Nhóm truyện kể về sự tích phong tục các dân tộc vùng tây bắc

Nghiên cứu văn học dân gian từ góc nhìn ngữ văn, văn hóa là vấn đề phổ quát trong giới nghiên cứu folklore thế giới. Tiếp cận đề tài từ lý thuyết địa – văn hóa và văn hóa tộc người trong một vùng văn hóa, người nghiên cứu sẽ thấy nhóm truyện kể về sự tích phong vật ở Tây Bắc thật sự hấp dẫn, trở thành đối tượng nghiên cứu riêng biệt vì số lượng phong phú, nội dung độc đáo, mang giá trị giáo dục, thẩm mỹ sâu sắc, thể hiện đặc trưng tộc người rõ nét.

1. Truyện kể về sự tích tộc người gắn với tín ngưỡng totem đậm nét

Người Mông với những truyện kể phản ánh, giải thích thật hồn nhiên về không gian sinh sống, phong tục tập quán, thẩm mỹ trang phục, thị hiếu âm nhạc, sản vật ẩm thực…để trả lời rất nhiều câu hỏi mà họ đặt ra rồi tự trả lời. Truyện thể hiện rất rõ không gian địa lý tự nhiên, tín ngưỡng vật linh của tộc người, kể về ba chị em mồ côi đùm bọc nhau, trồng bắp trồng bông sinh sống. Nhưng cuộc sống đầy bất trắc, người chị bị hổ ác ăn thịt. Các em thương chị đi tìm, được hổ hiền ( chính là linh hồn của người cha trong lốt hổ) chỉ cách diệt trừ hổ ác. Hổ bày cho con đi vào rừng sâu, núi cao, tìm cây có mùi thơm làm nhà. Hổ tìm đến chỗ cây thơm nói chuyện với chàng trai rằng: Người Mông ta từ nay ở núi cao, rừng sâu. Cũng từ nay nếu mẹ chết trước thì thôi, nếu bố chết trước thì bố biến thành hổ, trông nom con và đi tìm hạnh phúc cho con (1).

Tuyển tập truyện cổ Mông có truyện Nguồn gốc họ Giàng giải thích họ Giàng có nguồn gốc thủy tổ từ dê thần. Dê núi được thần núi dạy phép thuật, vốn tinh khôn, sáng dạ, dê học được rất nhiều phép biến hóa, giúp đỡ mọi người. Dê cứu cô gái đẹp, con gái chúa bản. Câu chuyên tiếp theo có phần tương tự các truyện trong kiểu truyện người mang lốt. Dê vượt qua nhiều thử thách, lấy được con gái chúa bản, trút bỏ lốt dê để trở thành chàng trai tuấn tú. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, họ sinh con đẻ cái, cháu chắt ngày càng đông lên mãi. Đó chính là tổ tiên của dòng họ Giàng (2).

Vấn đề giải thích nguồn gốc tộc người gắn với tín ngưỡng totem còn xuất hiện trong khá nhiều truyện kể của các dân tộc. Dân tộc Si La ở Mường Tè, Lai Châu có truyện kể rằng chàng trai Kíu San khi mới sinh ra, mẹ địu con lên nương bị bệnh cảm mà chết. Một con hổ cái đem bé về nuôi với đàn con sơ sinh của mình. Khi Kíu San 12 tuổi, hổ mẹ cõng em về bản, cứ 3 ngày lại cõng lợn rừng hay hoãng xuống bản cho con nuôi. Sau này Kíu San yêu Sa Ly con gái tổng bản, bị tổng bản cấm đoán, chàng buồn bã, đi lang thang, được hổ anh em nuôi giúp đỡ. Kết chuyện là cảnh chàng gọi các con đến dặn dò: Không có hổ bà thì không có bố, không có hổ cậu thì bố mẹ không được lấy nhau. Từ nay bố đổi họ Kíu thành họ Hù (hổ). Từ đấy dân tộc Si La có thêm họ Hù (hổ) và có tục thờ hổ (3). Người Si La có tục cấm săn bắt hổ lấy thịt ăn, lấy xương nấu cao, da trang trí. Nếu ai giết hổ coi như giết người phải đền mạng sống. Hổ trong rừng già mất đi thì được chôn cất mồ yên mả đẹp như người ở nơi sườn núi cao nhất.

Tục thờ cúng Bàn Vương (thờ chó làm thủy tổ – totem) của người Dao cũng liên quan đến câu chuyện về Bàn Vương. Cùng nói về nguồn gốc tộc người, nhưng ở truyện kể Bàn Vương, người Dao lại lý giải tộc người Dao có nguồn gốc từ một loài động vật thần kỳ đó là con chó ngao huyền thoại. Truyện kể rằng: Bàn Hồ vốn là một vị thần, là con long khuyển mình dài ba thước. Vì chứng kiến cảnh chiến tranh liên miên giữa hai nước của Cao vương, Bình vương nên Bàn Hồ biến thành người xin vua Bình vương đi đánh giặc, nếu thắng được lấy công chúa. Với mưu trí thông tuệ, Bàn Hồ tự mình sắp đặt kế hoạch, không cần đến binh mã. Bằng sức khỏe phi thường, sự thông minh, lanh lợi, Bàn Hồ đã cứu được nước Bình vương giết chết Cao vương. Trở về nước, Bàn Hồ được vua gả con gái cho. Hai vợ chồng sinh được 12 người con (6 trai, 6 gái), được Bình vương ban sắc 12 họ, phong Bàn Hồ là Bàn vương. Điểm nổi bật của truyện chính là lý giải nguồn gốc tộc người Dao. Trong truyện kể này, nguồn gốc người Dao là con chó ngao, đó là chú long khuyển (chó ngũ sắc) từ trên trời giáng xuống núi Nam Sơn. Vì thế, người Dao coi chó là totem thủy tổ của dân tộc mình.

 2. Truyện kể về sự tích các nghi lễ, phong tục

Truyện của người Mông còn là một bài học sâu sắc về thói kiêu căng, hợm hĩnh của một chàng trai tài giỏi nhưng độc ác, hay gây sự. Lúc trẻ anh ta hung hăng, gây thương tích, đổ máu cho biết bao người rồi lại uống máu người không biết sợ. Về già, tên giết người không ghê tay ấy ốm nặng, rồi hấp hối. Nhưng những tội ác mà hắn gây ra đã khiến hắn không tắt thở được. Hắn quằn quại, đau đớn nhiều ngày nhiều đêm. Người nhà, họ hàng bàn nhau tìm ra căn bệnh của kẻ khó chết. Một người già từng trải nói góp một câu: Nó còn phải nằm đó, nằm cho đủ thời gian để suy nghĩ, ăn năn về hành động bất nhân đã qua của nó, nó đã dùng sức trẻ một cách vô ích (4). Sau đó, dường như thấy sự hấp hối khổ đau kéo dài , hành hạ kẻ ác đã đủ, tội ác đã bị trừng phạt xứng đáng, bà con dân bản cử một người cầm sừng trâu thổi tu tu đi trước, người thứ 2 cầm dao, người thứ 3 mang cung tên, tiếp đó 6 người đi theo làm quân, 9 người đi quanh nhà người ốm 7 vòng. Lạ thay, người hấp hối lúc ấy tự nhiên nhắm mắt, tắt hơi thật sự. Dần dà, người Mông cho như thế là điềm lành, làm cho người hấp hối được thanh thoát…nên họ biến trình tự đó thành lễ nghi, quy định hẳn hoi. Đàn bà có chín vía nên phải có chín người đi quanh 9 vòng nhà. Đàn ông có bảy vía nên chỉ cần có 7 người đi quanh nhà bảy lần là đủ. Để cho cuộc tiễn đưa hồn người qua đời được êm đẹp, người ta tổ chức đánh trống, múa khèn suốt từ ngày có tang đến ngày chôn cất thi hài. Chức năng giải thích phong tục, chức năng giáo dục đạo đức xã hội của câu chuyện trên thật sâu sắc, ấn tượng (5).

Truyện Họ Giàng kiêng ăn tim lại là một câu chuyện ngắn gọn mà thật cảm động. Tính cố kết cộng đồng, dòng họ của người Mông, long trọng phong tục truyền thống, trọng danh dự, trọng sự ngay thẳng thể hiện thật rõ nét. Mở đầu câu chuyện là sự khẳng định: Người Mông có thói quen giữ lại tập tục của tổ tiên, sống theo những nếp mà người già trước khi nhắm mắt đã dặn lại con cháu. Do bị nghi ngờ là đã để cho đứa con trai nhỏ ăn vụng quả tim khi mổ lợn đãi người họ cũ, người bố đã đành giết đứa con nhỏ của mình, cắt trái tim cho vào chảo nước sôi thay cho quả tim lợn. Đến khi múc cạn chảo, thấy hai quả tim, người bố đau đớn uất ức thề rằng từ nay họ Giàng không ai được ăn tim nữa. Từ đấy họ Giàng ăn tất cả, trừ quả tim thôi. Câu chuyện đau thương có phần quyết liệt, cực đoan ấy là sự hình tượng hóa, khái quát hóa lời cảnh tỉnh con người về sự ngờ vực tầm thường, nhỏ mọn của con người, đồng thời cũng làm cho ta hiểu về một tục lệ của họ Giàng là không bao giờ ăn tim động vật.

Người Dao ở Lai Châu lưu truyền câu chuyện kể về tục đánh trống trong đám tang. Chàng trai người Dao được thần cho mượn cái trống một mặt đỏ, một mặt xanh. Đánh vào mặt đỏ thì người sống lăn ra chết, đánh vào mặt xanh thì người chết sống lại. Người đời sau bắt chước đánh trống trong đám ma người chết để mong cứu người chết sống lại. Câu chuyện được ghi chép ở Lai Châu này khá đơn giản, không có nhiều yếu tố ly kỳ, lãng mạn như những chuyện kể sự tích khác.

Người Dao kể về phong tục trong đám cưới của dân tộc mình qua câu chuyện kể Sự tích cây Tiên Linh. Bên một dòng suối có một cây cổ thụ nghe nói đã vài nghìn năm tuổi gọi là cây Tiên Linh. Cây nở những bông hoa có hai màu, có màu nở đỏ thắm khi nghiêng về phương sao bắc đẩu, khi ngả về phương sao thần nông lại nở màu trắng tuyết. Một người con gái Dao xinh đẹp đã nhặt được một bông hoa màu đỏ, trên lá có chữ nhưng nàng không xem mà thả trôi như một chiếc thuyền nhỏ xíu. Một chàng trai khôi ngô, tuấn tú ngồi câu cá, nhặt được chiếc lá, thấy có đề chữ duyên trời định cho chàng Chương Linh kết duyên với nàng Chu Nữ vào ngày lành tháng tốt, năm…Cha mẹ hai bên cho là duyên trời nên tiến hành thủ tục hôn lễ theo đúng ý trời. Từ đó, tục người Dao dựng vợ gả chồng theo nghi lễ đó. Người con trai ở phương nam mang trang phục trắng, người con gái phương bắc mang trang phục màu đỏ. Khi đi đưa dâu phải đi bằng thuyền qua sông. Lễ vật đầu tiên đưa đến nhà gái có 12 gói muối, 12 miếng trầu cau, 12 đôi đồng xu, 1 gói chè, 2 miếng vải vuông màu trắng, đỏ rồi gói các lễ vật trên thành một bọc. Song nhất thiết phải có 1 mảnh giấy đỏ hình chữ nhật, nhỏ, dài, ghi ngày tháng, năm kết hôn của đôi lứa đặt trong 2 miếng vải màu trắng đỏ rồi gói, gấp vuông vắn gọi là hồng thư định trà (lá thư đỏ định hôn thay cho lá cây Tiên Linh). Thực hiện thủ tục lễ vật cưới như vậy, người Dao Tuyển tin tưởng rằng cặp vợ chồng sẽ hạnh phúc trăm năm.

3. Truyện kể về sự tích các sản vật

Sự tích chiếc kèn môi chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, kỳ ảo hơn, kể về nguồn gốc một nhạc cụ dân gian giản dị nhưng vô cùng gắn bó, thân thuộc mang tính đặc trưng của âm nhạc Mông là chiếc kèn môi. Chàng trai con vua thủy tề, hóa thân từ con cá nhỏ đã cứu nàng công chúa xinh đẹp bị con quỷ ác hãm hại. Quỷ đuổi theo, bắt lại được nàng công chúa, chỉ có chàng trai trốn thoát. Chàng buồn rầu, đi lang thang thì gặp tiên ông, được tiên ông cho một con dao, một chiếc lá. Tiên ông dặn chàng: khi nào con muốn nói gì với vợ con, con hãy để chiếc lá này vào miệng mà nói, vợ của con sẽ nghe tiếng. Tiên ông lại hiện đến chỗ nàng công chúa, cho nàng chiếc lá, bảo như đã nói với chàng trai. Trải qua rất nhiều khó khăn, nhờ lòng dũng cảm, quyết tâm, được tiên ông giúp đỡ, chàng trai đã giết được quỷ ác, sống hạnh phúc bên công chúa, được vua cha phong làm phò mã. Dân bản Mông cảm phục gương anh dũng của chàng trai nên cũng làm kèn môi để thổi. Và cứ mỗi đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, họ lại dùng kèn môi để tỏ tình. Tiếng kèn môi khi thủ thỉ tâm tình, khi vang xa lảnh lót qua vách núi, nương ngô đã trở thành một biểu tượng văn hóa dân tộc Mông đầy ấn tượng và gợi cảm (6).

Cũng kể về sự tích nhạc cụ giản dị mà độc đáo, dân tộc Thái có truyện kể về nàng Hoa xinh đẹp, hát hay, dệt thổ cẩm giỏi được biết bao chàng trai đem lòng yêu mến nhưng chỉ có tiếng sáo Pí Pặp của chàng trai họ Hoàng làm nàng xao xuyến. Biết chàng là con nhà nghèo, cha mẹ nàng Hoa không ưng, ép nàng lấy chồng quan châu có quyền lực, giàu có. Hai người dắt nhau lên rừng, đào cái huyệt to, ăn lá ngón để giữ trọn lời thề. Trên nấm mồ của họ mọc lên bụi nứa tép, cành lá tươi xanh, rì rào trong gió. Từ đó trai bản trên, gái mường dưới đến tuổi cập kê, rủ nhau đến bụi nứa tép khấn vái xin đốt ống nứa về làm cây sáo thổi gọi người yêu, tự tình. Cây sáo pí pặp với những âm thanh muôn vẻ của tình yêu còn lưu truyền đến bây giờ (7).

 Sự tích cây đàn tính tảu kể về vùng suối Nậm Lùm của Mường So (thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu ngày nay) có một khối đá to bằng hai, ba cái nhà sàn, người dân ở đây gọi là Hin Bát. Có một chàng trai người Thái trắng mồ côi, nghèo khó lấy Hin Bát làm chốn nương thân. Ban ngày chàng đi kiếm củi, bắt cá, đêm về ở trong một túp lều nhỏ trên đảo hoang. Một lần đi quăng chài, chàng vớt được một quả bầu. Chàng lấy phần dưới của quả bầu tra thêm chiếc cán vào để làm gáo múc nước. Rồi chàng đem cái gáo bầu căng mấy sợi dây chài dọc chiếc cán gỗ, rồi gẩy thử, những âm thanh vừa lạ, vừa hấp dẫn bỗng vang lên làm chàng nghĩ ngay ra việc đem thử nó đến nhà người chàng thầm yêu trộm nhớ để thức nàng dậy tâm tình. Nửa trái bầu chàng vứt trôi sông, người Kinh ở dưới xuôi vớt được, ngược dòng sông Đà lên tìm, ngỏ lời xin một dây làm chiếc đàn bầu. Từ đó, người Kinh mới có chiếc đàn bầu. Lại nói về chàng trai người Thái, khi làm được chiếc đàn như ý, chàng gẩy chơi, âm thanh khi trầm khi bổng, lúc ngân nga, lúc thủ thỉ tâm tình, làm đắm say lòng người, chàng đã gọi giục được người chàng thầm yêu lách cửa, xuống sàn cùng chàng tâm tình.

Từ đó, tính tảu xé xao được gọi là tính tảu (cây đàn bầu). Người Thái trắng coi nó là loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc nhất. Họ thường dùng tiếng đàn để tỏ tình, giao duyên, đệm cho hát múa dân gian, đặc biệt là các làn điệu hát then, hát thơ (khắp then, khắp sư) cùng với pí pặp (hát cúng các vị thần linh trên trời). Người hát là thày mo, thày cúng, nên trong quan niệm của người Thái, tiếng đàn trở thành linh thiêng trong cúng lễ, nó là vật thiêng trời ban cho.

Cái hay của câu chuyện, chính là cốt chuyện gắn với những địa danh, vết tích có thực ở vùng Tây Bắc, cái nôi văn hóa Thái (8).

4. Truyện kể về sự tích các loài cây, loài hoa

Về sự tích loài hoa, người Thái có một câu chuyện hay, đậm chất lãng mạn, rất phù hợp với thiên nhiên, tâm hồn của họ. Có một vài dị bản của truyện này nhưng người dân lưu truyền nhiều hơn bản kể về tình yêu của cô gái Thái xinh đẹp tên Ban và chàng trai thợ săn tài ba tên là Bun. Hai người thề nguyền ước hẹn giữ vẹn tình yêu nhưng rồi như bao câu chuyện tình ngang trái khác trong kho tàng truyện kể dân gian dân tộc Thái, sự phân biệt đẳng cấp sang hèn đã ngăn cách tình yêu đôi lứa, chàng Bun bị nhà tạo cầm dao chém., đuổi đi. Chàng khổ đau, kiệt sức gục xuống tắt thở bên một cửa hang, ở lưng chừng núi (dân gian gọi là hang Thẩm Lé). Dân các bản Thái quanh vùng thương xót chàng Bun, bảo nhau chôn cất, thường xuyên chăm sóc mộ chàng. Nàng Ban bị bắt, phải xung vào đội múa xòe. Một lần nhân lúc con trai nhà tạo uống rượu ngủ say, nàng trốn ra khỏi nhà. Đến ngọn núi có hang Thẩm Lé thì nàng không thể lết đi được nữa. Nàng gục xuống đúng nơi có nấm mộ chàng Bun. Từ ngôi mộ chung ấy bỗng mọc lên một cây lạ, cành nhỏ khẳng khiu, lá xanh thắm có hình hai nửa trái tim. Cứ mỗi mùa đông lạnh giá, cây lại trút lá thành tấm thảm dày ủ ấm cho ngôi mộ. Sang xuân, thật kỳ diệu, cây trổ lộc non, giữa những lá xanh e ấp hình trái tim chung đôi ấy vụt bừng nở những đóa  hoa trắng ngần như làn da nàng Ban, hoa năm cánh như búp tay nàng, hương thơm thầm kín dịu dàng. Từ nhụy hoa, những tia màu hồng tỏa  ra như mạch máu từ trái tim thủy chung và rực lửa yêu đương của nàng Ban và chàng Bun hoà quyện mà thành. Người Tây Bắc gọi cây này là cây hoa ban (9).

Chiếc khăn piêu của người Thái gắn với một truyền thuyết Sự tích chiếc khăn piêu, kể rằng ngày xưa có một mường toàn đàn bà sinh sống với nhau. Bất kỳ một người đàn ông nào đi qua đều bị giết chết. Một hôm, có một người đàn bà đi rừng và gặp một người đàn ông ở mường khác lạc sang. Hai người đi lại với nhau, sinh được một người con trai. Về sau, người con trai lớn lên, thấy được cách sống vô lý của mường mẹ nên đã sang mường bố huy động lực lượng sang đánh. Mường đàn bà thất bại, xin mường đàn ông tha chết, hứa sẽ ở chung với mường đàn ông. Ðể đánh dấu sự thất bại của họ, mường đàn ông bắt họ đội khăn có in những dấu ngón tay đã điểm chỉ vào đó, gọi là những chiếc cút.

Khăn piêu được phụ nữ tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Ðể làm một chiếc khăn piêu phải mất từ 2 đến 4 tuần thêu liên tục. Từ khi 6, 7 tuổi, người con gái Thái phải học tập cách thêu các hoa văn. Piêu đã trở thành một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác (10).

Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Chiếc piêu từ giây phút đó trở thành cầu nối tình yêu của họ. Trai gái Thái ở Sơn La khi yêu nhau mà không lấy được nhau, cô gái đến xin lại chiếc piêu của mình đã tặng. Khăn piêu vừa là nét đẹp trang phục truyền thống, vừa thể hiện tinh hoa trong văn hóa  ứng xử cần được nâng niu, giữ gìn.

Có sự tích khác kể về một câu chuyện thật hay, ý nghĩa, rằng bản người Mông có một cô gái xinh đẹp tuyệt vời lại đẹp nết, giỏi giang. Ai cũng muốn lấy nàng làm vợ nhưng nàng không muốn lấy ai vì còn mẹ già em nhỏ. Chánh tổng giàu có cho đầy tớ đến hỏi nàng làm vợ nhưng thấy nàng khóc, tôi tớ không dám bắt nàng. Khi chánh tổng đích thân đến, nàng hoảng sợ bỏ chạy. Nàng chạy nhanh như gió, chim chóc cũng bay theo nàng, hoa đào, hoa hồng, hoa mơ cũng hướng về nàng, mặt trời trải nắng lụa như tơ. Váy của nàng đón gió xòe ra tròn trịa như cánh công đang múa (11). Lão chánh tổng đuổi kịp, quờ tay túm lấy váy của nàng. Nhưng từ trong chiếc váy ấy bay ra muôn ngàn cánh bướm, lão chánh tổng mờ mắt, ngã xuống hố mà chết. Từ đấy, con gái Mông học đường kim mũi chỉ, học mẫu thêu hoa bướm của nàng mà làm những chiếc váy hoa để mặc trong những ngày hội xuân, trong những lúc hẹn hò tình tứ với người yêu.

Qua câu chuyện, có thể thấy niềm tự hào sâu sắc của người Mông về trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc mình. Chiếc váy của người Mông là cả một công trình nghệ thuật thẩm mỹ biểu trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu cuộc sống của con người.

Nhìn chung, nhân vật trung tâm trong các truyện kể về sự tích phong tục, sản vật vừa khảo sát ở trên chủ yếu là chàng trai, cô gái trong quan hệ tình cảm lứa đôi như nàng Hoa – chàng Hoàng, chàng Bun – nàng Ban, nàng Ờm – chàng Bồng Hương…Tình yêu không thành bởi những trở lực vô lý, tàn bạo của xã hội, gia đình đã dẫn đến những kết thúc không có hậu dành cho hầu hết những chàng trai cô gái đáng thương. Nhân vật chính hóa thân vào cây cỏ, hoa lá, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian. Chính vì thế, yếu tố giải thích phong tục, sản vật trở nên ấn tượng, ám ảnh.

Theo quan sát của chúng tôi, những truyện kể của dân tộc Thái tràn đầy chất lãng mạn, lối kết thúc đậm tính bi kịch so với những truyện kể về sự tích của dân tộc Mông, Dao, Mường…Truyện kể của người Mông có phần quyết liệt, cứng cỏi nên số truyện kết thúc có hậu tăng hơn so truyện sự tích của dân tộc Thái. Việc sử dụng các yếu tố kỳ ảo trong các truyện của các dân tộc cũng có sắc thái riêng. Nhân vật hổ, yêu tinh xuất hiện nhiều trong truyện dân tộc Mông, môtíp hóa thân xuất hiện nhiều trong kết thúc truyện kể sự tích của người Thái. Qua khảo sát, nghiên cứu nhóm truyện này từ góc độ văn học, ta có thể hiểu hơn quy luật sáng tạo của nghệ thuật dân gian mỗi dân tộc.

Mặt khác, nghiên cứu đặc điểm nhóm truyện từ góc độ văn hóa tộc người, người nghiên cứu hiểu thêm mối quan hệ giữa tác phẩm ngôn từ với phong tục tập quán, tín ngưỡng, đặc điểm địa lý, lịch sử dân tộc. Không gian rẻo cao, rừng núi đậm nét trong những câu chuyện kể của đồng bào Mông, Dao; không gian thung lũng rẻo dưới là bối cảnh cho những câu chuyện Sự tích hoa Ban, Sự tích chim khảm khắc, Sự tích chim từ quy của đồng bào Thái.

Các truyện kể về sự tích phong tục, địa danh, sản vật đã trở thành gia tài văn hóa quý báu của mỗi dân tộc để các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, truyện thơ, truyện ngắn, thơ ca văn học viết kế thừa, phát triển.

 Chắc chắn do đặc thù phát triển kinh tế xã hội hiện đại, rất nhiều phong tục tập quán, quan niệm thẩm mỹ xã hội đã có nhiều biến đổi theo cả hướng tích cực, tiêu cực. Cần phổ biến, quảng bá nhiều hơn những câu chuyện kể về sự tích chứa đựng một cách sâu sắc quan niệm thẩm mỹ, đạo đức của nhân dân trong mối quan hệ với địa danh, nghi lễ, ẩm thực, trang phục, giải mã các biểu tượng nghệ thuật từ đặc trưng nguyên hợp toàn vẹn của một tác phẩm folklore.

_______________

1, 2, 4, 7, 9, 10, 11. Lê Quốc Hùng, st và tuyển chọn, Truyện cổ các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. M. E. Meletinski, Thi pháp của huyền thoại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004.

5, 6. Nhiều tác giả, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.245, 208.

8. dactrung.com

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : PHẠM THU YẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *