Những gợi mở từ lhp cannes 2009


 

Cannnes luôn luôn kiên trì định hướng nhân văn

Từ lâu, Cannes được coi là LHPQT lớn nhất thế giới. Uy tín của nó không ngừng tăng lên. Thế nhưng, năm nay, có lẽ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, hai vị chủ nhà đưa ra những phát biểu không hay về báu vật của điện ảnh toàn cầu. Nữ diễn viên Pháp Sandrine Bonnaire, chủ tịch giám khảo một giải thưởng phim tầm cỡ, được mời đến trao một cành cọ cho Cannes 2009, đã không ngần ngại trả lời phỏng vấn rằng: “Cannes không dũng cảm. Dự liên hoan thường chỉ bấy nhiêu gương mặt quen thuộc”. Chiều thứ bảy, 23-5, mới tới để trao giải máy quay vàng vào tối hôm sau, ngôi sao sáng giá bậc nhất hiện giờ của điện ảnh Pháp Isabelle Adjani tỏ ý không vui: “Cannes là liên hoan hoành tráng nhất, nhưng đồng thời cũng là chợ trời mua đi bán lại chuyện ngồi lê mách lẻo”.

Thực tế không phải như vậy. Những người chủ trì đều hết lòng cho Cannes và cho nghệ thuật thứ bảy. Ví dụ, khâu chọn phim. Cho kỳ liên hoan lần thứ 62 năm nay, họ phải kiên trì và dốc sức trong nhiều tháng trời, xem và duyệt kỹ càng 1.670 phim đến từ 120 quốc gia, giữ lại 50 phim của 32 nước tranh tài trong các hạng mục. Trong đó, 20 phim dự thi Cành cọ vàng. Riêng của nước chủ nhà, chỉ 4 phim được tuyển trong hơn 100 phim gửi tới. Việc chọn phim được khen là hoàn hảo. Các phim được tuyển tỏ ra đều đa dạng về đề tài và tư tưởng, và đều ở đỉnh cao về nghệ thuật phim ảnh hiện tại. Phim đen tối, như  Chống Chist của Lars von Trier, thì đen tối hết cỡ. Phim vui vẻ, như hoạt hình Đàng ấy của Walt Disney hay Hy vọng cho Eric của Ken Loach (nói về huyền thoại bóng đá Eric Cantona), thì cũng ngộ nghĩnh tuyệt vời. Trong quá trình được chiếu tại LHP, hầu như phim nào cũng được khen, không ít thì nhiều, kể cả phim Chống Chist gây sốc nhất, ngay trong buổi chiếu cho báo giới và các nhà phê bình, với nhiều tiếng la ó, cười diễu và một nữ khán giả bị ngất, nhiều nhà báo bỏ ra ngoài. Tuy nhiên, nhìn nhận của những nhà chủ trì LHP không phải bao giờ cũng chuẩn xác. Được ban tổ chức coi là một dự báo của phim ảnh ngày mai, Đột nhiên trống vắng của đạo diễn Pháp Gaspar Noé, tranh giải Cành cọ vàng, bị xì xầm nhiều, vì tác giả sa đà vào tình dục không kìm chế, vào những chi tiết tưởng là mới lạ song thực chất là vụn vặt và rẻ tiền. Bộ phim thiên về tự nhiên chủ nghĩa, thiếu chọn lọc ý tưởng và cảm xúc, do đó kết cấu không chặt chẽ. Nó lặp lại sự “hồn nhiên” của Không thể đảo chiều của cùng đạo diễn, từng gây sốc dữ dội tại Cannes năm 2002, sự “hồn nhiên” vốn phải cân nhắc cẩn thận khi sử dụng hãn hữu trong nghệ thuật. Năm ấy, trước cảnh nữ nhân vật chính bị hiếp kéo dài mười lăm phút, choán hết màn hình, hai mươi nữ khán giả bị xỉu, hai trăm trong tổng số hai nghìn bốn trăm người xem bỏ ra ngoài trong tiếng la thét khiếp đảm và nghê sợ. Một chuyện cảm động của Cannes năm nay, vào ngày cuối cùng, ông chủ tịch LHP Gilles Giacob do mải mê suy nghĩ, đị bộ trên đường phố Cannes, va phải một chiếc xe tải chạy chậm. Ông ngã gãy tay, nhưng băng bó xong, vẫn đến Cung Liên hoan để tiếp khách và chuẩn bị cho Lễ trao giải.

 

Công chúng là bệ phóng và nguồn sống của điện ảnh

Các phim dự LHP đa phần là phim chưa chiếu ở đâu cả. Chúng phát lộ hầu như các vấn đề chủ yếu của xã hội toàn cầu, từ bi kịch chiến tranh và bạo lực đến tác động của công nghệ và thể thao, qua tình yêu cổ điển và vấn nạn tình dục như một hiểm họa đe dọa an bình xã hội. Công chúng theo rõi chặt chẽ mọi động tĩnh của Cannes và phản ứng thật mau lẹ. Chảng hạn, không biết từ nguồn tin nào, Hội Da thú-Đau đớn của Pháp, vốn chống việc săn bắt động vật, lấy lông của chúng may trang phục, biết trước nội dung phim Coco trước Chanel, chiếu tranh giải vào ngày cuối cùng của LHP, chủ nhật, 24-5. Một nhóm đại biểu của Hội đã  mua vé, đường hoàng vào khán phòng, trước buổi chiếu ít phút, bất ngờ đăng đàn phản đối bộ phim ca ngợi những trang phục may bằng lông thú. Công chúng háo hức đến khó tin với những cái mới và cố gắng mới của phim ảnh. Nói chung, nhiều dân mê nghệ thuật thứ bảy cố sức xem ngay tại Cannes các phim trình làng. Có người xoay xở mọi cách, nhờ thân quen, nhờ kiên nhẫn và “trơ mặt”, để có phù hiệu LHP và vé vào cửa, mỗi ngày xem ít nhất hai phim. Ăn vội ăn vàng, dậy sớm xếp hàng cả giờ để mua vé là chuyện cơm bữa. Và bao năm nay, họ không bỏ sót kỳ LHP nào. Họ tự nguyện để “bị tước đoạt và xúc phạm”, nhưng sự đền bù là vô tận. Ví như ở Cannes lần 62 này, họ được ngây ngất với mối tình trong trắng kiểu ngàn xưa giữa thi sĩ lãng mạn Anh bậc thầy John Keats (1795-1821) và cô gái hàng xóm thuần hậu của chàng. Phim Vì sao sáng của Jane Campion là thế: Thế giới hôm nay không nhất thiết chỉ đắm đuối trong thú vui xác thịt vô điều kiện, mà vẫn rất cần sự thánh thiện của con tim loạn nhịp, nhất là không quên mà hãy tận hưởng chất thơ tiềm tàng trong cái thường nhật. Cô hàng xóm rung động vì bài thơ mà chàng thi sĩ gửi cô để ngỏ lời, sau đó cô trân trọng và si mê chàng chính vì nguồn thơ bất tận. Từ lúc chàng qua đời vì bệnh lao, cô để tang chàng ba năm, và một mực sùng kính chàng như một vị thánh. Khán giả cũng bị sốc trước bi kịch của một phụ nữ vì mải mê với hạnh phúc của riêng mình mà quên nhu cầu được âu yếm của con, để đứa con trai duy nhất nhảy qua cửa sổ và chết. Rồi nỗi ân hận dày vò, chị không tìm thấy lối thoát nào, ngoài tự hành hạ và hành hạ người chồng, “đồng phạm” của chị, và thật kinh khủng, lối hành hạ là mù quáng và quái gở. Ấy là ấn tượng của Chống Chist. Không ngờ nhất hẳn là phát hiện mới về trùm phát xít Italia Mussolini trong Chiến thắng của Marco Bellocchio. Vì tham vọng quyền lực vô hạn độ, hắn chối bỏ người vợ cưới xin hẳn hoi và đứa con trai do hắn sinh ra, vu cho vợ con bệnh tâm thần, giam họ vào nhà thương điên để họ chết trong đó. Nhà đạo diễn nhiều ưu tư tìm được lối kể chuyện khiến khán giả tin rằng người chiến thắng trong trường hợp này không phải tên phát xít tàn bạo về sau bị du kích Italia bắt gọn trên đường chạy trốn sang Thụy Sĩ khi chủ nghĩa phát xít Đức mà hắn cam chịu làm tay sai suy tàn dần và chịu án tử hình. Ngược lại, với nghị lực phi thường và đầu óc sáng suốt, dù bị giam cầm, vẫn tìm mọi cơ hội tố cáo tên trùm cơ hội mất hết tính người và nhiều nợ máu, người chiến thắng chính là người vợ hy sinh hết thảy cho hắn và bị hắn phản bội!

 

Chủ nghĩa nhân đạo của Cannes ngày càng mở rộng và toàn bích

Bên cạnh LHP chính thức, Cannes có chợ phim sầm uất nhất hành tinh, nơi gặp gỡ trao đổi và chuyển quyền thực hiện hay khai thác cả ngàn bộ phim, không ít mới là ý tưởng. Chợ phim năm nay không thua kém năm ngoái là bao, khách đến chủ yếu từ Nga, Trung Quốc và Trung Nam Mỹ. Khách từ Hoa Kỳ vẫn đông nhất, 16%. Số phim đem trao đổi vẫn rất lớn, 3.200 bộ. Điều gì có lợi cho nghệ thuật thứ bảy đều được Cannes để mắt. Có thể đơn cử chuyện nhiều người chưa biết, ấy là từ 9 năm nay, một cành cọ dành cho diễn viên chó đã ra đời. Nó tôn vinh diễn viên chó xuất sắc nhất trong phim, không phân biệt  thể loại. Khởi xướng giải cành cọ diễn viên chó là nhà báo kiêm nhà sản xuất phim Toby Rose. Hàng năm, giải đều được một hay đôi nhà điện ảnh tài trợ. Giải năm nay về tay chú cún Dug dễ thương, phim Đàng ấy, bộ hoạt hình đầu tiên được chiếu mở màn Liên hoan phim Cannes. Nó thắng sát nút con chó bông trong Inglourious Basterds của Quentin Tarantino lưng lẫy. Ngày 21-5, nhân chiếu Thuở ban đầu của Xavier Giannoli, phim Pháp thứ ba tranh Cành cọ vàng, đề cập đến một trò lừa đảo siêu hạng, bỗng nổi lên tin đồn rằng tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Cannes tối ấy, để tham dự bữa tiệc từ thiện truyền thống của Hội chống AIDS của Hoa Kỳ, diễn ra đều đặn tại Cannes từ 16 năm rồi. Thực tế chiều hôm ấy, ông Obama đọc một diễn văn trước quốc hội Mỹ, vài giờ đồng hồ sao đủ để ông bay sang Cannes. Kỳ thú, “có lẽ Obama đã nhờ cựu tổng thống Bill Clinton thay mặt ông, hiện diện trong bữa tiệc” do huyền thoại Liz Taylor sáng lập, với sự hợp tác của ban biên tập tạp chí Vogue ở Pháp. Bữa tiệc nhằm mục đích gây quỹ cho việc nghiên cứu phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Được mời dự tiệc là những nhân vật số một thuộc mọi lĩnh vực có mặt tại LHP Cannes, vừa gặp gỡ tưng bừng vừa hào phóng góp tiền cho Hội, qua những cuộc bán đấu giá hay xem trình diễn. Mấy năm nay, tuổi già sức yếu, Liz Taylor không tới Cannes được nữa. Ngôi sao Bản năng gốc Sharon Stone đang xuất sắc kế nghiệp bà. Số tiền thu được ở mỗi bữa tiệc tình thương của Cannes thường rất lớn. Năm 2008, số đó là 10 triệu USD. Năm nay vẫn đáng mừng tuy sụt một nửa. Lần đầu đến với dạ tiệc, Bill Clinton phát biểu mở đầu khá đi vào lòng người. Tiếp đó, chiếc đàn saxophone mà ông tặng Hội chống AIDS Mỹ được mua tới 130.000 USD. Vui vẻ nhất hẳn là chiếc hôn của “con ma cà rồng Mỹ hiện thời” (phim Chạng vạng, dựa theo bộ tiểu thuyết cùng tên của Stephenie Meyer), tức nam diễn viên trẻ Robert Pattinson. Anh xuất hiện hơi đường đột. Và ra giá 20.000 USD cho một cái hôn mà anh sẽ tặng cho “quý bà nào khao khát”. Khách lặng đi một lúc, rồi hai bà chấp nhận. Vậy nên, chàng nghệ sĩ nhiều triển vọng góp cho Quỹ chống AIDS Hoa Kỳ, hiện do Sharon Stone làm chủ, 40.000 USD.

 

Chiến tranh – đề tài được quan tâm nhất

Dĩ nhiên, trung tâm chú ý của Cannes là Cành cọ vàng, giải thưởng quan trọng nhất. 20 phim đua tranh cho giải này, mỗi phim mỗi vẻ. Hy vọng cho Eric của bậc lão làng Vương quốc Anh Ken Loach hẳn là một hiện tượng kỳ lạ bậc nhất của lịch sử Cannes. Ai cũng tưởng bộ phim sẽ thuật lại những thành tựu nghề nghiệp của siêu sao bóng đá Eric Cantona, người Pháp nhưng thành danh trên Xứ sở sương mù. Không, nó nêu lên thật cảm động sức hút nhân văn của sân cỏ nếu bóng đá nói riêng và thể thao nói chung thể hiện đúng bản chất của chúng. Nó cũng nhấn mạnh cội nguồn của vẻ đẹp ấy: tình yêu và sự trân trọng mà công chúng dành cho sân cỏ. Một khán giả quá mê những trận cầu có Cantona tham chiến, đến nỗi bị vợ bỏ và lâm vào bất hạnh. Ngôi sao bóng đá hiểu ngay nguồn cơn và tìm mọi cách lấy lại tất cả cho người hâm mộ mình, như một sự ăn quả nhớ kẻ trồng cây vậy. Tiếng vang oai hùng của Hy vọng cho Eric cho tới bây giờ chứng tỏ: Đề tài không quan trọng, làm nên tác phẩm đáng giá là cái tâm và cái tầm của nghệ sĩ. Xung quanh Cành cọ vàng năm nay, thoạt tiên, người ta tưởng đó là Chống Chist, song do bị kêu quá nhiều về bạo lực và tình dục, nó phải điều chỉnh một số cảnh mới mong được phát hành tại những quốc gia vẫn tôn trọng thuần phong mỹ tục. Sau đó, Bể cá của nữ đạo diễn Anh Andrea Arnold và Inglourious Basterds của Quentin Tarantino, Hoa Kỳ, được dự đoán sẽ vào “chung khảo”. Andrea Arnold, nguyên là diễn viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình, mới làm một ít phim, song tác phẩm nào của bà cũng là một hiện tượng đẳng cấp toàn cầu. Có điều, dù báo động khá bức thiết và thuyết phục về sự trống trải yêu thương trong thế giới hiện tại, Bể cá có phần quá tinh tế, quá cổ điển, hình như kén khán giả. Thế là nổi lên Inglourious Basterds. Chuyện lạ là tại Cannes năm nay, Quentin Tarantino được đón chào như một vị thánh, đến nỗi ông khó chịu, và thường kiếm cớ “tẩu thoát qua cửa hậu”. Hễ ông vào Cung liên hoan, địa điểm chiếu các phim đua tranh Cành cọ vàng, khán phòng vỗ tay hoan hô không ngớt, hơn nhiều chính tác giả có phim được giới thiệu. Ông là một bậc thầy về mổ xẻ bạo lực. Tuy nhiên, Cành cọ vàng thực tế đã về tay Michael Haneke, đạo diễn Áo, phim Giải băng trắng, chiếu xong không được bàn tán nhiều. Phim kể về những lục đục và tổn thương thường nhật tại một làng quê Đức từ mùa hè 1913 đến mùa hè 1914. Trong làng ấy, quý tộc, nông dân, giáo sĩ chung sống hàng ngày. Nhiều sự cố không hay, như tai nạn chết người, đám cháy không cứu nổi, xảy đến. Một bọn trẻ đang chơi đùa, đột nhiên cậu ấm con nhà giàu chế diễu mấy đứa con nhà nghèo không có tiền mua đồ chơi, không biết vẽ. Mấy đứa nghèo lúc đầu còn nhịn, sau quẳng nó xuống ao, làm nó suýt chết đuối. Linh mục trong làng triệu chúng đến, từng đứa một dù sợ vãi linh hồn, cũng phải vào phòng, nhận những câu răn dạy “chắc như đinh đóng cột”, thực chất là bị trấn áp về tinh thần. Cha bề trên thế là khuyên nhủ, hay nói cho đúng, dạy chúng chấp nhận bạo lực, bạo lực của kẻ mạnh. Buộc số đông chấp nhận lâu dài bạo lực của số ít thực tế là một ảo tưởng. Quả thật, ở Đức, có một thời người ta giảng dạy cái man rợ và cái ác cho trẻ nhỏ. Hôm nay, không chỉ tại quê hương của nó, kiểu giáo dục lạ đời ấy dường như  chưa bị đào thải hoàn toàn. Ban giám khảo và nhiều khán giả choáng váng vì sự thật nguy hiểm ấy mà Giải băng trắng nhấn mạnh. Chuyện phim tiếp tục… Mấy hôm sau, cậu ấm bị trói và đánh ở bìa làng. Thủ phạm thì nhà chức trách loay hoay thế nào vẫn không tìm được. Bọn trẻ dần trở nên hung hãn. Đấy sẽ là những lính chiến tương lai, những cỗ máy giết người của Đức quốc xã. Bộ phim lý giải thật thuyết phục nguồn gốc của bạo lực, của chủ nghĩa phát xít, của chiến tranh. Những tai họa khôn lường này bẳt rễ và đâm chồi nảy lộc từ sự méo mó hay suy sụp của văn hóa. Đây là một phát hiện tầm cỡ, hồn cốt của sáng tạo của nhà điện ảnh Michael Haneke, từng chấn động Cannes năm 2001 với Nữ nghệ sĩ dương cầm (vai nữ nghệ sĩ này do vị đứng đầu Hội đồng chấm thi năm nay Isabelle Huppert thể hiện). Hạn chế, đẩy lùi và loại bỏ bạo lực đang là vấn đề thời sự nóng bỏng làm đau đầu mọi quốc gia. Như phụ họa, một nhóm nhà nghiên cứu điện ảnh công bố một công trình dịp LHP Cannes vừa kết thúc. Một điểm được nhấn mạnh trong công trình là tỷ lệ các đề tài được Cannes yêu thích nhất. Suốt chiều dài lịch sử, ba chủ đề nổi bật nhất là chiến tranh, 28,58% (trong tổng số đề tài); gia đình, 20%; tình yêu, 11,4%. Trong tình yêu và gia đình, người “hoang dã” dùng bạo lực để tỏ rõ sức mạnh và quyền thống trị. Chiến tranh là bạo lực bị đẩy đến tận cùng về quy mô và sức tàn phá, nhằm nô dịch hay chối bỏ nô dịch. Muốn ngăn chặn chiến tranh từ xa, hãy triệt tiêu cội nguồn của bạo lực, từ  gia đình, trường học và xóm giềng. Có lẽ phấn chấn quá đà vì suy nghĩ ấy, chủ tịch ban giám khảo Isabelle Huppert, không kìm chế nổi, tự tay trao Cành cọ vàng cho ông, một trong những đạo diễn sừng sỏ nhất. Huppert quên mất rằng, theo thông lệ, việc ấy là do một nữ diễn viên đảm nhận. Xin lưu ý, chị là người có nhiều duyên nợ nghệ thuật và đồng cảm cao với Michael Haneke, cho nên không phải không nổi lên đôi chút nghi ngờ về sự công tâm của chị trong việc ghi vào lịch sử nghệ thuật thứ bảy giá trị của Cannes năm 2009, cũng tức một bộ mặt của điện ảnh thế giới hôm nay, mà các thế hệ tương lai rất cần.

 (tổng thuật)


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Trần Bích Nga

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *