Phát triển du lịch lễ hội tại chùa Tây Phương

1. Tài nguyên phát triển du lịch ở Thạch Thất

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) là khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi và trung du phía Bắc với vùng đồng bằng, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông và chia thành hai dạng: bán sơn địa, đồi gò và địa hình đồng bằng. Huyện Thạch Thất có điều kiện tự nhiên thuận lợi để liên kết phát triển du lịch liên vùng.

Thạch Thất hiện có 209 di tích, trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Tây Phương. Năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia; năm 2014 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh ngôi chùa cổ Tây Phương, huyện Thạch Thất còn là địa phương nổi tiếng với nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng nghìn năm và có nhiều làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với những sản phẩm độc đáo như: nghề mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú…

Về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật chưa được đầu tư, xây dựng nhiều, chính vì vậy, các tuyến du lịch đến đây chỉ dừng lại trong ngày. Các điểm du lịch nơi đây chưa thực sự thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước cũng như khách quốc tế.

2. Thực trạng phát triển du lịch lễ hội ở chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương (có tên Sùng Phúc tự) nằm trên núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km. Theo truyền thuyết, chùa Tây Phương được xây dựng vào TK III, theo lối kiến trúc cổ Việt Nam: cổ diêm tám mái, dáng dấp Thượng sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy. Bên cạnh đó, chùa Tây Phương còn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của người Việt cổ, biểu hiện rõ nhất là ở hệ thống kiến trúc, hệ thống tượng pháp trong chùa, cùng với các nghi lễ chính tôn nghiêm diễn ra trong dịp lễ hội hằng năm. Độc đáo và đặc sắc nhất là 18 bức tượng La Hán và 72 pho tượng Phật cổ làm bằng gỗ mít, được tạo tác công phu, tinh xảo, sinh động từ nếp quần áo đến dáng điệu, sắc thái. Nét mặt các pho tượng chùa Tây Phương biểu lộ niềm vui, nỗi buồn, trạng thái thanh thản, hay ưu tư của tâm hồn… Đường nét trên khuôn mặt, vầng trán hay tư thế đứng, ngồi đều phản ánh nhiều cung bậc cảm xúc, tâm trạng khác nhau.

Chùa Tây Phương là điểm du lịch tâm linh có nhiều lợi thế phát triển hơn các điểm du lịch khác như: vị trí địa lý thuận lợi; tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, thích hợp với việc phát triển, quảng bá nhiều sản phẩm du lịch làng nghề; có nguồn lao động dồi dào, môi trường xã hội thân thiện, an ninh trật tự được đảm bảo.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn hạn chế như: không có chỗ lưu trú qua đêm cho khách du lịch muốn ở lại; các nhà hàng hầu hết là bình dân, chất lượng không cao; các công trình phụ cận hỗ trợ tiếp đón khách du lịch còn thiếu, hệ thống đường xá xuống cấp, bụi bẩn, đặc biệt tuyến đường bộ dẫn du khách vào chùa khá hẹp chưa được nâng cấp và mở rộng; bãi đỗ xe nhỏ chưa có quy hoạch; chỗ đổ rác chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, gây mất mỹ quan cho khu du lịch.

Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ còn mang tính tự phát, hoạt động chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, số lượng các cơ sở không nhiều và đa phần đều ở quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ, không đồng bộ, chất lượng kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa cao, chưa phù hợp với xu thế phát triển và chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay, huyện chỉ có một vài cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng qua đêm đạt tiêu chuẩn như khu nghỉ dưỡng Hoàng Long, ASEAN. Số lượng phòng ở các cơ sở lưu trú này không nhiều, với khoảng 50 cho đến 60 phòng, sức chứa được khoảng hơn 100 người.

Trong khi đó, các sản phẩm du lịch của huyện chưa thực sự phong phú và hấp dẫn, sản phẩm chủ yếu mới tập trung và dừng lại ở du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt đội ngũ làm công tác hướng dẫn, phục vụ về cơ bản ít được đào tạo qua trường lớp nên thiếu tính chuyên môn nghiệp vụ, cũng như kinh nghiệm làm việc; công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch ở chùa Tây Phương chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân là do chưa có sự liên kết tour, tuyến hợp lý để phát triển tiềm năng du lịch ở địa phương. Kinh nghiệm quản lý, tổ chức phát triển du lịch của các cấp chính quyền nơi đây cũng còn nhiều bất cập, vì vậy, hoạt động du lịch lễ hội chưa đa dạng, các chương trình tổ chức lễ hội chưa thực sự thu hút được khách du lịch.

Du lịch lễ hội được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thạch Thất và là một trong hai loại hình du lịch làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, trong đó lễ hội ở chùa Tây phương là trọng điểm trong chiến lược phát triển của huyện. Năm 2015, du khách đến với Thạch Thất đạt hơn 140.000 lượt người và từ năm 2018 cho đến nay, du khách đến với chùa Tây Phương ước khoảng 75.000 lượt người. Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều các tour du lịch chùa Tây phương trong ngày, điều này đã góp phần quảng bá một cách rộng rãi và có hiệu quả về lễ hội tâm linh ở chùa Tây Phương đến du khách trong và ngoài nước.

Để phát triển du lịch lễ hội chùa Tây Phương trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của huyện Thạch Thất, cần thực hiện một số giải pháp:

Phải có những cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cụ thể, đồng bộ, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa và tầm quan trọng của khu du lịch lễ hội tâm linh tại chùa Tây Phương trong hoạt động phát triển du lịch. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên; tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong lễ hội.

Cần đưa ra các chiến lược kêu gọi vốn đầu tư để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật và cơ sở hạ tầng cho khu du lịch, tạo thuận lợi trong việc đi lại, nghỉ ngơi cho du khách; tạo hành lang pháp lý, môi trường đầu tư thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch, thực hiện đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao.

Phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bên cạnh đó cần thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và thực hiện được mục tiêu bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa bản địa.

Đẩy mạnh và tăng cường hoạt động quảng bá trên các website, tiếp thị, quảng bá trên một số báo dành cho người nước ngoài và các tạp chí bằng tiếng Anh để đưa hình ảnh của lễ hội chùa Tây Phương đến với đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách du lịch khi về tham dự lễ hội về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chủ trương công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và giữ gìn văn hóa lễ hội.

Như vậy, việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với định hướng lâu dài sẽ tạo điều kiện để phát triển tốt hơn nữa du lịch lễ hội ở chùa Tây Phương, Thạch Thất. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương trong xu thế phát triển chung của du lịch đồng bằng sông Hồng.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996.

2. Trịnh Thị Minh Đức, Di tích chùa Tây Phương, Luận án Tiến sĩ, 1996.

3. Nguyễn Cao Luyện, Chùa Tây Phương – Một kiến trúc cổ độc đáo, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1988.

4. Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *