Những nét tương đồng của âm nhạc dân gian H’rê


Âm nhạc H’rê là một biểu hiện của tính tương đồng trong âm nhạc dân gian Việt Nam, mang những nét đặc trưng của âm nhạc Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á. Việc nghiên cứu, tìm hiểu những nét chung của âm nhạc dân gian H’rê trong bối cảnh âm nhạc vùng và khu vực sẽ góp phần tìm ra những giá trị văn hóa nghệ thuật mang tính phổ quát, cũng như phát hiện những hằng số văn hóa trong âm nhạc và văn hóa tộc người.

Mang đặc trưng chung của âm nhạc Tây Nguyên

Chất liệu chế tác nhạc khí

Tương tự như nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên, hầu hết nhạc khí H’rê được chế tác từ những chất liệu tự nhiên với kỹ thuật chế tác đơn giản. Chẳng hạn, như các loại nhạc khí sau:

Chinh k’la được làm từ một lóng tre già có 2 mắc ở 2 đầu. Dây được nẻ lên từ phần cật tre, hai đầu dây có hai que nhỏ, có chức năng làm ngựa đàn và điều chỉnh âm thanh theo ý muốn của người diễn tấu. Phía sau của các dây đàn là phần đáy đàn. Người nghệ nhân làm chinh k’la khéo léo vạt một lỗ làm nơi thoát âm.

Chinh K’la của người H’rê

Vàpútakhung được làm từ những ống nứa (ranhan) già và thẳng, rồi tạo thành 2 ống (đối với vàpút), 5 ống (đối với akhung). Đàn được hong ngoài gió hoặc nắng vừa, treo trên dàn bếp để hun khói. Theo các nghệ nhân, việc hun khói sẽ làm cho đàn chuyển thành màu vàng nâu óng ả, có tuổi thọ dài hơn và tránh được mối, mọt.

Vàpút của người H’rê

Akhung của người H’rê

Tàvố được làm từ đất bùn (tané). Đất được đập nhuyễn và tạo thành hình tròn cỡ quả trứng gà. Sau đó được cắt làm đôi, khoét rỗng ruột và một lỗ nhỏ hình chữ nhật ở chóp để thổi, rồi ghép hai nửa lại với nhau. Ngoài ra, tàvố còn có 3 lỗ hình tròn nhỏ để bấm thổi (2 lỗ phía trên và 1 lỗ phía dưới), bên dưới gần lỗ thổi có một lỗ hình chữ nhật để thoát âm và cộng hưởng. Sau khi thực hiện các công đoạn trên, sáo phải được đem phơi thật khô ngoài nắng mới sử dụng được.

Nhạc khí dây đồng dạng

Ba nhạc khí dây của âm nhạc H’rê là b’rooc, k’râuchinh k’la có những điểm tương đồng với các nhạc khí dân gian được sử dụng ở Tây Nguyên.

Đồng dạng với đàn b’rooc là các cây đàn: b’ro, b’rô, b’rôh được phổ biến ở hầu hết các tộc người Tây Nguyên.

Đồng dạng với đàn k’râu là: v’rooc tru của người Xơ Đăng; tinh ninh của người Ba na; goong của các tộc Rơ Ngao, Giẻ – Triêng, Ba Na, Xơ Đăng; goong đe của các tộc Gia Rai, Rơ Ngao, Giẻ – Triêng; Puôi Brol của người Giẻ – Triêng.

Cây đàn k’râu của người H’rê

Đồng dạng với chinh k’la là goong riel của người Ba na.

Nhạc khí hơi đồng dạng

Đồng dạng với sáo tàlía của người H’rê là tàlía của các tộc Co và Xơ Đăng; alal của người Ba na và kađeh của người Raglai.

Đồng dạng với các đàn vàpút, pênhpút, akhung là k’loong pút của người Xơ Đăng và nhiều tộc Tây Nguyên; đing pơng của người Ba na; đing pút của người Gia Rai.

Tàlía của người H’rê

Nhạc khí thân vang đồng dạng

Đồng dạng với chinh của người H’rê là chinh của người Ba na; chiêng của người M’nông; ching của người Xơ Đăng; chiêng hân của người Giẻ – Triêng; k’cheng của người Chăm; chiêng của các tộc Việt, Gia Rai.

Đồng dạng với chinh goong (có núm) của người H’rê là goong của người Xơ Đăng; chênh goong của người Giẻ – Triêng; chênh của người Ba na; cồng của người Việt.

Ngoài những nhạc khí nêu trên, người H’rê vẫn còn sử dụng công cụ tạo âm chỉ để phục vụ lao động (tiền nhạc khí) như k’la jec (đàn nước) dùng để xua đuổi chim muông, thú rừng phá hoại mùa màng; dẫn thủy nhập điền. Loại nhạc khí này thường được gặp trong đời sống của một số tộc khác ở Tây Nguyên, như dàn đá giữ rẫy của người Raglay…

Những tương đồng với âm nhạc khu vực

Bên cạnh những đặc trưng chung của vùng Tây Nguyên, âm nhạc dân gian tộc người H’rê ở Quảng Ngãi còn mang những nét đặc trưng của khu vực Đông Nam Á, thể hiện qua nguồn chất liệu chế tác nhạc khí, sử dụng nhiều âm trì tục, đánh chiêng theo quy định mỗi người mỗi chiếc.

 Theo PGS.TS Nguyễn Thụy Loan: “Âm nhạc của các cư dân Đông Nam Á về cơ bản có những nét chung giống nhau. Chúng tạo nên một số đặc trưng phân biệt âm nhạc Đông Nam Á với âm nhạc các vùng khác của Châu Á” (1).

Khu vực Đông Nam Á nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên rất phù hợp với sự đa dạng hệ sinh thái động thực vật. 

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian cho rằng âm nhạc của các tộc người Đông Nam Á là âm nhạc của tranh, tre, lá, nứa…

Bên cạnh các chất liệu có sẵn trong tự nhiên để chế tác các loại nhạc khí, như: tre, lá, nứa, da thú, gỗ, đất, vỏ bầu, kim loại…; người H’rê còn chế tác nhạc khí bằng đồng.

Theo như nhận định của GS,TS Trần Văn Khê: “Các nhạc cụ căn bản ở khu vực Đông Nam Á đều bằng đồng, đa số các nhạc cụ đều có âm trì tục (bourdon)” (2). Người H’rê có nhiều nhạc khí sử dụng âm trì tục, như: b’rooc, k’râu, chinh k’la, chinh.

Có thể thấy đặc trưng này qua nhiều bài bản của một số nhạc khí H’rê. Chẳng hạn, bài Vik’rah (Chuyện ông già xưa), do nghệ nhân Đinh Hạ ở huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, biểu diễn trên cây đàn b’rooc:

Sưu tầm – ký âm: Thế Truyền

Người H’rê có tập quán sử dụng chinh mỗi người mỗi chiếc. Cũng theo GS.TS Trần Văn Khê: “Khu vực Đông Nam Á được coi là cái nôi của văn hóa cồng chiêng. Trong đó, hầu hết các nước Đông Nam Á hải đảo hoặc bán đảo đều đánh chiêng theo quy định mỗi người mỗi chiếc, chứ không phải một người đánh cả dàn chiêng, như các nước Đông Nam Á lục địa” (3).

Sự tương đồng văn hóa ở đây, không nhất thiết phải theo quy luật giao lưu, tiếp biến văn hóa, mà có khi đó là sự tương đồng mang tính ngẫu nhiên… Bên cạnh những tương đồng, cũng tồn tại những khác biệt, làm nên sắc thái riêng của âm nhạc dân gian H’rê, hình thành bản sắc, làm giàu vốn văn hóa truyền thống tộc người.

______________

1. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, 1993, tr.5.

2, 3. Trần Văn Khê, Âm nhạc tại các nước vùng Đông Nam Á, trong Nghệ thuật Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội, 1983, tr.183.

Tác giả: Nguyễn Thế Truyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *