Những đứa trẻ “người lớn”


Lần đầu tiên, có lẽ vậy, một ngôi trường phổ thông
đứng ra tổ chức triển lãm tranh cho học sinh của
mình, tại một nhà triển lãm lớn ở trung tâm Thủ đô
Hà Nội. 57 bức tranh ở bốn chất liệu: sơn mài, sơn
dầu, lụa, tranh in (đồ họa với đa dạng kỹ thuật: khắc
gỗ, khắc kẽm) của 8 nữ sinh đang học cấp 2 và cấp 3
đã cho thấy nhiều điều thú vị và rất đáng suy ngẫm
về thế hệ Z (sinh trong thập niên đầu tiên của thiên
niên kỷ thứ 3, trong khoảng 2000 – 2010) này (1).

Nhiều trong số tranh trưng bày có kích thước khá lớn, 160x76cm, 105x80cm (tranh lụa của Chu Khánh Linh và Phạm Cát Tường Vy), 92x44cm (tranh khắc gỗ của Chu Khánh Linh), 90x70cm (tranh sơn mài của Ngô Ngọc Phương Anh, Phan Châu Anh, tranh sơn dầu của Phan Châu Anh, Trịnh Minh Ngọc),… đã cho thấy các em vượt qua cùng lúc hai thử thách không đơn giản: việc học hỏi làm chủ chất liệu và nghệ thuật xử lý không gian, thể hiện ý tưởng trên tranh.

Hầu hết các bức tranh trong triển lãm đều cho thấy các bạn trẻ khá thành thục với đa dạng chất liệu hội họa. Trên tranh lụa, những mảng lụa trắng, mộc nguyên được cân nhắc buông lơi tinh tế, hoặc những mảng màu được xử lý kỹ lưỡng, dày dặn mà vẫn trong trẻo, êm dịu, những đường nét tạo khuôn hình được nhấn nhá đậm nhạt, hướng tới việc mở ra không gian nhiều hơn hai chiều trên tranh. Những màu cùng tông ấm như cam, vàng được sử dụng một cách tưởng như ngẫu hứng mà hóa ra đầy tính toán để không bị quá công nhau nhờ việc xen ngang gam màu ghi xám ý vị (tranh của Trịnh Minh Ngọc, Phạm Cát Tường Vy).

Vũ Chi Mai, Chim menach trên cành, lụa, 46x43cm, 2021

Một số bức sơn mài, vốn là chất liệu khó tính ghê gớm, ngay cả với họa sĩ lâu năm trong nghề, cũng được bạn trẻ này “mượn” là công cụ bày tỏ sự sáng tạo đầy mơ mộng của mình. Hai bức tranh về hoa diên vĩ của Ngô Ngọc Phương Anh và hoa lan của Vũ Chi Mai đều diễn tả một cành/ cụm hoa trên nền tranh trơn, nhưng cả hai cô bạn trẻ này để làm chủ kỹ thuật xử lý phông nền hoặc tối màu của sơn then với ánh vàng, ánh bạc lấp lánh bên dưới, hoặc để nguyên màu vàng ấm áp và đặt trên đó những bố cục lạ mắt cho nhân vật chính – bông hoa. Phương Anh xoay cụm diên vĩ theo góc 90 độ, như đề nghị người xem phải nghiêng nhìn theo hoa. Chi Mai buông lơi cành lan theo chiều phải – trái, không thuận mắt người xem chút nào song cả hai bức tranh lại càng gây chú ý với người đối diện. Để xử lý không gian sâu thẳm trên tranh sơn mài hay đem tới cảm nhận về chiều sâu của nhiều lớp màu – mài, nhất là cảm nhận về ánh sáng trên tranh với chất liệu sơn mài, là một đòi hỏi quá lớn đối với các cây cọ 15-17 tuổi này, nhưng một bảng màu ấm áp, một sự tương phản tinh tế vừa đủ của các sắc độ màu, những nét vẽ cứng cỏi mà cũng giàu tình cảm dành cho vẻ đẹp của thiên nhiên cũng đã rất đáng kể, nên được xem như thành công của các em.

Tranh đồ họa trong triển lãm này càng cho thấy tinh thần học hỏi nghiêm túc của các tác giả trẻ. Chỉ với hai màu đen và trắng, phải tạo hình với con dao khắc không mềm mại chút nào, vậy mà nhiều bức tranh đã cho thấy khả năng tạo không gian ba chiều/ nhiều chiều ngay trên một mảnh giấy in tranh hai chiều, như bức khắc gỗ Đường phố (51×30,5cm, Vũ Chi Mai); Một hành trình chờ đợi (Phạm Cát Tường Vy); Cá, hoa sen và mặt trời (42x31cm, Phạm Ngọc Minh). Bộ ba bức tranh Lập xuân (14,5x11cm, khắc kẽm), Hạ chí (14,5x11cm, khắc kẽm) và Thu phân (56,5×43,5cm) của Nguyễn Nhật Mai khiến người đối diện không khỏi bất ngờ trước các đường nét tạo hình bay bổng, sự phức tạp và ấn tượng về bố cục, sự chi tiết và kỹ lưỡng trong tạo hình của từng cánh hoa cúc, ngón tay người hay chút điểm nhãn duyên dáng cho chú chim. Một số ảnh hưởng dễ thấy từ truyện tranh đương đại hay tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản trong cách thức tạo hình nhân vật trên tranh khắc gỗ của Phạm Cát Tường Vy hay Chu Khánh Linh, nhưng cũng không làm mất đi nét cá tính của từng bạn. Tường Vy mong muốn có thể sử dụng cùng lúc nhiều biểu tượng trong vũ trụ hay thế giới tự nhiên trên tranh; dù là khắc gỗ hay lụa hay sơn dầu, tranh của cô gái này luôn có nhiều “nhân vật”, chi tiết, lớp lang đan cài nhau, một không gian nhiều tầng, nhiều ý nghĩa nhân sinh. Trong khi tranh của Khánh Linh lại muốn đi sâu vào thế giới nội tâm của một nhân vật chính.

Trịnh Minh Ngọc, Một chiều cafe, lụa, 57x44cm, 2020

Bên cạnh khả năng làm chủ chất liệu và kỹ thuật thể hiện, một điều rất đáng chú ý trong triển lãm này chính là sự già dặn, trưởng thành trong tư duy của các tác giả trẻ, thể hiện qua nội dung và tâm tình trong tranh. Đa phần các bức tranh trong triển lãm đều không miêu tả đơn thuần một phong cảnh hay một nhân vật. Đúng hơn, các cây cọ tuổi mới lớn này “mượn” nhân vật để bày tỏ nội tâm đôi khi khá phức tạp của mình. Có bạn đề cập đến sự phân thân, sự đa nhân cách trong một con người (Phan Châu Anh), có bạn không ngần ngại bày tỏ sự đấu tranh nội tâm khó khăn trong bản thân mình/ trong mỗi con người nói chung (Vũ Chi Mai, Chu Khánh Linh), có bạn chơi vơi trong không gian đầy mộng tưởng, phần nào hoang mang của người tưởng như đã giàu trải nghiệm cuộc đời chứ không còn sự hồn nhiên lứa tuổi 15-17 (Phạm Cát Tường Vy). Một vài bức tranh phong cảnh nhưng không có hình bóng con người lại càng cho thấy sự suy tư của người vẽ trước thực tại. Cách lựa chọn nhân vật một mình với một nét nhíu lông mày tinh tế hay ánh nhìn xuống trên đôi vai hơi so lại của em bé vùng cao của Trịnh Minh Ngọc, hay cách miêu tả không gian đường phố quánh đặc, chật cứng của Vũ Chi Mai phần nào thể hiện chiều hướng quan tâm đến cuộc sống của các em với giàu lòng trắc ẩn hơn là hồn nhiên tận hưởng như đúng lứa tuổi.

Thế giới tinh thần của các cây cọ tuổi mới lớn được mở ra qua triển lãm Hồi hải mã này là điều gây ngạc nhiên nhất cho người xem. Thế giới ấy khác hẳn, thậm chí trái ngược với những hình ảnh tươi mới, ồn ào, rực rỡ của lứa tuổi này thường thấy trong thực tế, hay trên truyền thông. Thực tế, các em chỉ là những thành tố của một thế hệ, không thể nói rằng đang mang tiếng nói đại diện của thế hệ ấy. Tuy nhiên, những gì mà các em tự do bộc lộ bản thân qua một loại hình nghệ thuật hoàn toàn do một cá nhân làm chủ: hội họa và đồ họa sáng tác (2) lại là điều đáng để người thưởng ngoạn triển lãm suy ngẫm sâu xa hơn. Nghệ thuật tạo hình ở đây đã không còn dừng lại là một sở thích của các em mà hơn thế, là một phương cách sáng tạo thúc đẩy suy tưởng, kể cả những truy vấn nội tâm khá sâu sắc bên cạnh những mơ mộng và vui vẻ.

Sự nghiêm túc theo đuổi hội họa, với việc học hỏi và nắm vững kỹ thuật sử dụng đa dạng chất liệu, khuyến khích từng bạn trẻ có tên trong triển lãm này tự tìm hiểu sự phức tạp nội tâm trong chính mình và tìm cách thể hiện nó một cách rõ ràng trên tranh. Đây chính là một nền tảng ban đầu cho tương lai của các em – chủ nhân của những sáng tác nghệ thuật với nhân sinh quan và cá tính nghệ thuật sâu sắc, chạm tới tâm tư của công chúng nhiều tầng lớp. Cùng với việc thành thạo và chỉn chu trong kỹ thuật thể hiện, tinh thần nghiêm túc với sự sáng tạo của các bạn trẻ trong triển lãm này đã đem tới hy vọng mới cho tương lai của nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam (3).

__________________

1. Nhân xem triển lãm Hồi hải mã, diễn ra từ ngày 10 đến 15-4-2021 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 29 – phố Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm do Trung tâm Tư vấn và Phát triển tài năng thuộc hệ thống giáo dục Vinschool (Trung tâm GATE) thực hiện cho 8 trong số các học sinh đang theo học tại Trung tâm trong vòng 2 năm qua.

2. “Đồ họa sáng tác” (printmaking) là một thuật ngữ trong mỹ thuật Việt Nam, chỉ các sáng tác cũng dùng kỹ thuật in trên bản khắc nhưng mang yếu tố tạo hình và sáng tạo đơn chiếc, nhằm phân biệt với nghệ thuật đồ họa thiết kế (design) thiên về ứng dụng trong thiết kế sản phẩm in ấn.

3. Phải nói thêm là, gần đây, bên cạnh mô hình đào tạo chuyên nghiệp hóa về tài năng nghệ thuật (hội họa và âm nhạc), một số hệ thống giáo dục phổ thông liên cấp mang tính chất quốc tế còn dành cho học sinh của họ nhiều hơn cơ hội trải nghiệm với nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam và quốc tế, thông qua mô hình giáo dục kết hợp ngoại khóa, tham quan, nghe trò chuyện, giới thiệu về nghệ thuật đương đại và đặc biệt, tạo cơ hội cho các em từ 13 tuổi trở lên (lớp 8) thực hành công việc của một curator/ giảm tuyển nghệ thuật: tuyển chọn tác phẩm để trưng bày triển lãm. Đây là một cách thức giáo dục phổ thông mang tinh thần đột phá, sáng tạo, mà chúng tôi hy vọng có thể đề cập trong các bài viết tiếp theo.

Tác giả: Phong Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *