự cởi mở của nhà nước đối với các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, nên các hoạt động của Phật giáo như rước xá lỵ của Phật, những lễ cầu an do Phật giáo thực hiện, hội thảo quốc gia và quốc tế về phật giáo nhân kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… được tổ chức khá sôi nổi. Những hoạt động này cùng với sự công nhận một số tôn giáo khác thể hiện rõ ràng quan điểm của Nhà nước trong hoạt động tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Có vấn đề của xã hội hiện đại với nhiều bất trắc của cuộc sống và sự biến đổi khí hậu cũng như nhiều vấn đề nan giải của môi trường gây nên nhiều lũ lụt, lở đất, bão lụt…; sự căng thẳng và bất an do bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn giao thông… xảy ra ở nhiều nơi đối với nhiều người, tạo ra những nỗi lo lắng hằng xuyên, khi không giải thích được thì người ta đi vào tâm linh. Bởi vậy việc thờ cúng, bói toán, xem số, ngoại cảm, gọi hồn… phát triển mạnh. Đặc biệt, những năm gần đây, khi mà các nhà ngoại cảm xuất hiện công khai và đã đạt được những thành công nhất định trong việc tìm kiếm mồ mả liệt sĩ, từ việc này nhân tiện người ta xem những việc khác, khi có kết quả thì tiếng tăm của những người này nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Từ đây cũng xuất hiện không ít những nhà ngoại cảm rởm gây sự hoang mang trong xã hội.
Tâm lý cầu lợi đang chi phối cả những người làm lễ hội đón khách cầu cúng. Lúc đầu có thể thuần túy vì những mục đích cao cả, từ thiện, nhưng rồi cuộc sống hằng ngày chi phối, ảnh hưởng của kinh tế thị trường tác động vào, nên một số người đã sa đà vào cảnh buôn thần bán thánh, nhân danh sự thiêng liêng của lễ hội để làm chuyện lừa lọc. Tâm lý bất ổn và còn nhiều hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh diễn ra trong xã hội nên còn nhiều người không dựa vào thực lực của mình mà lao theo những tiêu cực ấy và tin vào những sự may rủi do thần thánh đem lại. Chẳng hạn như tại sao lễ khai ấn thu hút thế là bởi theo lời đồn đại đây là lễ rất thiêng. Tương truyền vào đời nhà Trần, cứ vào giờ tý, đêm 14 tháng giêng hằng năm, nhà vua khai ấn, bắt đầu năm làm việc mới. Nay người ta cho rằng lễ khai ấn đền Trần là dịp xin thánh ban phước lộc trên đường hoạn lộ, ai có ấn thiêng thì cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc. Có lẽ vì thế mà xe ô tô cứ nườm nượp đổ về dự khai ấn hằng năm.
3. Một số đề xuất giải pháp
Các cấp quản lý từ địa phương đến trung ương cần xác định và phân biệt cho rõ các loại hình lễ hội khác nhau đặc biệt là các lễ hội mới và các lễ hội mang tính sự kiện. Hiện nay ở nước ta có các loại hình lễ hội sau mà ta quen gọi chung là lễ hội, đó là: lễ hội dân gian, lễ hội mang tính chất sự kiện (theo năm tháng kỷ niệm hay những dịp nào đó như 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 300 năm Sài Gòn), lễ hội chuyên đề về một hiện tượng văn hóa nào đó (kiểu như các festival du lịch, trái cây, làng nghề…), ở đây chúng ta chú trọng vào lễ hội dân gian mà thôi.
Nhà nước chỉ nên tham gia vào việc tổ chức những lễ hội lớn, mang tầm quốc gia và thật sự có ý nghĩa, chẳng hạn như các lễ hội và liên hoan có ý nghĩa lớn như 1000 năm Thăng Long vừa qua, hay lễ hội dân gian thì như tầm lễ hội đền Hùng có tính chất quốc gia, còn lại tất cả các lễ hội khác để cho địa phương tự tổ chức. Đặc biệt là những hội làng thì nên để người dân của làng tổ chức, nhà nước với tư cách là chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ và tạo điều kiện giúp đỡ mà thôi.
Các nhà lãnh đạo đi dự hội với tư cách là chính khách nhà nước cần thận trọng vai trò của mình có mặt tại lễ hội (đền Hùng, đền Trần, Tịch điền…). Còn lại, nếu đi hội với tư cách là cá nhân nên hết sức tránh việc tiền hô hậu ủng và để vai trò của mình ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc tổ chức hội.
Phân cấp quản lý lễ hội cho các địa phương một cách rõ ràng trên cơ sở quy mô của từng lễ hội mà Bộ VHTTDL đã có quy định từ trước.
Hãy dùng luật pháp để quản lý các vấn đề nảy sinh trong lễ hội chứ không phải là dùng các biện pháp hành chính. Chẳng hạn như vệ sinh môi trường, buôn bán, xóc thẻ, vàng mã… cần dựa vào luật pháp chứ không phải những biện pháp hành chính thuần túy.
Vấn đề xã hội hóa lễ hội dân gian cần được mở rộng và để cho các tổ chức xã hội thực hiện, nhà nước chỉ đóng vai trò khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ trong những chừng mực nhất định.
Nhà nước nên tổ chức các hội thảo quốc gia trong toàn quốc và khu vực để bàn bạc, chấn chỉnh các vấn đề lý thuyết và thực tiễn về lễ hội do cuộc sống nảy sinh, xem xét sự biến đổi của nó trước sự tác động của toàn cầu hóa và hiện đại hóa trong điều kiện hiện nay thế nào.
Tôn trọng và chú ý đến sự tư vấn của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và trí thức cùng các cơ quan quản lý. Nên chấp nhận và khuyến khích sự phản biện xã hội từ các nguồn khác nhau, càng đa dạng càng tốt.
Về phía đền chùa, nên cắt cử người thường xuyên hướng dẫn người dân dâng lễ, đặt lễ như thế nào cho đúng quy cách, thể hiện sự trang trọng và đúng, không để xô bồ biến tướng như hiện nay. Ban quản lý các di tích, danh thắng, đền, chùa cũng nên cắt cử người thu gom tiền lẻ thường xuyên để không có hiện tượng vứt bừa bãi khắp nơi, cắm cả vào tay tượng thánh, tượng phật, trông rất phản cảm. Nên lấy kinh nghiệm từ một số địa phương làm mẫu hình cho việc này như đền ở Hùng.
Cuối cùng cần lưu ý vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng. Rất cần sự hiểu biết và đặc biệt là cái tâm của người phóng viên khi đưa tin về những vấn đề này, bởi nó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, có thể gây hoang mang, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Do vậy bản thân các nhà báo cần có sự suy nghĩ khi đưa các vấn đề này lên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần có sự cân nhắc trước những vấn đề nhạy cảm, tránh tạo ra những luồng dư luận có tác động không tốt đến xã hội. Đó vừa là nhiệm vụ và trách nhiệm của các phương tiện này.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 321, tháng 3-2011
Tác giả : Lê Hồng Lý
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%