Xưa kia, đình làng ở mỗi làng quê Việt Nam
không chỉ là một công trình kiến trúc đồ sộ về
kết cấu, đặc sắc về chạm khắc mà còn là ngôi
nhà cộng đồng, nơi diễn ra các sự kiện của
làng. TK XVI, XVII, XVIII là thời kỳ phát triển rực
rỡ nhất của đình làng Việt Nam, ẩn chứa nhiều
dấu ấn giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật.
Những bức chạm hoạt cảnh chèo thuyền xuất
hiện trên kiến trúc đình làng thuộc giai đoạn
này là một trong những chủ đề tiêu biểu phản
ánh bản sắc văn hóa của người Việt.
Chính vì hầu hết các sinh hoạt văn hóa trong làng diễn ra ở đình, từ lễ hội đến các sinh hoạt văn nghệ dân gian mang tính giải trí, các trò chơi: múa rối nước, đánh cờ người, hát đúm, chọi trâu, chọi gà, múa sư tử, bơi thuyền… nên đây đồng thời là gợi ý cho nội dung của chạm khắc dân gian trên kiến trúc đình làng. Bài viết này hướng đến việc phân tích, lý giải và đề cao nét độc đáo cũng như giá trị nghệ thuật của những bức chạm chèo thuyền trên kiến trúc đình làng hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều ngôi đình thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Một số đặc trưng nghệ thuật
Trên đồ đồng thời kỳ Đông Sơn đã xuất hiện hoa văn hình thuyền với các loại thuyền chiến, thuyền lễ hội và thuyền sinh hoạt hằng ngày. Đó cũng là những mô phỏng hiện thực cuộc sống của người Việt cổ, vốn sử dụng thuyền như một phương tiện quan trọng trên hệ thống giao thông sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Chèo thuyền hay đua thuyền đã trở thành nghi thức gắn bó với cuộc sống nông nghiệp, thuyền đã giúp con người chuyên chở sản vật, đánh bắt thủy sản. Vì thế, người dân vùng sông nước từng truyền nhau từ đời này sang đời khác thành thạo làm chủ được kỹ thuật chèo thuyền trên mặt nước.
Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian, đua thuyền là một nghi lễ nông nghiệp gắn với việc cầu nước hay cầu mùa. Trong quá trình diễn ra nghi thức đua thuyền, không thể thiếu tiếng trống vọng vang, đó còn là biểu tượng của tiếng sấm kết hợp với sự hồ hởi của mái chèo như cầu gọi mưa về. Như thế, hình tượng chiếc thuyền gắn bó với đời sống dân tộc và sớm đi vào nghệ thuật có ảnh hưởng đến trang trí trên kiến trúc đình làng truyền thống.
Trong TK XVI, bắt đầu xuất hiện kiến trúc đình làng với kết cấu kiến trúc gỗ đồ sộ, tọa lạc trên khu đất bề thế nơi mà cư dân sinh sống coi đó là một con thuyền lớn với tòa đại đình. Sang đến các TK XVII, XVIII, đình làng được dựng lên quy mô hơn, thêm nhiều hạng mục đa dạng hơn và chuyên biệt, như tòa tiền tế, tả mạc, hữu mạc và hậu cung, phù hợp với việc thờ thành hoàng làng. Hình tượng ngôi đình mang dáng dấp con thuyền được làm chủ yếu bằng kết cấu khung gỗ lớn, mái ngói làm từ đất nung, các chạm khắc dàn đều trên bề mặt các thành phần kiến trúc, chứa đựng biết bao sự tự hào của dân làng, như chuyên chở cả tâm tư, tình cảm của người dân thôn quê.
Các bức chạm mang chủ đề Chèo thuyền xuất hiện ở hầu hết các kiến trúc đình làng thuộc ba TK XVI, XVII, XVIII. Tuy nhiên, mỗi bức chạm cảnh chèo thuyền lại được đặt trong không gian kiến trúc khác nhau, thể hiện nét khác biệt của mỗi thời kỳ lịch sử.
Đình Tây Đằng (Hà Nội) vốn có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Nhất (đại diện cho kiểu thức đình làng thời Mạc, TK XVI); phần cung cấm được làm kiểu gác xép kín đáo ẩn sau ban thờ chính của tòa đại đình. Kết cấu chính là tòa đại đình hình chữ nhật nằm ngang, với số gian lẻ, nhằm tạo sự đăng đối hai bên, gian lẻ ở giữa sẽ là nơi thờ chính (1). Bộ vì nóc được làm theo kiểu giá chiêng, thượng lương được đục ăn mộng và then ngang, tì lực trên một đấu vuông thót đáy. Hệ thống cột, xà, câu đầu, đấu củng, ván gió… có sự kết hợp liên hoàn; xen kẽ với các bộ phận kiến trúc là những bức chạm làm tăng thêm nét đặc sắc cho ngôi đình. Hoạt cảnh chèo thuyền được đặt trên đầu dư và trụ đấu với nét chạm mộc mạc, mang phong cách chạm khắc gỗ dân gian TK XVI, khái quát nhưng toát lên không khí vui vẻ, yên bình. Trên mỗi thuyền chỉ có 3 nhân vật được chạm khối nổi nhô cao vừa phải, cùng những nét chạm gợi hình ảnh thuyền đang lướt nhẹ trên mặt nước. Nghệ nhân dân gian xưa đã biết lồng vào đây những hoạt cảnh múa rồng, voi cày, cưỡi voi, trai gái vui đùa, tiên nữ, hoa lá… với ước vọng thái bình. Điều đặc biệt là những bức chạm chèo thuyền cùng các bức chạm khác trên kiến trúc đình làng Tây Đằng đã được khắc họa bằng khoảnh khắc điển hình, cân bằng giữa thế tĩnh và động.
Có lẽ, hình tượng chèo thuyền đình Tây Đằng đã hé mở những liên tưởng về ước mơ cuộc sống thanh bình của con người, tính hiện thực của nghệ thuật chạm khắc ấy như chỉ để phục vụ nhân sinh: “Có thể nói đây là thời điểm rất Việt Nam, là dòng thẩm mỹ dân tộc, trong toàn bộ nền nghệ thuật quá khứ của chúng ta” (2).
Nếu như 2 bức Chèo thuyền ở đình Tây Đằng được chạm trên chất liệu gỗ mộc thì hoạt cảnh Chèo thuyền ở đình Phù Lưu (Bắc Ninh) lại được khoác lên mình vẻ độc đáo, khác biệt nhờ kỹ thuật sơn son thếp vàng. 6 nhân vật trên một con thuyền, với các tư thế giống nhau, đang cùng chèo lái, cho chúng ta nhận diện đây là thuyền của ngày hội lễ. Cách nhấn khối trên các nhân vật khẳng định cầu nối của phong cách chạm khắc giữa hai TK XVI và XVII. Sự chuyển động của các động tác chèo thuyền làm cho bức chạm vừa gợi không khí huyên náo từ nhiều góc nhìn nhưng cũng góp phần làm tăng thêm sự lung linh huyền ảo trong không gian nội thất đình, khi ánh sáng tương tác với vẻ đẹp của vàng son.
Với phong cách chạm khắc TK XVII, cảnh Chèo thuyền ở đình An Hòa (Hà Nam) lại có lối tạo hình sinh động, vui nhộn như những câu ca dao hoặc truyện kể dân gian. 3 nhân vật cùng đứng trên mạn thuyền, tay đang cầm chèo nhưng dáng người ngửa hẳn về phía sau, tạo cảm giác họ đang rất tập trung trong tư thế chèo thuyền, đối diện sức nặng của gió, sóng. Sự khéo léo gợi tả, tượng trưng, và cả sự ẩn dụ của nghệ nhân đã chạm trên sóng nước bên cạnh mạn thuyền hình con cá như đang bơi trên mặt nước. Biểu hiện trên khuôn mặt các nhân vật vừa cách điệu về bút pháp nhưng lại phản ánh hiện thực hồn nhiên. Đâu đó là những biểu cảm của sức mạnh con người muốn khát khao chinh phục thiên nhiên nhưng đồng thời cũng mong ước được hiểu biết và sống hài hòa với thiên nhiên.
Đi tìm nét thẩm mỹ và khác biệt của các hoạt cảnh chèo thuyền trên kiến trúc đình làng, chúng ta lại bắt gặp cảnh Chèo thuyền ở đình Cam Đà (Hà Nội) với 4 nhân vật được tạo hình theo cách gợi hơn là tả. Tính tượng trưng được thể hiện rõ nét bởi cả thuyền là tấm gỗ trơn không có trang trí, khác hẳn với những cảnh chèo thuyền ở các ngôi đình đã đề cập ở trên. Tính trang trí chỉ được thể hiện ở đầu thuyền, gợi hình rồng, nương theo độ cong tạo dáng của thuyền, khiến chúng ta dễ liên tưởng đến độ cong của bờ nóc mái đình và gần gũi với chiếc thuyền độc mộc vốn từng là phương tiện đánh bắt thủy sản của cư dân vùng Cao Bằng – Bắc Kạn.
Không buông tràn các nhân vật trong một không gian hữu hạn của mảng chạm mà chia ô ngăn cách, phân biệt từng nhân vật nhưng lại khá giống nhau về kiểu dáng là hình Chèo thuyền ở đình Hoàng Xá (Hà Nội). Với 5 ô chạy dài theo lòng thuyền được tạo dáng như con rồng đang ngước cổ lên trên, mỗi nhân vật đều trong tư thế cầm mái chèo, tay phải giơ lên, tay trái đặt phía dưới, chân phải đặt vuông góc với mạn thuyền, bàn chân trái cong ngược lên trên. Các nhân vật cởi trần đóng khố nhưng không ngồi mà lại đứng lên, thể hiện sự gấp gáp đến vội vàng, nhưng cũng đầy dí dỏm, hồn nhiên. Phương pháp chia ô từng nhân vật khiến bức chạm trở nên khác biệt với các bức chèo thuyền ở những ngôi đình cùng thời; các nhát chạm khá sơ lược nhưng vẫn làm nổi bật hình ảnh con thuyền đang lướt nhanh trên mặt nước.
Về cơ bản, hình ảnh nhân vật trên những bức chạm chèo thuyền tại các ngôi đình làng chủ yếu là hình ảnh nam giới, có thể lực mạnh khỏe, hiểu biết kỹ thuật chèo thuyền. Ở đình Hương Canh (Vĩnh Phúc) có cảnh Chèo thuyền với 5 nhân vật được tạo hình khá lực lưỡng, đang trong tư thế chắc tay chèo. Ở đây, tính ước lệ lại được sử dụng để phân biệt sự tương phản của các “tay đua” có thân hình khá vạm vỡ, khỏe mạnh, cơ bắp nổi rõ cùng trang phục đóng khố, đang làm chủ chiếc thuyền vừa đơn sơ vừa mong manh, ngấp nghé sát mặt nước. Bằng bàn tay tràng đục khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, nghệ nhân dân gian đã đưa nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc đình làng trở nên bay bổng, cởi mở, chứa đựng nhiều hoài bão, ước mơ giản dị mà ý nghĩa.
Sang TK XVIII, phong trào làm đình Bắc Bộ có dấu hiệu nhạt phai nhưng lại có sự ảnh hưởng dịch chuyển vào khu vực Bắc Trung Bộ. Trên cốn gỗ đình Hoành Sơn (Nghệ An), có bức chạm Chèo thuyền với kích thước lớn hơn so với những bức chạm trước nó ở TK XVII. Có thể, bức chạm được làm với kích thước lớn để phù hợp với cấu trúc của tổng thể ngôi đình đồ sộ, mang dấu ấn của đình làng miền Trung muộn. Hình thuyền được chạm hình rồng cong cong ở hai đầu, cùng cách chia cột buồm và sự phân tầng làm cho kết cấu phức tạp, cầu kỳ hơn nhưng thuyền chứa được số lượng người nhiều hơn, bề thế và chắc chắn hơn. Cách chạm khắc cũng đã chuyển từ đơn giản đến phức tạp, đa tầng, lớp lang với 2 người lái chính, hai đầu thuyền có 2 người giơ tay như ra hiệu, thúc giục, tầng trên là những cột buồm, cờ tung bay trong gió.
Những mảng chạm cảnh Chèo thuyền trên kiến trúc đình làng ở ba thế kỷ, từ TK XVI đến TK XVIII đã tham gia vào ngôi nhà chung của hệ thống chạm khắc dày đặc, đa góc nhìn, sống động, lạc quan, phản ánh trung thực tâm hồn hướng thiện của người Việt. Từ đây, dòng thẩm mỹ dân gian đã được nuôi dưỡng để trở thành dòng thẩm mỹ dân tộc, không khoe trương, phù phiếm chắc cũng bởi họ đã có trình độ kỹ thuật điêu luyện về điêu khắc đình làng.
Kỹ thuật chạm khắc
Kỹ thuật chạm nông
Kỹ thuật này làm cho sự che phủ bề mặt cũng như lan tỏa các nét chạm rất hiện thực. Tuy nhiên, kỹ thuật chạm nông luôn được kết hợp cùng kỹ thuật chạm lộng sâu, nhằm tạo sự tương phản, tạo chiều sâu và sự thay đổi của mật độ khối: “Những nhát chạm đục rất thoải mái, nhanh gọn, sắc và hơi thô” (3). Các kỹ thuật chạm này cho thấy sự điêu luyện, lành nghề, khả năng tính toán không gian trên các vị trí kết cấu có sẵn, hình tam giác, ô van, chữ nhật của nghệ nhân xưa. Để rồi các hoa văn mây, lá như được mọc ra uốn lượn theo độ cong của góc đỡ xà, hoành. Hình bóng của rồng, tiên, voi và cả cuộc chèo thuyền cùng buổi chơi cờ cứ xào xạc trong không gian tranh tối tranh sáng của nội thất đình, khiến cho ngôi đình uy nghiêm nhưng cũng vô cùng gần gụi với cuộc đời thường nhật.
Khả năng biểu cảm của kỹ thuật chạm khắc nông là sự diễn tả đều đặn của mảng, của nét và trên bề mặt gỗ phẳng. Cách diễn hình, khối mạch lạc còn biểu hiện rõ trên các mảng chạm nông ở đình Phù Lưu, Bắc Ninh (cuối TK XVI đầu TK XVII) với hoạt cảnh chèo thuyền, tiên múa được sơn son thếp vàng. Ở đây, hình các nhân vật được chạm nông, khối nổi vừa phải, tạo bề mặt không quá gồ ghề, không gian đồng hiện làm toát lên không khí ngày hội đua thuyền.
Kỹ thuật chạm kênh bong
Kỹ thuật này còn được ví như “vẩy mũi tràng lên hình long phượng”, đó cũng là đặc điểm nổi bật thể hiện tài nghệ của người thợ mộc chạm khắc đình làng. Đây là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong việc xử lý khối trên các mảng chạm khắc đình làng. Riêng về chủ đề Chèo thuyền, tuy không sử dụng kỹ thuật này nhiều nhưng người thợ lại biết kết hợp nó với nhiều kỹ thuật chạm khác để tạo nên phong phú chi tiết trong tác phẩm, làm cho các động tác của nhân vật sống động và giàu nhịp điệu hơn.
Ví dụ như với bức Chèo thuyền ở đình Hương Canh (Vĩnh Phúc), nghệ nhân xưa đã đục bỏ những phần thừa, tạo ra những khe rãnh, khiến người xem thấy được các lớp của từng động tác trên cơ thể người cũng như mang lại cho người xem cảm giác như bỗng nhiên, các hình tượng nhân vật chui ra từ phiến gỗ có tầng có lớp, trong ánh sáng, tạo ra không gian mở và ngỏ, khoe rõ cái đẹp của khối trên bức chạm.
Kỹ thuật chạm lộng
Kỹ thuật này, còn gọi là chạm thủng, dễ thấy ở TK XVII – XVIII, đánh dấu trình độ kỹ thuật chạm trên gỗ trong kiến trúc đình làng đã đạt đến mức cao. Chạm lộng tức là khoét sâu vào lòng thân gỗ để tạo hình, làm nổi hình khối nhân vật lên, đồng thời cũng có thể tạo nhiều lớp nhân vật – hình ảnh đồng hiện thông qua các hình thái đối lập nông – sâu, đặc – rỗng, khiến cho chất liệu gỗ vốn nặng nề trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng. Giai đoạn này, bằng kỹ thuật chạm lộng, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra rất nhiều hoạt cảnh trên cùng một bộ phận kiến trúc đồng thời tung hứng với nhiều nội dung chủ đề khác nhau.
Cảnh Chèo thuyền trên kiến trúc đình Hoành Sơn (Nghệ An) thuộc phong cách chạm khắc TK XVIII, được chạm bằng kỹ thuật chạm lộng. Nghệ thuật tạo khối không phô trương song phức tạp mà tinh tế về kỹ thuật: các nhân vật, chi tiết luôn chồng chéo, lớp trên lớp dưới, lớp nọ tiếp nối lớp kia. Kỹ thuật chạm lộng được sử dụng triệt để, bộc lộ kỹ năng sử dụng dụng cụ thành thạo của người thợ xưa. Kỹ thuật chạm lộng làm cho tiếng nói của khối, của hình bộc lộ rõ, đôi khi như những tác phẩm tượng tròn đứng trên kết cấu gỗ, tác động với không gian, ánh sáng lúc ẩn lúc hiện, nhiều lớp lang. Ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài hắt vào nội thất tác động với các mảng chạm, đem tới cảm giác về sự căng, đầy, no đủ của các khối chạm, còn những nét chạm luồn lách lớp trong sâu cùng đón nhận ánh sáng ít, tạo cảm giác mông lung sâu thẳm. Đó là những đặc điểm mà chỉ thấy ở kỹ thuật chạm lộng.
Có thể nói, bên cạnh việc sử dụng công cụ chạm khắc gỗ với tràng, đục một cách thuần thục, người thợ chạm xưa cần nắm được cách đục tạo ra hình khối theo ba chiều: dưới đục lên, trên đục xuống, ngoài đục vào. Kỹ thuật trang trí này đã ít nhiều làm vơi đi cảm giác nặng nề, khô cứng trên cấu kiện nội thất kiến trúc đình làng. Đặc biệt, những mảng chạm Chèo thuyền đã góp phần tạo thành hệ thống phù điêu đình làng dày đặc, hướng về đời sống thế tục làng xã: Hình tượng con rồng gắn bó với con thuyền, với thiếu nữ, hoa cỏ, cây lá, mang vẻ dân dã hơn là sự trang nghiêm cao vợi.
Thay lời kết
Chạm khắc trên kiến trúc đình làng Việt Nam TK XVI – XVIII nằm trong dòng chảy của lịch sử mỹ thuật cổ truyền Việt Nam. Các hoạt cảnh Chèo thuyền được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trên cấu kiện kiến trúc, như đầu dư, trụ đấu, cánh rường, ván nong/ván gió…
Cũng có thể xếp cảnh Chèo thuyền trên kiến trúc đình làng vào chủ đề trò chơi dân gian, bởi trong thực tế, nó đã được hình thành và duy trì trong các hội lễ diễn xướng trước cửa đình. Trên các chạm khắc kiến trúc đình làng, các trò chơi ấy lại hiện diện như phản ánh nhu cầu làm đẹp cho bề mặt kiến trúc của mỗi ngôi làng. Qua đó, người xưa đã gửi những khát vọng của mình bằng những biểu tượng thẩm mỹ linh hoạt, cởi mở, bay bổng và lãng mạn.
Những bức Chèo thuyền hay là trò chơi dân gian được xem là những tác phẩm điêu khắc gỗ đình làng, được nghệ nhân xưa thổi hồn mình một cách tự nhiên vào gỗ, mang cùng chủ đề nhưng mỗi nơi mỗi khác, phù hợp với bố cục, môi trường sống, tạo ra hiệu quả rất độc đáo cho điêu khắc đình làng thời kỳ này. Với hiệu quả của không gian đồng hiện, các tác phẩm điêu khắc này được coi như điểm nhấn mang giá trị nghệ thuật độc đáo của điêu khắc truyền thống vốn luôn ảnh hưởng tích cực đến mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
_______________
1. Đến TK XVII, XVIII, trong việc xây dựng đình làng nói chung, vẫn duy trì lối kiến trúc gian lẻ, dù kết cấu mặt bằng có được mở rộng hơn.
2. Thái Bá Vân, Điêu khắc đình làng, in trong Thái Bá Vân tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật – Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Hà Nội, 1998, tr.309.
3. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1989, tr.159.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
2. Trần Thị Biển, Hoạt cảnh con người trong chạm khắc kiến trúc đình Hoành Sơn, Tạp chí Mỹ thuật, số 94.
3. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2003.
Tác giả: TS Trần Thị Biển
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn