Xu thế toàn cầu hóa ảnh hưởng sâu rộng tới mọi quốc gia, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn ảnh hưởng đến mọi phương diện hoạt động, trong đó có văn hóa. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng là một trong những nguyên nhân tác động, tạo ra những thay đổi trong văn hóa, quản lý văn hóa (QLVH) nói chung và hệ thống các thiết chế văn hóa, trong đó có các nhà văn hóa lao động (NVHLĐ). Vì vậy, cần thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Muốn làm được điều đó, cần nghiên cứu các nhân tố tác động và những vấn đề đặt ra trong quản lý các NVHLĐ trong hệ thống công đoàn Việt Nam hiện nay.
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước
Khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), lần đầu tiên vấn đề nhiều tổ chức công đoàn được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Do đó, một thách thức lớn đặt ra là công đoàn Việt Nam phải cạnh tranh, thu hút đoàn viên công đoàn với tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) được thành lập ở cơ sở. Điều này làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn được hình thành và khẳng định trong hơn 90 năm qua.
Thực tế trên cho thấy, nếu tổ chức công đoàn Việt Nam không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thì sẽ bất lợi trong cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ gia nhập tổ chức của hệ thống công đoàn Việt Nam.
Ở trong nước, đường lối đổi mới của Đảng làm thay đổi toàn diện xã hội Việt Nam trong hơn 30 năm qua; nên nước ta, từ một nước chậm phát triển, khó khăn về kinh tế, hạn chế về giao lưu quốc tế, và nhiều khó khăn khác… trở thành nước có nền kinh tế trung bình khá, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng như công nhân lao động (CNLĐ) được nâng lên rõ rệt. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa ngày càng tăng là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đối với QLVH ở nước ta trong những năm vừa qua. Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng cho đến nay, tất cả các kỳ Đại hội đều có những nghị quyết, chỉ thị riêng về văn hóa. Nghị quyết trung ương V (khóa VIII) trở thành một trong những nghị quyết quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển văn hóa Việt Nam.
Cơ chế chính sách, luật pháp trong xã hội ngày càng hoàn chỉnh, tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển văn hóa. Điều này được thấy rõ nhất qua việc hoàn thiện hàng loạt các văn bản luật, trong đó có các luật liên quan đến văn hóa. Các văn bản pháp quy Nhà nước này đã tạo hành lang pháp lý cho QLVH ở nước ta trong những năm gần đây (1).
Bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế – xã hội; cùng với sự nâng cao mức sống, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực dẫn đến phân tầng trong mức sống và khoảng cách giàu nghèo gia tăng trong xã hội. Nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân đã đặt hoạt động QLVH trong một bối cảnh mới.
Tốc độ CNH-HĐH và đô thị hóa nhanh chóng đã biến nhiều nông dân trở thành công nhân, biến nhiều làng quê trở thành các thị trấn, thị tứ và cả thành phố. Nhiều khu công nghiệp (KCN) được mọc lên, NLĐ chuyển đến các KCN và sống tập trung. Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và internet đã làm biến đổi thế giới, khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và liên kết với nhau chặt chẽ hơn. Quá trình cá nhân hóa dưới sự chi phối của các phương tiện truyền thông mới và những giá trị văn hóa phương Tây do toàn cầu hóa mang lại cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi các hình thức giải trí; trong đó, các hình thức giải trí dựa vào các phương tiện truyền thông thắng thế so với các loại hình giải trí truyền thống. Những giá trị văn hóa của cộng đồng, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống dần bị lãng quên, thay vào đó là những giá trị văn hóa đề cao cá nhân (2).
2. Xu hướng, nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của CNLĐ
Tiêu dùng văn hóa (TDVH) của CNLĐ hướng tới tiện ích, cá nhân, hiện đại
Trong thời kỳ CNH-HĐH đời sống vật chất của CNLĐ ngày càng được nâng cao, đời sống tinh thần của họ được phát triển mạnh mẽ; xu hướng tôn trọng, đề cao nhu cầu TDVH của cá nhân được quan tâm nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần trong điều kiện công việc bận rộn (thời gian rỗi ít), đồng thời công nghệ truyền thông phát triển, CNLĐ có xu hướng lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm văn hóa hiện đại, vừa đảm bảo được thời gian cho công việc, vừa có thể đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu TDVH của bản thân. Các loại thiết bị nghe nhìn cầm tay, gọn nhẹ tiện ích là xu hướng tiêu dùng rất được CNLĐ yêu thích hiện nay. Với loại thiết bị này, họ dễ dàng đáp ứng nhu cầu TDVH ở mọi lúc, mọi nơi…
Khi khoa học công nghệ phát triển, điều kiện vật chất được nâng cao, nhu cầu TDVH của CNLĐ ngày càng phong phú, hướng tới sự thỏa mãn nhu cầu TDVH của mỗi thành viên trong gia đình. Ngoài các thiết bị tiện ích trang bị cho mỗi thành viên với những tính năng thông minh, các gia đình CNLĐ đều có từ 1 đến 2 ti vi, lắp đặt mạng internet, wifi để thuận tiện cho việc tiêu dùng các sản phẩm văn hóa theo sở thích cá nhân… Việc trang bị các thiết bị công nghệ này vừa biểu hiện khả năng kinh tế, vừa biểu hiện nhu cầu tinh thần của CNLĐ ngày càng phát triển, nhưng đồng thời cũng thể hiện một xu hướng, hướng tới quan tâm đáp ứng và ưu tiên tối đa cho sở thích, thị hiếu TDVH của từng cá thể trong mỗi gia đình, cũng như trong xã hội (3).
Xu hướng lai căng, pha tạp văn hóa
Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm văn hóa có tính quốc tế đang phát triển trong CNLĐ. Không chỉ tiêu dùng các sản phẩm văn hóa của địa phương, dân tộc; CNLĐ có xu hướng mở rộng nhu cầu TDVH vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Họ có nhiều cơ hội chọn lựa các sản phẩm văn hóa của nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu TDVH và nhu cầu hiểu biết của bản thân.
Sự tiếp nhận các yếu tố thị hiếu và sản phẩm văn hóa từ bên ngoài ảnh hưởng lớn đến nhân cách, tư duy, hành động của chủ thể văn hóa (CNLĐ). Thực trạng du nhập các yếu tố văn hóa ngoại lai như hiện nay sẽ tăng cao trong những năm tiếp theo bằng nhiều con đường (trực tiếp và gián tiếp), đem đến sự lai tạp văn hóa mà chưa được “gạn đục, khơi trong”. Với sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài vào đời sống của CNLĐ (với tư cách là người TDVH) dễ dẫn đến sự bắt chước, rập khuôn, máy móc thiếu sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ lao động trẻ (4).
Định hướng của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn về phát triển hệ thống NVHLĐ
Từ định hướng của Đảng: “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH hóa đất nước” (5); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo hoạt động của hệ thống NVHLĐ trong thời gian tới “ Đưa các hoạt động của NVHLĐ đến gần với CNLĐ, nhất là CNLĐ tại các KCN. Các NVHLĐ phải là điểm hẹn, địa chỉ sinh hoạt văn hóa của NLĐ” (6). Cụ thể:
Về mô hình hoạt động của NVHLĐ trong tương lai: Với vai trò của NVHLĐ là xây dựng đời sống văn hóa và góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, trước hết được khẳng định bởi đặc điểm, vị trí của NVHLĐ, là một thiết chế văn hóa tổng hợp nên bản thân NVHLĐ có sự liên kết về nội dung, hình thức hoạt động, sự phân công, phân cấp tổ chức…
NVHLĐ cần tiến hành hoạt động văn hóa có chất lượng theo phong cách công nghiệp, với mục tiêu “do” và “vì” con người; đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu TDVH của quần chúng và CNLĐ, khiến họ yêu thích và tự nguyện tham gia. NVHLĐ là nơi cung cấp các phương tiện, thông qua đó quần chúng có thể thưởng thức và sáng tạo văn hóa (thực hiện hành vi TDVH của mình).
Do vậy việc đầu tư, quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển hợp lý hệ thống NVHLĐ, gắn với quản lý nhà nước về văn hóa và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa sẽ góp phần tạo hiệu quả đồng bộ, toàn diện và vững chắc cho công tác quản lý, xây dựng đời sống văn hóa và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng cũng như CNLĐ.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ NVHLĐ
Tổ chức, kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, sàng lọc cán bộ ngay từ khâu tuyển dụng, giảm thiểu tối đa nhân sự thiếu và trái chuyên môn, trình độ thấp. Những người làm công tác lãnh đạo, quản lý NVHLĐ nhất thiết phải có chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích những nhân tố trẻ, năng động, tâm huyết với nghề, quy hoạch và xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận.
Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác nhà văn hóa để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ của NVHLĐ, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong cơ chế thị trường. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết về văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền, thể thao quần chúng, tổ chức và hoạt động câu lạc bộ, tổ chức sự kiện, phát hiện và bồi dưỡng hạt nhân cơ sở, vận động, thu hút quần chúng tham gia…
Thực hiện đúng việc xếp lương, nâng lương, chuyển ngạch cho cán bộ nhân viên của NVHLĐ; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tạo việc làm ổn định, bảo đảm chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội, quan tâm đến việc nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe của công nhân viên chức – lao động của NVHLĐ.
Về công tác quản lý, lãnh đạo: Tăng cường công tác quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và công đoàn ngành Trung ương đối với hệ thống NVHLĐ. Cần nghiên cứu, hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của NVHLĐ; áp dụng cơ chế tự chủ cho các NVHLĐ, tránh tình trạng công đoàn cấp trên can thiệp quá sâu, hoặc không thực hiện đủ trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của NVHLĐ.
Về nâng cao chất lượng các hoạt động của NVHLĐ: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa thể thao (VHTT), câu lạc bộ sở thích, lớp học năng khiếu gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của công nhân viên chức – lao động; đưa các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ vào nề nếp theo hướng chuyên nghiệp; tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, cán bộ văn hóa cơ sở.
Quan tâm tổ chức các hoạt động VHTT phù hợp với đặc điểm công nhân viên chức – lao động, đưa hoạt động về cơ sở phục vụ CNLĐ ở các KCN. Tạo điều kiện để ngày càng đông công nhân viên chức – lao động được tham gia các hoạt động VHTT, hoạt động tập thể, vui chơi giải trí.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động mang tính tuyên truyền, giáo dục; tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện như: tặng quà, tổ chức các hoạt động VHTT phục vụ miễn phí cho CNLĐ nghèo. Đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và phong phú của các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt tại NVHLĐ.
Về cơ sở vật chất của NVHLĐ và quy hoạch phát triển thiết chế VHTT công nhân: nâng cấp, hoàn thiện các NVHLĐ hiện có, trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động; thay thế những thiết bị cũ, lạc hậu; duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới các NVHLĐ cấp tỉnh; chú trọng đến các địa phương có nhiều KCN, đông CNLĐ. Thực hiện xây dựng mô hình thí điểm các thiết chế văn hóa công đoàn phục vụ CNLĐ.
Về hợp tác phát triển nguồn lực NVHLĐ: đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VHTT trong các NVHLĐ nhằm động viên các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện cho hoạt động NVHLĐ phát triển mạnh mẽ, ngày càng chất lượng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và CNLĐ.
Xây dựng và tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các NVHLĐ. Thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ giữa cán bộ, công nhân viên chức – lao động các NVHLĐ trong toàn hệ thống.
Mở rộng mối quan hệ phối hợp với các đơn vị, ban, ngành chức năng các địa phương trong triển khai hoạt động và tạo thêm nguồn lực để phát triển.
_____________________
1. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
2, 3, 4. Viện Công nhân và Công đoàn, Lối sống công nhân Việt Nam trong điều kiện CNH, HĐH, 2018.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, 2008.
6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị quyết số 03a/NQ-TLĐ ngày 17-2-2014 Hội nghị Ban chấp hành khóa XI lần thứ ba về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, 2014.
Tác giả: Nguyễn Thanh Bình
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%