Phát triển năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên trong quân đội


Năng lực thực tiễn của đội ngũ
giảng viên ở các nhà trường quân đội
là tổng thể những yếu tố hợp thành
khả năng bảo đảm cho giảng viên hoạt
động giảng dạy, nghiên cứu và thực
hiện công tác có hiệu quả, theo yêu
cầu nhiệm vụ chức trách của mình.
Đây là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa
quyết định chất lượng giảng dạy,
nghiên cứu khoa học và công tác của
giảng viên trong quân đội hiện nay.

Giảng viên trong quân đội là những sĩ quan được đào tạo cơ bản, có trình độ ngoại ngữ, tin học; là đội ngũ tri thức, những nhà giáo, nhà khoa học, trực tiếp góp phần quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo trong quân đội. Hằng năm, các nhà trường quân đội có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, cử cán bộ đi đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy ở đơn vị, phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ năng lực, tay nghề sư phạm, kinh nghiệm thực tế, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên trong quân đội. Những kết quả quan trọng đó đã tạo ra được một đội ngũ giảng viên có tri thức chuyên sâu và kỹ xảo, kỹ năng sư phạm thành thục, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong quân đội trước tác động cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực thực tiễn của giảng viên còn bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định. Một số giảng viên trình độ kiến thức, năng lực chuyên môn (đặc biệt là năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng lý luận) có mặt còn hạn chế; vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động quân sự của một số giảng viên trẻ chưa phong phú, còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Một số nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo ở nhà trường chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị.

Năng lực thực tiễn không bao giờ hình thành, phát triển một cách tự phát, ngẫu nhiên, mà luôn là kết quả của tổng thể các hoạt động lâu dài, thường xuyên, liên tục, mang tính tích cực, tự giác của nhiều lực lượng và sự cố gắng nỗ lực của chính giảng viên trẻ. Để phát triển lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên trong quân đội hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với phát triển năng lực thực tiễn của giảng viên.

Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng: Thường xuyên quán triệt các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và đào tạo, kế hoạch, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Cục Nhà trường về nhiệm vụ giáo dục, Đào tạo, từ đó xác định chủ trương, biện pháp phù hợp, sát thực; tùy theo tình hình cụ thể để ra nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục, đào tạo, trong đó cần xác định rõ vai trò, vị trí của đội ngũ giảng viên, giảng viên trẻ trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, gắn chất lượng, hiệu quả năng lực thực tiễn của giảng viên với đánh giá kết quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, đánh giá nhận xét cán bộ và phân tích chất lượng đảng viên; đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc, ngành đào tạo; thực hiện tốt bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học qua thực tiễn.

Các trường quân đội cần nắm chắc thời cơ và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến xây dựng quân đội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4-11-2013; Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục – đào tạo trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-BQP ngày 22-3-2018.

Đối với các cơ quan chức năng: Kịp thời phản ánh và đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phát triển năng lực thực tiễn một cách đúng đắn hoặc có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với từng khoa giáo viên, từng giai đoạn cụ thể. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hoạt động phát huy, tiến hành sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các khoa giáo viên, đồng thời đề xuất khen thưởng đội ngũ giảng viên.

Đối với các khoa giáo viên: Lãnh đạo, chỉ huy các khoa cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội dung, hình thức, biện pháp phát triển năng lực thực tiễn của giảng viên thuộc quyền quản lý của đơn vị mình, kịp thời phát hiện và biểu dương những giảng viên có ý thức trách nhiệm cao trong tự bồi dưỡng, đồng thời nhắc nhở, uốn nắn những hạn chế về nhận thức, trình độ, năng lực của giảng viên trẻ. Cán bộ khoa và các chủ nhiệm bộ môn phát huy tốt vai trò của mình, sẽ là tấm gương sinh động, sát thực để các giảng viên trẻ học tập, noi theo.

Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp phát triển năng lực thực tiễn của giảng viên

Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo giảng viên trong quân đội hiện nay có ý nghĩa quyết định chất lượng đội ngũ giảng viên. Trên cơ sở mục tiêu mô hình xác định để xây dựng cấu trúc chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, cơ bản, toàn diện, có hệ thống và chuyên sâu. Mặt khác, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay đang đòi hỏi mỗi giảng viên phải có kiến thức sâu rộng, trí tuệ phát triển cao, làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại… Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển năng lực thực tiễn của giảng viên một cách khoa học. Trên cơ sở đánh giá, phân loại chính xác chất lượng đội ngũ và căn cứ vào tiêu chuẩn của chức danh giảng viên, lãnh đạo, chỉ huy của từng nhà trường cần định hướng và xác định rõ về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh. Căn cứ vào đó, cấp ủy, thủ trưởng các khoa đề xuất và xây dựng kế hoạch đề nghị đưa cán bộ giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm một cách khoa học đến từng người, từng năm. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải toàn diện, cả trình độ lý luận, kiến thức, trình độ chuyên môn chuyên ngành, kỹ năng sư phạm, nghiên cứu khoa học, cả về năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành, kinh nghiệm, trình độ tổ chức thực tiễn. Kết hợp chặt chẽ với bồi dưỡng qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu của từng người, kể cả giảng viên kiêm nhiệm, đồng thời tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học, xêmina khoa học ở từng khoa.

Xây dựng môi trường sư phạm chính quy, mẫu mực thúc đẩy phát triển năng lực thực tiễn của giảng viên

Môi trường sư phạm ở nhà trường quân đội vừa mang dấu ấn của một tổ chức quân sự, vừa mang dấu ấn của một trường đại học. Đội ngũ giảng viên trên cương vị chức trách của mình được dân chủ trong bàn bạc, thảo luận về khoa học và chuyên môn sư phạm. Trong xu hướng tăng cường đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo đặt ra quá trình đào tạo phải tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng toàn diện cho người học. Muốn vậy ở mỗi khoa, bộ môn phải thật sự phát huy hiệu quả của môi trường sư phạm nơi trực tiếp bồi dưỡng đội giảng viên, nhất là giảng viên trẻ để họ ngày càng trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn đàn, trao đổi, tọa đàm về học thuật. Đây là cơ hội để giảng viên trẻ học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm quý, những cách làm hay để vận dụng theo cương vị chức trách của mình. Mặt khác, để có môi trường thật sự tích cực, nơi tác động hằng ngày, hằng giờ đến giảng viên đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy cần quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ. Chỉ có như vậy hoạt động bồi dưỡng mới diễn ra thường xuyên, phát huy sức mạnh của mọi người, sức mạnh của tập thể.

Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giảng viên

Phát triển năng lực thực tiễn của giảng viên, bên cạnh việc đề cao vai trò, trách nhiệm của các lực lượng, cần phải nâng cao trách nhiệm của mỗi giảng viên trong tự học tập, tự bồi dưỡng:

Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, khả năng tư duy khoa học, năng lực thực tiễn với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ. Yêu cầu cơ bản của việc nâng cao trách nhiệm tự học tập, tự rèn luyện của đội ngũ giảng viên là phải khơi dậy được tính tích cực, chủ động, tự giác, ham học hỏi phấn đấu vươn lên không ngừng để đáp ứng ngày càng cao chức danh mà họ đảm nhiệm. Từng giảng viên cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thực sự khoa học. Phát huy tính tích cực chủ động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là trong tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực sư phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mục tiêu đề ra phải sát thực, có cơ sở khoa học, chỉ tiêu phấn đấu không quá cao hoặc quá thấp; nội dung bồi dưỡng toàn diện, cả phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu… Tập trung vào nhiệm vụ biên soạn giáo trình, tài liệu, biên soạn bài giảng, nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu, kết quả đạt được, các điều kiện bảo đảm cần thiết, xác định thời gian hoàn thành phải phù hợp không kéo dài quá lâu, nhưng cũng không nóng vội. Khắc phục tình trạng xây dựng kế hoạch chung chung, hình thức, đối phó. Nhưng kế hoạch dù phù hợp đến đâu cũng chỉ có tác dụng khi được chuyển hóa thành hành động cụ thể. Bản kế hoạch được thông qua ở bộ môn và chủ nhiệm khoa phê duyệt. Mỗi giảng viên cần nghiêm túc thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra.

Phát triển năng lực thực tiễn của đội ngũ giảng viên trong quân đội là một quá trình liên tục trong suốt quá trình học tập, rèn luyện và công tác của họ, quá trình đó luôn gắn liền với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo ở các nhà trường quân đội. Vì vậy, cần nhận thức và thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng và cả bản thân giảng viên vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng năng lực thực tiễn của giảng viên hiện nay.

__________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020.

3. Đảng ủy Quân sự Trung ương, Nghị quyết về công tác giáo dục – đào tạo trong tình hình mới, số 86/ĐUQSTƯ, Nxb Quân đội nhân dân, 2007.

4. Đảng bộ Quân đội, Tài liệu quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hà Nội, 2020.

5. Học viện Chính trị, Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong nhà trường quân đội hiện nay, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013.

Tác giả: Ths Nguyễn Đức Tuyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *