Ý thức thẩm mỹ là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phản ánh tồn tại xã hội một cách độc đáo. Ý thức đó giúp con người có một cái nhìn nhân văn về các vấn đề của đời sống xã hội theo quy luật của cái đẹp, biết cảm thụ, thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật chân chính đồng thời thúc đẩy con người đấu tranh cho cái đẹp, cái thiện và bài trừ cái xấu, cái ác. Phát triển ý thức thẩm mỹ là nội dung cốt lõi để nâng cao trình độ thụ cảm, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ của chủ thể. Rèn luyện và không ngừng phát triển ý thức thẩm mỹ có liên quan chặt chẽ đến đời sống tinh thần lành mạnh, có lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến và là cơ sở để con người vươn tới những giá trị chân thiện mỹ.
Ngày 03 – 08 – 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1234/TTg thành lập Trường Đại học Khánh Hòa trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Nhà trường đã trở thành cơ sở giáo dục đa ngành, có chức năng đào tạo văn hóa, nghiên cứu khoa học, trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, không chỉ cho tỉnh Khánh Hòa mà còn cho cả khu vực Nam Trung Bộ và cả nước, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trước sự phát triển mới của nhà trường, vấn đề phát triển ý thức thẩm mỹ cho sinh viên nhà trường hiện nay là hết sức quan trọng. Thời gian qua, nhìn chung ý thức thẩm mỹ của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa đã đạt được những mặt tích cực, trình độ nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ, đánh giá thẩm mỹ, truyền bá thẩm mỹ bước đầu được nâng cao. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, cả về khách quan và chủ quan, trong quá trình nghiên cứu, học tập, rèn luyện, ý thức thẩm mỹ của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay có mặt chưa đồng bộ. Hoạt động phát triển ý thức thẩm mỹ trong nhân cách sinh viên chưa thật sự tương xứng. Để phát triển ý thức thẩm mỹ của sinh viên và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của của nhà trường trong tình hình mới hiện nay, cần thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể.
Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục ý thức thẩm mỹ cho sinh viên ở nhà trường. Đây là nhân tố có ý nghĩa quan trọng nhằm trang bị tri thức thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, xây dựng lý tưởng thẩm mỹ cho sinh viên và uốn nắn cho sinh viên hướng tới ý thức thẩm mỹ tốt, vươn tới sáng tạo thẩm mỹ theo các giá trị chân – thiện – mỹ. Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục thẩm mỹ là phương thức cơ bản mà các chủ thể giáo dục chuyển tải các giá trị thẩm mỹ tới sinh viên. Tính khoa học, hợp lý, lôgic của nội dung, sự sáng tạo của phương pháp và sự đa dạng, phong phú, của các hình thức giáo dục thẩm mỹ có vai trò rất quan trọng trong truyền tải các giá trị thẩm mỹ tới người học. Do vậy, phải không ngừng đổi mới về nội dung, sáng tạo về phương pháp và vận dụng linh hoạt các biện pháp giáo dục thẩm mỹ nhằm định hướng thẩm mỹ cho sinh viên một cách hiệu quả. Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đào tạo với sự hợp lý của dung lượng tri thức thẩm mỹ theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường; đưa nội dung thẩm mỹ vào các bộ môn khác để giáo dục. Lồng ghép hợp lý những yêu cầu, nội dung có tính nhân văn nhân đạo và mang giá trị thẩm mỹ vào trong tất cả các bài giảng của các môn học khác; nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống tốt đẹp trong phát triển ý thức thẩm mỹ cho sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thẩm mỹ; tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia tích cực; đa dạng hóa các phương thức giáo dục thẩm mỹ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ý thức thẩm mỹ cho sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay.
Thứ hai, tổ chức các hoạt động văn hóa thẩm mỹ cho sinh viên một cách toàn diện và có trọng tâm vào các giá trị văn hóa, du lịch khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Công việc này giúp cho sinh viên hướng vào giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, du lịch của địa phương và khu vực là nhân tố cơ bản, thiết thực thúc đẩy chủ thể thẩm mỹ phát huy khả năng của mình. Cũng thông qua đó, giáo dục, khơi gợi giúp sinh viên tự giác nhận thức, bảo vệ góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, du lịch của địa phương và khu vực.
Sinh viên Đại học Khánh Hòa. Ảnh internet
Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, du lịch khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa thẩm mỹ cho sinh viên. Cần quan tâm tới các yếu tố văn hóa truyền thống, thực sự tạo nên một điểm nhấn trong chương trình đào tạo của nhà trường, cuốn hút đối với sinh viên. Quan tâm phát triển văn hóa vùng miền, phát huy thế mạnh văn hóa khu vực miền Trung và Tây Nguyên như dân ca khu V, trường ca Tây Nguyên, âm nhạc, múa Chàm (gồm múa cung đình và múa dân gian), sáng tạo các làn điệu hát, múa, kết hợp các loại nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây… Việc kết hợp nhịp nhàng giữa văn hóa nghệ thuật và du lịch còn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn đối với sinh viên hướng vào giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, du lịch của khu vực và địa phương.
Thứ ba, tích cực hóa vai trò các chủ thể trong phát triển ý thức thẩm mỹ của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay. Việc này đóng vai trò quyết định trực tiếp đến hiệu quả của quá trình phát triển ý thức thẩm mỹ của sinh viên. Phát triển ý thức thẩm mỹ của sinh viên không chỉ có sự tác động từ điều kiện bên ngoài mà cần có sự cố gắng nỗ lực rất cao trong việc tự rèn luyện phấn đấu của mỗi chủ thể, như tích cực hóa vai trò của chủ thể tự giáo dục ý thức thẩm mỹ theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường hiện nay. Trước hết, xây dựng động cơ, mục đích học tập, rèn luyện đúng đắn ở sinh viên, làm cho họ nhận thức rõ mục tiêu, yêu cầu đào tạo để trở thành người làm công tác văn hóa, nhà sư phạm trong tương lai. Cụ thể, tích cực hóa vai trò chủ thể của sinh viên trong quá trình nhập thân, tiếp biến văn hóa thẩm mỹ ở nhà trường hiện nay; tích cực hóa vai trò của sinh viên trong quá trình nâng cao năng lực tự giáo dục, tự rèn luyện lĩnh hội tri thức, kinh nghiệm thẩm mỹ; tích cực hóa vai trò chủ thể của sinh viên trong các hoạt động thẩm mỹ ở nhà trường. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò các chủ thể giáo dục ý thức thẩm mỹ theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường như tích cực hóa vai trò của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong giáo dục, tuyên truyền, định hướng các giá trị chuẩn mực thẩm mỹ cho sinh viên; tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong nhà trường ngày càng vững mạnh, các hoạt động giáo dục đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả.
Thứ tư, xây dựng và phát huy môi trường văn hóa thẩm mỹ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường theo tiêu chuẩn của cái đẹp.
Xây dựng môi trường văn hóa thẩm mỹ của Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay là quá trình phải tạo lập cho được một môi trường có sức sống đẹp, trong đó phải thường xuyên củng cố, hoàn thiện môi trường đó vừa phù hợp với nhu cầu, khát vọng thẩm mỹ của sinh viên, vừa phù hợp với tiêu chuẩn môi trường văn hóa sư phạm. Đó là xây dựng những giá trị văn hóa vật thể trong cảnh quan văn hóa, duy trì nền nếp sinh hoạt, hoạt động văn hóa nhằm làm toát lên giá trị văn hóa sư phạm.
Để xây dựng môi trường văn hóa thẩm mỹ của nhà trường theo chuẩn mực cái đẹp cần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trở thành tập thể sư phạm đoàn kết, tiên tiến, năng động, sáng tạo, có trình độ cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng cao của xã hội. Nhà trường cần được đa dạng hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; tăng cường đầu tư xây dựng cảnh quan môi trường theo hướng xanh sạch đẹp; bảo đảm sự hợp lý, liên hoàn giữa giảng đường, khu vực sinh hoạt vui chơi, phòng trưng bày, phòng thí nghiệm, phòng biểu diễn nghệ thuật… hiện đại, hài hòa, cân đối.
Ý thức thẩm mỹ của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa là tổng hòa các thuộc tính tâm sinh lý cùng vốn văn hóa có được trong quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường và được hiện thực hóa trong khả năng cảm thụ, đánh giá, sáng tạo thẩm mỹ phù hợp với đời sống hiện thực của sinh viên. Phát triển ý thức thẩm mỹ của sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa là quá trình vận động đi lên và ngày càng hoàn thiện của các yếu tố cấu thành ý thức thẩm mỹ của sinh viên thông qua sự tác động hợp quy luật của các chủ thể, làm cho ý thức thẩm mỹ trở thành nhân tố bền vững trong nhân cách, đáp ứng mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường và của đất nước trong thời kỳ mới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ THẢO TIÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn