Những nữ nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử phong kiến việt nam


 

          Trong quá trình dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, vai trò của người phụ nữ được khẳng định một cách xứng đáng. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết về các nhân vật lịch sử là phụ nữ, song các tác giả mới chỉ tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực đấu tranh chống xâm lược. Trong lĩnh vực giáo dục, mảng đề tài tìm hiểu về những nữ nhà giáo trong thời phong kiến nước ta còn tương đối hạn chế. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi trong xã hội phong kiến Việt Nam, với tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo, người phụ nữ muốn đi học cũng còn khó chứ nói gì đến làm nghề dạy học. Chính vì vậy hành trạng của những nhân vật này được lưu lại rất ít trong kho tàng thư tịch cổ Việt Nam, bởi, các nhà viết sách, viết sử xưa cũng đồng thời là các nhà nho.

          Nhằm lấp dần những khoảng trống trong lịch sử văn hóa của dân tộc, chúng tôi đề cập tới một số nhân vật là những nữ nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử phong kiến Việt Nam, chủ yếu từ TK XIX trở về trước và cũng được dân gian truyền tụng. Cần phải nói thêm rằng, các bà giáo mà chúng tôi nhắc tới ở đây không hẳn là những người mở trường dạy học theo kiểu ông đồ, mà đa phần là người dạy chữ nghĩa, lễ nghi và dạy nghệ thuật cho các cung tần, mỹ nữ ở trong cung vua, phủ chúa.

1. Lễ nghi nữ học sĩ – Nguyễn Thị Lộ

Tài liệu viết về bà còn rất ít, trong Đại Việt sử ký toàn thư có mấy dòng ngắn ngủi về bà, vì có liên quan tới cái chết của vua Lê Thánh Tông: “Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ…” (1). Theo một số tài liệu thì Nguyễn Thị Lộ quê ở Thái Bình, làm nghề dệt chiếu, sau đó gia đình chuyển lên Thăng Long vẫn sống theo nghề cũ.

Dân gian lưu truyền một câu chuyện tình lãng mạn giữa một nhà cựu Nho – Nguyễn Trãi với một cô gái bán chiếu – Nguyễn Thị Lộ bên hồ Tây. Cuộc đối đáp tài tử – giai nhân này đã là sợi dây kết nối họ lại với nhau. Cuộc gặp gỡ thiên duyên được dân gian truyền tụng: một hôm, Nguyễn Trãi đang tha thẩn ngắm cảnh bên Hồ Tây thì ông gặp một cô gái bán chiếu xinh đẹp. Trai tài gặp gái sắc, Nguyễn Trãi đã nổi hứng buông lời chọc ghẹo:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa? Được mấy con?

Cô gái nghe xong, không hề tỏ ra bối rối mà còn ứng khẩu đáp lại:

Thiếp ở Tây hồ bán chiếu gon

Cớ chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có nói chi con (2).

Thế rồi tơ duyên đưa đẩy, trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, hai người tâm đầu ý hợp dự tính chuyện trăm năm. Nguyễn Thị Lộ trở thành người thiếp yêu, người bạn tri âm, tri kỷ của Nguyễn Trãi và cùng chồng chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống.

Sau khi về làm Thiếp của Nguyễn Trãi, tài năng của bà được lưu truyền khắp trong kinh thành, sau đó bà được vua Lê Thái Tông (1434 – 1439) tuyên triệu vào cung cho giữ chức Lễ nghi học sĩ, chịu trách nhiệm dạy các cung tần, mỹ nữ trong cung những lễ nghi, phép tắc của triều đình.

Sau khi đại thắng quân Minh, những việc ổn định về chính sách kinh tế, xã hội, đối ngoại, quan chế đã được triều đình lo toan chu đáo. Những hoạt động chốn hậu cung cũng cần phải đưa vào quy mô và thể thức. Trong cung vi, phần lớn là con cái các quan to được tuyển vào hầu hạ và sai phái. Kẻ này ỷ thế cha, kẻ kia cậy quyền anh em, chú bác, chỉ chăm chăm nghĩ rằng vào đây để hưởng phú quý, vinh hoa. Không hiếm gì bọn con trai, con gái mang cả tính xấu lăng loàn ngỗ nghịch vào chốn lầu vàng, điện ngọc. Không có người vững vàng, hiểu biết giúp đỡ nhà vua thì rất dễ đi tới tình trạng suy đồi, không cứu vãn được. Con người đó bây giờ không ai hơn Nguyễn Thị Lộ (3).

Cách dạy học cho các cung nữ của bà cũng rất sáng tạo. Bà vẫn giữ quan điểm đã theo Nho thì phải đọc sách Nho. Song với các cung nữ trong cung, sở dĩ họ có phần ham thích học hỏi là vì, bà chỉ cho họ đọc sách Nho một phần, còn phần lớn đem những bài chữ Nôm ra để giảng giải, vì vậy họ thấy dễ hiểu, dễ thuộc nên có hứng thú khi học. Bà cũng lý giải, tuy nói đạo lý thánh hiền bên Trung Quốc nhưng ý tứ cũng không xa với điều răn dạy của cha ông ta ngày xưa. Chẳng hạn như Tứ thư dạy điều nhân nghĩa, tổ tiên ta cũng không nói trái với đạo lý ấy bao giờ. Diễn ra chữ Nôm ta tìm cách nói cho dễ hiểu, cho hợp với lương tri ai cũng tiếp nhận được, bà ví dụ:

Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chớ

Áo người bất nghĩa, mặc chẳng thà.

Về việc lễ nhạc, sau khi xem xét, bà cho rằng việc tiến nhạc trong cung còn lộn xộn, không ra nề nếp gì. Nhạc dùng vào công việc triều nghi cũng tiến trong cung nội. Những lúc cần phải có hòa nhạc để di dưỡng tinh thần cho vua và các đại quan giải trí cũng lẫn lộn không có phép tắc. Bà là người bắt đầu công việc điều chỉnh lại những khiếm khuyết này.

Rất nhiều người nghi ngờ về tư cách nhà giáo của Nguyễn Thị Lộ, và cũng có lắm ý kiến băn khoăn khi xếp bà vào hạng những nhà giáo xuất sắc. Những băn khoăn đặt ra không phải không có cơ sở, nhưng thực tế, bà là một nhà giáo thực sự, một Lễ nghi học sĩ, dạy lễ nghi chốn cung đình.

         Hơn 500 năm sau, một cuộc hội thảo khoa học lớn về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đã được tổ chức ở Khuyến Lương, ngày 19-12-2002. Những tham luận quan trọng trong hội thảo được tập hợp trong cuốn kỷ yếu nhan đề Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi viên, do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tổ chức và chủ biên (Nxb Văn hóa -Thông tin ấn hành năm 2004). Trong đó có nhiều bài tham luận rất quan trọng, có giá trị và có sức thuyết phục cao của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam.

          Trong cuộc hội thảo quan trọng này, các nhà khoa học, bằng những cứ liệu chắc chắn mới phát hiện, có tính khách quan đã đánh giá đúng tài năng, đức độ cùng những cống hiến to lớn của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ: “Bà đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung cho đến ngoài triều… xin chỉ dụ của vua để mở mang học vấn dân tộc, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền” (nữ sĩ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền). “Ý kiến của Nguyễn Thị Lộ không đóng khung nơi cung cấm mà lại thành một chủ trương chỉnh đốn phong tục cả nước. Sử sách chép rõ điều này… Có thể không quá lời khi nói rằng, Nguyễn Thị Lộ chưa có bạn đồng hành nào đi trên con đường cải tạo phong tục Việt Nam từ xưa đến nay”(4).

          Tại Khu di tích lịch sử văn hóa Lệ Chi Viên ở xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã khánh thành tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, nữ nhà giáo đầu tiên của Việt Nam, một nhà giáo dục xuất sắc. Tượng được tạc bằng đá trắng nguyên khối, trang trọng ngự bên trái ngôi đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, tay Lễ nghi học sĩ cầm bút như đang viết lên trời xanh tấm lòng trong trắng trung trinh cùng hoài bão lớn lao của những người anh hùng vì dân, vì nước (5).

2. Bà chúa Sao Sa – tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ

Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ xứng danh là bà chúa Sao Sa mà vua Mạc đã đặt tên cho bà sau kỳ thi tiến sĩ tại Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ còn có tên là Nguyễn Thị Du, Ngọc Toàn, hiệu Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi (Sao Sa), là người con gái tài sắc, thông minh và đức độ hơn người. Bà sinh khoảng năm 1573-1574, trong một gia đình hiếu học tại xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (6).

Sau khi bị quân Trịnh đánh thua, nhà Mạc phải chạy lên Cao Bằng. Tại Cao Bằng nhà Mạc đã tổ chức khoa thi Hội kén chọn nhân tài. Bà đã đóng giả làm trai đi thi cùng với thầy giáo của mình. Sau khi chấm bài, khớp phách, bà được điểm cao đỗ đầu, thầy giáo của bà đỗ thứ hai. Cảm kích trược tài năng của người học trò ưu tú, ông nói “Màu xanh từ màu lam mà ra nhưng đẹp hơn màu lam”. Vào dự yến, vua Mạc thấy diện mạo thanh tú giống như con gái liền xét hỏi, sau khi biết sự thật đã không trị tội mà lấy làm vợ. Khoảng năm 1625 nhà Lê – Trịnh tiến quân lên Cao Bằng đánh bại nhà Mạc, bà Tinh Phi cũng bị quân nhà Trịnh bắt. Khi bị quân lính dẫn vào tiến chúa, bà được chúa Trịnh rất quý mến và trọng dụng.

Khi thân quân Hoằng Tổ Dương vương Trịnh Tạc lên ngôi, cho tìm nữ học sĩ để dạy cung nhân, các quan trong triều đều tiến cử bà. Dương Vương cho triệu bà vào cung để dạy các cung nhân và gọi bà là Đức lão Lễ sư (7).

Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đức Long năm thứ 3 (1631), đời vua Lê Thần Tông, bà tham gia làm giám khảo kỳ thi Tiến sĩ. Trong kỳ thi này, khi vào thi Đình, Nguyễn Minh Triết (1578 – 1672), người Chí Linh đỗ đầu, văn chương ý nghĩa sâu sắc, nhưng chữ lại xấu, khó đọc, không dễ hiểu thấu được hết ý tứ. Vua cho hỏi ý kiến của Lễ sư (Nguyễn Thị Duệ), bà trình bày rất rõ ràng và còn khen đây là người học rộng.

Dân gian tương truyền bà là người luôn khuyến khích người sau học tập. Mỗi tháng hai kỳ, sai người làm cỗ, họp sĩ tử tư văn hàng huyện lại, cho tập làm văn. Đề bài do bà ra, rồi sai người từ kinh đô mang về. Bài làm xong giao cho hội viên hội tư văn niêm phong lại rồi nộp cho bà. Tự bà chấm bài, đúng hạn trả lại, đăng tên những người có bài làm và điểm tại văn chỉ. Việc ra bài, làm bài được tiến hành đều đặn. Đến đời Trung Hưng, phong trào văn học được mở mang, nhiều người đỗ đại khoa là nhờ bà. Trong số lộc điền của bà dọc sông Kinh Thầy, dân gian gọi là dải yếm Bà chúa Sao Sa, bà trích 10 mẫu để thưởng cho những tân tiến sĩ của làng luân phiên cày cấy, thu hoa lợi nhằm khuyến khích người sau gắng sức học tập.

Người xưa ca ngợi bà như Nghiêu, Thuấn trong giới phụ nữ, thần tiên trong cõi đời. Bà qua đời ngày 8 tháng 11 khi đã ngoài 80 tuổi, từng trải 3 đời vua: Lê Thần Tông (1619-1643), Lê Chân Tông (1643-1649), Lê Thần Tông (tái nhiệm, 1649-1662). Tháp mộ của bà được xếp vào hạng Chí Lính bát cổ, nghĩa là một trong 8 di tích cổ nổi tiếng của huyện, có tên là Tinh Phi cổ tháp. Bà để lại cho đời sau nhiều văn thơ nhưng bị thất lạc gần hết, chỉ còn lại một số ít trong đó có những câu nêu rõ chí khí của bà:

Nữ nhi dù đặng có lề,

Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên (8).

Hiện nay, bà được thờ trang trọng trong Văn miếu Mao Điền, Hải Dương, nơi biểu tượng cho nền học vấn, vừa là niềm tự hào của đất và người xứ Đông!

3. Cung trung giáo tập – bà huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh quê ở Nghi Tàm (Hà Nội). Chồng của bà là Lưu Nguyên Ôn cũng người Hà Nội, làm tri huyện Thanh Quan nên người ta thường gọi bà là bà huyện Thanh Quan. Bà giáo Nguyễn Thị Hinh nổi tiếng là người hay chữ nên được vua Tự Đức mời vào cung để dạy cho các công chúa và cung phi với chức Cung trung giáo tập (9).

Đến kinh đô, bà được bố trí làm việc ở Viện Đoan Trang với chức học quan Cung Trung giáo tập dạy văn chương, lễ nghi, phép tắc cho các công chúa và cung nữ. Tại đây, các quan lại trong triều thường gọi bà với cái tên “Lưu phu nhân” (10). Trong quá trình dạy học, bà đã làm quen với các nhà thơ hoàng tộc như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, công chúa Mai An,… Tuy nhiên lễ nghi trong cung rất rườm rà và phức tạp, nhiều khi bà cũng cảm thấy lúng túng. Bà là người tôn trọng lễ giáo, giữ gìn phép tắc nên việc tuân thủ không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, từ trước tới giờ, bà chỉ quen với những tập tục bình dị nơi gia đình, làng xóm hoặc cao lắm cũng chỉ là cấp huyện hoặc phủ, vào đây bà mới hiểu được thế nào là những quy tắc nơi lầu son gác tía. Vì vậy bà luôn để tâm vào học tập cho thích nghi, vừa phải sống đúng mực.

Trong cung đình có hàng ngàn cung nhân, a hoàn, phi tần, công chúa…và cũng có hàng ngàn tính cách khác nhau. Tuy vậy đối với Bà Huyện Thanh Quan thì tất cả đều thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ, và họ dành cho bà sự biệt đãi.

Các bà phi, các bà phu nhân thường cho mời bà giáo đến đàm đạo, hỏi han sách vở và dặn dò bà những cách thức uốn nắn kẻ hầu người hạ.

Học trò thực sự của bà là những nữ tì, cung nữ. Họ gồm nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều rất tôn kính bà và thường tìm đến với bà để gửi gắm niềm tâm sự. Nói các khác bà vừa là một nhà giáo, vừa là một người mẹ hiền.

_______________

1. Đại Việt sử ký toàn thư, toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.578.

2. Nguyễn Xuân (biên soạn), Những nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử, Nxb Thanh Hóa, 2006, tr.46.

3. Đỗ Thị Hảo, Những bà giáo thời xưa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1988, tr.20.

4, 5. Trần Vân Hạc, TNhớ bà Lễ nghi học sĩ, qdnd.vn ngày 17-11-2011.

6, 8. Tăng Bá Hoành, Bà chúa Sao Sa, Hội sử học Hải Dương xb, 2007.

7. Trần Công Hiến, Trần Huy Phác, Hải Dương phong vật chí, Nxb Lao động, Hà Nội, 2009, tr.240.

9. Nguyễn Thị Bích Hà, Hà Nội con người, văn hóa và lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009, tr.117.

10. Nguyễn Thúc Chuyên, Bà huyện Thanh Quan làm Cung trung giáo tập dưới triều vua nào?, luutoc.vn ngày 28-8-2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Nguyễn Hải Hậu – Sái Thị Ngân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *