1. Phân vùng văn hóa và cơ sở phân vùng văn hóa ở Thanh Hóa
Thanh Hóa xưa nay là vùng đất thống nhất hầu như không có sự tách nhập. Không gian văn hóa xứ Thanh là vùng đất cổ về địa lý- địa chất và lịch sử – văn hóa, “là nơi đã phát hiện được các di chỉ khảo cổ học thuộc hầu hết các thời đại khảo cổ học lớn của nước ta thời tiền sử và sơ sử”(1), tạo nên một vùng văn hóa độc đáo cùng với một vị thế đặc biệt về địa – chính trị, mà theo cách nói của người xưa, xứ Thanh là vùng đất địa linh đã sinh ra nhiều nhân vật xuất chúng.
Vùng đất xứ Thanh hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên của rừng núi, đồng bằng, biển cả. Bức tranh phân bố cư dân ở Thanh Hóa không thuần người Kinh (Việt) như một số địa phương khác, mà mang mảng màu truyền thống của sự phân bố cư dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đó là đa tộc người, đa sắc thái văn hóa và cư trú vừa xen cài vừa tập trung trong những vùng sinh thái tự nhiên tương thích với truyền thống văn hóa của mỗi tộc người.
Khu vực đồng bằng và ven biển Thanh Hóa là vùng sinh sống chủ yếu của người Kinh. Còn ở khu vực miền núi, những chủ nhân có mặt sớm nhất hiện còn biết đến là người Mường và người Thái. Người Mường tập trung với mật độ dân số cao ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước. Người Thái thường sinh sống ở những vùng cao hơn so với người Mường, các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân. Người Thổ sống chủ yếu ở huyện Như Xuân, Như Thanh. Người Dao sinh sống tập trung ở một số bản của huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Mường Lát. Người Mông phân bố ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Tam Chung, Trung Lý, Quang Chiểu thuộc huyện Mường Lát và các xã Sơn Thủy, Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn, trong đó, đông nhất là hai xã Pù Nhi, Nhi Sơn thuộc huyện Mường Lát. Người Khơ mú cư trú tập trung ở hai bản thuộc huyện Mường Lát (bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn và bản Lách, xã Mường Chanh).
Trong quá trình phát triển lịch sử, những chủ nhân sinh sống trong các vùng sinh thái tự nhiên khác nhau đó của vùng đất xứ Thanh đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền và tộc người.
Nhìn tổng quan về môi trường sinh thái nhân văn, khác với nhiều địa phương trong cả nước, “Thanh Hóa về mặt tự nhiên cũng như văn hóa, là một nước Việt Nam thu nhỏ”(2), với những đặc trưng nổi trội về sự đa dạng của văn hóa vùng: văn hóa biển, văn hóa đồng bằng, văn hóa núi, cùng với những nét đặc sắc của văn hóa tộc người. Theo đó, đặc trưng văn hóa xứ Thanh được hiểu là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc trên vùng đất xứ Thanh. Đặc trưng này trong thực tiễn có nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra về phát triển bền vững cho các vùng ở Thanh Hóa. Điều đó cũng có nghĩa là, hơn bất cứ một địa phương nào khác, yếu tố đặc trưng vùng luôn cần được quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
2. Tiêu chí phân vùng văn hóa
Khái niệm vùng văn hóa, theo tác giả Ngô Đức Thịnh: “là một vùng lãnh thổ có những tương đồng về mặt hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu đã có những mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, giữa họ đã diễn ra những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại, nên trong vùng đã hình thành những đặc trưng chung thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của cư dân, có thể phân biệt với vùng văn hóa khác”(3). Như vậy, các đặc trưng về môi trường tự nhiên, lịch sử dân cư cùng với hoạt động sản xuất của dân cư, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và mối quan hệ giao lưu ảnh hưởng văn hóa là những nhân tố hình thành các vùng văn hóa, trong đó cầm đặc biệt quan tâm tới các mối quan hệ văn hóa hình thành từ lâu đời của cư dân trong vùng và với các vùng khác. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về văn hóa vùng ở Thanh Hóa và thuyết phân vùng văn hóa, việc phân vùng văn hóa ở Thanh Hóa sẽ dựa vào các đặc trưng vùng để định các tiêu chí quan trọng nhất cho phương án phân vùng văn hóa.
Việc phân vùng văn hóa sẽ liên quan đến vấn đề ranh giới giữa các vùng và các cấp độ phân vùng. Về mặt lý thuyết, “ranh giới giữa các vùng văn hóa khó xác định… Trong đa phần các trường hợp ranh giới vùng văn hóa thường là các vùng chuyển tiếp rộng hẹp khác nhau, hơn là một đường kẻ đơn giản trên bản đồ”(4). Ở Thanh Hóa, dựa vào những nét đặc trưng vùng thì các vùng văn hóa núi, văn hóa đồng bằng, văn hóa biển hiện diện khá rõ, nhưng trong thực tế, ranh giới giữa các vùng văn hóa cận kề nhau là một khu vực trung gian chuyển tiếp mà ở đó những đặc trưng nổi trội của vùng văn hóa này mờ nhạt dần đi và đã xuất hiện những đặc trưng của vùng văn hóa kề bên nó. Chẳng hạn như ranh giới giữa vùng văn hóa núi và vùng văn hóa đồng bằng ở Thanh Hóa, trong thực tế thường gọi là vùng trung du hay bán sơn địa.
Về các cấp độ phân vùng ở Thanh Hóa từ rộng đến hẹp là: vùng, tiểu vùng và các sắc thái của tiểu vùng, trong mỗi vùng có thể có các tiểu vùng và sắc thái của tiểu vùng. Thanh Hóa có thể phân thành các vùng: vùng văn hóa núi, vùng văn hóa đồng bằng, vùng văn hóa biển. Trong vùng văn hóa núi có các tiểu vùng là: tiểu vùng văn hóa núi thấp, tiểu vùng văn hóa núi cao;
3. Phác thảo các vùng văn hóa ở Thanh Hóa
Vùng văn hóa núi
Khái niệm vùng miền núi Thanh Hóa cho đến nay vẫn thống nhất là một không gian bao gồm địa phận của các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Về mặt địa lý, có thể nói, đây là vùng có quá trình kiến tạo khá phức tạp, nhiều đồi núi cao, nhiều sông suối, nhiều tiểu vùng khí hậu, góp phần tạo dựng bức tranh miền tây Thanh Hóa hùng vĩ với nhiều kỳ quan gắn liền với lịch sử tụ cư của nhiều tộc người. Thiên nhiên vùng miền núi Thanh Hóa khá đa dạng với các đặc trưng về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn,… Trên tổng thể, miền núi Thanh Hóa hình thành hai vùng cảnh quan tương đối rõ nét: vùng thung lũng lòng chảo thấp và vùng đồi núi cao.
“Trong địa lý học, cảnh quan là cấp phân loại của một vùng địa tổng thể. Ở đó có sự đồng nhất cao về địa hình, thế giới động thực vật, thực vật, phân biệt với một địa tổng thể khác”(5). Theo đó, có thể hiểu “vùng cảnh quan trên quy mô rộng như sa mạc, thảo nguyên, hoặc theo quy mô hẹp như đồng bằng, ven biển, miền núi. Riêng đối với vùng miền núi, những yếu tố địa hình, đất đai, khí hậu, động thực vật, không thuần nhất, kiến tạo địa chất ở vùng núi có quá trình nâng lên và lún xuống, tạo thành những kiểu địa hình đồi núi cao và thung lũng. Do đó, ở vùng miền núi thường tồn tại hai kiểu địa hình vùng núi cao và vùng núi thấp. Trong mỗi vùng cảnh quan như vậy, thường có sự đồng nhất về đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu”(6). Từ những dạng cảnh quan, có thể phân vùng văn hóa này thành các tiểu vùng: tiểu vùng văn hóa núi thấp và tiểu vùng văn hóa núi cao.
Trong lịch sử về sự phân bố cư dân và các vùng cảnh quan có thể thấy ở vùng núi thấp hay vùng thung lũng, bồn địa giữa núi thuộc địa phận của các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân là nơi sinh sống của người Mường, người Thái; trong đó, người Mường chủ yếu cư trú ở vùng phía đông tiếp giáp với người Kinh ở vùng đồng bằng, người Thái ở vùng phía tây cao hơn so với người Mường. Còn ở vùng núi cao, thuộc địa phận của các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát là nơi cư trú của nhiều tộc người: Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ mú,… Nơi đây không chỉ diễn ra các quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa của nhiều tộc người mà còn có giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Lào. Chính vì vậy, văn hóa tiểu vùng này mang sắc thái tương đồng và có nét khác biệt với tiểu vùng núi thấp.
Người Mường, người Thái là những chủ nhân có mặt sớm nhất trên vùng miền núi với đặc trưng của hoạt động kinh tế truyền thống là ruộng nước làm chủ đạo, bên cạnh còn có nương rẫy, chăn nuôi, sản xuất thủ công nghiệp, săn bắt, nuôi và đánh bắt cá, hái lượm lâm thổ sản,… Trong khuôn khổ địa hình thung lũng, trên nền tảng của nền nông nghiệp cổ truyền, người Thái tụ hợp lại thành bản, người Mường tụ hợp lại thành làng. Các bản, làng tập hợp lại thành mường, tạo nên một thiết chế xã hội bản mường chặt chẽ, xây dựng cuộc sống định cư, thiết lập mối quan hệ cộng đồng bền chặt. Trước đây, trong khu vực mường chủ yếu thuần một tộc người, sau này có thêm các bộ phận tộc người khác cùng nhập cư và sinh sống đan xen, nhưng trên đại thể thì người Mường, người Thái vẫn là chủ yếu. Tuy vậy, sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người trên vùng núi xứ Thanh diễn ra khá mạnh mẽ. Trong đó, đã từ lâu đời hai tộc người Thái, Mường cùng chung sống, nên văn hóa có sự giao lưu ảnh hưởng sâu sắc, những nơi trung tâm cư trú của người Mường thì văn hóa Mường ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn hóa Thái, và ngược lại. Văn hóa Thái – Mường là sắc thái văn hóa nổi trội trên vùng miền núi Thanh Hóa.
Vùng văn hóa đồng bằng
Vùng đồng bằng Thanh Hóa gồm địa phận các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Hà Trung,Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, thị xã Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa. Vùng đồng bằng Thanh Hóa là nơi cư trú tập trung của người Kinh mà tiền nhân xa xưa của họ chính là những người Việt cổ, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn. Đồng bằng Thanh Hóa là “đồng bằng rộng nhất ở Trung Bộ”(7), cảnh quan đồng bằng đa dạng: đồng bằng Thiệu Hóa có dạng địa hình bồi tích phù sa hiện đại; đồng bằng chân núi Hà Trung, đồng bằng chân núi Vĩnh Lộc là dạng địa hình bồi tích chân núi; đồng bằng cổ tây nam Nông Cống, đồng bằng cổ Triệu Sơn được cấu tạo bởi các loại phù sa cũ và mới,…
Trên vùng đồng bằng, mạng lưới sông kênh dày đặc tỏa ra bao phủ quanh những khu vực trung tâm. Trong đó, dòng sông Mã cùng với hệ thống chi lưu của nó có vai trò rất quan trọng. Sông Mã không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ cho những đồng bằng rộng lớn, mà còn là dòng sông giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các vùng núi – đồng bằng – biển trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử, tạo nên tính chất gần rừng, không xa biển của đồng bằng Thanh Hóa.
Môi trường tự nhiên và truyền thống lịch sử của cư dân ở vùng đồng bằng đã hướng con người ở vùng này vào hoạt động kinh tế truyền thống là nông nghiệp. Do đó, loại hình làng chủ yếu ở vùng này là làng nông nghiệp. Xưa kia, trong vùng đồng bằng Thanh Hóa có những cánh đồng rộng lớn như cánh đồng Neo (ở Thọ Xuân), có những vùng nông nghiệp cổ truyền rộng lớn từ ngàn xưa và cho đến nay vẫn là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Thanh, đó là vùng đất Nông Cống – một vùng lúa gạo tiêu biểu của xứ Thanh.
Tuy lúa là cây trồng chính, nhưng nông nghiệp ở vùng đồng bằng Thanh Hóa khá đa dạng, thích hợp với từng chất đất, từng điều kiện tiểu khí hậu, môi trường sinh thái và các tập quán làm ăn đã hình thành từ bao đời nay. Môi trường tự nhiên của từng tiểu vùng hướng người nông dân đi vào khai thác tính đa dạng của tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, vùng gò đồi thuộc một phần của các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Yên Định là không được thuận lợi cho việc dẫn thủy nhập điền, do đó ưu thế của các loại cây trồng ở đây là cây công nghiệp, cây đặc sản, cây hoa màu và chăn nuôi đại gia súc.
Với đặc thù môi trường tự nhiên gần rừng không xa biển, dân cư vùng đồng bằng Thanh Hóa vừa đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của văn hóa nông nghiệp trồng lúa vừa canh tác hoa màu, cây trồng, khai thác nguồn thủy sản trên hệ thống sông ngòi, kênh mương, ao hồ với diện tích phủ nước khá lớn và phát triển nhiều nghề thủ công truyền thống, nên trong vùng đã hình thành những truyền thống văn hóa lâu đời, thể hiện trong đời sống sản xuất, sinh hoạt vật chất (ăn, ở), cùng với những biểu hiện của văn hóa tinh thần phong phú đa dạng (tập tục,tín ngưỡng, lễ hội, văn học nghệ thuật dân gian, kiến trúc dân gian)
Không gian văn hóa của vùng này là nơi xuất hiện những dòng họ lớn, nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam ở vùng đất xứ Thanh: Lê Lợi với vùng Thọ Xuân, họ Nguyễn với vùng Hà Trung, họ Trịnh với vùng Vĩnh Lộc,… Nói xứ Thanh là vùng đất có lịch sử lâu đời, nhiều di chỉ khảo cổ, nhiều sự kiện là những mốc đánh dấu các giai đoạn lớn của lịch sử dân tộc, nhiều làng cổ, thì vùng đồng bằng Thanh Hóa là trung tâm của những dấu ấn lịch sử ấy. Theo đó, đây cũng là vùng kết tinh và lan tỏa những huyền thoại và truyền thuyết có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa lịch sử của dân tộc như truyền thuyết Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, truyền thuyết Bà Triệu;…
Trải qua quá trình phát triển lịch sử lâu dài, vùng đồng bằng đã trở thành trung tâm của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Đó là vùng văn hóa lâu đời, mang nhiều sắc thái văn hóa vật chất (ăn, mặc, ở, các hoạt động sản xuất,..), tinh thần (tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, lễ hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật,…).
Vùng văn hóa biển
Về ranh giới, vùng này bao gồm địa phận các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Vùng biển Thanh Hóa là nơi cư trú chủ yếu của người Kinh, phần lớn là cư dân bản địa, chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, từ vùng đồng bằng trước núi tràn xuống khai thác, lấn biển. Văn hóa Hoa Lộc, gồm hai di chỉ lớn là Hoa Lộc và Phú Lộc, là chứng tích cho thấy cư dân Hoa Lộc đã có mặt ở đây từ rất sớm.
Dân cư vùng biển Thanh Hóa lấy nông nghiệp làm nguồn sống chính, có kinh nghiệm thau chua rửa mặn, đào đắp kênh rạch, trồng xen canh, luân canh, trồng cói, các loại cây họ đậu; kết hợp nghề trồng lúa với việc phát huy thế mạnh vùng ven biển làm nghề đánh cá, nuôi thả thủy sản, làm muối và các nghề truyền thống,… Tuy thủy hải sản là nguồn lợi lớn, nhưng người dân vùng ven biển thường gắn kết các ngành nghề và lấy nông nghiệp làm gốc.
Vùng biển Thanh Hóa tạo thành hai dạng cảnh quan là vùng ven biển và vùng đồng bằng cận duyên. Vùng ven biển bao gồm toàn bộ các xã ven biển, được hình thành bởi dòng hải lưu xuôi ngược dọc bờ biển, các đợt sóng nhào, phù sa sông Mã,… Vùng này có nhiều bãi bồi, có những cồn cát có độ rộng hẹp và màu mỡ không đều, nhiều dải cồn cát tạo thành các vùng đất trũng, hình thành những cánh đồng ven biển. Các cồn cát phát triển đến đâu, dân cư đến sinh sống lập làng đến đó, dấu tích còn để lại trong những tên làng xưa như Cồn Tiên, Cồn Tán, Cồn Hậu, Cồn Định… (huyện Hoàng Hóa),… Giờ đây làng xóm vùng ven biển đã trù phú, các đồng lúa, đồng màu đã ổn định và ngày càng phát triển. Vùng ven biển có nhiều bãi cá tôm, những tụ điểm đánh cá tạo thành một ngư trường lớn, đông đặc thuyền bè như ở Ngư Lộc, tỏa ra các địa phận Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Hòa Lộc,… tới tận Ba Làng (Tĩnh Gia), xen kẽ là những cánh đồng muối trắng, đầy nắng và gió như Diêm Phố (Ngư Lộc), Tam Hòa (Hòa Lộc), Hải Thượng (Tĩnh Gia)…
Vùng đồng bằng cận duyên là các xã nằm ở trong phía sâu phần nội địa, phía tây là kiểu đồng bằng bồi tích sông với địa hình thấp và bằng phẳng; phía đông là kiểu đồng bằng bồi tích hiện đại biển – sông, như: đồng bằng đông bắc Nga Sơn thuộc các xã Nga Thủy, Nga Thanh, Nga Liên, Nga Thành, Nga Thái, Nga Phú, Nga Điền (huyện Nga Sơn); phía bắc sông Mã là đồng bằng bồi tích biển – sông chạy từ Nga Giáp, Nga An (huyện Nga Sơn), theo hướng bắc nam qua sông Lèn, sông Tào tới bờ bắc sông Mã thuộc địa phận các xã Hoàng Tân, Hoàng Châu, Hoàng Phong (huyện Hoàng Hóa); phía nam sông Mã là dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy từ bờ nam sông Mã (thuộc các xã Quảng Thọ, Quảng Tâm của huyện Quảng Xương), Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn), tới Quảng Nham (Quảng Xương) qua sông Yên tới Hải Thượng (huyện Tĩnh Gia).
Những đặc điểm điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái cùng với lịch sử dân cư đã tạo cho vùng biển có những nét đặc trưng vùng về đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa; được thể hiện thông qua nhiều phương diện như: đời sống tâm linh của cư dân vùng ven biển là sự phát triển rộng rãi của cả Phật giáo và Thiên chúa giáo; loại hình làng (có làng nông nghiệp, có làng biển,..); kiểu kiến trúc nhà ở tại các vùng bãi dọc, bãi ngang; tập quán ăn uống với những món ăn thiên về thủy hải sản; các làng nghề truyền thống của vùng (nghề mộc, nghề đan thuyền, nghề đan lưới, nghề dệt chiếu cói, nghề đóng thuyền, nghề làm muối, nghề làm nước mắm…); các tập tục, lễ hội, tín ngưỡng (tục thờ cá ông, lễ hội cầu ngư cùng các sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú mang màu sắc của vùng văn hóa ven biển),…
Nhìn tổng quan bức tranh phác thảo phân vùng văn hóa, chúng ta thấy rõ mặc dù mỗi vùng núi – đồng bằng – biển ở Thanh Hóa có những nét sắc thái văn hóa đặc thù khác nhau, nhưng đều thống nhất trên cơ tầng văn hóa nông nghiệp với những thế mạnh và đặc trưng của mỗi vùng. Muốn thoát nghèo đi lên không thể không bắt đầu từ nông nghiệp, nông thôn. Trong chiến lược xây dựng nông thôn mới hiện nay, bên cạnh những điểm chung thống nhất với các địa phương trong cả nước, Thanh Hóa có những điểm khác biệt là xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp, với xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Đây là quan điểm hết sức đúng đắn và toàn diện, đáp ứng yêu cầu của xã hội tương lai, nhằm phát triển bền vững các vùng nông thôn Thanh Hóa trên nền tảng văn hóa của dân tộc và những tinh hoa văn hóa của các dân tộc ở Thanh Hóa.
_______________
1, 2, 3, 4, 6, 7. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2005, tr.168, 64, 72, 70, 165.
5. Vũ Tự Lập, Địa lý tự nhiên Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1978.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013
Tác giả : Ngô Xuân Sao
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai