Đền Bạch Mã, xưa thuộc địa phận phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, nay thuộc khu vực phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong đền hiện còn pho tượng thờ bằng gỗ, được đặt ở chính giữa hậu cung. Pho tượng này gắn liền với một số giả thuyết trái ngược nhau trong nhiều nguồn sử liệu. Thông qua các khảo cứu, phân tích ban đầu về lai lịch và nghệ thuật tạo hình bức tượng, bài viết này mong góp một minh giải.
Về thần chủ đền Bạch Mã
Theo bản vẽ kiến trúc đền Bạch Mã trong tập tài liệu Relevés de Monuments Anciens du Nord Việt – Nam (Khảo sát di tích cổ ở miền Bắc Việt Nam) của Trường Viễn Đông Pháp (L’école Française d’extrême orient) do Louis Bezacier thực hiện, xuất bản năm 1959 tại Paris, ở đây có duy nhất một pho tượng, đặt ở bên phải, trong hậu cung đền (thông thường, vị thần thờ chính của đền không đặt ở vị trí này). Louis Bezacier chú thích pho tượng là Phục Ba – tướng quân Mã Viện. Rất tiếc, trong tập tài liệu ấy, không có thêm phần nào ghi chép, mô tả lại diện mạo pho tượng. Không rõ có hay không một sự nhầm lẫn trên sơ đồ di tích đền Bạch Mã do Bezacier thực hiện, chỉ biết hiện nay, ở trong đền, ngoài một pho tượng được đặt ở chính giữa hậu cung đền, không còn pho tượng nào khác được thờ. Văn bia Trùng tu nội điện trong cung đền Bạch Mã, tạo năm Tân Mão (1951), còn ghi rõ, đền “phụng sự thần Bạch Mã tối linh, là một vị thần ở Thăng Long” và không nhắc gì tới việc thờ Mã Viện ở đây.
Phố Hàng Buồm vốn là phố có nhiều Hoa kiều ở, nên có không ít người, cả Việt và Hoa kiều, nhận lầm rằng đền Bạch Mã là đền thờ Mã Viện. Vả chăng, phần bởi trên phố này còn có Việt Đông hội quán, do người Hoa kiều, lập từ năm 1802, thờ Mã Viện và Quan Công, nên người ta càng nhận nhầm (1).
Phải khẳng định, thông tin đền Bạch Mã có thờ tượng Phục Ba – tướng quân Mã Viện đã tồn tại từ nhiều trăm năm trước, nên mới có việc “khảo chính sự nhận lầm đền Bạch Mã là đền thờ Phục Ba (tức Mã Viện)” của Trịnh Tuấn Am (người Trung Quốc), in trong quyển Việt Nam thần từ khảo chính (truyện Quảng Lợi Đại Vương), xuất bản năm Khang Hy 58, đời nhà Thanh (năm 1719). Cụ thể, theo như ghi chép của Trịnh Tuấn Am, “tại phường Hà Khẩu, kinh đô Việt Nam, có đền Bạch Mã, thấy có người chép là đền thờ Phục Ba – tướng quân Mã Viện. Tôi mới sang nước Nam, chưa nhận rõ, cũng tin như thế. Sau, tôi đến yết đền, xem bia không thấy ghi rõ đền dựng từ triều nào, năm nào, chỉ thấy ghi: đền lâu ngày đổ nát, một thương gia Trung Quốc cùng dân làng quyên tiền sửa chữa. Tôi lấy làm lạ vì Phục Ba tướng quân họ Mã, sao lại lấy chữ Bạch Mã mà đặt tên đền? Đến mùa thu năm Giáp Ngọ (1714), ngẫu nhiên, tôi được đọc quyển Việt điện u linh tập lục, thấy ghi chép sự tích các thần nước Nam. Về thần Đông thị ở kinh đô, thấy chép là Quảng Lợi vương, xưa đã hiển linh vào đời Cao Biền, đến đời Lý, lại rất linh ứng nên hằng năm, được nhà vua tế lễ. Hỏi chuyện mấy cụ già đều thấy nói, thần hiển hiện ngựa trắng, giúp vua đắp thành, anh linh vô cùng. Xét lời nói đúng như sách chép. Thần được phong Bạch Mã đại vương nên đền thờ thần mới gọi là Bạch Mã. Lại xét những danh hiệu mà thần được phong ở trong các tờ sắc, đối chiếu với các sách chép đều hợp nhau, tuy có chỗ là Quảng Lợi, có chỗ là Quảng Lại, kỳ thực vẫn là một vì chữ Lợi là tên húy của vua Thái Tổ nhà Lê (1428-1433), nên trong thời Lê mới đổi chữ Lợi thành chữ Lại” (2).
Khoảng 60 năm sau, sử gia Lê Quý Đôn, trong Kiến văn tiểu lục (năm 1777), cũng căn cứ vào Việt điện u linh để viết về miếu thờ Quảng Lợi linh hựu uy tế phu ứng đại vương. Tiếp đó, Thích An Hầu Phạm Thích, tiến sĩ – khoa thi Kỷ Hợi, triều Lê cũ (1779), trong bài ký trên bia sửa chữa đền Bạch Mã (Trùng tu Bạch Mã bi ký), tạo năm 1820, cũng ghi nhận: Bạch Mã đại vương là vị thần linh thiêng nhất ở Long Thành. Về danh hiệu của thần, Thích An Hầu Phạm Thích khẳng định: Xét về các vị thờ trong đền, về linh tích thần xưng hiện có hơi khác nhau, nhưng tóm lại chính là vị thần thành Thăng Long.
Như vậy, xét ra, vị thần thờ ở đền Bạch Mã là Quảng Lợi vương, hay cũng gọi là Long Đỗ vương, hoặc Long Đỗ thần, một vị thần ở Thăng Long, không phải là Phục Ba – tướng quân Mã Viện. Đại tự trên cửa hậu cung đền Bạch Mã còn ghi rõ Long Đỗ thần, và bức tượng trong hậu cung là phỏng tạc vị thần này.
Nghệ thuật và niên đại pho tượng thần chủ đền Bạch Mã
Hà thành linh tích cổ lục, trong phần ghi chép về đền Bạch Mã, có dẫn sử ký của Đỗ Thiện (thời Lý, cuốn sử này đã thất lạc), nhắc tới việc Cao Biền, do gặp cảnh linh dị khi đắp thành Đại La mà kinh hãi sai lập đền thờ, tạc tượng thần. Cũng theo tài liệu này, vị thần hiện lên là một người “đội mũ, mặc áo bào, tay cầm hốt và đi trong đám mây” (3). Trong Lĩnh Nam chích quái (truyện Thần chính khí Long Đỗ), lại chép hơi khác: “Một dị nhân mặc áo màu sặc sỡ, trang sức trông kỳ vỹ, cưỡi con rồng đỏ, tay cầm giản vàng, lơ lửng trong mây khói […]”. Cao Biền dùng sắt đúc tượng theo hình dạng thần nhân để làm bùa yểm nhưng không được, tượng sắt nát vụn ra mà bay lên không (4).
Tượng thần đền Bạch Mã – Ảnh: Vũ Hằng
Pho tượng thần đền Bạch Mã được tạc chính xác vào thời gian nào, đến nay, các văn bia hiện còn ở đền đều không nhắc tới. Căn cứ vào nghệ thuật tạo tượng, có thể nhận thấy, pho tượng hiện đặt trong hậu cung đền Bạch Mã mang đặc trưng phong cách nghệ thuật cuối TK XVII. Văn bia khắc năm Chính Hòa 8 (1687) ghi nhận, vào năm 1686, nhân dân tu sửa đền; có khả năng, pho tượng thần cũng được làm mới lại vào thời điểm này.
Trong trang phục áo bào đính bổ tử, tượng được tạc ở thế ngồi, hai tay đặt trên đầu gối, tay trái nắm vạt áo. Tượng được gắn liền trên một bệ vuông. Tượng cao 107cm, bệ cao 12cm. Cả khối tượng đặt trên một ngai chạm rồng, ngai thờ này mới được làm thêm vào sau này. Gương mặt ít nhiều bị hủy hoại do tác động của khói hương nhưng thần khí vẫn toát vẻ uy nghiêm. Đôi mắt mở to, đuôi mắt dài, sáng quắc như “ánh chớp”. Khuôn mặt chữ U, khối mặt đầy đặn, sống mũi cao, cánh mũi nở, miệng nhỏ. Các đường nét trên gương mặt không thể hiện rõ tính chất của một chân dung và gần như không đoán định được độ tuổi nhưng toát lên khí chất phi phàm của vị thiên thần thượng đẳng tối linh.
Về mặt tỷ lệ và cách tạo tượng có phần chau chuốt. Tượng có đôi tai to, dài, dái tai dày, cổ cao ba ngấn, vai vuông, ngực nở, trang phục ôm sát thân trên. Nhân vật dùng khăn phủ đầu, mái tóc đen dày, buông xõa ra sau, dài ngang lưng. Đây là lối để tóc thường thấy ở nam giới thời Lê trung hưng, các tượng vua, quan TK XVII-XVIII, như tượng chân dung vua Lê Thần Tông ở chùa Mật, tỉnh Thanh Hóa; tượng Hoàng tử Lê Đình Tứ, chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh; tượng Quận công Nguyễn Thế Mỹ, chùa Đông Dương, tỉnh Hải Dương… cũng được tạc với kiểu tóc này. Thần Long Đỗ đội mũ phốc đầu, 2 cánh chuồn dựng ngược lên, giống mũ xung thiên của đế vương; chiều dài 2 cánh chuồn ngắn hơn hậu sơn nên nếu nhìn từ phía trước, chính diện, thì không nhận thấy 2 cánh chuồn. Mũ màu đen, có trang sức vàng. Trán mũ, mặt trước hậu sơn và 2 bên vành mũ phía trên tai có trang trí hình tam sơn bồ đề diệp (lá bồ đề sắp thành hình tam sơn). Đối xứng hai bên lá bồ đề ở mặt trước hậu sơn còn có hai mảng trang trí rồng chạm nổi. Rất tiếc, do trải qua nhiều lần sơn thếp (trong quá trình tu sửa, bảo quản hàng trăm năm qua) nên mảng chạm bị tịt khối, tuy vậy vẫn có thể nhận thấy dáng dấp của hình tượng rồng thời Lê trung hưng. Ngoài ra, trên mũ còn có gắn thêm các hình hoa vàng; vành mũ có nạm nhiều hạt vàng nổi khối tròn. Theo sử sách, việc nạm vàng lên trán mũ của các vị thần là để phân biệt đẳng cấp. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn, trong Kiến văn tiểu lục (năm 1777): “Mũ vị thần thượng đẳng trang sức bằng vàng” (5). Phục trang cho tượng gồm áo cổ tròn (viên lĩnh) bên ngoài, áo vạt chéo (giao lĩnh) bên trong. Áo có phú hậu (phú: che; hậu: sau). Bổ tử đính rồng, áo thắt đai, buông dải thân, ống tay rộng, chân đi giày. Đai thắt thấp dưới bổ tử, trang trí dát vàng, hệ quả của những lần sơn thếp khác nhau khiến người thời nay không nhận được rõ ràng hình thức trang trí trên đai.
Một trong những dấu ấn rõ nét nhất của nghệ thuật tạo hình TK XVII trên pho tượng là ở tạo hình rồng trên bổ tử. Rồng cuộn tròn dạng rồng ổ, đầu rồng ở trung tâm mảng chạm, hướng mặt sang bên phải, nhìn ở góc ¾, lộ rõ sừng và tai trái, mũi lớn, râu rài, miệng há to đớp ngọc; thân rồng uốn khúc mạnh mẽ. Cũng giống tình trạng các mảng trang trí dát vàng trên mũ, đai, phần chạm bổ tử hình rồng hiện bị phủ một lớp sơn dày, làm mất đi các đường nét chạm khắc sắc sảo thường thấy ở nghệ thuật chạm khắc TK XVII. Dấu vết của những lần tô vẽ sau này còn thể hiện rõ trên những hoa văn hình rồng và mây lửa vẽ bằng sơn trên vai, ngực và thân áo. Những hình vẽ này mang đặc trưng hoa văn thời Nguyễn.
Có thể thấy, ngoại trừ việc tạo bổ phục hình rồng có phần tiếm lạm, hình thức trang phục của pho tượng thần ở đền Bạch Mã là rất gần với những quy định phẩm phục cho vị thần dự vào hàng tối linh, được định theo chế độ cuối thời Lê trung hưng. Vẫn trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, có ghi rõ: “Tháng 11 năm Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng (1767), Vương Thượng (tĩnh đô vương Trịnh Sâm) nhận thấy đền thờ các vị thần, đẳng cấp về mũ, áo, nghi trượng không phân biệt, hạ lệnh định ra chế độ, chép vào tự điển, vị thần nào dự vào hạng tối linh vẫn để như cũ, còn các bầy tôi lịch triều được dự bao phong phúc thần, đều theo lệ mới […] Mũ của các vị thần đội, đều dùng mũ phốc đầu: mũ vị thần thượng đẳng trang sức bằng vàng, trung đẳng quấn vàng, cấm dùng hình dạng mũ hợp xí xung thiên; áo mặc: đều dùng đoạn màu hồng, áo vị thần thượng đẳng có hai con rồng, trung đẳng dùng một con rồng, hạ đẳng dùng cá hóa rồng, cấm dùng hoàng bào, ngũ trảo và đại hội đoạn; bổ tử: thượng đẳng dùng hình long mã, trung và hạ đẳng dùng hình kỳ lân; đai dùng hông đa la hoa tê, thượng đẳng trang sức bằng vàng, trung và hạ đẳng quấn vàng; miệt: đều dùng màu đen; bao đựng áo, hòm đựng mũ đều sơn son, thượng đẳng vẽ hình con phượng, trung và hạ đẳng dùng hình đám mây, cấm vẽ hình rồng và chạm khắc…” (6). Như vậy, có khả năng, pho tượng thần ở đền Bạch Mã được tạc trước khi có quy định về phẩm phục các vị thần ở đền thờ của chúa Trịnh Sâm, và do vị thần được thờ dự vào hạng tối linh nên được “để như cũ”.
Khái quát lại, xét về mặt tạo hình, từ cách để tóc dài xõa sau lưng cho tới hình thức trang phục của pho tượng duy nhất ở đền Bạch Mã, Hà Nội, cho thấy rõ phong cách nghệ thuật tạo tượng TK XVII. Nhân vật được thể hiện là Quảng Lợi vương, cũng gọi là Long Đỗ vương hay Long Đỗ thần, một vị thượng đẳng tối linh thần ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Điều đáng kể, đây là một trong số những pho tượng thần có phong cách nghệ thuật sớm nhất hiện còn thấy trong đền thờ thượng đẳng tối linh thần ở Việt Nam.
_____________
1, 2, 3. Đền Bạch Mã, Hồ sơ về di tích lịch sử và nghệ thuật, bản sao lại của Vụ Bảo tồn bảo tàng, II (Hà Nội – Hải Phòng – Hưng Yên), tài liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tr.111, 123-124.
4. Trần Thế Pháp (biên soạn), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch), Nxb Trẻ, 2013, tr.138-39.
5, 6. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục (Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích), Nxb Văn hóa Thông tin, 2007, tr.67.
Tài liệu tham khảo
1. Louis Bezacier, Relevés de Monuments anciens du nord Viet Nam (Khảo sát di tích cổ bắc Việt Nam), Trường Viễn Đông Pháp (L’École Française d’extrême orient), Paris, 1959.
2. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nhã Nam, Nxb Thế giới, 2013.
3. Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Văn Nguyên (chủ biên), Địa chí Thăng Long Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm, Nxb Thế giới, 2007.
4. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh (Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh giới thiệu, hiệu đính), Nxb Hồng Bàng, 2012.
5. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn