Tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử với nghề khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cộng đồng dân cư ven biển Bắc Trung Bộ đã cùng vượt lên mọi khó khăn, đoàn kết, gắn bó trong sản xuất, xây dựng quê hương và rất kiên cường, quả cảm trong chiến đấu chống ngoại xâm. Những giá trị về sinh thái tự nhiên và nhân văn tồn tích qua thời gian đã tạo nên một quần thể đới ven bờ giàu bản sắc văn hóa. Việc bảo tồn, phát triển các giá trị sinh thái tự nhiên và văn hóa đới ven bờ, trên quan điểm phát triển bền vững, sẽ tạo nên một phức hệ tự nhiên và nhân văn, làm điểm tựa cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Dải ven bờ của Bắc Trung Bộ với chiều dài gần 1.000km là một phức hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn, với một quần thể nhiều đảo nhỏ, cửa sông. Khu vực này có những điểm đến du lịch hấp dẫn như: Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An); Xuân Thành, Thiên Cầm (Hà Tĩnh); Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình); Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy (Quảng Trị); Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), nối liền với một trảng cát dài dọc theo duyên hải. Bên cạnh đó là quần thể cộng đồng dân cư phân bố tự nhiên theo các cửa sông lạch và bãi ngang, tạo thành một hỗn hợp liên kết hữu cơ giữa sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn.
Biển Cửa Lò – Ảnh: Nhật Nam
Biển Đông và hệ sinh thái ven bờ khẳng định chủ quyền Việt Nam
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 (1). Biển Đông thuộc Thái Bình Dương và thông nối với đại dương này qua các eo biển như eo biển Đài Loan, lớn nhất, rộng khoảng 180km; eo biển Bashi, nằm giữa Đài Loan và quần đảo Philippines, chỗ sâu nhất là 1.800m, có thể trao đổi nước phần đáy với Thái Bình Dương; về phía Nam có eo biển Kalimantan thông với biển Java; eo biển Malacca tuy là eo biển hẹp và nông, nơi hẹp nhất nối trực tiếp Biển Đông với Ấn Độ Dương, chỉ khoảng 17km, độ sâu khoảng 30m, tăng dần lên khoảng 100m về phía Ấn Độ Dương.
Như vậy, phần Biển Đông thuộc khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ba loại địa hình cơ bản. Loại thứ nhất là khu vực thềm lục địa phía Bắc, bao gồm phần thềm lục địa vịnh Bắc Bộ kéo xuống vĩ tuyến 16, với địa hình lòng chảo nghiêng về phía Đông – Nam. Loại thứ hai bao gồm vùng biển khu vực miền Trung, kéo dài từ vĩ tuyến 16 xuống vĩ tuyến 10, là địa hình thềm lục địa dốc, có nhiều vũng, vịnh, đảo nhỏ và mũi nhô ra biển. Loại thứ ba là khu vực Đông Nam Bộ và vịnh Thái Lan, bao trọn cả phần biển ngoài khơi xung quanh đảo Phú Quý – Côn Sơn (2). Hình thái thềm lục địa Biển Đông đã tạo ra các đới ven bờ Việt Nam, gồm khu vực giao hội và tác động mạnh mẽ giữa sinh thái biển với các dòng sông, cửa biển cũng như tác động của các dòng ven bờ với các bãi ngang. Quá trình này đã hình thành nên những khu vực chịu tác động mạnh mẽ từ biển như sóng, dòng chảy, đồng thời cũng là quá trình kiến tạo những trầm tích ven bờ. Chính các yếu tố này đã tạo nên một hệ sinh thái tự nhiên ven bờ như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái địa hình đảo và vỉa san hô, hệ sinh thái thủy sinh cửa sông và bãi ngang.
Từ thực tế đó, trong quá trình hình thành và tồn tại của cộng đồng cư dân ven biển, người dân Việt Nam đã thực hiện các chủ quyền thiêng liêng của mình đối với Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền thực tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (3). Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, cộng đồng cư dân Việt Nam đã dần định cư ở khu vực sinh thái ven bờ Biển Đông, khai thác, xây dựng vùng ven biển thành điểm tựa cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vùng ven biển nước ta là nơi sinh sống của khoảng 16,5 triệu người, chiếm 23% dân số cả nước. Trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp hóa hiện nay, nhịp điệu khai thác tài nguyên biển tăng lên, cuộc sống vùng ven biển ngày càng có sức hút hết sức mãnh liệt. Chuỗi cấu trúc sinh thái hỗn hợp tự nhiên và nhân văn ven bờ không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn rất quan trọng trong bối cảnh xung đột và tranh chấp biển đảo hiện nay. Ý nghĩa đó được xác lập từ hai vị thế: vị thế chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải và vị thế cơ sở xã hội của dải ven bờ, làm chỗ dựa cho việc thực hiện chủ quyền biển đảo.
Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu phát triển biển được Nghị quyết Đảng ta nêu rõ: đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh. Với mục tiêu cụ thể đó, chúng ta phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người nơi đây cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Từ vị trí có ý nghĩa chiến lược của dải ven bờ Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và cuộc đấu tranh thực hiện chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Nhà nước đã có những quyết sách thống nhất quản lý dải ven bờ, trong đó coi việc quản lý dải ven bờ là một tổng thể các biện pháp quản lý của Nhà nước dưới hình thức luật pháp, thể chế, tổ chức và sự tham gia của cộng đồng xã hội. Mục tiêu cốt lõi là nhằm đảm bảo cho các chương trình phát triển và quản lý vùng ven bờ được thống nhất trong những mục tiêu kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng kết hợp với những vấn đề môi trường quốc gia, trong đó có cả phức hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn ven bờ (4).
Kể từ khi có Chiến lược biển đến nay, 5 nhóm ngành, lĩnh vực đã được Nhà nước ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đó là: Khai thác, chế biến dầu, khí; Kinh tế hàng hải; Khai thác và chế biến hải sản; Du lịch biển và kinh tế hải đảo; Khu kinh tế ven biển. Kinh tế biển nói chung đã có những khởi sắc, mang lại những kết quả tích cực bước đầu. Hiện nay, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển, 7 sân bay, hơn 90 cảng biển, 65 đô thị… đã được xây dựng, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thu nhập từ biển và khu vực ven biển ước chiếm khoảng 50% tổng GDP của cả nước (5).
Hệ sinh thái hỗn hợp ven bờ biển Bắc Trung Bộ
So với các vùng khác trong cả nước, Bắc Trung Bộ ở vào vị trí trung bình về diện tích và dân số; tổng diện tích đất tự nhiên là 51.900 km2, tổng dân số hơn 9 triệu người. Đây là một vùng lãnh thổ có hình thể đặc thù, kéo dài trên 6 vĩ độ, bờ biển dài trên 700km, đối diện trực diện với quần đảo Hoàng Sa.
Trên dải ven biển Bắc Trung Bộ có nhiều cửa sông lớn và nhiều vũng, vịnh, phù hợp để xây dựng cảng biển nước sâu tầm cỡ khu vực, là lối mở để đưa kinh tế – xã hội Bắc Trung Bộ hội nhập với khu vực và thế giới. Đồng thời, sự phát triển của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ cũng sẽ tạo nên một hệ thống hỗn hợp sinh thái tự nhiên và nhân văn, làm điểm tựa cho các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo Báo cáo Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ, mục tiêu phát triển tổng quát của vùng tới 2020 là phát triển kinh tế – xã hội vùng trở thành khu vực phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững; là khu vực phát triển các hoạt động kinh tế – văn hóa biển của cả nước và khu vực, đưa ngành du lịch và các khu du lịch của vùng đạt trình độ cao của khu vực và quốc tế.
Đến nay, mặc dù có những sự quan tâm về biển, đảo từ mọi cấp, nhưng đời sống của người dân ven biển vùng Bắc Trung Bộ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi tình hình kinh tế – xã hội Bắc Trung Bộ đang có những khó khăn nhất định, chiến lược và chủ trương phát triển vùng duyên hải thành điểm tựa trong công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã đặt các địa phương Bắc Trung Bộ trước những thử thách hết sức gay gắt.
Để hoàn thành sứ mệnh là điểm tựa cho công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo, các địa phương ở Bắc Trung Bộ buộc phải nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu kinh tế vùng với những ngành kinh tế mũi nhọn hình thành trên tuyến ven biển, để thu hút nguồn lực kinh tế về vùng biển và tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình hình thành các khu hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn. Khi đó, vùng ven biển Bắc Trung Bộ mới có thể trở thành điểm tựa cho công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Lộ trình cho việc xây dựng hệ tuyến sinh thái văn hóa ven biển trước hết phải bắt đầu từ sức hút kinh tế ở vùng duyên hải. Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, trên địa bàn Bắc Trung Bộ đã hình thành các điểm nhấn kinh tế – văn hóa hỗn hợp như: Đồ Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Vũng Áng, Hòn La, Gianh, Cửa Tùng, Cửa Việt, Thuận An, Lăng Cô, Chân Mây. Tuy nhiên, việc hình thành các trọng điểm kinh tế này phần lớn đều xuất phát từ chủ trương đầu tư của các địa phương, do đó chưa có cơ hội gắn kết một cách tự nhiên với cộng đồng dân cư trên toàn tuyến duyên hải. Tình trạng đó đã làm cho các trung tâm kinh tế ven biển bị chi phối theo hướng phát triển chiều sâu vào đất liền hơn là liên kết dọc theo tuyến biển.
Tiến trình phát triển khu kinh tế phải lấy hiệu quả kinh tế – xã hội và việc bảo đảm phát triển môi trường bền vững làm thước đo cao nhất, vừa hướng tới hiện đại vừa bảo đảm sử dụng hiệu quả cả quỹ đất, mặt nước và không gian khu kinh tế. Tiến trình này đồng thời phải được phân khúc theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể và thống nhất với định hướng phát triển của quốc gia, sao cho hệ thống ven biển bao gồm các trung tâm kinh tế, cửa sông, bãi ngang phải được kết dải liên hoàn thành hỗn hợp kinh tế và sinh thái văn hóa. Hướng phát triển này sẽ khắc phục sự biệt lập, thậm chí cô lập, của các ốc đảo văn hóa trước đây, mở rộng mối quan hệ và liên kết giữa các làng xã ven biển theo hướng vừa bảo tồn các giá trị văn hóa làng biển vừa mở rộng liên kết vùng, để kết dải văn hóa duyên hải thành hệ sinh thái văn hóa biển.
Hệ thống liên kết cộng đồng dân cư ven biển thông qua các trung tâm kinh tế biển là cơ sở để hình thành đô thị biển gắn với các trung tâm đô thị sâu trong nội địa. Theo hướng này, có thể liên kết xây dựng và phát triển các thành phố, thị xã ven biển trở thành những trung tâm tiến ra biển như tam giác đô thị kinh tế biển Đồ Sơn (Hải Phòng) – Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Vinh (Nghệ An), Hồng Lĩnh ( Hà Tĩnh) – Đồng Hới và khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình); Đông Hà gắn kết với không gian kinh tế cảng Cửa Việt (Quảng Trị); thành phố Huế gắn kết với khu cảng Chân Mây và đô thị Hội An (Quảng Nam)… Như thế, các trung tâm kinh tế và thương mại, dịch vụ vùng ven biển có thể kết dải thành hệ tuyến sinh thái văn hóa vững chắc để hướng biển, với ba mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế biển (trong đó bao gồm dịch vụ hậu cần nghề cá), mở rộng giao thương quốc tế và quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trong việc phát triển kinh tế và đô thị biển, vùng duyên hải Bắc Trung Bộ nói chung tất yếu sẽ có phát triển du lịch và du lịch biển, với điểm tựa là cộng đồng dân cư hình thành trên nền tảng hệ sinh thái nhân văn. Không gian du lịch biển và ven biển Bắc Trung Bộ được chia thành hai tiểu vùng. Tiểu vùng phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, với trung tâm là trục đô thị Thanh Hóa – Vinh, có nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Xuân Thành, Thiên Cầm, gắn với nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị mà tiêu biểu là hai Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ… Tiểu vùng phía Nam, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, trung tâm là trục đô thị Đồng Hới – Đông Hà – Huế, là địa bàn tập trung tới ba di sản thế giới, gồm cả di sản thiên nhiên (Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) và di sản văn hóa (Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế). Tiểu vùng này lại nằm trên hệ tuyến của nhiều bãi biển đẹp như: Cảnh Dương, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Thuận An, Lăng Cô, cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, tiêu biểu là thành cổ Quảng Trị, đường Hồ Chí Minh, địa đạo Vĩnh Mốc, Cồn Cỏ, cầu Hiền Lương… Trong việc phát triển du lịch biển Bắc Trung Bộ, chắc chắn phải tính đến việc tiếp cận mở các tuyến du lịch kết nối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều đảo nhỏ ven bờ, để khai thác phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm nghề biển.
Có thể nói rằng, không một địa bàn nào trên dọc tuyến duyên hải Việt Nam lại tập trung nhiều tài nguyên du lịch độc đáo có sức hấp dẫn lớn như Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, hang động Sơn Đoòng hiện đang được nghiên cứu để lập kế hoạch khai thác du lịch. Vì vậy, không gian du lịch Bắc Trung Bộ nói chung và du lịch duyên hải Bắc Trung Bộ nói riêng được xem là nơi có mật độ di sản cao nhất nước và khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây là yếu tố quan trọng trong việc quyết định lựa chọn phát triển loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng lãnh thổ.
Trở lại với vấn đề quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển, theo chúng tôi, không thể không xây dựng vị thế đứng vững ngay trên dọc tuyến duyên hải bằng một hệ thống kinh tế ven biển vững chắc và một hệ sinh thái nhân văn bền vững. Hệ sinh thái nhân văn phải được xây dựng trên cơ sở bảo tồn hệ thống văn hóa làng biển vốn đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử, được kết dải trên cộng đồng cư dân duyên hải để xóa dần những ốc đảo độc lập của các bãi ngang và cửa sông. Hệ tuyến đó là nền tảng bền vững để phát triển các trung tâm kinh tế biển và đô thị biển, làm hạt nhân cho sinh thái văn hóa biển, từ đó tạo thành bức tường thành vững chắc với ba chức năng lớn là bảo vệ đất liền, chỗ dựa cho quản lý và thực hiện chủ quyền biên giới trên biển và phát triển kinh tế – xã hội. Như vậy, Bắc Trung Bộ sẽ là điểm tựa vững chắc, cùng cả nước thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với phần lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc.
____________
1. Biển Đông, trải rộng từ vĩ độ 3° lên đến vĩ độ 26° Bắc và từ kinh độ 100° đến 121° Đông. Biển Đông được bao bọc bởi 10 nước và vùng lãnh thổ là: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singpore, Thái Lan, Campuchia và vùng lãnh thổ Đài Loan – Trung Quốc, biengioilanhtho.gov.vn.
2. CSC/SSIDA Chương trình hợp tác Việt Nam – Thụy Điển, Nâng cao năng lực quản lý biển, Ban Biên giới Chính phủ và Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác xuất bản, 1996, tr.3, 4.
3. Đỗ Bang, Hoàng Sa và Trường Sa – Chủ quyền của Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2015.
4. Quyết định số 2295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 17 – 12 – 2014, Chiến lược phát triển đới ven bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
5. Nguyễn Hoàng Hà, Định hướng phát triển kinh tế biển, đảo vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hoinguoidibien.vn, 12-4-2015.
Tác giả: Thài Thu Hoài
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%