Jataka – những câu chuyện kể về tiền thân (kiếp trước) của Đức Phật (hay Kinh Bổn Sinh), vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, ra đời vào TK II – III trước CN gồm 547 truyện. Do sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh điển Phật giáo và kho tàng văn học dân gian phong phú nên được đông đảo độc giả không chỉ tại lục địa Ấn mà nhiều nơi trên thế giới đón nhận, đặc biệt tại Lào và Đông Nam Á. Trong quá trình giao lưu, văn hóa – văn học Ấn Độ, người Lào đã vay mượn cốt truyện, đề tài, hình thức tác phẩm Jataka để tạo lập kho tàng truyện kể độc đáo cho riêng mình. Với ý nghĩa như vậy, Jataka từ một văn phẩm ngoại lai, trải qua quá trình bản địa hóa luôn được tái sinh ở hình thức mới, trở thành tài sản riêng của đất nước triệu voi.
1. Các con đường dẫn đến quá trình bản địa hóa Jataka ở Lào
Đề cập đến các con đường dẫn đến quá trình bản địa hóa Jataka ở Lào, người viết muốn tìm hiểu: bằng cách nào hệ thống truyện kể Jataka từ Ấn Độ có thể hòa vào kho tàng truyện kể dân gian bản xứ và trở thành tài sản riêng của xứ sở hoa Chăm pa? Thực ra, quá trình du nhập một tác phẩm văn học từ bên ngoài vào một quốc gia khác khá quanh co, phức tạp. Trường hợp Jataka ở Lào cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, có thể định danh 3 con đường chính dẫn đến sự du nhập văn phẩm Jataka vào kho tàng truyện kể dân gian Lào gồm: con đường truyền giáo (Phật giáo), con đường bác học và con đường dân gian.
Bằng những con đường ấy, Jataka của Ấn Độ đã thật sự tắm mình trong không gian môi trường văn hóa bản địa của Lào. Yếu tố ngoại sinh (Jataka Ấn Độ) do đó được cấy lên cơ tầng văn hóa của Lào. Tùy vào tâm lý, tính cách cộng đồng, bối cảnh lịch sử, người Lào đã tiếp thu kinh điển Phật giáo này theo những cách riêng của họ. Đồng thời tạo ra những biến thể Jataka có nhiều điểm tương đồng song cũng không ít dị biệt. Về cơ bản, có thể mô hình hóa con đường du nhập Jataka vào Lào theo sơ đồ sau:
2. Tính bản địa hóa của Jataka ở Lào trên các cấp độ
Bản địa hóa một tác phẩm văn học là quá trình tiếp thu trực tiếp hay gián tiếp các văn phẩm nước ngoài trên cơ sở những yếu tố sẵn có. Sau đó, tác giả biến đổi ít nhiều cho phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc, tạo ra một văn phẩm mới mang hơi thở, hồn cốt dân tộc đó. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi triển khai quá trình bản địa hóa Jataka ở Lào trên 3 cấp độ: cấp độ cốt truyện, cấp độ hình thức kể chuyện và cấp độ kết cấu.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy xu hướng mượn cốt truyện trong Jataka là chủ yếu. Có nhiều truyện tác giả dân gian Lào vay mượn cốt truyện trong Jataka để tạo ra các văn phẩm bản địa. Mục đích của việc vay mượn này là để hướng tới việc giải thích nguồn gốc sự vật (Sự tích hình thỏ trên mặt trăng, Sự tích của rượu, Sự tích lời chúc tụng) hoặc các sự tích về người anh hùng, các hiện tượng lịch sử – xã hội, phong tục, tập quán, lễ hội (Hoàng tử Vệt xanh đon, Đạo sĩ kiện hổ…). Rõ ràng Jataka gốc đã có sự thay đổi phù hợp với các yếu tố dân tộc Lào. Nhân dân luôn có xu hướng loại bỏ các yếu tố thuộc về vũ trụ quan của văn hóa ngoại lai, chỉ giữ lại những gì dung dị, gần gũi và phù hợp nhất với quan niệm nhân sinh, đạo đức của mình. Nguyên nhân vay mượn là để người ta tin rằng những câu chuyện đó có thật chứ không phải hoang đường. Hơn nữa, tác giả dân gian mang trong mình một cảm quan Phật giáo sâu sắc: nhìn đâu cũng thấy Đức Phật và các câu chuyện về tiền kiếp của Ngài.
Đó là hình thức kể chuyện để thuyết pháp. Xiêu Xa Vạt là truyện chuỗi gồm 30 truyện thể hiện trí tuệ của chàng trai thông minh có tên là Xiêu Xa Vạt, thông qua các đoạn đối thoại của chàng với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Ở truyện đầu tiên trong chuỗi 30 truyện, người bố đã mượn một câu chuyện liên quan đến Đức Phật để khuyên hai con: “Các con yêu quý, mọi việc trên đời này không việc nào là không cụ thể cả. Cho nên, phải nghe tận tai, phải thấy tận mắt thì mới tin được”. Để chứng minh điều này, ông kể cho các con nghe Chuyện con chim chích chòe. Ngày xưa, trong một tiền kiếp, Đức Phật từng là một con chim chích chòe. Cha mẹ nói là chim còn nhỏ thì không nên bay xa. Chim không nghe lời, làm trái ý cha mẹ và cứ bay ra ngoài kiếm ăn. Một hôm gặp đại bàng, nó quắp lấy chích chòe định tha đi. Nhờ sự nhanh nhẹn, thông minh, chích chòe đã thoát được cơn nguy hiểm. Ở truyện khác, trong Xiêu Xa Vạt, người cha muốn thuyết pháp cho con: “Nói với người nên nói lời tốt đẹp, không nên nói lời xấu xa. Còn nghe thì nên nghe điều thiện, chớ nên nghe điều ác”. Để làm sáng tỏ điều đó, người cha viện dẫn Chuyện con chim khách: trong một khu rừng nọ, chim mẹ đẻ được hai chim con. Một hôm trời nổi gió, tổ chim bị nát. Hai chim non, mỗi con rớt một nơi. Người thợ săn bắt được một con, một con thì rơi vào tay nhà tu hành. Cả hai đều đem chim về nuôi dạy theo cách riêng của mình. Kết quả là chim do người đi săn dạy thì toàn nói những câu độc ác như: bắn chết, giết đi, vặt lông, mổ bụng. Còn con chim ở với nhà tu hành thì toàn nói những lời tốt đẹp như: từ bi, bác ái, vị tha.
Dù nội dung thuyết pháp không phải là các vấn đề liên quan đến giáo lý Phật giáo như Đức Phật thường dạy cho các môn đệ thì một sự thật không thể phủ nhận là người Lào đã mượn hình thức này trong Jataka, mượn Chuyện tiền kiếp Đức Phật để minh họa cho chân lý. Do vậy, quần chúng dễ tin, dễ hiểu và dễ thấm nhuần vào trái tim khối óc hơn.
Khảo sát kho tàng truyện cổ Lào, có thể thấy một số truyện người Lào vay mượn kết cấu trong Jataka để tạo ra các văn phẩm mang tính bản địa.
Truyện Xiêu Xa Vạt là một tập hợp thống nhất của nhiều truyện kể dân gian được liên kết với nhau theo phong cách xâu chuỗi. Toàn bộ câu chuyện kể về chàng Xiêu Xa Vạt. Anh sinh tại mường Pha La Na Xi. Một hôm, người cha gọi anh và anh trai là: Xa Xi Liểu đến để hỏi vài câu. Qua việc đó, người cha nhận ra Xiêu Xa Vạt không chỉ là người thông minh, tài trí mà còn có trái tim nhân hậu, sau này nhất định sẽ tiến xa. Ông đã kể cho hai con nghe các câu chuyện, giúp các con rút ra những bài học bổ ích trong cuộc sống. Tiếp theo, là 30 câu chuyện nhỏ, những câu chuyện người cha kể cho con nghe. Đó là các truyện liên quan đến hành trình của Xiêu Xa Vạt trên con đường đấu tranh cho công lý, bảo vệ lẽ phải, chống lại cái ác. Đặc biệt, tác giả dân gian nhấn mạnh đến các lần đối thoại của Xiêu Xa Vạt với tên vua gian ác và xảo quyệt. Trong 30 câu chuyện này, lại có nhiều người kể tiếp, họ thi nhau kể lại các câu chuyện của mình, cứ chuyện nọ tiếp nối truyện kia. Có thể xem đây là một tập truyện gồm nhiều truyện có kết cấu kiểu xâu chuỗi hay là truyện khung. Cũng giống như Đức Phật đã dùng hàng mấy trăm câu chuyện để cứu rỗi chúng sinh, Xiêu Xa Vạt dùng nhiều mẩu chuyện để cứu bao nhiêu người thoát nạn, giúp nhà vua cai trị đất nước được yên bình.
Một truyện nữa của Lào có kết cấu truyện khung là Phra lac – Phralam, vừa là một Ramayana, vừa là một Jataka với kết cấu 3 phần: hiện tại – quá khứ – hiện tại. Câu chuyện kể về hai anh em sinh đôi là: Phra Lak – Phra Lam trong cuộc chiến chống lại Hapkhanasouane (kẻ luôn có âm mưu hãm hại Đức Phật). Người này giữ trong lòng mọi sự tham, sân, si, luôn ghen tị trước đạo hạnh của Đức Phật nên tìm cách hãm hại.
Khi thì giả làm thợ săn để bắt người; khi thì xúi giục kẻ khác đâm mũi tên vào Ngài; khi xuyên tạc phẩm giá của Ngài trước các đệ tử; năm lần bảy lượt đòi lấy mạng Ngài nhưng Ngài đều thứ tha, bình thản, dùng từ tâm của mình để cảm hóa kẻ thù). Câu chuyện minh họa cho triết lý giản đơn: “gieo gì gặt nấy”.
Về mặt hình thức, đây là tác phẩm có kết cấu của một câu chuyện tiền thân (giống Jataka) với 3 phần. Phần cơ duyên, ở Vat Savathi, một ngày kia, Đức Phật kể cho tăng chúng câu chuyện Phra Lak Phra Lam, một trong những tiền thân của Ngài. Phần câu chuyện tiền thân, ở chuyện Phra Lak – Phra Lam: Trong tiền kiếp, Đức Phật từng là Phra Lam, vua của xứ nọ. Vua có người vợ vô cùng xinh đẹp, hiền dịu, đức hạnh là nàng Sida. Một phần vì ghen ghét với Phra Lam, phần vì háo sắc, Hapkhanasouane đã bắt cóc nàng về làm vợ. Câu chuyện vì thế là hành trình của Phra Lam trong cuộc chiến diệt quỷ dữ cứu người đẹp, là biểu tượng cho cuộc chiến chống lại các ác, cái xấu của người dân Lào. Ở phần nhận diện tiền thân, kết thúc chuyện Phra Lak – Phra Lam, Đức Phật giảng cho tăng chúng: Phra Lam trong kiếp trước chính là Ngài trong kiếp này, Hapkhanasouane trong kiếp trước chính là Thevathad (Devadatta), kẻ luôn thù oán và âm mưu hãm hại Đức Phật. Với dã tâm, những hành vi xấu xa trong kiếp trước, hắn đã nhận quả báo là bị đày xuống địa ngục để trả giá cho tội lỗi gây ra với Phra Lam.
Tóm lại, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của Jataka trong truyện kể dân gian Lào. Người Lào đã vay mượn cốt truyện, kết cấu, hình thức kể chuyện trong Jataka để tạo ra các văn phẩm mang tính bản địa. Nhưng tất cả đã được đơn giản hóa về cả nội dung lẫn hình thức làm cho tác phẩm gần gũi với nhân dân lao động và tinh thần folklore, hơn là sắc màu Phật giáo. Vô hình trung, Jataka từ di sản văn hóa của Ấn Độ đã biến thành di sản folklore của nhân dân Lào.
Từ ba con đường truyền đạo, bác học, dân gian, Jataka từ Ấn Độ đã du nhập vào đất nước Lào. Jataka đã được bản địa hóa ở ba cấp độ cốt truyện, cách kể, kết cấu. Các câu chuyện về Đức Phật dù đã qua nhiều thế kỷ vẫn có sức sống mãnh liệt, tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống văn học Lào. Jataka thực sự đã và đang được người Lào lưu giữ, bảo tồn như lưu giữ, bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc của họ. Jataka còn là một sợi dây gắn kết mọi người Lào lại với nhau, cùng nhau sống và làm việc trên tinh thần hài hòa, bình đẳng của Phật pháp.
Bài viết cùng chủ đề:
SỰ HÒA NHẬP LỐI SỐNG ĐÔ THỊ CỦA DÂN NHẬP CƯ TẠI TP.HCM
Lý giải động từ tiếc trong ca dao việt nam
Cai guo qiang, vụ nổ lớn