Phê bình từ trải nghiệm đời sống/ văn chương/ văn hóa
Sẽ có người đặt lại vấn đề, cho rằng phê bình văn học chỉ cần dựa vào văn bản tác phẩm/câu chữ, không cần đến trải nghiệm đời sống /văn chương/ văn hóa. Thực tế cho thấy nhiều người trẻ viết phê bình vẫn thành công. Nhưng ở đây xin được trình bày quan điểm cá nhân. Ba câu chuyện, cho đến nay đúng 40 năm cầm bút viết phê bình văn học, tôi vẫn luôn lấy đó làm bài học kinh nhiệm.
Năm 1986, khi nhà văn Lê Lựu ra mắt tiểu thuyết Thời xa vắng (Nxb Tác phẩm mới), thoạt đầu báo chí im lặng, kể cả Báo Văn nghệ vốn được kỳ vọng là tiếng nói có uy tín trong văn giới, nhanh nhạy kịp thời. Nhà thơ Đỗ Trung Lai khi đó đang làm biên tập viên trang văn hóa nghệ thuật Báo Quân đội nhân dân (QĐND) nhắn tôi đến tòa soạn bàn việc viết phê bình tác phẩm mới của một nhà văn từng khoác áo lính đã có tên tuổi trên văn đàn. Nhà thơ lưu ý tôi: Anh đã đọc và thấy hay nhưng gay cấn (nhạy cảm), vì động chạm đến cơ chế tinh thần của một thời bao cấp. Tôi lại nghe đồn đại, chính nhà văn Nguyễn Khải là người viết nhận xét tốt về bản thảo tác phẩm của Lê Lựu, nay đứa con tinh thần của đồng nghiệp ra đời nghe nói có thể bị búa rìu dư luận, nên không tránh khỏi vân vi. Tôi nhận sách từ nhà thơ Đỗ Trung Lai với tâm trạng hồi hộp. Đọc xong bàng hoàng, nhận ra bản thân và thế hệ mình, qua nhân vật Giang Minh Sài, đã một thời sống vì/theo người khác, đánh mất bản ngã. Viết xong (với tâm thế “đồng bệnh tương lân”), gửi Báo QĐND đăng ngay (số ra ngày 15-8-1986). Báo ra, nhà thơ Đỗ Trung Lai phấn khởi nhận định: “Chính Báo QĐND nổ phát súng đầu tiên thắng lợi. Cơ quan Tổng cục Chính trị không có ý kiến gì về tác phẩm và phê bình tác phẩm”. Sau đó các báo thấy ổn mới đăng bài. Khi viết phê bình Thời xa vắng, tôi chỉ nhấn mạnh một ý: “Có thể cho Sài trở thành một nhân vật thất bại hoàn toàn? Không! Cần cứu anh ta bằng cách đặt anh ta trở lại vị trí ban đầu ở làng Hạ Vị”. Tác phẩm của Lê Lựu đánh dấu bước chuyển của văn học Việt Nam (từ Đổi mới, 1986): chuyển mối quan tâm “tập thể” (cộng đồng) đến “cá thể” (cá nhân). Tác phẩm Thời xa vắng nhận Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam (Hội NVVN), năm 1987.
Năm 1990, sau hai năm thực tập sinh tại Liên – Xô (trước đây), trở lại với đời sống văn chương nước nhà có đôi chút bỡ ngỡ ban đầu với tôi. Nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ (Hội NVVN), mời tôi đến chơi, hỏi thăm tình hình công tác và đời sống ở xứ tuyết trắng và bạch dương. Rồi ông đưa ra một cuốn tiểu thuyết có tên Bến không chồng (Nxb Hội Nhà văn, 1990) cũng của một nhà văn từng khoác áo lính – Dương Hướng – đề nghị tôi đọc và có thể viết phê bình cho Báo Văn nghệ. Phải ngược lại thời gian ở Liên- Xô (trước đây). Tôi đã ngẫu nhiên gặp một phụ nữ, đúng hơn là một bà lão người Nga, vào thời điểm mùa đông 1988 sang đến mùa hè 1989. Trong khuôn viên của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xôp, khi đó bà đã 64 tuổi, còn tôi mới 37 tuổi. Bà kể rằng mình đã ngồi đúng vị trí này từ tháng 8 năm 1945, sau chiến tranh, để chờ người yêu (!?). Theo lời bà kể, tháng 8-1941, người yêu bà đã lên xe quân sự ra mặt trận chính ở bãi đất trống, đúng chỗ sau này người ta xây trường đại học danh tiếng nhất Liên – Xô. Một người đàn bà ngồi chờ người yêu hơn 40 năm trong hy vọng, vì anh ấy chỉ “mất tích” (!?). Đó là một cổ tích giữa đời thường, Một bến không chồng kiểu Nga, một tính cách Nga đặc trưng. Vì thế, khi đọc Bến không chồng của Dương Hướng tôi đồng cảm, đồng điệu. Bài viết đăng ngay sau đó trên Báo Văn nghệ (số 12, ra ngày 23-3-1991). Trong bài phê bình, tôi ướm rằng tác phẩm của Dương Hướng sẽ lọt vào mắt xanh của các Ban Giám khảo, điều ấy thành hiện thực khi Bến không chồng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1991), cùng với Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh và Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Những số phận cay đắng, tủi cực trong Bến không chồng như bà Nhân (mẹ Hạnh), Hạnh, Thủy,…đều không chồng theo cả nghĩa đen, cả nghĩa bóng. Đó là hậu quả ghê gớm nhất của chiến tranh. “Bến không chồng” trở thành một biểu tượng, một ám ảnh nghệ thuật sâu đậm trong tâm trí người đọc.
Năm 1992, nhà văn Chu Lai trình làng văn tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (Nxb Hội Nhà văn). Thư viện Hà Nội có kế hoạch giới thiệu sách mới của nhà văn vốn là lính đặc công. Không hiểu duyên cớ gì ông lại tìm và nhờ tôi làm diễn giả với lập luận nghe thuyết phục: “Em đứng bục giảng đại học lâu rồi, có kinh nghiệm nói cho người khác nghe khi họ chưa đọc tác phẩm”. Thực ra, trước khi nói chuyện ở Thư viện Hà Nội, tôi đã đọc rất hào hứng Ăn mày dĩ vãng. Cái cấu tứ của tác phẩm “ăn mày cửa Phật” được tác giả lấy làm điểm tựa, tôi cũng lấy nó làm đường hướng cho buổi nói chuyện và sau đó viết bài cho Tạp chí Văn nghệ quân đội (đăng số tháng 2-1993). Có hai kiểu “ăn mày dĩ vãng”: với một số người, dựa vào chút ít công lao trong quá khứ để kể công, tranh công, công thần, lấy hào quang quá khứ để biện minh cho hành động có thế sai trái trong hiện tại; ngược lại, một số người dựa vào quá khứ để bước đi vững chắc tự tin trong hiện tại, quá khứ trở thành ký ức lương thiện (ôn cố tri tân). Hai nhân vật Ba Sương – Hai Hùng (cặp đôi hoàn hảo) đã thể hiện chủ đề “ăn mày dĩ vãng”. Thế hệ chúng tôi trải qua gian khổ hy sinh, được rèn luyện bản lĩnh và nhân cách, đến tận hôm nay, khi bước vào tuổi 70, vẫn luôn luôn tựa vào quá khứ để tự hoàn thiện mình. Không có gì đáng xấu hổ khi thế hệ chúng tôi vẫn tự nhận mình “ăn mày dĩ vãng”.
Tinh thần phê bình – đối thoại văn hóa
Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển đang yêu cầu chúng ta (mỗi cá nhân, quốc gia) gia tăng quan hệ trên nguyên tắc đối thoại thay cho đối đầu, đối thoại thay cho độc thoại. Nếu có điều kiện trở lại tìm hiểu hoạt động phê bình văn học trước 1945, sẽ nhận thấy tiền nhân của chúng ta rất giàu tinh thần đối thoại, một biểu hiện của dân chủ học thuật. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là không có học phiệt. Đối thoại văn hóa trong phê bình văn học nghệ thuật đòi hỏi người viết phải công tâm, công bằng, khách quan và khoa học trong đánh giá. Nhưng quan trọng hơn cần phải có dũng khí/tiết tháo của một ngòi bút phụng sự Chân – Thiện – Mỹ, thấu triệt sức mạnh của cái đúng. Đấy là lý do vì sao không ít người viết phê bình hay né tránh những vấn đề hóc búa, đã đành, né tránh cả những cái sai rõ ràng dưới thanh thiên bạch nhật, nhưng không dám động bút, giữ thái độ “im lặng là vàng” (!?). Tất nhiên, lấy cớ/ nhân danh đối thoại nên hiện nay diễn ra tình trạng ném đá nhau, huy động tiểu xảo để chụp mũ, hạ bệ nhau. Tình trạng này đã, đang tồn tại một cách đáng tiếc.
Khi tiểu thuyết Cơ hội của Chúa (năm 1999) của Nguyễn Việt Hà ra mắt công chúng, khen chê đều sôi nổi. Nhưng chưa có tiếng nói chính thức từ giới phê bình trên báo chí. Khi đọc tiểu thuyết này, tôi thấy cần phải phê bình đối thoại văn hóa với tác giả và đồng thời với tất cả những ai tin rằng trên thế gian này nhờ có “cơ hội của Chúa” mà chúng ta vượt qua được những hậu quả khôn lường của thiên tai, dịch bệnh, tội ác, chiến tranh, thậm chí có thể vượt qua được đói nghèo, lạc hậu, trì trệ. Bài phê bình của chúng tôi có tựa Không có cơ hội của Chúa (đăng trên Báo Văn hóa, số 494, ra ngày 11-8-1999). Trong phê bình, chúng tôi nhấn mạnh một ý: “Bạn đọc có thể bối rối nhưng nhà văn không được quyền bối rối”. Phải chăng, khi ta mất niềm tin thì sinh ra tâm trạng bối rối (!?). Gần như cùng lúc, nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng cũng có bài phê bình Cơ hội của Chúa đăng trên tuần báo Văn nghệ. Tinh thần phê bình thống nhất với chúng tôi. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh thuyết phục chỉ có sự đồng lòng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta mới chiến thắng ngoạn mục “con vi rút vô hình” nhưng có sức mạnh hủy diệt. Không có một cơ hội nào ngoài con người, không có một niềm tin hoang đường nào bằng chính lòng tin của chính chúng ta! Ai đó nói, cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới, ai đó lại nói, chỉ có tình thương mới cứu rỗi được thế giới (!?). Hình ảnh Việt Nam qua mùa đại dịch trong con mắt bạn bè quốc tế đã minh chứng cho cách chúng ta biến nguy thành cơ bằng chính hai bàn tay và khối óc của gần 100 triệu người dân biết cách cố kết sức mạnh của con người chứ không phải đến từ cái gì/lực lượng nào khác.
Gần nhất chúng tôi viết phê bình Luận về thế hệ nhà văn sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (đăng trên Tạp chí Lý luận, phê bình Văn học – Nghệ thuật, số 4-2020). Với khảo sát sáng tác của 40 cây bút, thế hệ sinh sau 1975, chúng tôi đối thoại với họ: “Thế hệ 75, theo chúng tôi, thiếu hành trang đi xa ngay chính trên đất nước mình, chưa nói đến việc đi ra thế giới còn do chỗ thiếu trải nghiệm sống”, “Thế hệ này muốn đi xa, đi đường dài với văn chương thì tối cần thiết phải trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa nhiều hơn, sâu hơn, cao hơn”. Đó cũng là quan niệm của chúng tôi về văn hóa của nhà văn và sự phát triển văn học bền vững.
Tinh thần phê bình đón đợi
Đón đợi, trong trường hợp này chúng tôi muốn nói đến năng lực phát hiện, dự báo của người viết phê bình văn học. Đây là một yêu cầu rất cao, có tính lý tưởng. Quan sát thực tiễn thì nhiều người làm được, nhưng từ thực tiễn tìm được đường hướng vận động của đời sống văn chương thì không hề dễ dàng. Muốn thực thi được nhiệm vụ khó khăn này, người viết phê bình văn học phải tinh thông lý thuyết văn học. Hiện nay, các lý thuyết phê bình văn học thế giới đang ào ạt đổ bộ vào Việt Nam trong bối cảnh mở cửa (Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Phân tâm học, Sinh thái học, Nữ quyền luận, Ký hiệu học,…). Không thể không nói về tình trạng bội thực thông tin lý thuyết nhập cảng. Nhưng đôi khi “cũ người mới ta” mà vẫn được vồ vập săn đón với không ít người viết phê bình. Cái khó là vận dụng thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại theo cách/ phương pháp/ tinh thần tiếp biến văn hóa để xử lý những yêu cầu thực tiễn văn học nước nhà. Về phương diện này, phải nói thẳng là chúng ta chưa làm tốt.
Trong công việc chuyên môn, chúng tôi quan tâm tới lý thuyết thể loại, nói như nhà khoa học Nga M. Bakhtin, thể loại là “nhân vật chính” của tấn kịch văn học, còn trường phái, trào lưu chỉ là thứ yếu. Khởi đầu nghiên cứu văn học, chúng tôi tập trung vào thể loại truyện ngắn, sau đó là tiểu thuyết (được coi là cỗ máy cái, ngành công nghiệp nặng văn học). Khi quan tâm tới tiểu thuyết, chúng tôi nhận thấy một thực tế là nhà văn chúng ta quen/ thích viết trường thiên (những bột tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Bão biển của Chu Văn, Vùng trời của Hữu Mai cả nghìn trang). Dường như cho đến nay, nhà văn vẫn ít quan tâm/ tìm hiểu thị hiếu công chúng nghệ thuật thời hiện đại trong cơ chế thị trường và cơ chế văn hóa đọc đang cạnh tranh với văn hóa nghe – nhìn. Vấn đề quỹ thời gian của công chúng nghệ thuật rất đáng lưu ý trong một cuộc mưu sinh khó khăn gấp bội. Người đọc ngại/ không thích đọc dài vì thiếu thời gian nhàn rỗi. Mặt khác, thị hiểu thẩm mỹ của người Việt là thích cái vừa khoảng (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu, trong sách Đến hiện đại từ truyền thống, 1995). Cái vừa khoảng được hiểu là quy mô đối tượng phản ánh có khung khổ vừa phải, xinh xắn, ưa dùng, tiện lợi. Khi đọc lại tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ nửa đầu TK XX, chúng tôi thấy các nhà văn thường viết ngắn. Tiêu biểu như Tố tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, Sống mòn (1944) của Nam Cao, Bỉ vỏ (1938) của Nguyên Hồng,… đều cô đọng, ngắn gọn dưới 200 trang. Nhà văn đương thời hướng tới một công chúng phổ thông, thị dân, đại chúng. Sau 1954, nhiều tiểu thuyết hay thời kỳ đó cũng thường ngắn như: Đi bước nữa (1960) của Nguyễn Thế Phương, Mùa hoa dẻ (1957) của Văn Linh, Nhãn đầu mùa (1960) của Trần Thanh – Đào Xuân Tùng,… Từ quan sát thực tiễn, chúng tôi đón đợi một khuynh hướng viết tiểu thuyết ngắn trong văn chương đương đại Việt Nam bằng tiểu luận Dòng tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, 1986 – 2006 (đăng trên Tạp chí Nhà văn, Hội NVVN, số tháng 10-2006). Mười lăm năm sau, dự báo của chúng tôi được thực tiễn chứng minh. Đang tồn tại hiện thực một khuynh hướng tiểu thuyết ngắn trên văn đàn đương đại. Bây giờ, người đọc rất ngại ngùng khi cầm mua một cuốn sách dày, dẫu hay. Viết ngắn không phải vì ít vốn liếng đời sống, mà là theo nguyên tắc “đồng cảm sáng tạo”, nghĩa là chú ý đến mỗi tương liên biện chứng giữa nhà văn và người đọc. Nhà văn Vũ Xuân Tửu viết tiểu thuyết Hình bóng đàn bà chỉ ngót mấy chục trang, mỗi chương tương ứng với một chữ trong bảng chữ cái (24 chữ). Nếu nói tác phẩm văn học là một quá trình thì chính người đọc là nhân tố góp vào tạo nên quá trình đó.
Dự báo về “dòng văn học thân xác” trong văn chương đương đại. Năm 2011, tại Hội thảo khoa học “Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến nay” do Trường Đại học Sư phạm Vinh tổ chức, chúng tôi trình bày tham luận Về dòng tiểu thuyết “thân xác” trong văn học Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI. Tại hội trường, tham luận nhận được sự cổ vũ của cử tọa và nhiều câu hỏi hay, hóc búa được đặt ra. Nhưng khi biên tập Kỷ yếu để in sách thì Ban Giám hiệu Nhà trường đề nghị tác giả thay bài khác vì… lý do nhạy cảm. Tiểu luận này chúng tôi phải ém mãi đến tận tám năm sau mới có điều kiện đưa vào sách Thi pháp tiểu thuyết hiện đại (Tiểu luận – Phê bình, Nxb Thanh niên, 2019). Trong tiểu luận, chúng tôi trình bày quan niệm về vấn đề thân xác trong văn chương. Thân xác, bản thân nó không có lỗi, thậm chí thân xác là một nửa đời người, cũng như tình yêu và tình dục là hai mặt của một vấn đề. Suy cho cùng, nhà văn nhìn nhận và miêu tả như thế nào theo tinh thần “ca tụng thân xác” trên nguyên tắc của cái đẹp, hay vì một mục đích nào khác (lợi nhuận in sách). Điểm qua dòng tiểu thuyết thân xác (tiêu biểu như Tiểu long nữ và Gạ tình lấy điểm của Nguyễn Huy Thiệp, Thân xác của A Sáng, Sợi xích của Lê Kiều Như, Gái điếm của Nguyễn Văn Học, Lạc giới của Thủy Anna, Bờ xám của Vũ Đình Giang, Mảnh vỡ của Đào Bá Đoàn,…), có thể thấy các tác giả khi viết về vấn đề thân xác là đi sâu khám phá bản thể con người vốn được coi là miền cư trú của những bí ẩn tinh vi mang tính người. Nhưng có thể do non tay, yếu bản lĩnh nghệ thuật nên đa số trường hợp đã hạ mức viết xuống giải trí thuần túy, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người đọc được phóng chiếu, giải tỏa ẩn ức. Nó cũng đáp ứng nhanh nhu cầu kiếm tiền của người viết vì thị trường sách đang cần bán những loại “tiểu thuyết ba xu” như sự thừa nhận của Nguyễn Huy Thiệp. Từ thực tế viết về thân xác, một vấn đề muôn thuở đặt ra: không phải là viết về cái gì mà là viết như thế nào!
Viết về thân xác, lớp hậu sinh cần học cách viết của các nhà văn cổ điển Việt Nam và thế giới. Kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du không thể nói là không có chuyện thân xác. Nhưng tả vẻ đẹp thân thể của Thúy Kiều, tác giả cũng chỉ gói một câu: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Người đọc tha hồ tưởng tượng! Văn hào Colombia G. Mac-két trong tác phẩm Hồi ức buồn về những cô gái điếm trong đời tôi lại viết rất nhã về chuyện thân xác. Gần đây, bộ phim truyện Truyền thuyết về Quán Tiên (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều) đã cho chúng ta một bài học về nghe nhìn và thưởng thức nghệ thuật thứ bảy. Viết sâu về tính người nhưng không rời xa tình người, đó là nghệ thuật cao cường của nhà văn và những người làm phim Truyền thuyết về Quán Tiên.
Kết luận
Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống, phê bình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật là những mệnh đề cần nhập tâm với người làm công việc phê bình văn học nghệ thuật. Tất nhiên đó là lý tưởng. Mỗi chúng ta đang còn trên con đường thiên lý tới mục đích tối thượng một cách không hề dễ dàng.
Thi hào Đức Goethe (TK XIX) viết: “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Tuy nhiên, cả lý thuyết, cả thực tiễn đều cần thiết với người làm công việc phê bình văn học nghệ thuật, không nên “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, bản thân làm được một số việc có hiệu quả nhất định là do nỗ lực sống với văn chương cùng thời, do đọc liên tục, do giao tiếp trên tinh thần đồng nghiệp văn chương với các nhà văn thường đều, kiên trì lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm cùng họ, bạn bè của họ đôi khi có tri âm tri kỷ với ai đó. Nhờ thế trang viết phê bình của tôi bớt dần tính hàn lâm, kinh viện, thêm phần nhụy đời tươi xanh.
Luận về vị trí, vai trò của phê bình văn chương rất rộng. Tuy nhiên, tôi chỉ nghĩ giản dị, phê bình là bạn của sáng tác (vì cả hai đều sáng tác), cùng đồng hành trên đại lộ của cái Đẹp. Ai đó nói “phê bình ăn theo sáng tác” là không hiểu công việc phê bình. Tôi nghĩ, không cần cải chính, đính chính ý kiến không đúng đắn đó.
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn