Phong tục tết cổ truyền của một số nước châu á


 

Cảm giác hân hoan, vui sướng cùng những khát khao, hy vọng là điều luôn hiện hữu trong không khí tết của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, những biểu hiện này trong ngày đầu năm mới ở các nước châu Á đều có nét đặc sắc riêng. Với các dân tộc Á Đông, ngày tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi để đón chào năm mới, mà đây còn là dịp họ tổ chức nhiều lễ hội dân gian với những phong tục thể hiện ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, thanh bình.

1. Ngày tết ở Ấn Độ với những phong tục đa dạng

Là đất nước rộng lớn, đa dân tộc, đa tôn giáo ở Nam Á, nên ở Ấn Độ, ngày tết không đồng nhất về thời gian và cách thức. Nếu như người dân ở bang Gut gia rat tại miền Bắc ăn tết vào tháng 8, thì ở Vi gam người ta đón năm mới vào tháng 10. Điểm chung là, vào đầu năm mới, người Ấn Độ có tục lệ bắn cháy diều. Rất nhiều diều được thả trên trời, nhưng sẽ có một cánh diều lớn nhất được trang trí lộng lẫy. Khi cánh diều đang no gió và bay lượn trên khoảng không cao nhất, người Ấn sẽ dùng cung bắn cháy chiếc diều này bằng một mũi tên lửa. Lúc diều bùng cháy thì mọi cuộc vui của người dân ở đất nước Nam Á này được bắt đầu.

Trong dịp tết cổ truyền, người Ấn ở New Dehli có tục cọ mũi vào nhau để mừng tuổi và chúc tụng. Để chào đón năm mới, Ấn Độ tổ chức rất nhiều trò vui, nhưng ngày hội vui nhất và có ý nghĩa nhất là hội Đa va li, tức là hội đèn. Ngày hội này diễn ra khắp nơi trên đất Ấn Độ, từ thành thị đến nông thôn (1). Hội Đa va li được tổ chức để kỷ niệm ngày trở về của Rama – vị anh hùng trong thần thoại Ấn Độ – sau khi Rama thắng Ravana (ma của những quỷ thần). Để đón ngày tết cổ truyền của dân tộc, các ngôi nhà đều được quét vôi trắng, mọi đồ đạc trong nhà đều được sắp xếp lại sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Người dân ở bán đảo Nam Á rất háo hức đi mua quà. Họ tập trung tấp nập ở các cửa hàng để chuẩn bị cho hội đèn.

Từ sáng sớm, không khí lễ hội Đa va li rất nhộn nhịp. Vào buổi sáng của ngày hội, người Ấn dậy thật sớm, chọn mặc những bộ quần áo mới và đẹp. Sau đó, họ đến nhà nhau, nói những lời tốt đẹp để chúc mừng nhau và trao đổi tặng phẩm nhân dịp năm mới. Khi ánh nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn qua đi, cũng là lúc Ấn Độ thực sự đẹp. Trong đêm tối, quốc gia Nam Á với rất nhiều sử thi càng nhuốm màu huyền thoại bởi ánh sáng mờ ảo và lộng lẫy của rất nhiều hoa đăng. Những dãy đèn được thắp sáng với rất nhiều màu sắc được treo dọc theo trước mỗi nhà dân, đường phố, công viên… Pháo hoa bắn sáng rực trời trong niềm vui hân hoan, phấn khởi của người dân. Khi đêm đã về khuya, các thành viên của mỗi gia đình lại trở về nhà sum họp trong gian phòng đẹp nhất. Tại đây, họ thì thầm khấn vái La dơ mi – vị thần tượng trưng cho sự phồn vinh. Còn ở miền Đông Ấn Độ, đặc biệt là ở Bengan, người ta thờ Ka li – vị thần tượng trưng cho sự khỏe mạnh. Những hình tượng nữ thần Ka li thu hút sự chú ý của mọi người, đã được rước đi trước, rồi sau đó được thả trên sông cùng với rất nhiều hoa đăng. Khung cảnh lung linh, huyền ảo của nhiều khúc sông ở Ben gan càng làm cho lễ hội năm mới thêm trang trọng, thiêng liêng.

Tại miền Nam Ấn, ngày hội năm mới kéo dài 9 ngày. Mỗi nhà được trang trí những con búp bê bằng đất sét nung – tượng trưng cho các vị thần và các anh hùng. Buổi tối, người ta đi thăm viếng lẫn nhau. Ở Ben gan và các địa phương thuộc miền Đông Ấn Độ, lễ kéo dài 4 ngày và trong ngày cuối cùng, người ta tổ chức đám rước nữ thần Đua ga và thả đèn trên sông hay trên biển(2). Tất cả đều cầu mong mọi sự may mắn.

2. Ngày hội Năm mới ở Nhật Bản

Năm mới của người Nhật được gọi là O shogatsu, nghĩa là tháng đầu tiên của năm. Đây là dịp lễ được tổ chức phổ biến nhất và sôi động nhất trong năm trên xứ sở hoa anh đào. Ngay từ cuối tháng 12, ở lối vào mọi căn nhà đã bắt đầu xuất hiện những cây tre và cây thông trang trí. Vào những giờ cuối cùng của năm cũ, mọi người đều tất bật chuẩn bị mọi thứ cho ba ngày tết. Người Nhật có một phong tục đáng yêu là gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những người bạn và người thân nhân dịp năm mới.

Trong ngày tết, việc đầu tiên của người dân Nhật Bản là đi viếng đền chùa. Đây là phong tục đáng chú ý nhất trong nhiều phong tục đón Tết ở xứ sở hoa anh đào. Tác giả George Sansom cho biết, thời khắc giao thời trong đêm giao thừa, khắp nơi trên đất nước Nhật, người ta bắt đầu đi viếng các ngôi đền và chùa (3). Trong giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân nơi đây mong muốn mình sẽ là những người đầu tiên bày tỏ sự tôn kính với các thánh thần. Người dân vỗ tay gọi tất cả các vị thần linh với mong muốn các vị thần này chú ý, quan tâm tới mình. Với hành động như vậy, họ yên tâm khi cho rằng, các vị thần sẽ che chở và mang lại cho họ những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Không chỉ khấn bái, người đi chùa còn dâng cúng bài vị, bài chú cầu xin sức khỏe tốt lành và những cơ hội làm ăn thuận lợi. Đồng thời, họ còn đóng góp vào những hòm tiền cầu phước được đặt ở trong chùa, mua các lá bùa hộ mệnh cho mình và người thân. Không khí lễ hội cứ thế kéo dài cho tới ngày 7-1.

Vào ngày đầu tiên của Năm mới, các gia đình sum họp. Thức uống không thể thiếu trong buổi gặp mặt đầu năm này của người Nhật – đó là rượu sakê (một loại rượu đặc biệt được coi là để đảm bảo trường thọ). Bữa ăn gồm có món súp đặc biệt có bánh dày và những món ăn ngon lành nhất. Trong buổi không khí sum họp linh thiêng đầu năm mới, người Nhật vui vẻ kể những câu chuyện tốt lành và cùng quên đi mọi ký ức đắng cay. Rồi mọi người mở những bức thiệp mừng năm mới, đọc to lên những lời chúc tốt đẹp trong niềm vui vô hạn. Cũng giống như Việt Nam, trong những ngày tết, người Nhật tới thăm chúc tết họ hàng và bè bạn và tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí… Dù hiện nay có nhiều trò chơi của xã hội hiện đại, nhưng nhiều trẻ em Nhật Bản vẫn thích thưởng thức các trò chơi truyền thống như đánh cầu lông, chơi quay, thả diều và sugôrôku (một kiểu chơi xúc xắc của Nhật).

Nhà nghiên cứu Donald Richie đã rất có lý khi cho rằng, đối với các cư dân phương Đông nói chung và Nhật Bản nói riêng, “năm mới thực sự là một chương mới, một sự tái sinh” (4). Vào những ngày đầu năm mới, mọi người ai cũng cảm thấy tràn trề sức mạnh và niềm tin yêu cuộc sống.

3. Tết ở các quốc gia Đông Nam Á

Tết năm mới ở các nước Đông Nam Á cũng không hoàn toàn giống nhau về thời gian, đồng thời, màu sắc phong tục, lễ hội tết ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Duy ở Lào và Thái Lan, khí hậu được phân thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm này tới tháng 4 của năm sau. Năm mới của Lào (Bunpimày) được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15-4 hàng năm (tết Phật lịch), là thời điểm mùa khô kết thúc và bắt đầu chuyển sang mùa mưa, cũng là thời điểm mở đầu một chu kỳ sản xuất nông nghiệp của một năm. Tết Song kran của người Thái Lan thường kéo dài 3 đến 4 ngày, ở miền Bắc Thái Lan kéo dài 5 đến 6 ngày và được gọi là Pimày (té nước). Ngày thứ nhất là ngày chuẩn bị. Buổi sáng hôm đó dành cho việc mang đồ ăn lên chùa và biếu quà cho những người cao tuổi. Ngày thứ hai, các gia đình đem cát tới chiếc sân nhỏ của chùa làm thành những hình chêdi, sau đó mang rải khắp khu vực chùa. Nhờ hành động công đức này của các gia đình mà mỗi năm khu vực chùa một cao, sạch, đẹp hơn. Ngày thứ ba, mọi người dâng thức ăn lên các sư. Nước thiêng được mang đi tắm cho các tượng Phật, khắp nơi tưng bừng hội té nước. Ngày thứ tư, dân tới thăm nhà sư, con cái thăm bố mẹ, học trò thăm thày. Người được thăm vẩy nước thiêng lên người đến thăm, ban phúc. Những ngày tiếp sau là vui chơi.

Ngày hội năm mới tại Myanmar được gọi là hội nước (Thingyan). Từ ngày mùng 1 tháng Đagu (tháng 1 theo lịch Myanmar, tức là vào khoảng nửa đầu tháng 4 dương lịch), là thời gian người Myanmar bước vào ngày hội nước. Qua tìm hiểu các lễ hội của Myanma, có thể thấy đây là ngày hội duy nhất còn lưu giữ được nhiều phong tục đẹp, nhiều truyền thống cổ của người Myanmar. Dựa theo tính toán của các nhà chiêm tinh, người dân Myanmar có thế biết được ngày giờ thần Thingyan xuống hạ giới – đó khoảng thời gian thuộc về nửa đêm về sáng ngày mùng 1-1 (tháng Đagu) (5). Người dân Myanmar tổ chức chào đón vị thần này bằng một loạt pháo. Khi tiếng pháo vừa chấm dứt, tất cả dân chúng đều đổ ra đường. Nhà của ai cũng mở rộng cửa, đèn thắp sáng trên các đường phố, cây cối, cửa hàng, tỏa sáng trên các mặt hồ, mặt sông… chào đón thần Thingyan. Trên tay ai cũng có một bình nước đầy, bên trong có một vài ngọn lộc năm mới Tha bye. Sau nghi thức khấn vái trời đất, họ trang trọng đổ nước xuống đất với hy vọng nước sẽ đẩy trôi những điều không hay trong năm cũ và những điều may mắn sẽ ở lại. Vào sáng sớm ngày hôm sau, tất cả mọi người dân Myanmar đều lên chùa, thực hiện các nghi lễ với nhà chùa, các nhà sư và té nước chúc mừng nhau (6).

Trước khi bước vào năm mới, mọi người đều tắm bằng nước lá thơm để gột rửa những tội lỗi, rủi ro của năm cũ, làm cho tâm hồn tinh khiết, đón chờ những điều may mắn trong năm mới. Nước thơm được làm bằng việc đun nước sạch (hoặc thứ nước lấy ở những nơi linh thiêng) với lá thơm. ở Lào, thứ nước này được làm từ hoa Chămpa (hoa đại). ở Lào và Thái Lan tuy không có nghi lễ đón thần Thingyan, nhưng cũng giống như người Myanmar, ngày đầu tiên của năm mới, người dân lên chùa cùng các nhà sư quét dọn chùa, lau tượng phật, đắp núi cát. Tại chùa, nước thơm trước tiên được đem ra tắm cho các pho tượng, tiếp đó, tất cả những người dự lễ được nhà sư vẩy nước thơm và chúc phúc. Sau cùng mọi người đọc kinh cầu phúc và dâng tiến mọi đồ vật vào chùa. Khi thủ tục ở chùa xong xuôi, mọi người tỏa về các nhà và bước vào lễ hội té nước.

Mọi gia đình ở Đông Nam Á đều trang trí nhà cửa thật đẹp cùng bánh trái dâng lên chùa và để tiếp khách. Trên đất nước Lào, các đám rước diễu hành ở khắp mọi nơi. Nhìn khung cảnh đám rước, người ta liên tưởng đến lễ hội hóa trang carnaval nổi tiếng. Đoàn người tham gia đám rước được hóa trang một cách đặc biệt: người trát bùn, cởi trần hoặc mặc áo rách bươm, tô điểm đầy người, đầu đội mũ lông chim hoặc các loại cỏ lá… Người tham gia có thể hóa trang thành người khác giới, chơi các nhạc cụ truyền thống, làm tưng bừng náo nhiệt những nơi mà họ đi qua. Người ta tổ chức múa lăm vông, biểu diễn các trò chơi dân gian. Còn tại Thái Lan, lễ hội té nước diễn ra sôi nổi nhất ở vùng Bắc và Đông Bắc – nơi khí hậu khô nóng và ít mưa, mà tiêu biểu nhất phải kể đến cố đô Chiềng Mai, lễ hội được tổ chức rất trang trọng và náo nhiệt. Tại các đám rước, trong trang phục truyền thống, các cô gái xinh đẹp đeo bên mình các lọ nước bằng bạc. Người Thái tổ chức nhảy múa và tiến hành nhiều trò chơi dân gian trong suốt thời gian lễ hội năm mới. Đồng thời, trong dịp tết, dân ở nhiều nơi còn thực hiện nghi lễ phóng sinh, mở các lồng chim, thả cá xuống sông. Làm nhiều việc thiện khiến họ thanh thản với suy nghĩ rằng, trong năm mới, họ sẽ gặp nhiều may mắn hơn.

Để chuẩn bị chào đón năm mới, trước tết hai ngày, người dân Inđônêxia luôn có ý thức dọn dẹp sạch sẽ và trang trí lại nhà cửa. Việc đầu tiên là họ mang những tượng thần trong nhà hoặc trong chùa cùng các lễ vật linh thiêng ra bờ sông hay bờ biển, làm lễ tắm rửa cho thần. Tiếp đó, họ làm nghi lễ xin nước về làm sạch nhà cửa, cơ thể… đón năm mới. Ở Philippines, tết cổ truyền được gọi là Ati Atihan. Đây là ngày hội lớn nhất trong năm được tổ chức vào hạ tuần tháng giêng. Người dân Philippines nô nức kéo về thành phố Calibon trên đảo Ganay để tham dự ngày hội năm mới. Ati Atihan bắt nguồn từ phong tục của dân da đen trên đảo. Họ ăn mặc theo người Trung cổ, quần áo trận, tay cầm khiên, giáo mác có vẻ hình đầu lâu. Nhiều đoàn diễu hành có xe hoa chạy quanh phố và có giám khảo chấm điểm, phát thưởng.

Trong những ngày tết, người Philippines có phong tục tắm sông, coi tắm sông là một điều lý thú và một công việc để giải trí sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nếu tắm ở nhà thì phải theo một công thức nhất định: dùng gáo dừa múc nước ở chum dội từ đầu đến chân cho đến khi hết nước, sau đó, họ gội đầu bằng thứ nước có ngâm vỏ cây trinh nữ gọi là gôgô (7). Tục tắm chung trên sông còn thấy ở đồng bào Chàm thuộc miền Nam Việt Nam trong các dịp lễ cưới hoặc cắt bao quy đầu. Trò chọi gà phổ biến ở các nước Đông Nam Á, những không ở đâu trò chơi này lại được đam mê và hưởng ứng như ở Philippines. Trong mỗi làng đều có sân chọi gà – đó là cái chòi cao bằng gỗ và tre, mái lợp lá cọ như những ngôi nhà của người Tapalog. Đến ngày lễ các cuộc chọi gà lại diễn ra thu hút sự quan tâm của tất cả dân làng.

Ngày tết ở các nước châu Á vừa vui nhộn, vừa thiêng liêng bởi yếu tố lễhội. Sự thành kính của người dân trước thời khắc chuyển giao của đất – trời càng làm không khí năm mới thêm trang trọng. Trong ngày tết, mọi người dân Á Đông dường như cảm nhận chung một điều rằng, tất cả mọi vất vả, cay đắng đã trôi đi cùng năm cũ, thay vào đó là những ấp ủ, hy vọng của họ vào một năm mới tốt lành hơn.

_______________

1. Đọc thêm: Bùi Thị ánh Vân, Nguyễn Thị Kim Chi, Lễ hội dân gian truyền thống Ấn Độ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 6-2012.

2. Nguyễn Thừa Hỷ, Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1986.

3. George Sansom, Lược sử văn hóa Nhật Bản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.

4. Donald Richie, Tìm hiểu Nhật Bản: từ vựng – phong tục và quan niệm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.12.

5. Văn hóa lễ hội của các dân tộc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1992, tr.87.

6. Vũ Quang Thiện, Vũ Thị Oanh, Ở xứ chùa Vàng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1988.

7. Đức Ninh (chủ biên), Tìm hiểu lịch sử văn hóa Philippin, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Bùi Thị Ánh Vân – Đỗ Thu Hường

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *