Phát triển nhân cách học viên ở các trường sĩ quan quân đôi

 

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho học viên đào tạo sĩ quan trong học viện, nhà trường quân đội. Ảnh: Báo Bắc Giang

     Học viên ở các trường sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam là những thanh niên, hạ sĩ quan, binh sĩ ưu tú, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tuyển sinh của Bộ Quốc phòng, đã trúng tuyển (hoặc được cử tuyển) vào trường sĩ quan để học tập, rèn luyện theo mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, trở thành sĩ quan có trình độ đại học. Vì vậy, họ là nguồn cán bộ kế cận quan trọng của quân đội, rất cần phát triển nhân cách nhằm chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong sự nghiệp xây dựng quân đội hiện nay.

     Nhân cách học viên ở các trường sĩ quan quân đội là một chỉnh thể thống nhất giữa đức và tài, giữa phẩm chất và năng lực, phản ánh các giá trị xã hội của học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo để trở thành sĩ quan quân đội cấp phân đội. Trong hệ thống cấu trúc, nhân cách tạo nên sức mạnh tinh thần của học viên thì phẩm chất chính trị, đạo đức đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi vì, nền tảng hình thành nên nhân cách học viên là sức mạnh bản chất của họ. Sức mạnh này tồn tại dưới dạng hệ thống các phẩm chất và năng lực. Trong hệ thống những phẩm chất thì phẩm chất chính trị, đạo đức đóng vai trò cơ bản nhất. Phẩm chất chính trị, đạo đức là cơ sở, là gốc tạo nên giá trị nhân cách, được thể hiện ở quan điểm sống, lối sống, lẽ sống và có tác dụng phổ quát nhất đối với mọi hoạt động của con người nói chung và học viên nói riêng.

      Phẩm chất chính trị của học viên biểu hiện tập trung ở lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ở bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng nhạy bén, sắc sảo trong việc nhận thức, đánh giá, giải quyết những vấn đề chính trị phức tạp; phát hiện, đấu tranh chống những quan điểm, thái độ chính trị lệch lạc, phản động. Phẩm chất chính trị của học viên biểu hiện cao nhất ở sự cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

     Cùng với phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức là một yếu tố nền tảng, cốt lõi của nhân cách, góp phần tạo nên phẩm giá của học viên. Trong nhân cách học viên cũng như của mọi cán bộ cách mạng, đạo đức được Hồ Chí Minh và Đảng ta coi là gốc, là nền tảng. Phẩm chất đạo đức của học viên là sự thống nhất hữu cơ giữa phẩm chất đạo đức chung của cán bộ cách mạng, phẩm chất đạo đức của cán bộ quân đội và phẩm chất đạo đức riêng của học viên do yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu đào tạo qui định. Đó chính là tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của quân đội; trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

     Phẩm chất chính trị, đạo đức đóng vai trò là yếu tố nền tảng, cốt lõi trong nhân cách học viên. Điều này thể hiện không chỉ ở chỗ nó tạo nên phẩm giá của học viên mà những phẩm chất ấy còn tạo nên động lực bên trong, thúc đẩy học viên hoạt động vì lợi ích chung của cách mạng, Tổ quốc và nhân dân. Nó định hướng, quy định thái độ, lẽ sống và toàn bộ hoạt động của học viên; định hướng cho sự phát triển tài năng và là động lực thúc đẩy sự phát triển nhân cách của họ.

     Bên cạnh những phẩm chất tinh thần cần thiết thì năng lực thực tiễn là một yếu tố cơ bản tạo nên giá trị nhân cách, uy tín xã hội và sức mạnh của học viên. Hoạt động thực tiễn của con người một mặt đã nhân loại hóa những phẩm chất của con người, mặt khác lại sáng tạo ra những phẩm chất tương ứng với toàn bộ sự phong phú đa dạng của hệ thống các quan hệ xã hội của họ. Chỉ có trong quá trình hoạt động thực tiễn, tác động qua lại với những điều kiện khách quan con người mới hình thành và phát triển thế giới chủ quan, hình thành ý thức của mình. Nhân cách học viên với tính cách là sự hoàn thiện nhân cách của con người về mặt văn hóa không thể tách rời hoạt động thực tiễn. Hoạt động thực tiễn vừa là tiền đề, vừa là điều kiện và là thước đo trình độ phát triển hệ các giá trị văn hóa trong nhân cách con người. Nhân cách học viên gắn với đặc thù hoạt động quân sự, nhất là thực tiễn hoạt động của học viên trong học tập, rèn luyện theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo và thực hiện chức trách nhiệm vụ của họ. Hoạt động thực tiễn góp phần quan trọng tiếp thu thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan vững chắc và chính xác; hình thành ở học viên bản lĩnh văn hóa.

     Phát triển nhân cách học viên là quá trình vận động hợp quy luật, thông qua hoạt động tự giác, có mục đích, được tổ chức chặt chẽ và định hướng đúng đắn của các chủ thể ở các trường sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam nhằm làm cho các yếu tố cấu thành nhân cách của học viên được từng bước nâng cao theo quá trình đào tạo, chuyển hóa theo mô hình nhân cách của người sĩ quan tương lai. Đây là quá trình khách quan, song phải luôn chú ý đến tính riêng của nhân cách cá nhân học viên. Tính riêng trong phát triển nhân cách phản ánh sắc thái không lặp lại ở nhu cầu tự hoàn thiện chính bản thân của mỗi cá nhân cụ thể, diễn ra trong không gian, thời gian xác định, với sự nhận thức và vận dụng quy luật của các chủ thể giáo dục nhằm hướng tới đào luyện con người phát triển toàn diện về nhân cách theo những mục tiêu, mô hình đã định.

     Cũng như quá trình phát triển của mọi sự vật, hiện tượng, quá trình phát triển nhân cách luôn bị chi phối bởi quy luật khách quan, đó là những quy luật chung và những quy luật riêng, tác động trực tiếp tới quá trình phát triển đó. Do vậy, phát triển nhân cách học viên ở các trường sĩ quan quân đội có nội dung rất đa dạng và phong phú, song những khía cạnh cơ bản nhất là phải nhìn nhận sự phát triển này trong một chỉnh thể thống nhất của cả hai bình diện:

     Một là, sự chuyển hóa môi trường văn hóa sư phạm từ nhân cách học viên thành nhân cách sĩ quan tương lai như một quá trình tự thân, tức là tuân theo quy luật vận động, phát triển khách quan của sự vật hiện tượng trong thế giới nói chung. Ở bình diện này, cần khẳng định quá trình phát triển nhân cách học viên là quá trình mang tính khách quan. Phải nhìn nhận sự chuyển hóa từ nhân cách của quân nhân bước vào đào tạo sĩ quan thành nhân cách người sĩ quan quân đội tương lai với tư cách sự vận động tổng hợp của các quy luật mà phép biện chứng duy vật đã khái quát: sự chuyển hóa dần dần về lượng dẫn đến sự biến đổi nhảy vọt về chất, sự xuất hiện và giải quyết các mâu thuẫn biện chứng nội tại, sự loại bỏ dần nhân cách thụ động, hời hợt để thay bằng nhân cách tích cực, sâu sắc bằng con đường phủ định biện chứng đi xuyên qua cực đối lập. Bình diện này được bộc lộ ở ba khía cạnh cơ bản. Thứ nhất, quá trình các cấp độ nhận thức, tình cảm, nhân cách học viên không ngừng tích lũy trong suốt thời gian học tập, tu dưỡng, rèn luyện tại trường được chuyển hóa về chất qua bước nhảy của các giai đoạn, kỳ học, năm học. Thứ hai, quá trình không ngừng xuất hiện và giải quyết các mâu thuẫn biện chứng trong sự vận động đi lên của nhân cách học viên. Thứ ba, quá trình phủ định biện chứng, kế thừa các giá trị và loại bỏ dần những yếu tố không phù hợp trong nhân cách để đạt đến nhân cách tích cực, sâu sắc hơn.

     Hai là, cần khẳng định sự phát triển nhân cách học viên luôn gắn với sự tác động mang tính chủ đích của chủ thể giáo dục – đào tạo ở các trường sĩ quan quân đội. Nghĩa là phải xem xét sự chuyển hóa từ nhân cách của học viên thành nhân cách người sĩ quan quân đội tương lai với tư cách là sự tác động tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan, nhờ sự tác động đồng bộ, tích cực, chủ động của các chủ thể giáo dục nhân cách thông qua quá trình giáo dục – đào tạo. Sự tác động đến nhân cách của các nhân tố này phản ánh quá trình hoạt động tự giác, tích cực, chủ động, có mục đích của các chủ thể trong quá trình sư phạm quân sự ở các trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và được tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch xác định, có định hướng đúng đắn theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc của nhân cách nhất định. Trong đó bản thân học viên vừa là khách thể tác động của quá trình giáo dục đào tạo, vừa là chủ thể quan trọng bậc nhất của quá trình tự giáo dục đào tạo nhằm phát triển nhân cách của chính mình. Bình diện này được bộc lộ ở ba khía cạnh cơ bản. Thứ nhất, xây dựng mô hình nhân cách chuẩn của người sĩ quan quân đội cách mạng và cụ thể mô hình ấy vào mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo của nhà trường. Thứ hai, vấn đề quan trọng là hình thành và phát triển tri thức, tình cảm, ý chí đặt dưới sự định hướng, giáo dục trực tiếp của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý học viên và lực lượng chuyên trách về văn hóa trên cơ sở nhận thức và vận dụng quy luật. Thứ ba, nói đến phát triển nhân cách với tính cách tác động có mục đích của chủ thể, phải nói đến nhân tố học viên với tư cách vừa là khách thể, vừa là chủ thể của phát triển nhân cách.

     Như vậy, kết hợp cả hai bình diện có thể thấy, phát triển nhân cách học viên thể hiện như một quá trình vận động tổng hợp của tất cả các yếu tố cấu thành nhân cách theo chiều hướng đi lên, với những bước nhảy vọt về chất, do giải quyết các mâu thuẫn biện chứng của bản thân các nhân tố đó, tạo nên sự phát triển tổng thể về nhân cách của họ. Theo đó tiếp cận khoa học về phát triển nhân cách học viên ở các trường sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cần làm rõ cả hai bình diện này trong cùng một vấn đề.

 

Tác giả: Nguyễn Tuấn Lê

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *