Kiến trúc phủ Dày 1. Nhân tố lịch sử
Bản thân mỗi tôn giáo, tín ngưỡng đều có lịch sử riêng, đó chính là diễn trình phát triển trải dài từ khi hình thành đến hiện tại, hòa mình vào dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, thế giới. Yếu tố lịch sử dân tộc, khu vực chính là nhân tố quyết định đến sự ra đời, định hình, phát triển, biến đổi, thậm chí tiêu vong của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có lễ hội. Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày không phải một ngoại lệ, nó vừa chịu tác động của lịch sử tín ngưỡng thờ mẫu, vừa chịu tác động của lịch sử dân tộc.
Nhiều học giả đều thống nhất rằng, hiện tượng thờ nữ thần của cư dân Việt bắt nguồn từ nền tảng sản xuất kinh tế nông nghiệp, xã hội phân hóa không cao, những yếu tố mẫu hệ nguyên thủy vẫn dư tồn trong đời sống cộng đồng một cách mạnh mẽ. Trong nền kinh tế tự nhiên, từ hái lượm đến sản xuất nông nghiệp, người phụ nữ tham gia phần lớn các công việc làm ra vật chất, họ gánh vác cùng đàn ông, nên luôn nhận được sự tôn trọng của gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ luôn giữ vai trò không thể thiếu trong lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nên vị thế xã hội giữa nam và nữ không quá cách biệt. Bên cạnh đó, tục thờ còn bắt nguồn từ tư duy nguyên thủy về những bà mẹ (cây, đất, nước, trời), với quan niệm mẹ sinh ra muôn loài.
Theo thời gian, trong hàng các nữ thần có một số vị được tôn vinh làm thánh mẫu, vương mẫu, quốc mẫu. Theo Ngô Đức Thịnh, về mặt danh xưng, mẫu là từ gốc Hán – Việt, còn thuần Việt là mẹ, mụ, chỉ người phụ nữ đã sinh thành ra một người nào đó, là tiếng xưng hô thân thiết của con cái và người đã sinh hạ ra mình. Tuy nhiên, mẹ, mẫu còn bao hàm nghĩa rộng hơn mang tính tôn xưng, tôn vinh (1).
Từ tục thờ mẫu thần đến mẫu tam phủ, tứ phủ là một giai đoạn phát triển kế tiếp của đạo Mẫu. Không nên đồng nhất hoàn toàn giữa thờ mẫu với mẫu tam phủ, tứ phủ, mà đó là một bước phát triển về nhiều mặt. Tác nhân của sự phát triển ấy vừa có yếu tố nội sinh, vừa có nhân tố ngoại sinh. Trước tiên, đó là phát triển về tính hệ thống, bước đầu hình thành những nhân tố về vũ trụ luận nguyên sơ, thể hiện ý thức nhân sinh, ý thức về cội nguồn dân tộc. Hệ thống thờ cúng trong các đền, phủ, những nghi lễ thờ cúng dần được chuẩn hóa, trong đó nghi lễ hầu bóng và lễ hội tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ là một điển hình (2). Bên cạnh đó, Đạo giáo của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam trở thành một trong tam giáo đồng nguyên, chính là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của tục thờ.
TK XVI, tín ngưỡng thờ tứ phủ xuất hiện thêm một thần mẫu quan trọng, đó là thánh mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, bà là một nhân vật có thật, được dân gian đồng nhất, cho rằng bà là hóa thân của mẫu thượng thiên, trở thành thần chủ của đạo Mẫu tứ phủ. Sự xuất hiện của vị thánh mẫu này vừa xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của tín ngưỡng thờ mẫu đã có từ trước, vừa phản ánh khát vọng của quần chúng nhân dân trong xã hội rối loạn… Đạo Mẫu vốn là một tín ngưỡng gần với thiên nhiên, nay được đời thường hóa, gắn liền với khát vọng, thân phận của con người, nhất người phụ nữ. Chính từ đây, đạo Mẫu có được bộ mặt mới, vừa truyền thống, vừa hợp thời, nhanh chóng phát triển, lan tỏa khắp mọi miền đất nước… (3). Từ đó, hình thành các trung tâm thờ mẫu lớn, hệ thống thần điện, quan niệm nhân sinh, vũ trụ, đặc biệt là các nghi lễ, lễ hội ngày càng hoàn thiện hơn.
Bản thân lễ hội thờ mẫu ở phủ cũng chịu tác động từ lịch sử dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, chưa có công trình khảo cứu nào đưa ra được niên đại lịch sử của lễ hội ở phủ Dày, tuy nhiên, căn cứ trên thần tích của vị thần chủ Liễu Hạnh, cùng những tích truyện quanh các nghi thức trong lễ hội, có thể đưa ra những giả thiết sau:
Trước khi xuất hiện thánh mẫu Liễu Hạnh, có lẽ đã tồn tại các hoạt động nghi lễ có tính chất nghi thức – manh nha của lễ hội sau này. Tuy nhiên, nó chưa trở thành một hệ thống, bài bản với những nghi thức cụ thể, rõ ràng, chuẩn mực. Phải sang đến TK XVI, khi xuất hiện không gian thờ cúng cụ thể, cùng sự tác động của hệ tư tưởng Nho giáo, lễ hội thờ mẫu tứ phủ mới được tổ chức. Tích truyện về Vương phi Ngọc Đài không chỉ giải thích nguồn gốc cho ra đời tục kéo chữ, mà còn tạm xác lập một niên điểm tương đối của lễ hội phủ Dày, định hình vào TK XVI, hoàn thiện hơn vào TK XVII, XVIII.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày bị gián đoạn. Đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, không có nguồn lực về kinh tế, con người để tổ chức lễ hội. Đặc biệt, vào thời điểm này, nhà nước đưa ra quan điểm bài trừ tàn dư của chế độ phong kiến, cấm mê tín dị đoan, nên tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ nói chung và lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày nói riêng không được phép tổ chức. Năm 1994, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày mới được mở trở lại, khâu tổ chức còn thiếu bài bản, không chặt chẽ…
Bên cạnh đó, những quan niệm của thời đại cũng tác động không nhỏ tới các hoạt động tâm linh. Mỗi thời đại có những quan niệm về loại hình tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội khác nhau, từ đó, con người đưa ra cách ứng xử khác nhau. Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày cũng chịu sự chi phối của quan niệm, cách thức ứng xử của thời đại, nên sự tồn tại, phát triển của lễ hội này cũng có những bước thăng trầm. Theo thời gian, các quan niệm đã thay đổi rõ rệt, nhận thức cũng như cách ứng xử đối với những hoạt động tâm linh của người dân hiện nay khoan dung, đúng đắn hơn. Họ coi đó là một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, đôi khi còn được đề cao bởi tính thiêng liêng và quyền năng đối với đời sống xã hội. Việc phụng thờ thánh mẫu và các nghi thức liên quan giúp con người không chỉ thỏa mãn nhu cầu niềm tin tâm linh, mà còn nhận được sự che chở ban phúc của thần linh.
Nhân tố lịch sử tác động đến lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày làm cho những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhiều thời đại hội tụ, kết tinh. Lễ hội trong xã hội đương đại là sự tổng hòa những giá trị văn hóa tinh hoa của các thời đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
2. Nhân tố quản lý nhà nước
Thời phong kiến, nhiều khi nhà nước kiểm soát, quản lý tôn giáo, tín ngưỡng bằng cách sử dụng chính nó làm công cụ triệt phá lẫn nhau. Tích truyện về cuộc đại chiến Sùng Sơn, Thanh Hóa là mâu thuẫn đỉnh điểm giữa tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ với hệ thống chính trị. Sự tích kể rằng, khi mãn hạn, Liễu Hạnh về trời, với thời gian hạnh phúc quá ư ngắn ngủi, bà xin vua Trời, một lần nữa được giáng sinh. Nàng cùng hai thị nữ về vùng Phố Cát (Thanh Hóa). Ở đây, tiên chúa tiếp tục hiển linh với nhiều trò trêu ghẹo, trừng phạt người đời. Triều đình cho rằng, đó là yêu quái, đem quân lính đến tiễu trừ, nhiều lần bị tiên chúa đánh cho thảm bại. Vua phải cầu một đạo sĩ là Tiền quân Thánh cầm quân chống cự ở núi Sòng (Thanh Hóa), trận đánh diễn ra ác liệt, gọi là Sùng Sơn đại chiến. Tiền quân Thánh phải dùng mẹo mới thắng được” (4). Mâu thuẫn được hóa giải, tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ phát triển mạnh, lễ hội ở phủ Dày và các hoạt động lên đồng được tái diễn, phát triển mạnh hơn, hệ thống được hoàn thiện, đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Đảng và nhà nước ta có thời gian dài không ủng hộ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng phát triển, cho rằng đó là mê tín, dị đoan. Tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ không phải một ngoại lệ, lễ hội cùng các nghi thức hầu đồng cũng bị cấm đoán. Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến đầu những năm 90 của TK XX, nhà nước hạn chế tổ chức lễ hội. Trong thời gian đất nước xảy ra chiến tranh, hầu như hoạt động của các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng đều bị quên lãng, hoặc không công khai. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, đời sống kinh tế khó khăn, Đảng và Nhà nước sử dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đời sống xã hội. Chính vì vậy mà các tôn giáo, tín ngưỡng cũng như lễ hội càng bị hạn chế phát triển. Lễ hội phủ Dày, đặc biệt là nghi thức hầu đồng còn bị coi là mê tín dị đoan, gây tổn hại đến đời sống văn hóa, đạo đức xã hội. Quan điểm này của Đảng và Nhà nước tác động không nhỏ đến hoạt động của các lễ hội. Sau nhiều năm bị cấm đoán, hạn chế, bản thân các nghi thức, lễ tiết, bài bản cũng như các đồ nghi trượng trong lễ hội bị mai một. Điều đó gây ra những khó khăn nhất định cho công việc phục dựng lại lễ hội sau này.
Kể từ đầu những năm 1990 cho đến nay, quan niệm của xã hội có nhiều thay đổi, hệ thống chính trị, quản lý xã hội cũng có cái nhìn tích cực, thiện cảm với các hoạt động của tôn giáo, tín ngưỡng hơn. Với quan điểm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong nghị quyết trung ương 5 khóa VIII, là căn cứ quan trọng để cho các hoạt động văn hóa tâm linh được phục hưng. Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày mặc dù đã được tái tổ chức từ năm 1994, nhưng về danh nghĩa/chính danh pháp lý hợp thức hóa sau nghị quyết này. Bên cạnh đó, để quản lý chặt chẽ hơn, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL cũng ban hành nhiều nghị định, quy chế (5) về việc tổ chức, quản lý các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội. Lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày một mặt hoạt động tự do, công khai, mặt khác chịu sự chi phối từ những văn bản pháp quy của nhà nước (tức hoạt động trong khuôn khổ, quy định của pháp luật).
Nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Hệ quả tác động của nhân tố chính trị, hệ thống quản lý nhà nước tới lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày là sự định hướng, đảm bảo lễ hội vừa mang giá trị văn hóa, tác động tích cực tới đời sống cộng đồng; vừa vận hành trên cơ sở tôn trọng quan điểm của Đảng, Nhà nước, pháp luật.
3. Nhân tố kinh tế
Kinh tế là nhân tố tiên quyết, đảm bảo sự vận hành cho cả hệ thống nghi lễ. Nếu đời sống kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí hạn chế, việc tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội sẽ bị bó hẹp, thu nhỏ, các tiết lễ cũng đơn giản, tiết kiệm hơn. Ngược lại, nếu đời sống kinh tế phát triển, nguồn kinh phí lớn, việc tổ chức các hoạt động lễ hội sẽ được mở rộng với quy mô lớn, cùng lễ tiết, nghi thức đầy đủ, bài bản hơn.
Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa kinh tế với các hoạt động lễ hội diễn ra hai chiều. Kinh tế tạo nguồn lực, tác động làm nảy sinh, phát triển các hoạt động của lễ hội; ngược lại, lễ hội phát triển đến độ hoàn thiện lại tạo ra nguồn thu cho kinh tế phát triển. Mối quan hệ tương hỗ này chính là điều kiện để duy trì, phát huy giá trị lễ hội nói chung và lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày nói riêng. Vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, phủ Dày được đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác phục dựng lễ hội. Sau vài năm hoạt động vẫn còn nhiều vấn đề tiêu cực phát sinh, nhưng về cơ bản, những lễ nghi, hạng mục chính của lễ hội vẫn được thực hiện đầy đủ. Những năm gần đây, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày đã được tổ chức bài bản, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu của lượng khách hành hương lớn tới lễ thánh. Các khâu tổ chức lễ hội đã được khớp nối thành công, ban quản lý được phân công nhiệm vụ cụ thể, vận hành hiệu quả. Chính vì vậy, sau mỗi mùa lễ hội, phủ Dày thu về hàng chục tỷ đồng tiền công đức của khách thập phương, hoặc các ông đồng, bà đồng đóng góp sau những giá hầu.
Nhờ có nguồn thu sau mỗi mùa lễ hội, phủ Dày lại cho tiếp tục tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng như: đường xá, cầu cống…, các công trình kiến trúc luôn được nâng cấp, tu sửa, xây mới. Bên cạnh đó, những công trình, hạng mục kiến trúc, dịch vụ khác cũng được quy hoạch đầu tư. Quần thể kiến trúc của phủ Dày hiện nay trở nên khang trang, đáp ứng cả về không gian hành lễ, nhu cầu tham quan. Phủ Dày không chỉ tái đầu tư cho xây dựng các công trình cơ bản, mua sắm trang thiết bị, nghi trượng phục vụ nhu cầu thờ cúng, tổ chức lễ hội, mà còn đóng góp vào ngân sách của địa phương.
Từ đó tạo nên tác động hai chiều giữa nhân tố kinh tế với lễ hội tín ngưỡng thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày. Từ sự cho phép và nguồn đầu tư ban đầu của chính quyền huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, lễ hội thờ mẫu tứ phủ ở phủ Dày có cơ hội tái hoạt động và phục dựng trở lại. Các nguồn thu từ việc công đức hoặc xã hội hóa thông qua các hoạt động tín ngưỡng tiếp tục tái đầu tư, đóng góp vào ngân sách cho chính quyền địa phương.
Bên cạnh mặt tích cực, nhân tố kinh tế làm nảy sinh những mặt tiêu cực tác động đến lễ hội thờ mẫu tứ phủ, đó là việc chạy theo lợi nhuận, trục lợi… mà quên đi ý nghĩa, giá trị văn hóa tâm linh của lễ hội.
_______________
1, 2, 3. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2007, tr.172-173, 173-174, 174-175.
4. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Văn Ty, Vân Cát thần nữ, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1990, tr.7.
5. Bộ Văn hóa Thông tin, Quy chế lễ hội, Hà Nội, 1994.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : NGUYỄN DUY HÙNG
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám