Khai thác các giá trị tích cực của Nho giáo trong tiến trình hiện đại hóa ở một số nước Đông Á
Nho giáo ra đời từ TK VI trước CN ở Trung Hoa rồi sau đó được truyền bá sang các nước Đông Á khác. Triều Tiên du nhập học thuyết này trong khoảng TK I trước CN, Nhật Bản khoảng TK V, Việt Nam khoảng trước và sau CN. Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của tập đoàn phong kiến ở các nước này qua hàng nghìn năm, góp phần nhất định vào việc ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, khi chế độ phong kiến suy tàn và mất hết vai trò lịch sử, cùng với sự xuất hiện những trào lưu tư tưởng tiến bộ ở phương Tây, nhiều học giả cho rằng Nho giáo cũng đã mất cơ sở tồn tại, trở nên bảo thủ, lạc hậu và mất hết giá trị. Nhưng sự thành công trong phát triển kinh tế ở một số nước Đông Á thuộc khu vực Hán hóa, Nho hóa, trở thành những con rồng, con hổ châu Á, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đã chứng tỏ rằng Nho giáo chẳng những không mất vị thế của mình trong những thập niên công nghiệp hóa mà còn trở thành một nhân tố văn hóa tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nước này. Nhiều học giả đã đi tìm bí mật trong sự phát triển thần kỳ ở các nước này để trả lời câu hỏi: sự phát triển ấy là do nước ngoài đầu tư hay do áp dụng những quan điểm Nho giáo hợp lý? Cuối cùng, câu trả lời của họ chính là cả hai nhân tố này.
Do biết kế thừa những điểm còn hợp lý trong Nho giáo đã ăn sâu vào đời sống của người dân, các nước này đã phát huy hết hiệu quả nguồn đầu tư nước ngoài cho phát triển đất nước. Lý Quang Diệu được xem là nhà lãnh đạo hiện đại hóa thành công theo đường lối “phát huy tinh hoa Nho giáo, hấp thụ có chọn lọc văn hóa phương Tây”. Singapore đã sử dụng cách quản lý và hệ thống công nghệ tiên tiến của các nước phát triển vào việc quản lý kinh tế xã hội của nước mình, còn Nho học đóng vai trò bình ổn xã hội, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế. Nho học tạo ra xã hội mang tính cộng đồng nên cân bằng và ổn định hơn xã hội phương Tây vốn bị thống trị bởi chủ nghĩa cá nhân. Chính tâm tính cộng đồng, tinh thần gia đình của Nho giáo trong các nhà máy, xí nghiệp là động lực chủ yếu của sự phát triển ở các nước Đông Á, trong đó có Singapore.
Nhật Bản, Hàn Quốc đã dựa vào những quan điểm hợp lý trong Nho giáo để đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, thống nhất giữa nghĩa và lợi, kết hợp tu dưỡng đạo đức với việc tính toán làm giàu, khuyến khích làm giàu chính đáng và nhắc đến câu của Khổng Tử: “Nước vô đạo mà anh trở nên giàu có là một điều đáng xấu hổ, nhưng nước có đạo mà anh lại không làm giàu được cũng là một điều đáng xấu hổ”. Các nước trên đã giữ lại mối quan hệ mang tính Nho giáo với tôn ti trật tự cổ truyền trong gia đình để ràng buộc con người vào trật tự xã hội, tạo nên mối quan hệ có tính chất gia đình kiểu Nho giáo giữa nhà nước và công dân, giữa chủ và thợ. Chính vì vậy, chúng ta thấy công nhân Nhật nổi tiếng bởi sự trung thành và tận tâm với chủ. Với chế độ làm việc suốt đời, những người lao động thấy lợi ích của mình trong lợi ích của doanh nghiệp, họ coi doanh nghiệp như là nhà và luôn cố gắng phát huy hết năng lực của nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp. Giai cấp tư sản ở những nước nói trên đã biết khai thác Nho giáo một cách thông minh, bài bản để tạo mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, tạo sự ổn định cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, người ta thấy tỷ lệ công nhân đình công ở Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Không những thế, họ còn phát huy hết tài năng, sáng kiến của người lao động cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Với việc nhận thức rằng, doanh nhân chính là người có vai trò quan trọng trong việc làm giàu cho đất nước, các học giả Nhật Bản đã vận dụng Nho gia vào đào tạo Nho thương hiện đại. Quá trình này được tiến hành từ năm 1868, trong phong trào Minh Trị duy tân. Khi đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế của công tác quản lý xí nghiệp của Nhật Bản, học giả Xát Trạch Vinh (1840-1931) đã đưa ra phương châm đào tạo một lớp doanh nhân Nhật Bản có “sĩ hồn thương tài chi đạo” (tấm lòng của nhà nho, tài năng của thương gia), tức là phải có kiến thức của một thương gia hiện đại, nhằm thích ứng với nhu cầu phát triển của kinh tế trong xã hội hiện đại nhưng phải có tấm lòng, trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước của một nhà nho. Qua đó, họ đã xây dựng được đội ngũ doanh nhân vừa có đức, vừa có tài để thúc đẩy và đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Sự thành công của việc phát huy Nho giáo trong công cuộc hiện đại hóa đất nước ở một số nước Đông Á khiến Trung Quốc, quê hương của Nho giáo, sau một thời gian kịch liệt phê phán, đã phải nhìn nhận lại học thuyết của cha ông họ. Theo họ, văn hóa truyền thống mà đại diện là văn hóa Nho-Đạo dù không giải quyết được tất cả các vấn đề của xã hội hiện đại nhưng vẫn có những giá trị có ích đối với con người trong xã hội đương đại. Vì vậy, sau một thời gian nghiên cứu văn hóa truyền thống có tính chất sách vở, kinh học, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận ra rằng, trong tất cả các lĩnh vực của xã hội đương thời, việc kế thừa văn hóa Nho-Đạo truyền thống đang tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác trong đầu óc người Trung Quốc, đã phát sinh tác dụng và có một số giá trị vô cùng quan trọng. Họ nhận ra rằng, trong thời đại ngày nay, để thúc đẩy xã hội tiến triển, nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề lớn. Đó là sự mất cân bằng giữa người với người do chủ nghĩa hưởng lạc và chủ nghĩa vị kỷ cá nhân cực đoan tạo nên. Sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế phương Đông và những thách thức của nó đối với mô hình quản lý của phương Tây tạo nên nhu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống tư tưởng quản lý theo kiểu phương Đông để thúc đẩy kinh tế phát triển… Những vấn đề đương đại đang phải đối mặt này có thể tìm thấy giải pháp khắc phục trong việc phát huy những giá trị tích cực của Nho giáo. Vì vậy, Trung Quốc đã ứng dụng Nho giáo trong một số lĩnh vực sau:
Trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, Trung Quốc đã khai thác học thuyết Nho gia ở khía cạnh trí tuệ và công tác đào tạo Nho thương hiện đại. Trong điều kiện kinh tế thị trường, mỗi cá nhân phải tự giác đào tạo mình thành một Nho thương đích thực để đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của kinh tế thị trường, phải có những Nho thương hiện đại thì mới thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển và có bước nhảy vọt. Để đào tạo được Nho thương hiện đại, ngoài việc phải trang bị vốn kiến thức và tinh thần thời đại của nền kinh tế thị trường, còn phải hấp thụ tư tưởng nội thánh ngoại vương chi đạo của Nho gia. Cái gọi là nội thánh tức là cái mà Mạnh Tử nói rằng, thánh nhân, nhân luân chi chí dã (thánh nhân chính là người đạt đến đỉnh cao của luân lý đạo đức), yêu cầu người ta phải hoàn thành tu dưỡng đạo đức ở mức độ cao nhất. Cái gọi là ngoại vương tức là yêu cầu các bậc thánh hiền, ngoài việc hoàn thành sự tu dưỡng đạo đức cho bản thân, còn phải biết biến cái đó thành thực tiễn đạo đức và giúp đời, giúp dân, quyết chí lập công, lập nghiệp vì quốc gia, dân tộc. Nhờ xây dựng được tầng lớp Nho thương hiện đại này mà Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trong TK XXI và những năm tiếp theo.
Về mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, một trong những khía cạnh được các nhà nghiên cứu Trung Quốc khai thác là tính hai mặt của đạo hiếu và giá trị xã hội của nó. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của chính sách cải cách mở cửa, tầng lớp thanh niên do có sự bất đồng trong việc tiếp thu giáo dục và do tác động của ngoại cảnh, nên có sự khác biệt rất lớn với thế hệ cha ông trên phương diện nhân sinh quan và giá trị quan, dẫn đến sự bất hòa và xung đột thế hệ thường xuyên xảy ra. Mâu thuẫn xã hội này chỉ có thể được giải quyết thông qua thái độ thông cảm cho nhau, học hỏi lẫn nhau trên cơ sở bình đẳng. Đây là yếu tố quan trọng góp phẩn ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao tố chất dân tộc trong thời đại ngày nay.
Như vậy, thành công của các quốc gia Đông Á trong phát huy các giá trị tích cực của Nho giáo chính là phát huy mặt tích cực của việc gia đình hóa các mối quan hệ xã hội nhằm khai thác tinh thần tận tụy, gắn bó với doanh nghiệp của người lao động; khai thác giá trị trách nhiệm cộng đồng để xây dựng tầng lớp doanh nhân vừa có tài vừa có tâm, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh mẽ; khai thác một số giá trị tích cực của đạo đức Nho học để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hiện đại, nhằm duy trì ổn định trật tự xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước.
Khai thác những giá trị tích cực của Nho giáo trong tiến trình hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay
Nho giáo đã tồn tại và phát triển ở Việt Nam suốt 20 thế kỷ. Sự có mặt tất yếu và vai trò lịch sử của nó đã đáp ứng những yêu cầu phát triển và không tách rời sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn và chấm dứt năm 1945, trên bình diện là một vũ khí tư tưởng, Nho giáo không còn tồn tại, nhưng những âm hồn của nó vẫn sống dai dẳng trong các quan hệ xã hội, trong ứng xử giữa người với người, tác động tích cực và cả tiêu cực tới xã hội Việt Nam hiện nay. Tác giả Vũ Khiêu cho rằng: “Nếu không đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ buông trôi cho sự phục hồi những nhân tố tiêu cực của Nho giáo, đồng thời cũng sẽ lãng phí những nhân tố tích cực mà Nho giáo có thể đóng góp vào sự nghiệp của đất nước ta hôm nay” (1). Sự chủ động khai thác sẽ giúp chúng ta vừa phát huy được những mặt tích cực, vừa hạn chế được mặt tiêu cực của Nho giáo đối với sự phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, mặt tích cực của Nho giáo là đề cao học tập, tạo ra tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, đề cao những người có học vấn trong nhân dân… Trong điều kiện kinh tế tri thức hiện nay, nước nào có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ thì sẽ có lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu. Chính vì vậy, việc xây dựng xã hội học tập, mọi người đều đi học và học tập suốt đời để nâng cao trình độ đã trở thành yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, một bất cập trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay chính là nếu như trước đây, chúng ta quá chú trọng đến giáo dục đạo đức thì sang thời kỳ đổi mới, chúng ta lại quá chú trọng đến dạy chữ, mà không quan tâm đúng mức đến dạy nghề, dạy người, do đó lại dẫn tới những lệch lạc về nhân cách của người học, không tạo ra những con người có đủ đức đủ tài để cống hiến cho xã hội. Vấn đề quan tâm đến giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay lại đang đặt ra một cách cấp thiết.
Về xây dựng gia đình, Nho giáo đưa ra ba nguyên tắc chỉ đạo trong các quan hệ gia đình: thứ nhất là tôn ti trật tự để phân định các mối quan hệ trong gia đình, thứ hai là trọng nam khinh nữ và thứ ba là bảo đảm quyền tối cao của người gia trưởng. Nho giáo yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình với gia đình. Cha mẹ phải lấy nhân từ làm tiêu chuẩn trong ứng xử với con cái. Cha mẹ quan tâm nuôi dạy con cái, chăm lo đến sự nghiệp, tương lai hạnh phúc của con, là tấm gương cho con. Quan hệ của con đối với cha mẹ được thực hiện bằng chữ hiếu…
Việc đề cao trách nhiệm mỗi thành viên trong gia đình với nhau theo tiêu chuẩn đạo đức của Nho gia là những giá trị cần thiết trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, tình nghĩa, thủy chung hiện nay. Nhất là khi mặt tiêu cực của kinh tế thị trường mà biểu hiện của nó là lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, quá đề cao lợi ích vật chất đã tác động đến một bộ phận dân cư, thậm chí len lỏi vào trong cuộc sống gia đình, dẫn đến các hiện tượng con cái ngược đãi ông bà, cha mẹ, sự vô trách nhiệm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, anh em ẩu đả, chém giết nhau vì tài sản… có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện đại là quan hệ có trách nhiệm, tình nghĩa song phải hòa đồng, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng nhau, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ chứ không phải là trên cơ sở sự nhẫn nhục, chịu đựng một chiều. Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cần loại bỏ những mặt tiêu cực của Nho giáo trong xây dựng gia đình mới hiện nay, như tư tưởng trọng nam khinh nữ, đảm bảo quyền gia trưởng của người đàn ông với biểu hiện như quan niệm về sinh con trai, con gái, phân chia tài sản cho con cái, chưa coi trọng người vợ…
Về mặt quản lý xã hội, quản lý đất nước, chúng ta cũng có thể kế thừa một số mặt tích cực của Nho giáo cho phát triển đất nước. Mặt trái của kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận người dân rơi vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan, họ chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất của cá nhân mà sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người khác, của cộng đồng, dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Một bộ phận thanh niên tiếp xúc với văn hóa phương Tây, đề cao chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng lạc. Họ thậm chí rơi vào cuộc sống sa đọa, mắc tệ nạn xã hội mà quên đi trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, không chịu khó học tập, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội khiến chúng ta cần phải khôi phục và khơi dậy ý thức trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, xã hội mà Nho giáo đề xướng và cổ vũ. Nho giáo không xuất phát từ lợi nhưng cũng không bài xích mọi thứ lợi, mà chỉ coi thường cái lợi phi nghĩa. Khổng Tử nói: “Kiến lợi tư nghĩa” (Thấy lợi thì nghĩ tới nghĩa). Đó là giá trị tích cực của Nho giáo, cũng có ý nghĩa tích cực đối với công cuộc đổi mới, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, nó góp phần kìm hãm, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân đang có xu hướng gia tăng, làm cản trở sự phát triển của đất nước nhưng vẫn tôn trọng lợi ích cá nhân chính đáng góp phần tích cực vào việc thúc đẩy xã hội phát triển.
Nho giáo với học thuyết chính danh của mình đòi hỏi mỗi người phải cố gắng làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ xã hội, góp phần vào việc duy trì trật tự xã hội. Điều này là cần thiết ở mọi chế độ xã hội, ở mọi thời đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần loại bỏ mặt tiêu cực của tư tưởng chính danh là việc đề cao trách nhiệm, đặc biệt là sự phục tùng một chiều theo những điều “lễ” cứng nhắc, khuôn phép dẫn tới chỗ con người không thấy cá nhân mình tách biệt mà chỉ thấy mình trong các mối quan hệ, cảm thấy gò bó, tù túng, không có khả năng giải phóng cá tính con người trong khi mỗi người là một cá nhân riêng biệt, có những nhu cầu, sở thích, cá tính riêng, có tinh thần tự chủ và sáng tạo.
Một giá trị tích cực của Nho giáo đối với việc quản lý nhà nước hiện nay là nó đòi hỏi nhà cầm quyền phải luôn làm gương trước dân về mặt nhân cách đạo đức. Các bậc tiền bối Nho gia đều cho rằng người cầm quyền nếu không có đạo đức, nhân cách tốt thì không thể nào hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, dẫn dắt dân của mình được. Trong Luận ngữ có câu: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi thành. Kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tùng” (Bản thân ngay thẳng, tuy không ra lệnh, mọi việc vẫn trôi chảy; bản thân không ngay thẳng, dẫu có ra lệnh, dân cũng chẳng theo). Khổng Tử cho rằng, nhà cầm quyền dù có tài năng nhưng thiếu đạo đức thì cũng không có ý nghĩa gì, “Như có tài năng tốt đẹp của Chu Công, mà có tính kiêu ngạo, biển lận thì những tài đức gì khác cũng không xét nữa” (2). Những tư tưởng này cần được khai thác trong xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay. Đội ngũ này được coi là có ý nghĩa quyết định, then chốt trong mọi thành bại của cách mạng, trong sự phát triển của đất nước. Nhất là hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn ra khá phổ biến, thậm chí có người nắm giữ những chức vụ cao đã chạy theo lợi ích cá nhân mà quên đi trách nhiệm với quốc gia, làm cho tham nhũng trở thành quốc nạn đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Nho giáo nhận ra điểm tựa bất biến của con người là tình cảm huyết thống và dùng nó để làm nền móng xây dựng một mô hình xã hội duy trì bằng đạo đức huyết thống, dùng quan hệ huyết thống tông tộc để sắp đặt, điều chỉnh các quan hệ đẳng cấp có tính xã hội. Từ đó, Nho gia đã biến tất cả các mối quan hệ xã hội trở thành những quan hệ họ hàng mà trong đó, người với người đối xử với nhau có tiêu chuẩn đầu tiên là phải hòa mục, thân ái như tình máu mủ. Các quốc gia Đông Á đã khai thác mặt tích cực của tư tưởng này là xây dựng tinh thần tận tụy, trung thành của người lao động với người chủ trong doanh nghiệp, sự trung thành của người dân với nhà nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tỉnh táo loại bỏ mặt tiêu cực trong việc nhà hóa các quan hệ xã hội, khiến con người dễ từ bỏ nhiều chuẩn mực xã hội minh bạch, rõ ràng khác để đổi lấy sự dĩ hòa vi quý. Việc quá đề cao yếu tố gia đình và tình cảm gia đình dẫn tới tình trạng nhà hóa các cơ quan nhà nước, đoàn thể, coi thủ trưởng cơ quan như người gia trưởng, hình thành tác phong gia trưởng trong các tổ chức và cơ quan nhà nước. Thủ trưởng có thể ban ơn hay quở trách tùy theo sự yêu mến, ghét bỏ của mình, hạn chế việc xây dựng nếp sống làm việc lành mạnh, dân chủ, bình đẳng. Hơn nữa, cũng từ việc coi trọng lễ giáo, coi trọng quan hệ gia đình thân thuộc nên nhiều người đã đưa quan hệ gia đình vào cơ quan, hình thành nên quan hệ chú-cháu, anh- em, khiến cho người trẻ, cấp dưới không dám góp ý và đấu tranh với khuyết điểm của người lớn tuổi, cấp trên vì vị nể. Tất cả những điều này đang cản trở quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, lấy pháp luật làm cơ sở, chuẩn mực cho mọi hành động, xây dựng mối quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa người với người.
Đây chỉ là những nghiên cứu ban đầu về các giá trị cần phải phát huy và những mặt tiêu cực cần phải loại bỏ trong Nho giáo trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta hy vọng rằng với những nghiên cứu sâu sắc hơn nữa, đặc biệt là chuyển hóa được những nghiên cứu này vào hoạt động thực tiễn, Việt Nam sẽ thành công trong việc khai thác Nho giáo vào tiến trình hiện đại hóa của mình để hóa rồng, hóa hổ như nhiều quốc gia Đông Á có chung nền văn hóa Nho học khác.
____________
1. Vũ Khiêu, Về giá trị đương đại của Nho giáo Việt Nam, Tạp chí Triết học, tháng 8-2009.
2. Khổng Tử, Luận ngữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, tr.144.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 – 2018
Tác giả : NGUYỄN TIẾN THƯ – TRỊNH XUÂN THẮNG
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai