Tuyên Quang là một trong số các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, là tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, có kho tàng văn hóa dân tộc phong phú và đặc trưng, gắn với những lễ hội đặc sắc. Đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu có, là một trong những thế mạnh của du lịch Tuyên Quang. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở Tuyên Quang, lễ hội là một phần quan trọng, mang giá trị to lớn, có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, cần được tiếp tục bảo vệ và phát huy.
1. Tiềm năng của Tuyên Quang về di sản – lễ hội văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở Tuyên Quang
Lễ hội Lồng tồng (1) (hay lễ xuống đồng) là lễ hội lớn nhất của người Tày ở Tuyên Quang. Người Tày thường tổ chức lễ hội Lồng tồng vào đầu năm mới (tháng giêng) bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, lễ vật gồm: lợn, gà, vịt, rượu, bánh, hương hoa… đặt trước ban thờ của miếu bản. Phần lễ để cúng trời đất, các vị thần linh, lễ tịch điền đầu năm mới, phát lộc cho nhân dân, được tổ chức theo trình tự: lễ rước, lễ đặt mâm tồng, lễ dâng hương, lễ tế thần, lễ cầu mưa, lễ dâng rượu, lễ hóa dâng văn tế, phần cuối có lễ hạ điền. Sau khi cúng xong, ông trưởng bản là người mắc trâu, cày vài xá cày đầu tiên với ý nghĩa khai mở một mùa vụ mới. Từ đó, mọi người trong làng bản mới được đi làm các công việc đồng áng.
Phần hội trong lễ hội Lồng tồng của người Tày kéo dài cả ngày, thu hút đông đảo bà con trong vùng, kể cả các dân tộc khác. Hội tung còn chính là điểm đặc sắc nhất của phần hội trong lễ hội Lồng tồng, mang đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp, tượng trưng cho sự giao thoa giữa trời và đất, giữa âm và dương. Đồng bào cho rằng, nếu có nhiều người về dự hội, chiếc vòng tròn trên cây nêu được ném thủng sớm, hoặc có tiếng sấm, mưa thì năm đó dân làng sẽ có vụ mùa bội thu. Ngoài trò chơi tung còn, có các trò chơi dân gian đặc sắc khác như: đẩy gậy, kéo co, vật, bắn nỏ, đánh đu, đi cà kheo, chọi gà, chơi cờ tướng… Đặc biệt, về đêm, nam nữ thanh niên thi hát lượn suốt đêm ở ngoài trời hoặc ở các nhà dân trong khu diễn ra lễ hội. Đây là một trong những lễ hội truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, được xem là một bảo tàng sống, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lễ hội Lồng tồng được tổ chức tại nhiều điểm trên địa bàn 5 huyện của tỉnh Tuyên Quang. Huyện Sơn Dương: lễ hội Lồng tồng được tổ chức ở thôn Cả và thôn tân Lập (2) thuộc xã Tân Trào. Huyện Hàm Yên: lễ hội Lồng tồng tổ chức tại thôn Mường, thôn Thụt, xã Phù Lưu (3). Huyện Na Hang: lễ hội Lồng tồng được tổ chức ở 4 xã (4) và 1 thị trấn. Huyện Lâm Bình: lễ hội Lồng tồng được tổ chức tại xã Thượng Lâm và xã Lăng Can. Huyện Chiêm Hóa là huyện tổ chức lễ hội có quy mô lớn nhất. Lễ hội Lồng tồng được tổ chức theo quy mô cấp huyện tại trung tâm huyện lỵ Chiêm Hóa và tổ chức theo các thôn, bản và cụm thôn bản ở 20 xã trong huyện. Theo truyền thống, lễ hội Lồng tồng thường gắn với việc thờ cúng tại đình, đền, miếu. Tại mỗi địa điểm tổ chức lễ hội, đồng bào Tày thờ các vị thần khác nhau, có những nơi thờ cả Thiên thần, Địa thần và Nhân thần, đó là những người có công xây dựng, bảo vệ dân làng, có nơi chỉ thờ các Thiên thần và Nhiên thần (5).
Năm 2013, lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (6). Lễ hội là tài sản tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng của con người về một cuộc sống yên lành, no đủ, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Thành Tuyên (lễ hội đường phố ở Tuyên Quang)
Có thể nói, lễ hội Thành Tuyên là lễ hội văn hóa mới của Việt Nam; một loại hình du lịch lễ hội văn hóa đường phố – hội rước đèn Trung thu đặc biệt nhất của Việt Nam. Đây là một hoạt động lễ hội văn hóa sáng tạo, phù hợp với không gian văn hóa của một thành phố trung du miền núi như Tuyên Quang.
Lễ hội thành Tuyên ra đời từ năm 2004, là sự kiện thường niên của thành phố Tuyên Quang và đã đạt đến quy mô cấp tỉnh vào năm 2014. Có thể nói, từ khi ra đời đến nay, với quy mô tổ chức ngày càng mở rộng và chuyên nghiệp, chương trình Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội Thành Tuyên được nâng cấp lên cấp tỉnh, đây cũng là dịp để giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang.
Lễ hội Thành Tuyên – Ảnh: Thanh Hà
Lễ hội đường phố (hay đêm hội Thành Tuyên), xuất phát từ trò chơi rước đèn trung thu của trẻ em. Đêm hội được tổ chức vào dịp Trung thu hằng năm; là lễ hội lớn, đặc sắc riêng của Tuyên Quang những năm gần đây. Vào đầu tháng 8 âm lịch, ngoài các loại đèn kéo quân, đèn ông sao truyền thống, nhân dân thành phố Tuyên Quang và một số xã của huyện Yên Sơn tổ chức làm nhiều đèn Trung thu khổng lồ với hình các con giống: rồng, phượng, cá chép, công, thỏ… mô phỏng các nhân vật lịch sử, di tích lịch sử, các biểu tượng… rất kỳ công, tinh xảo, có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Các mô hình được làm bằng tre, nứa, gỗ, kim loại, giấy, vải… với kích thước cao đến 3 – 4m, dài 5 – 6m, trang trí lộng lẫy, có sử dụng đèn điện và hiệu ứng chuyển động nên rất sinh động. Năm 2012, Đêm hội Thành Tuyên đã được ghi nhận kỷ lục Guiness Việt Nam là “Lễ hội có nhiều mô hình lớn nhất”; năm 2013, UBND TP Tuyên Quang đã đón nhận 2 bằng công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam” và “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”.
Như vậy, có thể nói, lễ hội Thành Tuyên được bắt nguồn từ hoạt động tự phát của người dân Tuyên Quang, với mong muốn đem đến cho các em thiếu nhi một đêm rằm Trung thu ý nghĩa. Đến nay, lễ hội đã trở thành sự kiện cấp tỉnh, thu hút được sự quan tâm hàng chục ngàn người dân trên cả nước. Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành thương hiệu du lịch của Tuyên Quang, là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách.
Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn
Dân tộc Pà Thẻn còn gọi là Pạ Hưng hay Pà Hưng, cũng còn một số tên gọi khác như: Mèo Lài, Mèo I Ỏ, Bát Tiên Tộc. Tiếng Pà Thẻn thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao. Ở Tuyên Quang, người Pà Thẻn sống tập trung chủ yếu ở xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình), xã Linh Phú huyện Chiêm Hóa, xã Kiến Thiết và xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn). Lễ nhảy lửa xưa kia thường được tổ chức ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Sau hàng trăm năm gián đoạn, đến năm 2010, lễ nhảy lửa đã được phục hồi.
Lễ hội nhảy lửa thường được tổ chức vào đầu năm hoặc cuối năm, là một lễ hội đặc sắc, có truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, lửa được coi là vị thần thiêng liêng mang lại sự ấm áp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cũng như có sức mạnh xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Để bắt đầu lễ hội, thày mo sẽ làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm: 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu và tiền giấy. Khi một đống lửa lớn được đốt lên ở giữa bãi đất trống, để thành tàn tro nóng đỏ cho những người nhảy lửa biểu diễn cũng là lúc thày mo bắt đầu làm lễ.
Khi làm lễ, dân làng đến xem rất đông, trong đó, có một số người có thể tham gia cùng các học trò để nhảy lửa. Bình thường, có từ 4 đến 6 người cũng có thể nhảy lửa. Để nhảy lửa, các học trò phải đóng góp củi; càng nhiều củi, lễ nhảy lửa càng vui. Trước khi nhảy lửa, củi được đốt cháy thật to, thày sẽ cúng để đón tổ tiên, thần thánh về chứng giám và nhập vào các học trò. Khi thày làm phép đón thánh xong, các học trò ngồi quây quần quanh thày, chỉ mặc quần áo thông thường, người rung lên bần bật như nhập thần rồi lần lượt nhảy vào đống than lửa; khi đã được thày phù phép và thánh trợ giúp, các học trò cũng như thày không sợ bị bỏng lửa. Con người lúc đó giống như lên đồng, có người còn ăn được cả cục than đỏ rực.
Lễ nhảy lửa kéo dài khoảng một tiếng, ông thày vừa gõ đàn sắt (7) đệm theo, vừa ngồi xem các học trò nhảy. Các động tác múa giống như bơi, hai tay hai chân vừa đạp vừa quẫy, lăn lộn từ bên này qua bên kia. Lúc cao hứng thì bốc than ăn, giống như uống nước. Những người đến xem các học trò nhảy lửa, tuyệt đối không được nói chuyện, vì nói chuyện thì những người học trò nhảy lửa kia sẽ bị bỏng ngay. Có thể nói, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn mang tín ngưỡng thiêng liêng về thần lửa, tiềm ẩn một sức mạnh siêu nhiên của đồng bào Pà Thẻn từ truyền thống đến nay vẫn còn được bảo tồn.
Như vậy, những giá trị di sản lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy những giá trị lợi thế đó cho hoạt động du lịch, sẽ giúp cho các lễ hội, cũng như loại hình diễn xướng dân gian như múa, hát dân ca được phục hồi và tổ chức thường xuyên hơn; trang phục cổ truyền của các dân tộc sẽ được quan tâm bảo tồn, tạo ra màu sắc văn hóa trong nếp sống, lễ hội để thu hút du khách; các tập tục trong lối sống, nếp sống liên quan đến tín ngưỡng được quan tâm nghiên cứu, chắt lọc giá trị tinh túy phục vụ hoạt động du lịch, qua đó giúp bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc của từng dân tộc.
2. Một số giải pháp nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản – lễ hội văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Tuyên Quang
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV đã xác định: Phát triển kinh tế du lịch là một trong 4 khâu đột phá, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp là phát huy tiềm năng kinh tế du lịch: “Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa, các lễ hội; sản phẩm truyền thống” (8).
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của Tuyên Quang chưa tương xứng với tiềm năng và đang gặp nhiều lực cản như khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng, thu hút đầu tư… Du lịch Tuyên Quang đang trong giai đoạn đầu tư phát triển cần định hướng quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, nhất là sự hỗ trợ liên kết, đầu tư hạ tầng để tạo đà cho phát triển kinh tế.
Một trong những giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch – lễ hội văn hóa của Tuyên Quang là sự liên kết các tuyến điểm du lịch nhằm tạo lập tầm nhìn và nguồn lực chung cho việc thực hiện những nhiệm vụ chung theo nhóm các tỉnh có nhiều yếu tố tương đồng hoặc trên cùng tuyến du lịch. Các khu, điểm du lịch quốc gia được kết nối với các trung tâm dân cư, đô thị hình thành các tuyến du lịch của vùng. Liên kết du lịch chính là hướng đi quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của từng vùng, địa phương, thôn bản, biến các giá trị thiên nhiên, văn hóa thành sức mạnh tổng hợp hướng tới phát triển ngành du lịch một cách bền vững và lâu dài.
Đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của các đối tượng du khách khác nhau.
Gắn văn hóa với du lịch là một chiến lược quan trọng của tỉnh Tuyên Quang, vừa để bảo lưu, gìn giữ bản sắc vừa mang lại nguồn thu nhập cho bà con đồng bào còn nhiều khó khăn. Vì vậy, sự nhận thức và quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền là chìa khóa khai mở một vùng đất giàu tiềm năng này.
Ngày nay, lễ hội ở Tuyên Quang được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm tổ chức thường xuyên, là hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các dân tộc, là môi trường tốt cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trước mọi đổi thay, biến động của xã hội… Để đạt được các yêu cầu đó, trước tiên cần phải xác định người dân là chủ thể của lễ hội; là người tổ chức, tham gia và hưởng thụ các giá trị mà lễ hội đem lại. Chính quyền và ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng. Cần đưa thêm các hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa phi vật thể của các dân tộc như thi làm trang phục truyền thống, thi kể truyện cổ, thi chế biến các món ăn dân tộc, thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian bên cạnh các môn thể thao hiện đại nhằm làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội.
________________
1. Về tên gọi của lễ hội “Lồng tồng”, tác giả nhận thấy, các tài liệu đã xuất bản có sự khác nhau về cách ghi, một số ghi là “Lồng tồng”, một số ghi là “Lồng tông”, thực ra về ý nghĩa đều là lễ hội xuống đồng của người Tày ở Tuyên Quang. Vì vậy, tác giả sẽ lấy đúng tên gọi Lễ hội Lồng tồng của người Tày, tỉnh Tuyên Quang được ghi vào trong Danh mục di sản lễ hội truyền thống quốc gia để sử dụng trong bài viết.
2. Lễ hội Lồng tồng tại thôn Cả còn được gọi là lễ hội Cầu may, tại thôn Tân Lập được gọi là lễ hội Cầu mùa.
3. Lễ hội Lồng tồng tại xã Phù Lưu còn được gọi là lễ hội chợ Thụt.
4. 4 xã bao gồm: xã Đà Vị, Yên Hoa, năng Khả, Sơn Phú.
5. Tại huyện Na Hang, nhân dân thờ Đức Thánh Mẫu (vợ của Chiêu Văn Vương, Trần Nhật Duật, người có công trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông). Tại huyện Lâm Bình, nhân dân thờ Đức quận công Nguyễn Thế Quần, người có nhiều chiến tích trong việc đánh dẹp loạn ở Tuyên Quang, được nhà vua ban sắc phong thời Lê. Tại huyện Chiêm Hóa, các vị thần được nhân dân thờ cũng là Thiên thần, Địa thần, Thủy thần và Nhân thần…
6. Lễ hội Lồng tồng của người Tày, tỉnh Tuyên Quang được ghi vào danh mục di sản lễ hội truyền thống quốc gia. Theo Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27-12-2012 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ BVHTTDL.
7. Đàn sắt có tên gọi là đàn tầy nhậy hay đàn dây sắt. Đàn tầy nhậy, còn gọi là đàn đập, thường được làm bằng một thanh gỗ chắc chắn, dài khoảng 85cm, trên mặt thanh gỗ có cắm dây sắt dài khoảng 80cm để làm dây đàn, ở giữa thanh gỗ có gim dây sắt. Dây đàn đặt vuông góc với một chiếc ghế gỗ dài, đóng ở gần một đầu ghế, phần ghế dài còn lại để người ngồi dùng một chiếc que dài khoảng 30-45cm, gõ lên trên sợi dây sắt và gõ vào mặt đàn. Đàn đập là nhạc cụ rất độc đáo và rất khác lạ, thường dành riêng cho người hành nghề thày cúng, đặc biệt là thày cúng người Pà Thẻn.
8. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, tr.90.
Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?